“Con ơi, sang ăn cơm!”
Kể cũng lạ khi một thằng ham ăn như nó đã không còn hào hứng khi nghe câu đó nữa.
Chắc cũng vì bữa cơm gia đình tối Chủ Nhật đã không còn mặn mà như cái thời nó còn nhỏ.
Mâm cơm vẫn thế, vẫn đủ mặt gia đình từ ông bà, bố mẹ, 3 thằng con, chỉ có điều sự ấm cúng vui vẻ ngày nào đã đi đâu mất.
Ừ thì cũng dòng đời đưa đẩy …
****
Bố nó chắc là người thay đổi đầu tiên. Ngày trước bố làm ăn được, tiền bạc khá khẩm cũng đủ cất căn nhà cho mấy mẹ con ở. Bố sống phóng khoáng, tập thể dục thể thao, bóng banh điều độ, thuốc là tuần 2 gói, rượu bia đều đặn và vẫn hay nói nói chuyện khuyên bảo mấy đứa con. Phải nói là nó nể bố nó thật: bố giỏi, tự tin, nhưng bảo thủ và chả nghe ai khuyên bảo cái gì bao giờ. Cứ như thế đến khi, kinh tế khó khăn, tiền bạc ít dần, nợ nần xuất hiện, mọi thứ bắt đầu dồn vào một lúc. Mẹ thường nói, sống mà không chấp nhận thay đổi, không tiếp thu và học tập thì chẳng tiến bộ được … và mẹ nó nói đúng. Bố nó vẫn thế, vẫn thể thao thuốc lá rượu bia, vẫn đi làm về khuya, chỉ có điều hình ảnh nhạt dần trong mắt nó.
Mẹ nó thì ngược lại, phải đến khi kinh tế khó khăn mới bắt đầu khấm khá, nuôi sống 3 thằng con. Mẹ kĩ tính, cái gì cũng tự làm, chả nhờ vả ai, một tay chăm sóc gia đình. Mẹ học nhanh, ứng biến tốt nhưng lại thích những gì truyền thống, đôi khi hơi cổ hủ mà lại ít khi nói ra, thường ôm cái khó chịu vào người, lâu dần thành bệnh. Ung thư, cơ thể hay mệt mỏi, ăn uống không vào, lại thêm áp lực công việc và gánh nặng gia đình đâm ra mẹ hay gắt gỏng, khó chịu với nhiều thứ trong gia đình. Đứng đầu blacklist là bố nó, sau đó đến 3 thằng con, rồi ông bà, và cả 2 con chó.
Ông bà nó vẫn vậy. Ông vui vẻ thoải mái, bà nói gì cũng nghe, hay hoài niệm về những ngày xưa cũ, và hay phân tích bình luận tình hình chiến sự quốc gia. Bà nó thì lại mang đặc chất con người thời bao cấp, cái gì cũng tiết kiệm, cái gì cũng lo lắng và thích dành dụm. Bà với ông khác nhau một trời một vực, chỉ giống nhau được mỗi cái thương cháu.
Ba anh em nó mỗi thằng mỗi tính. Đứa út hiểu thảo, chăm chỉ, bướng bỉnh, giống y như bố nó. Thằng thứ hai thì ngược lại, ham chơi, sống bản năng, cái gì cũng bản thân trước. Còn nó, thằng cả, dĩ nhiên là gia trưởng.
Mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi câu chuyện, không khó để tưởng tượng bữa cơm gia đình nó sẽ như thế nào…
Ông vừa xem ti vi vừa bình luận tình hình biển Đông mặc dù chả ai hưởng ứng.
Bà loay hoay gắp cho người này người kia, nơm nớp lo chuyện hết đồ ăn, lâu lâu mắng mấy đứa cháu ăn phí.
Bố nó rót rượu liên tục, lâu lâu phát biểu mấy câu lạc đề.
Thằng hai ăn lấy ăn để, cứ món nào ngon là ních đầy bụng chả để ý đến ai.
Thằng út liến thoắng về chuyện học hành điểm số.
Và mẹ nó thì khó chịu với tất cả những điều trên, ăn uống không vào, nói câu nào là căng câu đấy. Hễ mẹ nó cất tiếng, cả nhà lại im lặng nhìn nhau, chẳng ai hiểu ai, không khi căng thẳng bao trùm bàn ăn, cho đến khi thằng hai chép miệng ăn tiếp, thằng út lại nói, bố lại uống, ông lại bình luận, và bà lại gắp. Cái vòng luẩn quẩn nhạt thếch lặp lại vài lần trước khi bữa ăn kết thúc.
Nó cắm cúi ăn, thầm nhớ lại những bữa cơm gia đình tối Chủ Nhật đầy tiếng cười ngày trước. Lúc mà bố nó vẫn hay kể chuyện về những món ngon ở sau những lần đi công tác, khi mà mẹ nó vui vẻ ăn uống và lắng nghe tất cả mọi người, khi mà ông bà vẫn còn trêu nhau và nói chuyện với mấy thằng cháu, khi mà chuyện học hành điểm số của thằng út vẫn còn được khen, và thằng hai vẫn hay bị mắng vì tội ham ăn….
Giờ thì cái gì cũng nhạt,
Nhạt từ câu chuyện vài ba câu không ai hưởng ứng,
Nhạt từ thái độ khó chịu trong bữa ăn,
Nhạt không khí gia đình,
Nhạt cả bát canh toàn mì chính bà vẫn hay nấu.
Dần dà chính nó cũng là người kiệm lời, cả bữa ăn không nói tiếng nào, chỉ tự nhắc nhở bản thân rằng không được phép than thở, rằng gia đình mình còn hạnh phúc chán. Hôm nào cũng thế, bất kể bữa sáng trưa chiều, nó chỉ cắm cúi ăn cho xong rồi lết xác qua phòng khách ngồi vào laptop.
****
Nó cầm bát đứng dậy sau năm phút ngồi vào bàn.
“Con ăn nữa đi chứ ?” – bà hỏi với vẻ hơi luyến tiếc sự có mặt của nó trong bữa cơm gia đình.
“Dạ con no rồi” – nó trả lời như thường lệ, không quên kèm theo một nụ cười.
Một nụ cười nhạt.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất