Hiện tôi đang là sinh viên năm ba ngành xã hội học tại trường Đại học Mở TP. HCM. Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe về trải nghiệm của tôi về quá trình chọn ngành xã hội học, cũng như trả lời cho câu hỏi "Xã hội học là gì?"
Khi tôi chọn ngành
Là một học sinh rất tệ các môn khối tự nhiên như toán, lý, hóa và thật ra tôi cũng tệ các môn phải ghi nhớ các sự kiện như sử, địa, giáo dục công dân. Vậy hóa ra tôi tệ hết à? Ngay từ những năm học cấp ba, tôi luôn đặt ra những câu hỏi “Vì sao?” cho một vấn đề. Tại sao họ làm như vậy? Vụ đó vì sao lại diễn ra như thế? Tôi thích phân tích những vấn đề, sắp xếp lại mọi chuyện ăn khớp với nhau.
Năm lớp mười hai là một năm vô cùng quan trọng đối với tôi. Vốn là một người thích đọc nên tôi đã từng tìm hiểu ngành báo chí, biên tập viên, cũng vì thích phân tích các vấn đề, sự kiện nên tôi cũng tìm hiểu qua các ngành phân tích thị trường, marketing. Lúc đó tôi băng khoăn lắm, không biết cái nào phù hợp với mình. Tôi dò tìm rất nhiều tư vấn, giới thiệu ngành trên mạng, các video nói về các ngành tôi quan tâm. Và một ngày tôi đã đọc được dòng mô tả về ngành xã hội học (Sociology) của trường đại học Mở TP. HCM. Kể từ lúc đọc dòng mô tả đó, tôi cũng có đọc thêm về những ngành khác nhưng sự quan tâm trong đầu tôi lúc này là "Xã hội học là gì?".
Thế là tôi tìm hiểu về nội dung ngành học, chương trình giản dạy, các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan, lĩnh vực lao động của ngành. Tôi nhận thấy rằng, ở Việt Nam thì ngành này chưa thực sự phát triển, các nghề nghiệp thì có độ phũ quá rộng từ làm việc về báo chí, biên tập, truyền thông, cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể, phát triển dự án xã hội,... Rất nhiều những ngành nghề mà tôi rất thích đều hội tụ tại cái ngành "hỗn tạp" này. Vậy học xong tôi biết làm gì bây giờ?

Đọc thêm:

Thế là tôi có tham khảo qua một số thầy cô, anh chị đi trước. Tôi nhận thấy rằng, gần như không có anh chị, bạn bè nào học ngành này, còn thầy cô thì gần như mơ hồ về nó. Tôi quyết định tin vào "chỉ báo" lần này! Lúc đó tôi cảm giác mình như là một phi hành gia truy tìm người ngoài hành tinh, để rồi hôm nay đã bắt gặp được, tôi vô cùng thích thú và quyết định sẽ khám phá tên người ngoài hành tinh này. Tôi đã đặt nguyện vọng đại học theo thứ tự là:
(1) Xã hội học - khối D71 - Đại học Mở TP. HCM
(2) Xã hội học - khối C - Đại học Mở TP. HCM
(3) Xã hội học - khối D - Đại học Tôn Đức Thắng
Kết quả là tôi đã đậu nguyện vọng (1). Trong quá trình học tập, tôi liên tục nhận được những câu hỏi từ các bậc phụ huynh, những người hàng xóm, người quen của ba mẹ. Họ hỏi rằng tôi thi vô ngành nào, trường gì. Sau khi trả lời, tôi đảm bảo với các bạn là mười lần thì hết chín lần tôi nhận lại được một vẻ mặt khó hiểu kèm theo câu "Xã hội học là học gì?", lần còn lại là tôi nhận được cái nhìn khinh khỉnh tỏ vẻ xem thường. Thật sự lúc đó với cương vị là một câu nhóc năm nhất, tôi vẫn chưa nắm rõ và chưa biết giải thích làm sao với câu hỏi đó, rồi tôi bị cái nhìn khinh khi đó ảnh hưởng. Nhưng tôi vẫn tin vào lựa chọn của bản thân mình và luôn cố gắng vì bản thân.
Cho đến ngày hôm nay, tôi đã có một nền tảng nhất định về ngành học. Tôi cũng đủ tự tin để trả lời câu hỏi của những người thắc mắc "Xã hội học là gì?".
Xã hội học là gì?
Xã hội học là một ngành khoa học, học xã hội học là học về một góc nhìn, một quan điểm xã hội. Người học xã hội học phải luôn đặt ra những câu hỏi nghi vấn về một vấn đề xã hội. Học xã hội học là nghiên cứu các hành vi của con người, phân tích vì sao họ lại làm như vậy, tại sao diễn ra sự việc đó. Ngành xã hội học có mặt ở mọi khía cạnh trong đời sống, giúp ta nhìn mọi sự vật hiện tượng theo một góc nhìn khác. Đó là nhìn thẳng, khai thác ra được nguyên nhân sâu xa của một vấn đề. Qua đó, giúp ta đánh giá và đưa ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề của xã hội.
Một phép só sánh để bạn dễ hình dung nhé. Ví xã hội của chúng ta như một cơ thể sống; Các vấn đề tồn tại trong xã hội, các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp như: bùng nổ dân số, sự phân hóa giàu nghèo, suy thoái đạo đức, chiến tranh hay như các tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực,... Tất cả những thứ đó gây cản trở cho việc phát triển chung của xã hội mà tôi ví đó như các loại bệnh tật của xã hội; Vậy thì cái cơ thể sống “xã hội” đó rất cần một người bác sĩ chuyên đi trị các bệnh trên, cần một người đưa ra các giải pháp để cải thiện đời sống xã hội. Người bác sĩ đó chính là nhà xã hội học.
Sau khi học xã hội học, ta có một cái nhìn về cuộc sống thực tế hơn, hiểu được các góc khuất của xã hội, phân tích các vấn đề một cách có hệ thống, có khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức. Tất cả những kỹ năng tôi vừa nói tới đây gọi là Nhãn quan xã hội học (Social view), đây là vũ khí lợi hại nhất của một người học xã hội học.
Vậy học xã hội học thì làm gì? Ngành xã hội học không gói ta vào một lĩnh vực ngành nghề nhất định. Mà kiến thức xã hội học có thể áp dụng vào rất nhiều trong đời sống, có thể kể qua một số ngành nghề như: báo chí, phóng viên, biên tập viên tại các công ty truyền thông, chuyên viên tư vấn tại các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, làm công tác quản lý, tư vấn trong các cơ quan nhà nước và còn rất nhiều những công ty tuyển dụng chuyên viên tư vấn xã hội.
Khi nào thì bạn chọn ngành xã hội học? Khi bạn là một người đam mê phân tích, khám phá các vấn đề xã hội, luôn đặt nghi vấn cho các sự kiện diễn ra trong cuộc sống, thích sâu chuỗi các vấn đề để mọi thứ theo một trình tự logic. Hay nói đơn giản là bạn muốn tìm một ngành học mà ở đó chúng ta hiểu được cách "con người sống với nhau", thì xã hội học là một con đường dành cho bạn.
Chúc bạn sức khỏe và thành công.

Đọc thêm: