Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau
Đa phần chúng ta sẽ hiểu câu tục ngữ này theo nghĩa xấu, nói về thói khôn vặt của người Việt, ý bảo: cái ăn thì lăng xăng chạy trước để được ăn ngon, lội nước đi trước thì bị nước cản tốn sức, đi sau lại được nước cuốn đẩy lên, có chướng ngại vật thì người đi trước cũng lãnh trước, đi sau biết đường né.
Thật ra, nghĩa hàn lâm của câu tục ngữ này rất tốt và ý nghĩa, được hình thành dựa trên lối sống bao đời nay của người Việt. Đây là một lời dạy bảo về lối sống khôn khéo, tình nghĩa giữa người với người. Ngày xưa (và cả ngày nay nữa), mỗi khi có đám tiệc linh đình, đại loại là ăn uống phá cỗ, thì những người được mời đều đến trước để giúp gia chủ. Phụ nữ thì giúp việc bếp núc, đàn ông trai tráng thì giúp việc bày dọn mâm cỗ, giết trâu chặt gà,... Ấy thế nên mới có câu "Ăn cỗ (thì) đi (đến) trước". Đây là một lối sống văn minh, nghĩa tình của người Việt và được khẳng định rằng chẳng dân tộc nào có cả. Tây hay Tàu, mọi người đều chỉ đến đúng giờ được mời, họa may thì có vài trường hợp cá biệt, còn ở người Việt, đây đã là một nét văn hóa truyền thống, chẳng cần ai bảo ai cả.
Về câu "lội nước theo sau", nói đến một kinh nghiệm sống còn. Người Việt xưa thường có các đợt di dân lớn, trên đường đi có rất nhiều chướng ngại vật. Mỗi khi lội nước, đàn ông trai tráng sẽ đi phía sau, thấy ai va phải đá, vướng phải xoáy thì giúp đỡ kéo lên. Chứ nếu người khỏe mạnh đi trước, gặp nạn người sau chẳng thể cứu, người sau gặp nạn cũng chẳng thể biết. Nét văn hóa này còn thể hiện trong những câu ca dao, tục ngữ khác như "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ"... Nói người Việt cần cù có thể là tự huyễn, chăm chỉ siêng năng thì có thể là không đúng, khôn ngoan khéo léo thì chắc cũng chẳng chứng minh được. Ấy thế nhưng, nói người Việt đoàn kết, nghĩa tình thì không sai vào đâu cả.

Người Việt cũng còn nhiều nét đặc trưng văn hóa rất riêng nữa. Tiêu biểu là... à, không có tiêu biểu. Quan niệm sống của người Việt lúc nào cũng ở mức "bình bình". Về tín ngưỡng và tôn giáo, dân tộc Việt có nhiều ấy thế nhưng đều không cuồng tín và ít quan tâm nhiều đến giáo lí. Có người thờ Phật, có người thờ Chúa,... ấy thế nhưng tuyệt nhiên đều không tự xem Chúa, Phật là tất cả. Thế nên ở Việt Nam thường ít xảy ra xung đột giữa các tôn giáo, sắc tộc. Người Việt có thể tin thần và quỷ, có thể mê tín nhưng chẳng để bị chi phối nhiều, ai cũng quan tâm đến hiện tại hơn tương lai. Họ quan tâm đến tương lai của con cái hơn cuộc sống sau khi chết, khi đau ốm thì nghĩ đến gia đình sẽ ra sao nhiều hơn là trông chờ vào một thế lực siêu nhiên nào đấy cứu mình.
Về văn hóa, quan điểm nghệ thuật của người Việt cũng ở mức "bình bình". Thích màu trung tính, nhẹ nhàng, thanh nhã, không thích quá màu sắc, nổi bật. Có thể nhìn qua Campuchia, Thái Lan,... dân tộc họ đều thích những màu sắc sặc sỡ. Người Việt ta ở gần cũng có ít pha trộn, thế nên các bạn đi dần từ Cà Mau, Kiên Giang trở lên Sài Gòn, Phan Thiết sẽ thấy màu sắc trang phục nhạt dần. Ẩm thực người Việt cũng nhẹ nhàng, thanh đạm, tinh tế,... chứ không quá gay gắt. Người Thái có món lẩu Thái cực cay, cực chua, người Campuchia có món mắm bò hóc cực nồng,... Người Việt thì không quá lạm dụng gia vị, nhưng cũng không đến mức 'nhạt nhẽo' như phương Tây. Ẩm thực người Việt không đơn giản như anh em Phi Châu, lại chẳng quá cầu kì như các chị Âu Châu. Nói chung mọi thứ luôn ở mức giữa như thế.
Cũng chẳng biết quan niệm xuất phát từ lối sống, lối nghĩ hay lối sống, lối nghĩ xuất phát từ quan niệm, hay cả hai cứ liên tục tác động lên nhau. Người Việt vì thích những thứ "bình bình", nên cũng chỉ tạo ra được những thứ "bình bình", không hơn không kém. 
Việt Nam không có một công trình kiến trúc tiêu biểu và đồ sộ nào cả. Anh Trung, Cam, Thái, Lào,... nhắc đến đều có những công trình quy mô nhân loại, đi tí qua Tây Á, châu Âu, châu Phi,... lại càng khủng hơn. Ngay cả những nền văn minh lâu đời tít sâu trong rừng núi châu Mỹ cũng có những tuyệt tác đồ sộ. Riêng Việt Nam, chẳng có công trình quy mô nào sánh vai với bạn bè thế giới được. Về văn học cũng thế, người Việt chẳng có tác phẩm nào vang danh thế giới, cũng không có ai nổi tiếng toàn cầu. Văn học thế giới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga cho đến Hi Lạp, Tây Ban Nha hay thậm chí Hoa Kỳ sinh sau đẻ muộn cũng có những thi hào, văn hào vĩ đại với các tác phẩm vĩ đại như những bộ tiểu thuyết, những bài thơ, những hình tượng nhân vật đã trở thành biểu tượng của thế giới. Việt Nam tuy vẫn trọng thơ phú, văn vẻ,... nhưng chẳng ai xem đó là cái nghề. Thơ dăm ba câu ai cũng làm được, truyện dăm ba dòng ai cũng viết được, ấy thế nhưng chẳng ai sống chết cùng nghệ thuật, cống hiến hết mình cho nghệ thuật được. Âu cũng là cái ăn cái mặc, dân Việt đói khổ triền miên quá?
Vì cái tính "bình bình", "sao cũng được" ấy mà người Việt cũng ngại tranh biện, ngại kiện tụng. Dù rằng đó là bảo vệ cho chính bản thân mình. Ấy thế nên mọi người thường thỏa hiệp, thương lượng chứ không muốn xích mích mất lòng. Cũng vì lí do này, triết học Việt Nam cũng chẳng có điểm sáng nào nổi trội, dù mang trong mình một nền văn hiến ngàn năm. Mọi người ngại tranh cãi, không thích những điều quá to lớn, vĩ đại thế nên thường sợ sệt, chỉ muốn an phận thủ thường. Sống ở làng thì biết cái làng, luôn sợ hãi mỗi khi nghĩ về tương lai mù mịt, bầu trời vũ trụ rộng lớn. Cái hay là luôn lạc quan yêu đời, vô ưu vô lo, tập trung được cho việc trước mắt, tận hưởng được giây phút hiện tại, cái dở thì nay nhiều kể khôn xiết.
Ví như văn hóa tranh luận hiện tại, các thanh niên có vẻ hăng say trên mạng xã hội nhưng chủ yếu là... chửi nhau. Vì chửi nhau trên mạng thì vừa thỏa mãn cái uất ức trong lòng, lại chẳng đi quá xa như chửi nhau ở bên ngoài. Điều này rất hợp với tính người Việt, vừa thích nghịch ngu lại vừa sợ chết. Người biết tranh luận thì giữa cuộc cũng "Thôi, phiền quá" ấy thế là cũng bỏ đi mất. Cái đúng của mình từ đó không được nhân rộng, cái sai của mình thì lại được giữ trong lòng cho bốc mùi hết lên.

