Có 2 hình ảnh mình muốn đề cập trước khi đi vào phần chính của bài viết này.

Hình ảnh 1:

Gần như cả nước xếp hàng đi xem phim này, trong đó rất nhiều người trẻ
Gần như cả nước xếp hàng đi xem phim này, trong đó rất nhiều người trẻ
Tết Giáp Thìn (2024), Đào, Phở và Piano nổi lên như một hiện tượng lớn. Cháy vé, sập nền tảng đặt vé vì quá tải, đạt doanh thu kỷ lục với một phim nhà nước,...là những từ khóa quan trọng cho thấy sự thu hút của nó với công chúng, trong đó, có rất nhiều các bạn trẻ.
Mà Đào, Phở và Piano, như các bạn cũng biết, nó nói về lịch sử. Ta sẽ không bàn về việc nó hay - dở thế nào vì đó không phải là mục tiêu bài viết này.

Hình ảnh 2:

Học sinh xé đề cương môn lịch sử vứt xuống sân trường
Học sinh xé đề cương môn lịch sử vứt xuống sân trường
Tháng 04/2013, nhiều tờ báo lớn đưa tin về vụ việc hàng trăm học sinh của một trường cấp 3 xé đề cương môn lịch sử và thả bay khắp sân trường sau khi nghe tin không có môn này trong bài thi tốt nghiệp.
Đây chỉ là một hình ảnh đơn lẻ và có phần "cực đoan" nhưng không thể phủ nhận, nó là hình ảnh biểu tượng cho sự thật: môn lịch sử không được học sinh đón nhận.

Từ 2 hình ảnh mâu thuẫn trên, ta có các câu hỏi như sau:

- Có thực sự người trẻ ghét lịch sử Việt Nam nói riêng hay lịch sử nói chung?
- Nếu ghét, tại sao họ lại phải dành rất nhiều thời gian và công sức để xếp hàng đi xem một bộ phim về lịch sử?
- Lịch sử có thật sự là một môn học nhàm chán không?
Bài viết này sẽ là quan điểm của mình để trả lời từng câu hỏi ấy.

1. Có thực sự người trẻ ghét lịch sử Việt Nam nói riêng hay lịch sử nói chung?

Với việc không có một cuộc khảo sát ý kiến cụ thể và quy mô, việc đưa ra câu trả lời sẽ là vô cùng chủ quan và thiếu căn cứ. Tuy nhiên hãy nhìn nhận câu hỏi này bằng một câu hỏi khác mà mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy dễ dàng tự trả lời hơn: "Chúng ta cảm thấy cái gì mới thực sự là nhàm chán? Môn học lịch sử trên trường lớp hay chính bản thân lịch sử?"
Tại sao lại hỏi như vậy, bởi vì "môn học lịch sử" và "lịch sử' là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu chỉ nói đến lịch sử, có thể hiểu đơn giản là nói đến những gì đã từng diễn ra trong quá khứ. Nói về "môn học lịch sử', ta phải kể đến những yếu tố liên quan đến phương pháp giáo dục, cách tiếp cận và truyền tải kiến thức - những yếu tố quyết định việc người học tiếp thu kiến thức như thế nào.
Giờ, hãy đặt vấn đề lại từ đây để chúng ta có cơ sở trả lời cho những câu hỏi tiếp theo.

2. Nếu ghét lịch sử, tại sao họ lại phải dành rất nhiều thời gian và công sức để xếp hàng đi xem một bộ phim về lịch sử?

Đúng thế, nếu ghét lịch sử, người ta đã chẳng phải dành nhiều thời gian hay công sức đến thế để xem một bộ phim về đề tài lịch sử. Nếu lịch sử thật sự nhàm chán, người ta đã chọn thứ gì đó vui hơn, hay hơn, đặc biệt là trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều hình thức giải trí "mì ăn liền" như ngày nay.
Ngay cả khi có những người đi xem vì tò mò, vì fomo, vì xu hướng thì tại sao một bộ phim về lịch lại tạo ra được nguồn động lực ấy?
- Chẳng phải chúng ta cũng có môn lịch sử khi đi học hay sao?
- Chẳng phải chúng ta từng thấy môn học này khô khan và nhàm chán?
- Chẳng phải chúng ta chưa từng thấy phản ứng nào tích cực lớn đến thế khi học sinh nói về môn lịch sử?
Vậy, phải chăng thứ mà nhiều người trẻ muốn chối bỏ không phải là "lịch sử" mà là "môn học lịch sử" - thứ được giảng dạy cho chúng ta trên ghế nhà trường?

3. Lịch sử có thật sự là một môn học nhàm chán không?

Mà nói đến môn học, như đã đề cập trước đó ở phần 1, chúng ta không thể không nói đến phương pháp tiếp cận và truyền tải kiến thức.

