Mark Twain từng viết, “lòng tốt là thứ ngôn ngữ người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”. Trong xã hội hiện nay, lòng tốt luôn được đề cao như một đức tính đẹp mà mọi người nên theo đuổi. Tôi thường cho rằng mình là một người tốt bụng, luôn quan tâm đến người xung quanh. Khi gặp chuyện gì đó, tôi luôn nhún nhường và không tranh giành với người khác vì cảm thấy làm vậy làm mình mất mặt. Phải chăng từ nhỏ tôi được dạy rằng “ ở hiền gặp lành", nhưng giờ càng ngày càng không tin vào lòng tốt thuần túy nữa.  
Có những người nghĩ tốt làm việc tốt, nhưng không chứng tỏ họ đã hiểu được ý nghĩa chân thực nhất của khái niệm “lòng tốt”. Một số trường hợp lòng tốt có thể là con dao hai lưỡi. Bạn cho đi, hy sinh thời gian bản thân rốt cuộc không được tôn trọng. 
Hồi đi học cấp ba, trong lớp tôi có một đứa được khen là một đứa dễ dãi, hiền lành, tuy nó không thích những nhận xét ấy lắm, nhưng cũng không bận tâm. Tính cách nó nhiệt tình xông xáo nên ai cũng thích nhờ giúp đỡ lặt vặt, lúc thì nhờ đi mua nước ở căn tin, lúc thì lau bảng hộ… Có khi, một số đứa lại nhờ nó làm ppt thuyết trình, dù không muốn lắm, nhưng nó cũng miễn cưỡng đồng ý. Rồi có một đứa bạn thấy nó dễ tính, vay tiền nó mà không có ý trả, vào lớp còn làm bộ làm tịch như không quen. Rồi một lần, nó đánh bạo đòi tiền đứa nọ. Không ngờ đối phương lại lạnh lùng đáp: “có tí tiền thôi mà, cùng lắm thì tao cho mày dùng chung đồ để trừ nợ”. Từ đó về sau, người bạn kia học được cách không nên tùy tiện cho đi lòng tốt, không ngờ đám bạn trong lớp lại xì xầm to nhỏ thậm chí nói nó nhỏ mọn. Sự hào phóng quá mức khiến người khác nghĩ rằng những gì cậu trao cho họ là trách nhiệm cậu phải thực hiện. 
Có lẽ, những người tốt bụng như người bạn trên, hay bạn và tôi, đôi khi nên học cách cho đi sự giúp đỡ đúng mực để tránh những điều tồi tệ có thể xảy đến.