Người Việt đánh nhau nhiều, trong quá khứ. Ngày nay cũng vậy. Ấy nhưng không phải dân tộc thượng võ như Nhật hay Đức, cũng chẳng phải thuộc dạng tiểu nhân nhu nhược. Những người ở làng, khi bị dồn ép họ sẽ bùng lên mãnh liệt, mọi chuyện qua rồi thì thôi, vẫn xuề xòa với nhau như không có chuyện gì. Tính tình dễ chịu, không để bụng. Ấy thế mà anh Mỹ ngày nay cả hai miền Nam Bắc nhân dân Việt Nam đều ngưỡng mộ chứ chẳng hề ghét bỏ, dù rằng đánh nhau biết bao năm trời. Về anh Trung Quốc khó tính thì dân ta vốn cũng chẳng để bụng, vẫn hay học hỏi, đề cao những điều tốt đẹp, du nhập bình thường. Nhưng hàng xóm suốt ngày quấy phá nên cũng ấm ức hậm hực, lòng cay không tả hết, sinh ra ghét bỏ. Ấy cũng là dồn ép vào đường cùng rồi còn gì?
Phụ nữ Việt Nam cũng mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thuần khiết. Ngày nay ra đường, việc các cô các chị trang điểm quá đà, ăn bận vô duyên bị thiên hạ bĩu môi chê cũng là do lạc đi mất văn hóa của xứ mình. Vẻ đẹp được đề cao là vẻ đẹp không son phấn quá mức, trang điểm vừa phải, trang phục gọn gàng, không 'mệt mắt'. Người thông minh thì sẽ biết văn hóa của mình, biết văn hóa của người mà có cách ăn mặc cho phù hợp, chứ chẳng phải những anh những chị ăn mặc vớ vẩn theo dăm ba cái thời thượng của nước ngoài, bị người khác phê bình thì lại nhảy dựng lên dăm ba câu nhức hết cả tai. Nào là "thích mặc gì kệ người ta", nào là "sống thật với cá tính",... Nhiều người còn chưa biết chính mình là như thế nào, nhưng vẫn nâng cao tuyên ngôn sống "đúng bản chất".
Nói chung là người Việt thích "bình bình".
Thế nên Việt Nam rất ít cá nhân xuất chúng. Chẳng ai muốn phấn đấu trở nên phi thường, vĩ đại cả, họ lên được một mức nào đó sẽ dừng lại, nhìn về những điều thân thuộc. Thế thì hạn chế sự sáng tạo, ngăn cản sự bứt phá, dân tộc cũng vì thế mà khựng lại. Người Việt ban đầu hăng say, nhưng sau cùng lại không giữ được lửa, mau chóng lụi tàn. Rồi họ nhảy việc này việc kia, làm nhiều nhưng chả chuyên sâu vào cái gì cả. Có nhiều người mang chí lớn, nhưng cả dân tộc "bình bình" thế kia, mình bứt phá thế nào chẳng bị kéo lại? Dạo gần đây, vài ba cuốn self-help bán chẳng được ở nước ngoài thì ở Việt Nam lại thành chân lí sống, sách gối đầu giường, nhà sách nào thì top 10 cũng có 11 cuốn là sách dạy làm giàu, còn lại là của các nhà văn trẻ với văn phong 'bình bình', chả ra đâu vào đâu, chẳng có được cái sâu sắc, đa phần nông cạn. Vài ba thanh niên vốn bị lối sống bình bình kìm hãm nay vớ được "chân kinh" thì tha hồ mà bùng cháy, nhưng cháy kiểu thế thì cũng làm được trò trống gì?
Này cháu, lo học đi!
