Thứ 7 - Chủ Nhật vừa rồi là cuối tuần thảnh thơi sau 2 tuần sấp mặt với deadline gấp từ công ty của tôi. Đúng nghĩa nghỉ ngơi, cũng đơn giản thôi:
- Thứ 7: Sáng ngủ dậy nhờ ánh sáng mặt trời lúc 9-10am gọi dậy thay vì tiếng tin nhắn hoặc báo thức. Kết nối loa, bật chiếc podcast nằm nghe tới trưa, rồi ăn trưa nhẹ và đọc sách tới chiều thì đi cafe, ngồi ngay ban công mát mẻ, ngắm Sài Gòn tối dần. Kết thúc ngày bằng chút đồ nướng Nhật nhẹ bụng.
- Chủ Nhật: Sáng ngủ dậy hơi oải vì đêm ngủ chập chờn. Lết qua Bình Thạnh ăn trưa xong ngồi host bộ bài self-discover. Ngồi lắng nghe một người anh chơi lâu năm nhưng ít khi mở lòng cho anh em (hoặc ít nhất với mình là con gái) tự kể câu chuyện của bản thân qua sự dẫn dắt từ bộ bài của mình. Sau đó nằm nghe nhạc tới chiều thì đi thay pin điện thoại (điện thoại xuống 67% dung lượng tối đa pin sau 6 năm dùng =)) rồi về nhà khi ngớt mưa, lại nằm đọc sách tới tối rồi đi ngủ.
Xong tôi nhận ra là mọi điều hạnh phúc đến với tôi thật nhẹ nhàng, tôi tận hưởng việc tự mình chìm đắm trong thế giới nội tâm riêng của mình, cũng như được lắng nghe những câu chuyện mà người khác rất ít khi mở lòng kể cho mình. Được lắng nghe câu chuyện của người khác là một điều may mắn, cảm giác như được sống trong khoảnh khắc mà người ta đang chia sẻ cho mình, đặt mình vào suy nghĩ và quan điểm của họ lúc đó để hiểu tại sao họ hành động và đưa ra quyết định như vậy. Được ở một mình là một điều tuyệt vời, vì khi ở một mình trong không gian riêng, không có ai xung quanh mà vẫn cảm thấy hạnh phúc thì chứng tỏ tâm hồn mình đang ở bên cạnh mình chứ không đi lang thang đâu đó.
Podcast tôi nghe sáng thứ 7 là STORII-TELLERS EP.07: VIỆT ANH & HÀ ANH TUẤN - “NHỮNG VẾT THƯƠNG LÀNH”:
Một podcast có khách mời là một người con của Hà Nội nhưng đang sinh sống ở nước ngoài, vẫn luôn hướng về quê hương và lấy cảm hứng cho các tác phẩm của mình từ những trải nghiệm sống của mình cũng như những điều nhỏ nhoi mà theo tôi chính là điểm gây thương nhớ cho bao nhiêu người trót yêu cái đẹp của Hà Nội. Con người được tạo ra từ những câu chuyện và vết thương, nó vô tình trở thành chất liệu sống của những kiệt tác do họ tạo ra. Với người nhạc sỹ, là những bài hát. Với người ca sỹ, là cách họ truyền tải bài hát tới khán giả. Với người họa sỹ, là cách họ phác những nét vẽ, phối hợp tông màu, điểm xuyết những họa tiết lên bức tranh của họ. Với những người làm Marketing và Truyền thông như chúng tôi, là cách chúng tôi thể hiện cái tôi và trải nghiệm của mình qua những sản phẩm, dự án.
Có một số câu nói thú vị tôi lưu lại trong note trên điện thoại sau khi nghe podcast này, nhưng để chia sẻ bên dưới, tôi xin được phép dẫn dắt bằng một số lá bài trong bộ self-discover:
1. Bất hạnh cũng là một loại tài sản:
Có một câu chuyện mẹ từng kể cho tôi (tôi không nhớ chính xác 100% nhưng tôi sẽ kể theo chi tiết tôi nhớ): trong 1 tập của chương trình Thiếu niên nói, người ông của 1-2 bạn học sinh (là anh chị em ruột) mới đứng trên bục sân khấu và chia sẻ câu chuyện về gia đình. Bố mẹ bạn ấy mất sớm và 2 bạn đó được ông bà một tay nuôi dạy cả về con người lẫn học hành. Mình nhớ ông 2 bạn đó là giáo viên nữa. Ông đã nói với 2 bạn đó rằng: "Bất hạnh cũng là một loại tài sản", đại ý là bởi vì con người sinh ra không được quyền lựa chọn hoàn cảnh sống, có những người sinh ra với đặc quyền hơn người nhưng cũng có người sinh ra trong nhiều sự thiếu thốn, cả về vật chất lẫn tình cảm. Tuy vậy, lấy sự bất hạnh, bất công ấy làm động lực cho bản thân phải vươn lên để ít nhất sống cuộc sống như một người bình thường rồi mới tới có ích cho xã hội. Dù sao thì, công bằng với người này là bất công với người khác, và chính vì ai cũng bị đối xử bất công, nó lại chính là sự công bằng.
Nhưng mà, chả ai không tiêu cực khi mình gặp phải những chuyện mình không làm ra nhưng mình phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của nó cả. Khó có thể tự an ủi bản thân bằng những câu từ chỉ dừng ở tai chứ không thực sự đến từ suy nghĩ và tinh thần cốt lõi cả. Theo thời gian, chúng ta học cách chấp nhận những gì chúng ta không thể thay đổi, và dành khoảng suy nghĩ và sự tập trung của chúng ta cho những sự việc chúng ta có thể kiểm soát được.
2. Có bình yên nào mà không xót xa:
Với phụ nữ hoặc con gái thì dễ, hỏi câu này thì chúng tôi có thể kể 7749 dịp chúng tôi khóc, khóc vì vui có mà khóc vì buồn cũng nhiều. Nhưng những câu trả lời đáng mong đợi lại đến từ những người đàn ông hoặc con trai, nếu họ có thể mở lòng và nói ra được việc khiến cho họ rơi nước mắt, dù cho có là ở một mình hay trước mặt nhiều người đi chăng nữa. Bởi vì theo bản năng giới, họ là giống loài thể hiện sức mạnh (masculinity) và việc bộc lộ cảm xúc yếu đuối là một hành động đi ngược lại với bản năng giới của họ. Chuyện họ có xu hướng ưu tiên giải quyết vấn đề và ít khi chia sẻ cho mọi người xung quanh hay bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, lo lắng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng tôi dành sự khâm phục và trân trọng tới những người, là đàn ông/con trai sẵn sàng suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân và nói ra được những gì họ giấu hoặc không có cơ hội chia sẻ, đặc biệt là những điều thể hiện sự thiếu kiểm soát bản thân. Thực ra là, không phải họ đang kể cho người khác. Mà họ đang đối diện với chính mình.
3. Không nên đi đến tận cùng của sự thật:
Sự tò mò luôn giết chết con người. Không phải sự thật giết chết người ta, mà sự tò mò nó khiến con người ta luôn quẩn quanh trong suy nghĩ, tự tưởng tượng ra các viễn cảnh và táy máy, vô tình không biết cần có điểm dừng. Giống như câu chuyện về lý thuyết nhị nguyên, sự việc này với bạn là đúng - nhưng với người khác thì chưa chắc (hoặc nói thẳng là sai), và ngược lại. Tất cả đều do góc nhìn, kiến thức/ trải nghiệm và niềm tin. Ngoài ra, có những chuyện trừ khi nói sai hẳn tính chất của sự vật/sự việc, thì có những chuyện, nếu mô tả trần trụi thì nó sẽ dễ tác động tiêu cực tới cảm xúc của người khác. Cùng sự vật/sự việc đó nhưng chúng ta học cách truyền tải nó nhẹ nhàng, mềm mại hơn, thì sẽ dễ dàng được tiếp nhận và chấp nhận hơn. Ấy thế mà, vẫn nhiều người gọi đó là nói dối :(
Trong tất cả mọi việc, tôi nghĩ rằng chúng ta đừng mong biết hết sự thật trần trụi, nó khiến cách chúng ta nhìn mọi thứ trở nên quá thực tế. Cuộc sống vốn phải có lên có xuống, có mơ mộng và thực tế, có pha trà và vẽ tranh, nên biết vừa đủ, vừa để bảo vệ cảm xúc của mình, giữ góc nhìn của mình về cuộc sống và những người xung quanh không trở nên tệ đi, cũng như để tự mình ngẫm về toàn bộ câu chuyện. Rồi bạn sẽ tự kết nối được mọi thứ và chợt một ngày, bạn sẽ hiểu ra toàn bộ sự việc, nhưng với góc nhìn thông suốt và đa chiều, ít bị cảm xúc chi phối.
À, nếu các bạn hỏi tôi là tôi hay nói dối trong tình huống nào, thì tôi hay nói dối mẹ là tôi về nhà lúc 8-9pm rồi. Thực chất tôi đi chơi còn không có mặt ở nhà cả đêm=))
4. Đôi khi nỗi buồn vẫn luôn còn đó, chỉ là nhớ hay quên:
Thực ra câu nói: "Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả" là một câu nói khá stupid. Tại sao có những người chỉ mất vài tháng, nhưng có người lại mất hàng năm hoặc thậm chí cả đời để vượt qua một sự tổn thương? Bởi vì nỗi buồn á, nó không mất đi. Nó vẫn luôn ở đó, len lỏi đâu đó trong suy nghĩ và trái tim của chúng ta. Có lúc nó bùng phát dữ dội, có những lúc âm ỉ. Có lúc bạn khóc nức nở thành tiếng, có lúc bạn lặng lẽ nằm chảy nước mắt. Điều gì khiến bạn vượt qua sự tổn thương á?
Không, bạn có vượt qua nó đâu? Nó vẫn luôn ở đó mà.
Kể cả cho dù bạn có đạt được một thành tích hay cột mốc nào đó trong cuộc sống, nó có thể khiến bạn quên đi những giọt mồ hôi, nước mắt trước kia và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, hướng tới tương lai. Nhưng ở một thời điểm nào đó, nhớ lại bạn đã từng khổ sở, dằn vặt về điều đó như thế nào, nó lại làm rối bời tâm trí bạn và quặn thắt trái tim bạn. Y như ngày này nhiều năm trước. Tại sao chứ?
Bởi vì vết thương ấy, kỷ niệm ấy, đã là một phần hình thành nên con người bạn bây giờ. Bạn không thể phủ nhận trải nghiệm đã tác động sự thay đổi cốt lõi trong bạn. Nó đã xảy ra, và không thể thay đổi được. Chỉ đơn giản là, bạn chấp nhận nó là một phần trong bạn, và bạn đứng dậy sống tiếp cùng nó. Và thỉnh thoảng, bạn nhớ về cảm giác đó, và đôi lúc, bạn quên. Nhưng nó là một phần con người bạn, bạn không thể rũ bỏ nó được.
Tôi cũng từng dành nhiều đêm khóc khi nhớ lại bản thân của hôm thức trắng đêm ở Sài Gòn, không gọi điện được cho bất cứ ai, không dám ra khỏi cửa để cầu cứu một ai. Bất lực. Đến gọi gia đình cũng đang chế độ máy bay. Những lúc nghĩ về thời điểm đó, tôi như được trải qua đêm đó một lần nữa, cảm giác quặn thắt từ ngực đến bụng chưa bao giờ chân thật đến như vậy. Nhiều lúc khóc không phải vì chuyện đã xảy ra, mà là khóc thương cho bản thân, không hiểu lấy nghị lực đâu ra mà vượt qua được cơn khủng hoảng đó. Vậy thôi, vẫn phải đi tiếp và sống cùng những điều đã xảy ra ở bên mình.
-- Và thế là hết một tuần. Hôm nay là Thứ 2 --
Trong trường hợp bạn nào quan tâm tới bộ bài, thì đây là bộ bài "Mình" của So much closer: https://shopee.vn/abc-i.467296031.4491845466
Tôi đang đặt mua bộ bài Nhớ để chơi thử xem, nếu có gì hay tôi lại đi tản mạn hoặc luyên thuyên tiếp.
Thế, nhé.