Nhận tiền từ đàn ông - suy ngẫm sau sự việc Mèo Béo
Sự việc chàng trai Mèo Béo ở Trung Quốc tự sát sau 2 năm cuộc tình với 51 vạn tệ (hơn 1 tỷ đồng) chuyển cho bạn gái khiến tôi có trăn...
Sự việc chàng trai Mèo Béo ở Trung Quốc tự sát sau 2 năm cuộc tình với 51 vạn tệ (hơn 1 tỷ rưỡi VND) chuyển cho bạn gái khiến tôi có trăn trở viết bài viết này.
Ba tôi là một người nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái, từ hồi tôi còn rất nhỏ ba tôi đã luôn dặn kĩ một câu : “Tuyệt đối, tuyệt đối không được phép nhận tiền từ đàn ông”. Lúc còn nhỏ, tôi không hiểu câu đó cho lắm, nhất là trong một xã hội mà việc nữ nhận tiền/quà từ đàn ông là một điều rất bình thường. Sau này năm tháng đi qua mái đầu cùng với sự tự chiêm nghiệm, tôi dần hiểu câu nói ấy và có cả những sự tự phản biện.
Gắn liền với câu nói ấy thì tôi có một ký ức nhỏ. Tôi vẫn còn nhớ đó là một buổi chiều năm 2021, khi ấy tôi 19 tuổi, tôi đang ngồi một mình chạy deadline ở Highland chi nhánh dưới chân tòa nhà Viettel đường Cách Mạng Tháng Tám quận 3. Lúc đó có một chú (có lẽ ngoài 30) đến chỗ tôi ngồi, bắt chuyện và đề nghị mời nước. Tôi chỉ trả lời “Dạ thưa chú, cảm ơn chú nhưng ở nhà ba con dặn không được nhận tiền đàn ông. Hơn hết, bản thân con cũng thấy như vậy, con không nhận tiền đàn ông”. Ông chú ấy bày tỏ một vẻ mặt khó hiểu cực kỳ, cũng hỏi lại “Ơ thế sau này cháu có bạn trai thì sao ? Chả lẽ lại không nhận ?”. Tôi bảo “Dạ thưa chú, khi ấy thì có qua có lại, người ta cho bao nhiêu, con trả bấy nhiêu”. Nói xong, tôi tiếp tục công việc của mình. Ông chú ngây người ra, nhưng ánh mắt có nhiều phần “nể” hơn.
Ký ức ấy khiến tôi nhớ mãi. Một ly Highland chỉ có gần 50 nghìn, nhưng đổi lại một sự tôn trọng, có lẽ cũng rất đáng.
Những chiêm nghiệm trong cuộc đời khiến tôi hiểu sâu sắc cuộc đời chính là “có vay có trả”, không ai có thể cho không ai cái gì, khi người ta cho mình cái gì thì luôn luôn ký thác trong đó một sự kỳ vọng. Thứ chi phối sâu sắc cuộc sống không phải là luật pháp mà chính là “luật ngầm” - những luật ngầm trong xã hội luôn âm ỉ chảy một dòng chảy nhẹ nhàng nhưng sức ảnh hưởng lại len lỏi vào từng ngóc ngách của thế tục. Khi chúng ta nhận từ ai một cái gì đó, vô hình chung, tạo thành một “luật ngầm” giữa cả hai, rằng từ nay người nhận phải có thái độ “biết điều” hơn trước người cho. Tuy “luật ngầm” đó không ai nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu, vì nó là đạo lý.
Trong Hán ngữ, chữ “Ân” chứa trong nó một ý nghĩa hình tượng rất thâm thúy. Chữ “Ân” trong tiếng Hán được ghép lại bởi hai chữ : Chữ ở trên với hình tượng một người bị bao bọc bởi bốn bức tường, còn chữ ở dưới lại chính là chữ “Tâm”. Hình tượng đó có thể hiểu một cách trừu tượng như sau : Rằng khi chúng ta nhận cái gì đó từ người khác (nhận ơn nghĩa) thì sẽ bị trói buộc bởi bốn bức tường, bức tường vô hình ấy chính là cái Tâm, tạo nên một sự mắc nợ. Người nhận ơn đồng nghĩa với việc cái tâm bị đè nén, nói cụ thể hơn là lòng tự ái bị tổn thương, có khi sẽ hình thành nỗi nhục.

Đương nhiên, trong quá trình trưởng thành ai cũng có lúc đối diện với cái nghèo, cũng có khi tôi nhận tiền từ người khác phái, nhưng tất cả dừng lại ở vay mượn và trả đủ.
Từ đó, với tôi, việc không nhận tiền từ đàn ông tạo cho bản thân tâm thế sống thoải mái, kiêu hãnh, bảo vệ được danh dự và không có cảm giác nợ nần.
Quay lại sự việc chàng trai trẻ tuổi ở Trung Quốc tự sát sau 2 năm trời cày cuốc kiếm tiền cho bạn gái gây xôn xao mạng xã hội, tâm lý của bạn Mèo Béo trong sự việc ấy chính là đại diện cho tâm lý chung của một bộ phận nam giới trong xã hội - khi họ lao tâm khổ tứ bạt mạng kiếm tiền nhưng chưa chắc mua nổi căn nhà, thậm chí không đủ tiền cưới vợ, cõng trên vai gánh nặng sự nghiệp và định kiến xã hội về sự thất bại của đàn ông, khi ấy chỉ cần có một người con gái xuất hiện trong cuộc đời, người con gái đó trở thành tất cả nguồn sống, là ánh sáng le lói của hy vọng. Được mua quà, chi tiền cho cô gái đó trở thành một niềm hạnh phúc, nó ve vuốt cái bản năng của người đàn ông. Tuy sống vững với quan điểm không nhận tiền từ đàn ông, nhưng tôi vẫn thấu hiểu được tâm lý ấy thông qua ánh mắt của những người từng theo đuổi mình. Thậm chí trên đời cũng tồn tại nhiều người nam giới, sẵn sàng bỏ vợ, bỏ con, bỏ mái ấm, bỏ cả sự nghiệp chỉ để dốc tiền mua lấy trái tim của một bóng hồng nào đó, đó là bản năng. Với đàn ông, đôi khi sắc dục chính là thứ ma túy hợp pháp, khiến người ta điên đảo rồi đánh mất tất cả.
Hơn hết càng phải hiểu rằng khi nhận cái gì từ người ta thì sẽ bị giam cầm bởi những song sắt mang tên ơn nghĩa. Người xưa có một câu rất thâm thúy : “Ơn càng nặng thì oán càng sâu”, đôi khi càng cho ai đó quá nhiều khiến áp lực nợ nần cho người đó ngày càng nặng nề, càng cảm thấy tự ti, từ đó sinh oán hận trong âm thầm, tạo ra vong ơn, phản bội, phụ bạc để vùng vẫy thoát khỏi song sắt ơn nghĩa ấy.
Sự việc chàng trai ấy xảy ra, tôi không dám trách chàng trai trẻ dại dột, cũng càng không dám nói đàn ông đừng chi tiền cho phụ nữ, chỉ dặn bản thân : Là phụ nữ, thời còn nhan sắc, còn vẻ ngoài, hãy sử dụng thứ “vũ khí” đó một cách tiết chế và có đạo đức để những ân oán, nợ nần từ đó không khởi sinh.
Lê Thảo Quỳnh

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
Chú không có ý định đọc bài viết này kỹ và bình luận gì, Tuy nhiên chú cảm thấy nó là tư liệu tốt để chú trao đổi với 2 đứa con chú về chuyện nhận sự giúp đỡ, tiền bạc từ người khác. Bản thân chú cũng là người không thích nhờ vả, dựa dẫm, hoặc thậm chí không muốn người khác giúp mình vì chú sợ phải mang ơn họ - điểm này là điểm chú thấy cháu cũng giống chú. Tuy nhiên, sau nhiều va vấp của cuộc đời thì chú nghĩ nhận sự giúp đỡ của người khác và mình cũng giúp đỡ người khác thực ra sẽ củng cố rất nhiều các mối quan hệ xã hội cho mình, và chắc chắn rằng mình không phải là người có thể làm được tất cả mọi việc, và cũng có lúc phải cần sự trợ giúp của người khác (kể cả tiền bạc).
Chú nhìn bài viết này dưới góc độ một người cha đọc quan điểm của con gái và phản ứng của bạn bè nó phản biện quan điểm đó. Theo chú thì việc đưa ra các luận điểm về giới như "đàn ông", "tiền" khiến cho nhiều bạn cho rằng cháu overreact, cực đoan và có xu hướng comment theo kiểu công kích cá nhân.
Chú nghĩ cháu chỉ muốn nêu rõ quan điểm của cháu - là một người phụ nữ trưởng thành trong một xã hội hiện đại thì sẽ độc lập, tự chủ, coi trọng danh dự bản thân. Còn đối với các mối quan hệ xã hội thì cháu sẽ duy trì mối quan sòng phẳng - có vay có trả. Chú nghĩ sau này khi va chạm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống, cháu sẽ có nhiều góc nhìn khác hơn.
Kính chúc chú một ngày vui vẻ chú nhé !
Thực chất, cuộc sống là muôn hình vạn trạng, bài viết của mình thì đương nhiên không bao quát hết mọi khía cạnh. Hiểu một bài viết chính là hiểu bối cảnh của bài, hiểu phạm vi, ở đây thì mình đề cập chủ yếu đến quan hệ nam - nữ dưới góc nhìn cho - nhận và những hệ lụy của nó.
Chúc bạn một ngày vui vẻ bạn nhé !
Việc nhận hay không nhận tiền, vật chất, thời gian từ một người khác, mình nghĩ cần xét đến hoàn cảnh cụ thể hơn là cứ nhất quyết cự tuyệt. Giả định bạn có 1 anh bạn rất thân, ảnh bệnh nặng và hết khả năng tài chính chữa trị, bạn thương ảnh như một người bạn thân và muốn giúp anh một số tiền để ảnh chữa trị. Bạn cầm số tiền, bằng sự chân thành, đưa cho ảnh hy vọng có thể góp phần giúp ảnh chữa trị và không có nhu cầu phải đòi lại. Đổi lại với sự chân thành của bạn, ảnh bảo: "mình cảm ơn, nhưng mẹ mình đã từng dạy là đàn ông, đừng bao giờ nhận tiền của phụ nữ", rồi trả lại cho bạn và đối mặt với cái chết đang cận kề. Bạn có thực sự vui. Và trường hợp này ai mới thực sự là người cho đi.
Tổng hợp quan điểm của mình là nên thực sự quan sát thiện chí và sự chân thành của người cho trước khi nhận. Và rằng không có gì chắc chắn trong cuộc sống đâu bạn. Nhận cũng đôi khi là cho đi.
Kính chúc bạn một ngày vui bạn nhé