Nét văn hóa của người Việt cứ 'bình bình', thế nên cũng dễ dàng bị pha trộn trong thời buổi hội nhập thế này. Người Việt lúc nào cũng muốn giữ Tết cổ truyền, ấy nhưng giữ được Tết chứ bay mất đâu cái gọi là "cổ truyền". Tôi thích Tết, nhưng thích theo kiểu ăn chơi, nhiều người cũng thế. Người Nhật có Kimono, người Hàn có Hanbok, người Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh, các nước Bắc Âu, Nga... đều có trang phục truyền thống và mặc vào các dịp lễ hội. Người Việt có Áo dài nhưng chỉ mặc để... đi học, chụp ảnh kỉ yếu. Tết nhất lễ lộc to thế thì mặc quần jeans áo thun, áo sơmi,... những trang phục hiện đại của châu Âu - thứ mà họ sẽ vứt ở nhà vào các dịp lễ hội. Đi đền chùa thì cứ váy ngắn, quần soóc, áo dây,... Nhiều chuyện cứ ''ngược ngược'' thế nào.

Đối với cái mới, người Việt không tiếp thu ngay, cũng chẳng kì thị mà có một thái độ 'trung tính'. Thế nên đôi khi cả một cái văn minh hay ho thế, du nhập cái xấu còn cái tốt thì vứt đi mất, phát minh hay thế thì gom phần lỗi về cho mình. Các bạn trẻ dạo này lướt mạng xã hội nhiều, học hỏi nhiều, nhưng thông thái thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy một lớp người nửa nạc nửa mỡ vớ va vớ vẩn. Cụ thể thì ở những diễn đàn của phương Tây, người Việt với văn hóa Việt toàn đi nhặt vài ba topic tình dục rồi dịch, rồi bàn tán như thể chuyên gia vậy. Người Việt vốn chẳng kín đáo như Nhật, lại cũng chẳng thoải mái như Mỹ mà cứ "ứ ừ" thế nên thấy vậy thích lắm, như mèo vớ phải mỡ, vào đọc lấy đọc để. Đầu óc thì thích thú tưởng tượng, hành động thì lại ngại ngùng ngáo ngơ. Người ta bảo đấy là 'uẩn ức tình dục' đấy các bạn ạ.
Có thể thấy, tính cách "bình bình" của người Việt có nhiều cái hay, và cũng nhiều cái dở. Cái hay thì càng mất dần, cái dở thì tăng nhanh dần đều, đó là do những chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế. Văn hóa cũng từ đời sống kinh tế mà ra cả. Khi xưa lối sống tiểu nông, mọi người quây quần bên nhau, an ủi nhau bằng những điều bé nhỏ nhưng nay đã đến lúc dũng cảm vươn ra biển lớn rồi. Khi xưa ông bà đứng hai bên ruộng la to mà nói chuyện, ngày nay cần văn minh, ăn nhẹ nói khẽ cười duyên. Ngày xưa làm nông nghiệp nên cần nghỉ ngơi ăn Tết, chờ mùa màng đến, ngày nay cuộc sống vận động liên tục, sống thoải mái thì không sướng được, mà có sướng hôm nay thì mai lại khổ, thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt để làm gì?
Thế nên, chúng ta, những người trẻ hãy thay đổi dần dần. Vì có những cái nó trở thành 'ý thức hệ dân tộc' sẽ kìm hãm cả một cái khối, như một tảng băng chìm quá sâu trong lòng nước. Hãy tan ra biển lớn. Nhưng tan ra thì cũng là nước từ tảng băng đó, vẫn ngọt thanh chứ đừng nhiễm mặn của nước biển nhé các anh, các chị!
Có một thứ chúng ta nên "bình bình", đó là lối tư duy nhị phân. Đừng thiên về bất cứ điều gì cả, đừng quá 'yêu dân tộc' mà sống tiểu nông, cũng đừng quá sính ngoại mà đánh mất bản sắc. Cứ... bình bình mà triển!

Tham khảo: Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc - nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu
Đọc thêm bài viết của mình:
Và một truyện mình vừa sáng tác - nhưng chả có ai đọc cả, buồn lắm: