Nguồn Dịch: 

Rogers, C. R. (1980). “My Philosophy of Interpersonal Relationships and How It Grew” Trong A way of being, tr. 39–56. Boston: Houghton Mifflin Harcourt.
—//—
Tôi viết bài hồi ký ngắn này với hy vọng sẽ cung cấp một số manh mối về cách hệ thống niềm tin của tôi đã hình thành và phát triển, cho đến nay gần như trái ngược hoàn toàn với những gì tôi được dạy tin theo trong thời niên thiếu. Tôi cũng hy vọng nó sẽ chỉ ra những yếu tố đã góp phần vào sự thay đổi không ngừng trong quan điểm của tôi. Một số yếu tố này đến từ bên ngoài, một số đến từ bên trong, và một số phát triển từ các mối quan hệ. Tôi đã trình bày bài viết này lần đầu tiên tại hội nghị của Hiệp hội Tâm lý học Nhân văn (Association for Humanistic Psychology) vào tháng 8 năm 1972 tại Honolulu, Hawaii và được khán giả đón nhận với vẻ xúc động thật sự. Mong sao nó cũng sẽ mang lại ý nghĩa nào đó đối với bạn.
Carl R.Rogers trong một buổi trị liệu nhóm. Nguồn: New York Person-Centered Resource Center
Carl R.Rogers trong một buổi trị liệu nhóm. Nguồn: New York Person-Centered Resource Center
Tôi xin phép trình bày về những chặng đường phát triển trong thái độ cũng như cách tiếp cận của mình đối với người khác. Tôi sẽ đề cập không chỉ đến phương pháp chuyên môn của mình, vốn đã thay đổi theo thời gian, mà còn cả cách tiếp cận cá nhân của tôi nữa.  
Thuở nhỏ, tôi sống trong một gia đình sùng đạo theo trường phái cơ yếu[1] bảo thủ và tiếp thu những giá trị và thái độ đối với người khác từ cha mẹ mình. Tôi không thể chắc chắn liệu mình có thực sự tin vào những giá trị đó hay không, nhưng tôi biết rằng mình đã dựa theo chúng mà hành động. Tôi nghĩ thái độ của gia đình tôi đối với những người bên ngoài có thể được khái quát một cách giản lược như sau: “Những người khác có những hành vi ngớ ngẩn mà gia đình chúng ta không tán thành. Nhiều người trong số họ chơi bài, đi xem phim, hút thuốc, khiêu vũ, uống rượu và tham gia vào những hoạt động khác, một số thậm chí không tiện nhắc đến. Vì vậy, tốt nhất là nên tỏ ra khoan dung với họ, vì có thể hiểu biết của họ còn hạn hẹp, nhưng không nên tạo mối quan hệ gần gũi với họ và hãy sống cuộc đời của mình trong phạm vi gia đình. ‘Hãy ra khỏi dân ấy, hãy rời xa chúng’[2] là lời dạy Kinh Thánh đáng tuân theo.”
Chắc chắn rằng thái độ tách khỏi cộng đồng một cách kiêu căng này đã định hình cách ứng xử của tôi trong suốt những năm tiểu học. Dĩ nhiên tôi không có người bạn thân nào. Có một nhóm bạn cùng trang lứa, cả trai lẫn gái, thường đạp xe cùng nhau trên con phố phía sau nhà tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ đến nhà họ, và họ chưa bao giờ đến nhà tôi.  
Về mối quan hệ với những người trong gia đình, tôi rất thích chơi đùa cùng các em trai của mình, nhưng lại ghen tị với anh hai và vô cùng ngưỡng mộ người anh cả, dù khoảng cách tuổi tác giữa chúng tôi quá lớn để có thể trò chuyện thân thiết. Tôi biết cha mẹ yêu thương tôi, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc chia sẻ với họ bất kỳ suy nghĩ hay cảm xúc cá nhân nào, vì tôi biết rằng những điều đó sẽ bị đánh giá và có lẽ bị cho là không phù hợp. Những suy nghĩ, những mộng tưởng và số ít cảm xúc mà tôi nhận thức được, tất cả tôi đều giữ kín cho riêng mình.
Tôi có thể tổng kết những năm tháng thơ ấu của mình bằng cách nói rằng bất kỳ điều gì mà ngày nay tôi coi là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng mối quan hệ con người gần gũi và cởi mở đều hoàn toàn không tồn tại trong giai đoạn đó. Thái độ của tôi đối với những người bên ngoài gia đình bị chi phối bởi sự xa cách và lạnh lùng mà tôi đã tiếp thu từ cha mẹ mình.
Tôi đã học ở một trường tiểu học trong bảy năm. Nhưng từ thời điểm đó trở đi, cho đến khi hoàn thành bậc sau đại học, tôi chưa bao giờ theo học tại bất kỳ trường nào quá hai năm, một thực tế chắc chắn đã có ảnh hưởng nhất định đến tính cách của tôi.  
Đến những năm trung học, khao khát kết bạn và mở rộng vòng quan hệ dần trở nên rõ ràng hơn trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, mong muốn đó đã bị cản trở bởi hai yếu tố: thứ nhất là thái độ của cha mẹ mà tôi đã kể trên và thứ hai là hoàn cảnh. Tôi đã học ở ba trường trung học khác nhau, không trường nào quá hai năm, và phải đi tàu rất xa mới đến được trường mỗi ngày. Điều đó khiến tôi không thể tạo bất kỳ mối quan hệ bền chặt nào, cũng như không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa hay sinh hoạt buổi tối cùng các bạn học. Tôi tôn trọng và có thiện cảm với một số bạn cùng lớp, và có lẽ vài người trong số họ cũng tôn trọng và quý mến tôi, một phần có thể do thành tích học tập tốt. Nhưng tôi chưa bao giờ có đủ thời gian để xây dựng một tình bạn thực sự, và dĩ nhiên không hề có tiếp xúc thân thiết nào với những người kể trên. Trong suốt những năm trung học, tôi chỉ có một buổi hẹn hò… cụ thể là tham dự một bữa tiệc năm cuối cấp.
Vì vậy, trong những năm quan trọng của thời niên thiếu, tôi không có người bạn thân nào và chỉ có những mối quan hệ cá nhân hời hợt. Tôi từng thể hiện cảm xúc về điều này qua các bài luận tiếng Anh trong hai học kỳ mà tôi may mắn có những giáo viên đủ thấu hiểu. Ở nhà, tôi ngày càng cảm thấy gắn kết hơn với đứa em thứ, nhưng cách biệt năm tuổi khiến chúng tôi khó có thể chia sẻ sâu sắc. Lúc này, tôi ý thức rõ ràng hơn rằng mình là một kẻ đứng ngoài cuộc, một người chỉ biết quan sát những mối quan hệ cá nhân xung quanh mình. Tôi tin rằng niềm đam mê khoa học mãnh liệt của mình, việc sưu tầm và nuôi dưỡng những con bướm đêm lớn bay vào ban đêm, chính là một sự bù đắp phần nào cho sự thiếu vắng những kết nối thân mật. Tôi nhận ra rằng mình là một người lập dị, một kẻ cô độc, hầu như không có chỗ đứng trong thế giới con người. Tôi vụng về trong giao tiếp ngoại trừ những xã giao ngoài mặt. Những tưởng tượng của tôi trong giai đoạn này thực sự kỳ quái, và có lẽ một bác sĩ sẽ xếp chúng vào dạng rối loạn phân liệt, nhưng may mắn thay, tôi chưa từng gặp bất kỳ nhà tâm lý học nào.
Những năm đại học đánh dấu bước ngoặt đầu tiên cho thế giới cô độc này. Tôi theo học tại trường Nông nghiệp của Đại học Wisconsin và gần như ngay lập tức tham gia vào một nhóm bạn vốn biết nhau qua một lớp học của YMCA[3]. Từ điểm chung gần như duy nhất ấy, chúng tôi dần phát triển thành một nhóm duy trì nhiều hoạt động đa dạng mà không có một người đứng ra làm thủ lĩnh. Đó là lần đầu tiên tôi khám phá ra thế nào mới là có đồng đội, có bạn bè. Những cuộc thảo luận sôi nổi, thú vị về quan điểm đạo đức và các vấn đề luân lý đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm mới mẻ. Đôi khi, chúng tôi còn chia sẻ những vấn đề cá nhân, đặc biệt là trong những cuộc trò chuyện một-đối-một. Trong hai năm, nhóm này là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của tôi, cho đến khi tôi chuyển sang chuyên ngành lịch sử tại Trường Văn chương và Khoa học và dần dần mất liên lạc với họ.  
Có thể nói rằng trong giai đoạn này, tôi đã bắt đầu những bước dò dẫm đầu tiên hướng đến sự nghiệp về sau của mình. Tôi từng là người dẫn dắt một câu lạc bộ thiếu niên và rất thích trải nghiệm này. Tuy nhiên, khái niệm của tôi về việc lãnh đạo chỉ giới hạn trong các hoạt động cụ thể mà chúng tôi có thể tham gia, chẳng hạn như đi bộ đường dài, dã ngoại hay bơi lội. Tôi không nhớ mình từng khuyến khích hay tổ chức bất kỳ cuộc thảo luận nào về những vấn đề mà các cậu bé ấy quan tâm. Tôi bắt đầu có thể giao tiếp với những người bạn ngang hàng với mình không đồng nghĩa với việc tôi cũng có thể làm điều tương tự với những đứa trẻ mười hai tuổi ấy.
Tôi cũng từng là một cố vấn trại hè cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong kỳ nghỉ hè, đồng hành với tám cố vấn và một trăm cậu bé dưới sự giám sát của tôi. Khoảng thời gian chúng tôi chọn lọc những đứa trẻ này và cùng chúng tham gia vào những hoạt động thể thao kể trên hình thành trong tôi cách vận hành trại hè phù hợp. Đây là nơi đánh dấu lần đầu tiên tôi xây dựng một mối quan hệ “giúp đỡ” người khác, theo cái cách ngu ngốc nhất có thể. Một số đồ đạc và tiền bạc đã biến mất trong khu ký túc xá của chúng tôi. Mọi bằng chứng đều nhắm thẳng đến một cậu bé. Vì vậy, tôi và một số cố vấn khác đã tách riêng cậu ấy ra với mục đích ép cậu thú nhận. Vào thời điểm đó, thuật ngữ “tẩy não” vẫn chưa được phát minh, nhưng chúng tôi đã thực hiện nó một cách đầy chuyên nghiệp. Chúng tôi dỗ dành, tranh luận, thuyết phục, vừa thân thiện vừa chỉ trích, thậm chí có người còn cầu nguyện cho cậu bé, nhưng cậu đã kiên trì chống lại tất cả những nỗ lực của chúng tôi, khiến chúng tôi vô cùng thất vọng. Nhìn lại cảnh tượng đáng xấu hổ đó, tôi nhận ra rằng khái niệm của tôi về việc giúp đỡ một người khi ấy chỉ đơn giản là buộc họ thú nhận những lỗi lầm của mình, để rồi từ đó có thể dạy họ con đường “đúng đắn” mà họ nên đi.
Tuy nhiên, nhìn vào mặt khác, tôi bắt đầu trở thành một con người hòa nhập hơn. Tôi bắt đầu hẹn hò với các cô gái, dĩ nhiên là trong sợ sệt, nhưng ít nhất cũng gọi là bắt đầu. Tôi nhận thấy rằng mình có thể thể hiện bản thân dễ dàng hơn với những cô gái lớn tuổi hơn, và khi còn là sinh viên năm nhất, tôi đã hẹn hò với một vài chị khóa trên. Cũng trong thời gian này, tôi bắt đầu qua lại với Helen, người sau này trở thành vợ tôi. Mối quan hệ giữa hai chúng tôi càng ngày càng trở nên sâu sắc, và hai bên chia sẻ những hy vọng, lý tưởng và mục tiêu trong cuộc sống. Tôi khám phá ra rằng những suy nghĩ riêng tư, những giấc mơ về tương lai thực sự có thể được san sẻ với một người khác một cách trọn vẹn và chân thành. Đó là một trải nghiệm đầy ý nghĩa đối với tôi.  
Sau hai năm đại học, chúng tôi phải sống xa nhau, nhưng mối quan hệ vẫn tiếp tục qua những lần liên lạc thường xuyên và kéo dài thêm hai năm trước khi chúng tôi kết hôn. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng đây chính là mối quan hệ đầu tiên trong đời mà tôi thực sự quan tâm, gắn bó và có sự sẻ chia sâu sắc với một ai đó. Nó có ý nghĩa vô cùng lớn đối với tôi. Trong hai năm đầu hôn nhân, chúng tôi đã học được một bài học vô cùng quan trọng. Nhờ một sự giúp đỡ tình cờ, chúng tôi nhận ra rằng chính những điều tưởng chừng như không thể chia sẻ, điển hình như những khía cạnh thầm kín gây khó chịu trong mối quan hệ, mới là những điều đáng để sẻ chia nhất. Đó là một bài học khó khăn, đầy rủi ro và sợ hãi, và về sau chúng tôi đã phải học lại nó không biết bao nhiêu lần. Nhưng chính trải nghiệm sâu sắc ấy đã giúp cả hai chúng tôi trưởng thành.
Trong lúc đó, vợ chồng tôi cùng tham gia một số khóa học ở trường cao học tại Chủng viện Thần học Union (Union Theological Seminary) ở New York, đồng thời theo đuổi những con đường riêng. Helen hướng về nghệ thuật cho đến khi thiên chức làm mẹ chiếm phần lớn thời gian của cô ấy, còn tôi tiếp tục việc học của mình. Dù ngày càng mất hứng thú với các môn học về tôn giáo, tôi đã có hai trải nghiệm quan trọng giúp định hình cách tôi kết nối với người khác. Trải nghiệm đầu tiên là một hội thảo do chính sinh viên tổ chức và điều hành, không có sự nhúng tay của trưởng khoa. Chúng tôi cùng chịu trách nhiệm về các chủ đề thảo luận cũng như phương pháp tổ chức lớp học. Quan trọng hơn, chúng tôi bắt đầu chia sẻ những hoài nghi, những khó khăn cá nhân trong việc học. Dần dần, nhóm trở thành một tập thể đầy tin cậy, nơi chúng tôi có thể thảo luận những vấn đề sâu sắc và vỡ lẽ ra những chân lý làm thay đổi cuộc sống của nhiều người trong số chúng tôi. Trải nghiệm thứ hai là một khóa học mang tên “Làm việc với Thanh thiếu niên” (Working with Young People) do Tiến sĩ Goodwin Watson giảng dạy. Trước khi qua đời, ông là một nhà đào tạo hàng đầu của NTL[4] và là một nhà lãnh đạo tiến bộ trong giáo dục. Chính trong khóa học này, lần đầu tiên tôi có cái suy nghĩ rõ ràng rằng làm việc gần gũi với con người có thể là một nghề nghiệp. Khả năng này mở ra cho tôi một lối thoát khỏi công việc tôn giáo. Từ hai trải nghiệm trên, tôi quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực tâm lý học lâm sàng[5] bằng cách “băng qua đường” đúng nghĩa đen đến với Trường Sư Phạm (Teachers College) thuộc Đại học Columbia. Ở đây, Goodwin Watson trở thành người hướng dẫn luận án của tôi, và tôi bắt đầu học về tâm lý học lâm sàng. Đồng thời, tôi cũng được tiếp cận với tư tưởng của John Dewey[6] thông qua William Heard Kilpatrick[7].
Đến thời điểm này, tôi đã có những bước tiến chậm rãi trong việc thấu hiểu các mối quan hệ với người khác, những bài học sau này trở nên vô cùng quan trọng đối với tôi. Tôi đã học được rằng sự sẻ chia sâu sắc với người khác hoàn toàn có thể xảy ra và trở thành một trải nghiệm phong phú và đầy ý nghĩa. Tôi nhận ra rằng trong một mối quan hệ gần gũi, chính những điều tưởng chừng như "không thể" chia sẻ mới là những điều quan trọng nhất và mang lại giá trị lớn nhất khi được chia sẻ. Tôi cũng phát hiện rằng cộng đồng hoàn toàn là nơi một người có thể phát triển và học được những bài học quan trọng của cuộc đời mình. Hơn nữa, tôi bắt đầu nhận thấy rằng một giảng viên hướng dẫn có thể đặt niềm tin vào sinh viên của mình và tác động tích cực đến sự phát triển của sinh viên. Cuối cùng, tôi đã hiểu ra rằng những người đang gặp khó khăn thực sự có thể được giúp đỡ, và rằng cũng có vô số quan điểm khác nhau về cách chúng ta có thể giúp đỡ người khác.
Trong quá trình đào tạo sau đại học về tâm lý học lâm sàng, tôi đã học được hai hướng tiếp cận chính trong quá trình kết nối với những con người tìm kiếm sự giúp đỡ. Tại Trường Sư Phạm, phương pháp chủ đạo là tìm hiểu về cá nhân thông qua các bài kiểm tra, đo lường, trò chuyện và sau đó đưa ra các chỉ dẫn điều trị. Cách tiếp cận mang tính máy móc và có phần lạnh lùng này lại được sưởi ấm bởi cá tính của Tiến sĩ Leta Hollingworth, người đã dạy chúng tôi phần nhiều qua chính con người bà hơn là qua các bài giảng. Sau đó, khi thực tập tại Viện Hướng dẫn Trẻ em (Institute for Child Guidance) mới thành lập và giàu có thời bấy giờ, tôi tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn khác. Viện này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phân tâm học, và tôi được dạy rằng một cá nhân không thể được hiểu rõ ràng nếu không có một hồ sơ tiền sử chi tiết ít nhất 75 trang. Hồ sơ này phải đi sâu vào mối quan hệ của ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, và cuối cùng là chính “bệnh nhân”, từ chấn thương lúc sinh, cách cai sữa, mức độ phụ thuộc, đến mối quan hệ với anh chị em và vô số yếu tố khác. Sau đó là hàng loạt bài kiểm tra tâm lý phức tạp, bao gồm cả trắc nghiệm Rorschach mới được ứng dụng, rồi nhiều buổi trò chuyện với trẻ trước khi quyết định phương pháp điều trị. Gần như lúc nào cũng đi đến kết quả giống nhau: đứa trẻ được phân tích tâm lý bởi bác sĩ tâm thần, người mẹ cũng được điều trị theo cách tương tự bởi nhân viên xã hội, và đôi khi nhà tâm lý học được giao nhiệm vụ kèm cặp việc học của trẻ. Dù vậy, tại đây tôi vẫn có ca trị liệu đầu tiên của mình. Ban đầu, tôi chỉ được giao nhiệm vụ kèm học cho một đứa trẻ, nhưng quá trình này dần dần biến thành những buổi trao đổi ngày càng sâu sắc hơn. Và đó chính là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự phấn khích khi chứng kiến những thay đổi trong hành vi của một con người, dù không chắc những thay đổi đó đến từ sự nhiệt tình của tôi hay từ phương pháp tôi áp dụng.
Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng niềm đam mê của mình đối với tư vấn và trị liệu phần nào bắt nguồn từ sự cô đơn thuở nhỏ. Với tôi, đây là một cách thức được xã hội chấp nhận để có thể thực sự gần gũi với người khác, qua đó lấp đầy phần nào những khao khát mà tôi chắc chắn đã từng trải qua. Hơn nữa, các buổi trị liệu còn mang đến một cơ hội đặc biệt để xây dựng những kết nối sâu sắc mà không cần phải trải qua một quá trình làm quen mà với tôi là luôn kéo dài lê thê và đầy rẫy khó khăn.
Khi hoàn thành chương trình học tại New York, tôi đã tự tin rằng xuất thân đào tạo bài bản này chắc chắn sẽ giúp mình biết cách làm việc với con người một cách chuyên nghiệp. Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt giữa Trường Sư Phạm và Viện Hướng dẫn Trẻ em, cả hai môi trường này đều giúp tôi định hình một công thức chung: tôi sẽ thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về cá nhân này: tiểu sử, trí thông minh, khả năng đặc biệt, tính cách. Dựa trên tất cả những thông tin đó, tôi có thể xây dựng một chẩn đoán toàn diện về nguyên nhân dẫn đến hành vi hiện tại của họ, các nguồn lực cá nhân và xã hội mà họ có thể tận dụng, cũng như tiên lượng về tương lai của họ. Tôi sẽ cố gắng diễn giải tất cả những điều này bằng ngôn ngữ đơn giản cho các tổ chức chịu trách nhiệm, cho cha mẹ, và cho chính đứa trẻ nếu nó đủ khả năng hiểu. Tôi sẽ đưa ra những đề xuất hợp lý, mà nếu được thực hiện, sẽ giúp thay đổi hành vi của cá nhân đó, và tôi sẽ củng cố những đề xuất này bằng các cuộc gặp gỡ định kỳ. Trong toàn bộ quá trình này, tôi sẽ duy trì sự khách quan tuyệt đối, giữ thái độ chuyên nghiệp và tách biệt về mặt cá nhân khỏi những người đang gặp khó khăn—ngoại trừ việc thể hiện sự ấm áp ở mức cần thiết để xây dựng một mối quan hệ làm việc hiệu quả.
Điều này có vẻ khó tin xét tới con người tôi hiện tại, nhưng tôi biết nó về cơ bản là đúng vì tôi vẫn nhớ rõ sự khinh miệt mà mình từng dành cho một bác sĩ tâm thần chứ không phải một nhà phân tâm học, người đơn giản đối xử với trẻ em có vấn đề như thể ông thực sự thích chúng. Thậm chí, ông còn đưa chúng về nhà mình. Rõ ràng ông ta chưa bao giờ học được tầm quan trọng của việc giữ thái độ chuyên nghiệp!  
Vì vậy, tôi nghĩ mình biết phải làm gì khi đến Rochester, New York, làm việc tại Phòng Nghiên cứu Trẻ em (Child Study Department), thực chất là một trung tâm định hướng dành cho trẻ em phạm pháp và những đứa trẻ trở thành đối tượng bảo trợ xã hội do môi trường gia đình không lành mạnh. Tôi bảo thủ đến mức vẫn đến giờ vẫn còn nhớ (một cách đau đớn) rằng mình đã từng nói với các nhóm phụ huynh và cộng đồng xung quanh rằng phòng khám của chúng tôi cũng giống như một gara sửa xe: bạn mang đến một vấn đề, nhận được chẩn đoán của chuyên gia, và được tư vấn cách khắc phục.
Nhưng quan điểm của tôi dần bật gốc. Sống trong một cộng đồng ổn định, tôi nhận ra rằng mình phải đối mặt với hệ quả của những lời khuyên mà tôi đưa ra, và chúng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi. Nhiều đứa trẻ mà tôi làm việc được đưa vào nhà tạm giam bên cạnh, vì vậy tôi có thể gặp chúng ngày này qua ngày khác. Tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy rằng đôi khi, sau một buổi trò chuyện đặc biệt “tốt đẹp” mà tôi đã giải thích cặn kẽ cho một cậu bé về tất cả các nguyên nhân dẫn đến hành vi sai trái của em, thì ngay hôm sau cậu bé lại từ chối gặp tôi! Vì vậy, tôi buộc phải tìm cách giành lại sự tin tưởng của em để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Những kiến thức trường lớp không còn có ích, và tôi bắt đầu học qua chính những trải nghiệm của mình.
Sau đó, khi tôi trở thành giám đốc của Trung tâm Hướng dẫn Rochester mới thành lập thay thế cho Phòng Nghiên cứu Trẻ em, chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp tự tìm đến để được giúp đỡ hơn. Vấn đề là chúng tôi không có bất kỳ thẩm quyền nào đối với đứa trẻ hay cha mẹ chúng, mà phải đi từ việc xây dựng mối quan hệ nếu muốn hỗ trợ họ.  
Rồi một số sự kiện đã xảy ra làm thay đổi đáng kể cách tiếp cận của tôi. Tôi sẽ kể về sự kiện in đậm nhất trong trí nhớ của mình. Một người mẹ thông thái đưa cậu con trai vô cùng ngang ngược của cô đến phòng khám. Tôi tự mình thu thập tiểu sử từ cô ấy. Một nhà tâm lý học khác kiểm tra cậu bé. Trong cuộc họp hội đồng, chúng tôi quyết định rằng vấn đề cốt lõi là sự chối bỏ của người mẹ đối với con trai mình. Tôi sẽ làm việc với người mẹ về vấn đề này. Nhà tâm lý học kia sẽ trị liệu cho cậu bé thông qua những trò chơi. Hết buổi này đến buổi khác, tôi đã cố gắng giúp người mẹ nhận ra những biểu hiện chối bỏ của cô ấy và hậu quả của nó đối với con trai, một cách mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều nhờ vào kinh nghiệm. Nhưng tất cả đều vô ích. Sau hàng chục những cuộc gặp gỡ như vậy, tôi nói với cô ấy rằng cả hai chúng ta đã cố gắng nhưng không đạt được tiến triển nào và có lẽ nên dừng lại. Cô ấy đồng ý. Nhưng khi rời khỏi phòng, cô bỗng quay lại và hỏi: “Anh có nhận tư vấn cho người lớn ở đây không?” Ngạc nhiên, tôi trả lời rằng có lúc chúng tôi cũng nhận tư vấn cho người trưởng thành. Ngay lập tức, cô ấy quay lại ghế và bắt đầu trút bầu tâm sự về những khó khăn sâu sắc trong mối quan hệ với chồng mình, cũng như khát khao mãnh liệt được giúp đỡ bằng một cách nào đó. Tôi thực sự sững sờ. Những điều cô ấy đang kể không hề giống với những dòng tiểu sử rõ ràng mà tôi đã thu thập từ trước. Tôi gần như không biết phải làm gì, phần lớn chỉ lắng nghe. Cuối cùng, sau nhiều buổi tư vấn, không chỉ mối quan hệ hôn nhân của cô ấy được cải thiện mà hành vi ngang ngược của cậu con trai cũng dần biến mất khi cô trở thành một con người chân thực và phóng khoáng hơn. Mãi về sau, cô ấy là thân chủ đầu tiên giữ liên lạc với tôi trong nhiều năm sau đó, cho đến khi con trai cô ấy học đại học và phát triển tốt.  
Đây là một bài học vô cùng quan trọng đối với tôi. Tôi đã đi theo sự dẫn dắt của cô ấy thay vì áp đặt cách tiếp cận của riêng mình. Tôi chỉ lắng nghe, thay vì cố gắng hướng cô ấy đến cái chẩn đoán mà tôi đã hình thành trong đầu từ trước. Đó là một mối quan hệ mang tính cá nhân hơn nhiều và không quá "chuyên nghiệp" như trước. Nhưng tự kết quả đã nói lên tất cả.
Vào khoảng thời gian này, tôi tham gia một hội thảo ngắn kéo dài hai ngày với Otto Rank[8] và nhận thấy rằng trong thực hành trị liệu của ông ấy (không phải trong lý thuyết), ông nhấn mạnh một số điều mà tôi bắt đầu học hỏi. Tôi cảm thấy được khích lệ và những giả thuyết của mình được xác nhận. Tôi đã thuê một nhân viên xã hội, người được đào tạo về “trị liệu quan hệ” theo trường phái Rank tại Trường Công tác Xã hội Philadelphia, và học được rất nhiều từ cô ấy. Vì vậy, quan điểm của tôi ngày càng thay đổi. Sự chuyển biến này được thể hiện rõ trong cuốn sách Clinical Treatment of the Problem Child (Điều trị Lâm sàng cho Trẻ em có Vấn đề) mà tôi viết vào năm 1937–1938. Trong đó, tôi dành hẳn một chương dài để nói về trị liệu quan hệ, mặc dù phần còn lại của cuốn sách vẫn chủ yếu dựa trên phương pháp chẩn đoán-kê đơn.  
Tại Đại học Bang Ohio, nơi tôi đến làm việc vào năm 1940, tôi được mở rộng tầm nhìn đáng kể khi trình bày quan điểm của mình về công việc lâm sàng trước những sinh viên cao học thông minh và hiếu kỳ. Cũng tại đây, tôi bắt đầu nhận ra rằng mình đang nói lên điều gì đó mới mẻ, thậm chí là chưa ai biết đến về tư vấn và trị liệu tâm lý. Tôi đã viết cuốn sách mang chính tiêu đề đó. Giấc mơ của tôi về việc ghi âm các buổi trị liệu đã trở thành hiện thực, giúp tôi tập trung vào việc nghiên cứu tác động những phản ứng khác nhau của thân chủ trong buổi trị liệu. Điều này dẫn đến sự nhấn mạnh lớn vào kỹ thuật—cái mà sau này được gọi là kỹ thuật phi chỉ đạo (nondirective technique).
Nhưng tôi nhận ra rằng niềm tin mới mẻ vào thân chủ của mình, cụ thể là vào khả năng tự khám phá và giải quyết vấn đề của họ, đang bắt đầu lấn sang các lĩnh vực khác. Nếu tôi tin tưởng thân chủ của mình, tại sao tôi lại không tin tưởng học trò của mình? Nếu điều này có ích cho một cá nhân đang gặp khó khăn, thì tại sao không áp dụng cho một nhóm nhân viên đang đối mặt với nhiều vấn đề? Tôi nhận ra rằng mình không chỉ đơn thuần phát triển một phương pháp trị liệu mới, mà thực sự đang bước vào một triết lý hoàn toàn khác về cuộc sống và các mối quan hệ con người.  
Tôi đã suy ngẫm một số vấn đề này trong thời gian làm việc tại Đại học Bang Ohio. Và khi có cơ hội thành lập một Trung tâm Tư vấn tại Đại học Chicago, nơi tôi có thể tự đặt ra các chính sách và tuyển chọn đội ngũ nhân sự, tôi đã sẵn sàng xây dựng và thực hành một cách tiếp cận mới đối với các mối quan hệ giữa con người với nhau. Tôi nghĩ rằng mình có thể tóm tắt cách tiếp cận đó như sau:
"Tôi đã học cách tin tưởng vào khả năng của con người trong việc tự khám phá, thấu hiểu bản thân và những khó khăn của họ, cũng như tự giải quyết vấn đề, miễn là họ ở trong một mối quan hệ gần gũi, lâu bền mà tôi có thể tạo ra một bầu không khí ấm áp và thấu hiểu thực sự.  
"Tôi sẽ mạnh dạn đặt cùng một niềm tin như vậy vào một nhóm nhân sự, cố gắng xây dựng một bầu không khí trong đó mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của cả nhóm, và nhóm có trách nhiệm đối với từng cá nhân. Quyền hạn đã được giao cho tôi, và tôi sẽ hoàn toàn trao lại nó cho tập thể.  
"Tôi sẽ thử nghiệm việc đặt niềm tin vào sinh viên, vào các nhóm trong lớp học, để họ tự lựa chọn hướng đi của mình và tự đánh giá sự tiến bộ theo những tiêu chí do chính họ đề ra."
Chicago là khoảng thời gian tôi học hỏi được rất nhiều điều. Tôi có vô vàn cơ hội để kiểm nghiệm những giả thuyết mà mình vừa nêu. Tôi đã mở rộng đáng kể việc kiểm tra bằng thực nghiệm các giả thuyết mà chúng tôi đã đưa ra trước đó. Đến năm 1957, tôi đã phát triển một lý thuyết chặt chẽ về liệu pháp và mối quan hệ trị liệu. Tôi đã đề ra “những điều kiện cần và đủ để thay đổi nhân cách trong trị liệu” (Rogers, 1957), tất cả đều liên quan đến thái độ cá nhân chứ không phải đào tạo chuyên môn. Đây là một bài báo khá táo bạo, nhưng nó đưa ra các giả thuyết có thể kiểm nghiệm và đã khơi nguồn cho nhiều nghiên cứu trong mười lăm năm tiếp theo, phần lớn kết quả đều ủng hộ những giả thuyết đó.  
Đây cũng là thời kỳ mà tôi theo sự khuyến khích của sinh viên đã làm quen với Martin Buber (ban đầu qua các tác phẩm của ông và sau đó là gặp gỡ trực tiếp) cũng như với Sóren Kierkegaard. Cách tiếp cận mới của tôi được củng cố rất nhiều, và thật bất ngờ khi nhận ra rằng nó thực chất là một dạng triết học hiện sinh được tôi tự phát triển.
Cuối cùng, đây cũng là một giai đoạn tôi học hỏi được rất nhiều điều trong đời sống cá nhân. Một mối quan hệ trị liệu bị đối xử tệ hại, thực chất chẳng mang tính trị liệu chút nào, đã đẩy tôi vào một cuộc khủng hoảng nội tâm sâu sắc, và cuối cùng đưa tôi và một người đồng nghiệp vào phòng trị liệu với tư cách là thân chủ. Lúc này, tôi mới thực sự hiểu được cảm giác trải qua một ngày với sự bừng sáng của những nhận thức mới mẻ, chỉ để rồi ngày hôm sau lại chìm vào làn sóng tuyệt vọng. Nhưng khi tôi dần thoát ra khỏi giai đoạn này, tôi đã học được một điều mà nhiều người may mắn thay đã có cơ hội học từ sớm. Tôi nhận ra rằng tôi không chỉ có thể đặt niềm tin vào thân chủ, nhân viên và sinh viên, mà tôi cũng có thể tin tưởng vào chính mình. Tôi từ từ học cách tin vào những cảm xúc, những ý tưởng, những mục đích không ngừng nảy nở bên trong con người mình. Đây không phải một quá trình dễ dàng, nhưng vẫn là là một trong những điều quý giá nhất và vẫn tiếp tục có ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy mình trở nên tự do hơn, chân thực hơn, và thấu hiểu hơn, không chỉ trong các mối quan hệ trị liệu mà còn trong mọi tương tác xã hội khác. 
Những bài học này ngày càng được tôi ứng dụng vào công việc với các nhóm lớn, đầu tiên là các hội thảo mà chúng tôi tổ chức ở Chicago từ năm 1946, rồi sau đó là những nhóm mà tôi tham gia tích cực trong những năm gần đây. Tất cả những nhóm này đều là "nhóm gặp gỡ" (encounter groups), từ lâu trước khi thuật ngữ này ra đời.
Tôi sẽ lướt qua nhanh những năm ở Đại học Wisconsin và La Jolla. Ở Wisconsin, tôi một lần nữa nhận ra điều mình đã học được ở Chicago, rằng phần lớn các nhà tâm lý học không cởi mở với những ý tưởng mới. Có lẽ điều này cũng đúng với tôi, dù tôi luôn cố gắng chống lại thái độ bảo thủ đó. Nhưng như trước đây, sinh viên vẫn là những người cho tôi nhiều phản ứng nhất.  
Một lần ở Wisconsin, tôi đã vi phạm một bài học mà mình từng đau đớn học được, để rồi nhận ra sai lầm ấy có thể mang lại thảm họa khủng khiếp cỡ nào. Trong một nhóm nghiên cứu lớn được tập hợp để nghiên cứu về liệu pháp tâm lý dành cho người tâm thần phân liệt, tôi đã trao lại quyền hạn và trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm. Nhưng tôi lại không cố gắng tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở, gần gũi và chân thành - yếu tố căn bản để các thành viên duy trì trách nhiệm đó. Rồi khi những xích mích lớn xảy ra, tôi mắc sai lầm còn nghiêm trọng hơn: cố gắng thu hồi quyền lực mà tôi đã giao cho nhóm. Hậu quả dễ hiểu là sự phản kháng và hỗn loạn. Đó là một trong những bài học đau đớn nhất mà tôi từng trải qua, một bài học về cách duy trì sự tham gia của thành viên vào hoạt động quản lý tổ chức.
Trải nghiệm của tôi ở La Jolla vui vẻ hơn nhiều. Một nhóm người cùng chí hướng đã lập ra Trung tâm Nghiên cứu Con Người (Center for Studies of the Person), một thí nghiệm vô cùng đặc biệt và đầy thú vị. Tôi sẽ chỉ mô tả khía cạnh con người của nó, vì không thể nào kể hết mọi hoạt động của các thành viên từ Kenya đến Rome, từ Ireland đến New Jersey, từ Colorado đến Seattle; từ thực hành trị liệu đến viết lách, từ nghiên cứu chuyên sâu đến tư vấn tổ chức, từ dẫn dắt các nhóm đủ loại đến cách mạng hóa phương pháp giáo dục. Chúng tôi là một cộng đồng gần gũi, vừa hỗ trợ vừa thẳng thắn phê bình lẫn nhau. Dù có một giám đốc chịu trách nhiệm công việc thường ngày, không ai có quyền lực trên ai cả. Mọi người đều tự do làm điều mình muốn, một mình hoặc cùng người khác. Mọi người tự chịu trách nhiệm về tài chính cá nhân. Hiện tại, chúng tôi chỉ có một khoản tài trợ nhỏ từ một quỹ tư nhân, vì không thích những ràng buộc vốn không rõ ràng thường đi kèm với các khoản tài trợ lớn hoặc từ chính phủ. Không có bất cứ điều gì giữ chúng tôi lại với nhau ngoài mối quan tâm chung đến phẩm giá và năng lực của con người, cùng với khả năng giao tiếp sâu sắc và chân thật với nhau. Với tôi, đây là một thí nghiệm lớn về việc xây dựng một nhóm hoạt động hiệu quả dựa trên hình thái "phi tổ chức" và sức mạnh của sự sẻ chia giữa các cá nhân.
Đang cao hứng thì tôi còn có thể nói lan man về nhiều thứ khác, nhưng có một yếu tố khác trong quá trình học hỏi của mình mà tôi muốn đề cập. Leona Tyler là người đầu tiên chỉ ra cho tôi qua một lá thư từ nhiều năm trước rằng tư duy và hành động của tôi dường như là một cây cầu nối giữa tư tưởng phương Đông và tư tưởng phương Tây. Đây là một ý tưởng khiến tôi ngạc nhiên, nhưng trong những năm gần đây, tôi đặc biệt hứng thú với một số giáo lý của Phật giáo, Thiền tông, và đặc biệt là những lời dạy của Lão Tử, vị hiền triết Trung Hoa sống cách đây khoảng hai mươi lăm thế kỷ. Tôi xin phép trình bày một vài quan điểm của ông mà tôi đồng cảm sâu sắc:
Dường như họ lắng nghe
Và sự lắng nghe ấy bao bọc chúng ta trong tĩnh lặng
Để rồi cuối cùng chúng ta bắt đầu nghe thấy  
Chúng ta thực sự là ai.
Một câu nói kết hợp hai nhà tư tưởng yêu thích của tôi. Về triết lý vô vi của Đạo giáo - sự hành động của toàn bộ bản thể nhưng ở trạng thái tối ưu nhất lại quá nhẹ nhàng đến mức thường bị gọi là "bất hành động" và gây hiểu lầm cho nhiều người, Martin Buber[9] giải thích khái niệm này như sau:
"Can thiệp vào sự sống của vạn vật là gây hại cho cả chúng và chính mình... Những kẻ áp đặt chỉ có sức mạnh nhỏ bé, hữu hình;  những kẻ không áp đặt lại có sức mạnh lớn lao, thầm lặng…
Người hoàn hảo… không can thiệp vào đời sống của vạn vật, không áp đặt bản thân lên chúng, mà giúp tất cả tìm thấy tự do của mình (Lão Tử). Sự hài hòa bên trong giúp người hoàn hảo dẫn dắt tất cả cùng đến sự hài hòa ấy và giải phóng bản chất vận mệnh lẫn cái Đạo trong họ."
(Buber, 1957)  
Tôi nghĩ rằng nỗ lực giao tiếp của tôi với con người ngày càng hướng đến việc giúp họ giải phóng bản chất và vận mệnh của chính mình.
Và nếu ai đó đang tìm kiếm một định nghĩa về một người điều phối tập thể hiệu quả thì có thể tham khảo ngay lời dạy của Lão Tử:  
Một nhà lãnh đạo giỏi nhất  
Là khi mọi người hầu như không biết đến sự tồn tại của họ,  
Họ không giỏi khi mọi người tuân theo ca ngợi,  
Tệ nhất là khi họ bị khinh miệt...  
Nhưng một nhà lãnh đạo giỏi ít nói,  
Khi công việc đã hoàn thành, mục tiêu đã đạt được,  
Tất cả đều nói: 'Chính chúng ta đã làm điều này.'
(Bynner, 1962)  
Nhưng có lẽ câu nói yêu thích nhất của tôi, câu nói tóm tắt nhiều niềm tin sâu sắc nhất của tôi, cũng là một câu khác từ Lão Tử:  
Nếu tôi không can thiệp vào con người, họ sẽ tự biết cách chăm lo,  
Nếu tôi không ra lệnh cho con người, họ sẽ tự biết cách cư xử,  
Nếu tôi không thuyết giáo con người, họ sẽ tự biết cách cải thiện,  
Nếu tôi không áp đặt lên con người, họ sẽ trở thành chính mình.
(Friedman, 1972)  
Tôi thừa nhận rằng câu nói này có phần giản lược quá mức, nhưng đối với tôi, nó chứa đựng một chân lý mà nền văn hóa phương Tây của chúng ta vẫn chưa thực sự thấu hiểu.

KẾT LUẬN  

Rõ ràng là qua biết bao năm tháng, triết lý của tôi đã phát triển rất nhiều từ niềm tin ban đầu rằng con người về bản chất là xấu xa, rằng trong trị liệu con người nên được đối xử như một đối tượng nghiên cứu, rằng mọi sự giúp đỡ phải được chuyên gia thực hiện, rằng chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên, thao túng và định hình cá nhân để tạo ra kết quả mong muốn.  
Thay vào đó, tôi sẽ cố gắng tóm tắt những bài học mà tôi đang tin vào và muốn chúng trở thành một phần cơ bản trong cuộc sống. Như đã chỉ ra, tôi thường xuyên không thể áp dụng được những bài học này, thất bại nhiều lần qua những lỗi lặt vặt và đôi khi là những sai lầm nghiêm trọng. Tôi sẽ liệt kê những bài học này theo một trật tự có vẻ tự nhiên hơn trình tự tôi đã học được chúng. 
Tôi đã có thể trân trọng từng khía cạnh đang dần xuất hiện trong những trải nghiệm và trong chính con người mình. Tôi muốn trân trọng mọi cảm xúc giận dữ, dịu dàng, xấu hổ, tổn thương, yêu thương, lo âu, sự cho đi, sợ hãi vì tất cả những phản ứng tích cực và tiêu cực có thể nảy sinh. Tôi muốn trân trọng mọi ý tưởng xuất hiện bất kể ngớ ngẩn, sáng tạo, kỳ quặc, hợp lý, tầm thường vì tất cả đều là một phần của tôi. Tôi đặc biệt hứng thú với những thôi thúc mãnh liệt, từ hợp lý, điên rồ, đến với thành tựu, với tình dục, thậm chí là với sự hủy diệt. Tôi muốn chấp nhận tất cả những cảm xúc, ý tưởng và thôi thúc này như cái phần làm phong phú thêm con người mình. Tôi không mong đợi sẽ hành động theo bọn chúng, nhưng một khi chấp nhận tất cả, tôi có thể trở nên chân thực hơn và hành xử phù hợp hơn với tình huống trước mắt.  
Dựa trên trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng nếu tôi có thể tạo ra một bầu không khí thể hiện sự chân thực, sự trân trọng và sự thấu hiểu, thì những điều thú vị sẽ xảy ra. Cá nhân lẫn tập thể trong bầu không khí như vậy sẽ nhìn nhận cuộc sống từ cứng nhắc thành linh hoạt, từ đơn lẻ thành tiến trình, từ lệ thuộc sang tự chủ, từ phòng vệ thành chấp nhận, từ sự dễ đoán thành một sự sáng tạo không thể lường trước. Họ là những nhân chứng sống đại diện cho những khả năng không bao giờ ngừng hiện thực hóa.
Khi tôi tiếp xúc với một bầu không khí thúc đẩy sự phát triển, trong tôi hình thành một niềm tin sâu sắc vào bản thân, vào từng cá nhân và vào cả tập thể. Tôi yêu việc tạo ra một môi trường như vậy, một môi trường mà con người, nhóm, thậm chí cả cây cối có thể phát triển.  
Tôi đã học được rằng trong bất kỳ mối quan hệ quan trọng hoặc lâu dài nào, những cảm xúc bền bỉ nhất định phải được bày tỏ. Nếu chúng được bày tỏ như những cảm xúc được sở hữu và sẻ chia, những xáo trộn ban đầu rồi sẽ đáng giá hơn rất nhiều so với bất kỳ nỗ lực phủ nhận hoặc che giấu nào.
Đối với tôi, hình thái tồn tại lý tưởng của mối quan hệ con người là theo một nhịp điệu: sự cởi mở và bày tỏ, rồi sau đó là tiếp thu; sự hài hòa và thay đổi, rồi đến một khoảng lặng tạm thời; sự mạo hiểm và lo âu, rồi sau đó là cảm giác an toàn tạm thời. Tôi không thể cứ mãi sống trong những nhóm trị liệu hết cuộc đời mình.
Tôi thấy việc sống một cách minh bạch, cởi mở thì đáng giá hơn rất nhiều so với việc phòng vệ. Điều này rất khó, một chút cởi mở cũng khó lắm, nhưng chính yếu tố đó mới mang lại biết bao màu sắc cho một mối quan hệ.  
Tôi cần duy trì sự gắn kết với thực tại trong trải nghiệm của chính mình. Tôi không thể sống cuộc đời mình chỉ trong những khái niệm trừu tượng. Vì thế, những mối quan hệ thực sự với con người, việc để tay lấm bẩn trong đất, quan sát một bông hoa đang nở, hay chiêm ngưỡng hoàng hôn, đều là những điều cần thiết đối với tôi. Ít nhất một chân của tôi phải luôn đứng trên nền thực tại.  
Tôi tận hưởng cuộc sống của mình nhất khi nó hướng ra bên ngoài. Tôi trân trọng những khoảnh khắc tôi hướng vào bên trong, từ tìm hiểu bản thân, thiền định đến nghĩ ngợi. Nhưng điều này phải được cân bằng với tương tác xã hội, tạo ra thứ gì đó, dù là một bông hoa, một cuốn sách hay một sản phẩm thủ công.  
Cuối cùng, tôi có một niềm tin sâu sắc mãi mãi chỉ dừng lại ở giả thuyết, rằng triết lý về các mối quan hệ con người mà tôi đã giúp xây dựng và trình bày ở đây có thể áp dụng cho mọi tình huống liên quan đến con người. Tôi tin rằng nó có thể áp dụng cho trị liệu, hôn nhân, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa giáo viên và học sinh, giữa người có địa vị cao với người có địa vị thấp, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tôi thậm chí còn tin rằng nó vẫn hiệu quả ngay cả trong những bối cảnh hiện đang bị chi phối bởi quyền lực cứng, chẳng hạn như trong chính trị, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế của chúng ta. Tôi phản đối kịch liệt niềm tin hiện nay của nước Mỹ, một niềm tin thể hiện trong mọi khía cạnh của chính sách đối ngoại và đặc biệt là trong những cuộc chiến tranh điên rồ của chúng ta, rằng "kẻ mạnh tất thắng." Theo quan điểm của tôi, đó là con đường dẫn đến sự tự diệt. Tôi đồng tình với Martin Buber và các bậc hiền triết phương Đông cổ đại:  
“Những kẻ áp đặt chỉ có sức mạnh nhỏ bé, hữu hình;  những kẻ không áp đặt lại có sức mạnh lớn lao, thầm lặng.”

Tài Liệu Tham Khảo

1. Buber, M. (1957). Pointing the way. New York: Harper & Row.
2. Bynner, W. (1962). (Dịch giả). The way of life according to Laotzu. New York: Capricorn Books.
3. Friedman, M. (1972). Touchstones of reality. New York: E. P. Dutton.
4. Rogers, C. R. (1957). The necessary and sufficient conditions of therapeutic personality change. Journal of Consulting Psychology, 21, tr 95–103.
---//—

Chú Thích

[1]: Chủ nghĩa cơ yếu hay chủ nghĩa toàn thống (tiếng Anh: fundamentalism) đề cập đến niềm tin nghiêm ngặt, trung thành tuyệt đối với những nguyên tắc cơ bản của tôn giáo hoặc ý thức hệ chính trị. ND
[2]: Trích Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, một sách trong Tân Ước. ND
[3]: Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (Anh ngữ Young Men’s Christian Association – YMCA) là một tổ chức từ thiện được thành lập vào ngày 6 tháng 6 năm 1844 tại Luân Đôn với mục tiêu ứng dụng các giá trị Cơ Đốc vào nếp sống hằng ngày. ND
[4]: NTL (National Training Laboratories) là một tổ chức chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo nhóm, đặc biệt tích cực trong lĩnh vực kinh doanh.
[5]: Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology) là một lĩnh vực của tâm lý học chuyên nghiên cứu, đánh giá, chẩn đoán và điều trị các vấn đề tâm lý, rối loạn tâm thần và hành vi của con người. ND
[6]: John Dewey (1859–1952) là một triết gia, nhà giáo dục, và nhà tâm lý học người Mỹ, nổi tiếng với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và triết học thực dụng (pragmatism). ND
[7]: William Heard Kilpatrick (1871–1965) là một nhà giáo dục và triết gia người Mỹ. Ông là học trò và đồng nghiệp thân cận của John Dewey tại trường Teachers College thuộc đại học Columbia. ND
[8]: Otto Rank (1884–1939) là là một nhà tâm lý học, nhà phân tâm học và nhà triết học người Áo. Ông là một trong những đồng nghiệp thân cận nhất của Sigmund Freud, nhưng đến cuối sự nghiệp lại là người chỉ trích kịch liệt những quan điểm của Freud. ND
[9]: Martin Buber (1878–1965) là một triết gia, nhà thần học và nhà giáo dục người Áo-Do Thái, nổi tiếng với triết lý về quan hệ con người và tư tưởng hiện sinh tôn giáo. ND