Tranh: Woman Looking out a Window – George Albert Thompson.
Từ cửa sổ tầng trệt, tôi có thể nhìn thấy một cái cây. "Một cái cây", bởi vì hễ bàn đến thế giới sinh vật là tôi im như thóc – tôi học môn Sinh học dở như hạch dù điểm số không đến nỗi làng nhàng – cũng hiếm khi tôi chịu ra vườn để quan sát cây này cây kia như mong ước của bà tôi, một người trồng vườn thạo việc tuổi xế chiều. Và như tôi đã tuyên bố trong một bài viết không lâu trước đây, vốn hiểu biết về thực vật của tôi chỉ dừng ở những cái tên giản lược và sáo mòn: tùng, cúc, trúc, mai, cam, chanh, bạc hà, hương thảo,... Vậy nên, chỉ có thể gọi thứ sinh vật sống im lìm màu xanh và nâu cánh gián ngoài kia bằng danh xưng mập mờ: một cái cây.
Dẫu sao, vẫn có thể nói đó là một cái cây đẹp – cao ít nhất 10 mét, rễ bám chắc vào mặt đất, thân gỗ mảnh và dẻo dai, lá và cành xếp chụm thành tầng, tán tròn ủm, cùng hướng lên cao đón nắng hè. Ngồi trong phòng điều hòa trông ra, tôi biết được khi nào một cơn gió vừa thổi qua – làm cho cành lá rung rinh – phơn phớt hay dữ dội – và đường đi của mặt trời – phủ những đốm sáng trắng và vàng lên lối đi lát đá cuội – xiên hay thẳng. Thứ duy nhất mà tôi không nghe thấy, chỉ có thể phó mặc cho trí tưởng tượng, là âm thanh ríu ran của lũ chiền chiện và ve sầu.
Đọc đến đây, bạn dừng lại và tự hỏi, thế con chim chiền chiện ríu ran như thế nào? Vâng, phải thú nhận ngay là tôi chịu: đã nhiều năm nay ống tai tôi không phân biệt được tiếng chim. Ngày nhỏ thì có lẽ, nhưng bây giờ không. Điều gì đã xảy ra trong quãng độ sáu, bảy năm trở lại đây, khi tôi ù té khỏi tuổi thơ bắt bướm, đạp xe và nhảy lò cò ở công viên gần nhà để cắm mắt cắm mũi vào những chữ và số, chính tôi chẳng biết nữa là. Nhưng tóm lại, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ gắn bó tương thân tương ái của tôi với loài chim. Giờ đây, khi việc lọc ra tiếng líp chíp của đàn chiền chiện giữa tấu khúc lộn xộn của lũ chim lắm điều trở nên quá sức, tôi buộc phải nhờ vào vốn lý thuyết hạn hẹp từ sách vở. Quả là đáng tiếc, và rõ rành rành là một hậu quả của sự thiếu vắng trải nghiệm thiên nhiên ở đô thị.
Tôi không để mình phiền não quá lâu. Cốt yếu là ngắm nhìn; rồi sau đó, đóng cửa sổ lại và tìm cách tái tạo chính xác ấn tượng đương nóng giòn. Có thể làm điều này bằng một bức ký họa, một đoản khúc, hay một bài thơ, tập truyện ngắn, vở kịch. Dù lựa chọn hôm nay là gì, phải làm nó thật liên tục và với sự tập trung đáng kể, bằng không nguồn cảm hứng sẽ héo mòn xác xơ, như linh hồn bị trút ào ào khỏi một cái xác rỗng. Công đoạn tiếp theo là vứt tác phẩm vào một xó và chỉ mở ra vào ngày tiếp theo, khi tâm trí hoàn toàn tỉnh táo và sẵn sàng cho những ngày cực nhọc. Bởi vì ngay sau đây sẽ là một cuộc đua triathlon gồm ba chặng đường dài: sửa, sửa, và sửa đến khi nào hài lòng mới thôi.
Trên đây chính là bản phác thảo mà tôi có trong đầu về quá trình sáng tạo nghiêm túc.
Quy trình này không hoàn hảo. Nói trắng ra, 99 phần trăm nó chệch nhịp với thực tế. Nhưng niềm tin là cố hữu và không thể vứt bỏ: tôi luôn cần hy vọng vào sự khởi sinh của một tác phẩm hạng nhất, dẫu biết phần lớn tác phẩm rất thường xuyên là hạng xoàng. Toni Morrison kể rằng có lần bà đổ hết sức bình sinh vào một ý tưởng, chỉ để nhận về năm mươi trang ngỡ tuyệt hết sảy hóa rác. Rất nhiều sáng tạo của tôi là rác; bạc và vàng thì khó kiếm; kim cương thì khỏi mơ. Nhưng kể cả khi không đào được kim cương, tôi vẫn viết. Vì nếu không viết, biết đến bao giờ mới thoát kiếp rác rưởi.
Tôi quay lại với khung cửa sổ tầng trệt và ngắm nhìn thật kỹ lưỡng cái cây. Như một thợ vẽ học việc, tôi cố gắng khảm vào đầu những đường nét xù xì, những màu sắc rạng rỡ, quy luật chiếu sáng của nắng và nhịp rung của lá cây. Đương nhiên là phải chú ý đến những yếu tố không hiện hình như âm thanh và mùi hương, và còn phải cố gắng không để thiếu sót về kiến thức tự nhiên đánh gục mình. Rất tự nhiên, tôi khép cửa, và bắt đầu công việc nhọc nhằn với cây bút chì và sổ tay.

*Tiêu đề được lấy từ một đoản văn trong tập Quan sát, tác phẩm đầu tay của Franz Kafka.