Vậy hãy xem môn lịch sử được giảng dạy như thế nào nhé:

Một bài trong SGK Lịch Sử lớp 7 tại Việt Nam
Một bài trong SGK Lịch Sử lớp 7 tại Việt Nam
- Giáo viên dạy theo SGK. Một bài học sẽ gồm phần kiến thức (thường được trình bày theo dạng liệt kê mốc thời gian sự kiện, diễn biến, kết quả, cùng 1 vài hình ảnh minh họa đen trắng...
- Các câu hỏi và bài kiểm tra được đặt ra chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra tính chính xác của kiến thức, đặt nặng khả năng học thuộc lòng và ghi nhớ, đặc biệt là các yếu tố mốc thời gian, diễn biến, kết quả. Trong khi đó, lại thiếu đi không gian để học sinh phản biện hay nhìn nhận kiến thức một cách đa chiều.
- Học cụ hỗ trợ hạn chế hoặc gần như không có, chủ yếu là các tấm bản đồ phóng lớn được giáo viên mang lên treo trên bảng.
- Các hoạt động ngoại khóa hay thực địa giúp học sinh hình dung cụ thể hơn về những gì mình học còn khá hạn chế.
Với cách giảng dạy này, học sinh sẽ buộc phải học thuộc lòng một khối lượng kiến thức khổng lồ. Đây là nỗ lực rất lớn nếu ta cân nhắc các yếu tố như: số lượng các môn học khác, thời gian của học sinh, độ trưởng thành và hiểu biết xã hội để thực sự hiểu về lịch sử. Nói một cách nặng nề hơn, cách tiếp cận này là "phản giáo dục".

Lý do nói nó "phản giáo dục" là vì:

- Trong các môn học khác, học sinh có cơ hội để thực hành lý thuyếtthấy sự tiến bộ rõ rệt khi mình làm chủ kiến thức thì môn lịch sử lại không như vậy. Điều này sẽ đẩy học sinh vào tình trạng học vẹt, đối phó. Kiến thức học được sẽ nhanh chóng bị lãng quên vì không được sử dụng thường xuyên trong thực tế. (Xa rời thực tế)
- Việc học thuộc lòng mà không cơ hội thực hành hay bài tập nào để phản biện còn khiến học sinh trở nên thụ động, bị kìm hãm tư duy. Đặc biệt, trong thời đại thông tin, việc truyền tải kiến thức một chiều, không khuyến khích tranh biện, lại càng khiến học sinh hoài nghi hơn về lịch sử được giảng dạy. (Hạn chế phát triển tư duy)
- Bên cạnh đó, môn lịch sử hầu như không đặt ra một mục tiêu cụ thể nào cho học sinh, hơn là làm bài thi và đạt đủ điểm số. Từ đây, học sinh dễ có nhìn nhận tiêu cực về môn học và giá trị của nó. Dần dần, tạo cho học sinh áp lực và gây ức chế. (Không có mục tiêu cụ thể)

Giờ, ta hãy nhìn sang một ví dụ khác

Dưới đây là hình ảnh trong một cuốn sách giáo khoa lịch sử - chương trình học lớp 7 tại Ấn Độ. Ta có thể thấy rằng, họ có một bài tập kích thích tư duy của học sinh, yêu cầu học sinh tưởng tượng và trả lời với một câu hỏi mở: "Nếu là một sử gia, em sẽ chọn chủ đề nào trong chương này để nghiên cứu: lịch sử kinh tế, xã hội hay chính trị? Vì sao em nghĩ chủ đề đó lại hấp dẫn để nghiên cứu?"
Một bài trong SGK Lịch Sử lớp 7 tại Ấn Độ
Một bài trong SGK Lịch Sử lớp 7 tại Ấn Độ
Để hiểu giá trị của bài tập này, ta cần tham chiếu thang cấp độ tư duy Bloom (Bloom's Taxonomy). Đây là một hệ thống phân cấp các kỹ năng tư duy phản biện được áp dụng rộng rãi trong giáo dục. Ta thấy rõ những câu hỏi dạng kiến thức chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ - mức độ tư duy cơ bản nhất. Trong khi đó, bài tập yêu cầu học sinh tưởng tượng và diễn giải quan điểm nằm ở tầng tư duy cao nhất là sáng tạo.
Thang cấp độ tư duy (Bloom's Taxonomy)
Thang cấp độ tư duy (Bloom's Taxonomy)
Ta không thể khẳng định rằng học sinh ở Ấn Độ chắc chắn sẽ thích học môn lịch sử hơn học sinh ở Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: phương pháp tiếp cận của họ có nỗ lực hướng tới kích thích tư duy cho học sinh ở mức cao hơn.

Và đó cũng là cơ sở để ta đặt thêm một câu hỏi nữa: "Môn học lịch sử liệu có bắt buộc phải dạy và học theo hướng ghi nhớ như ở Việt Nam hiện tại?"

Chắc chắn là không! Chúng ta có thể biến lịch sử thành một môn học hấp dẫn hơn nếu giải quyết được 3 vấn đề đã nêu trước đó: Xa rời thực tế, Hạn chế phát triển tư duy và Không có mục tiêu cụ thể.
Ví dụ:
- Để giảm bớt sự xa rời thực tế, việc đầu tư và phát triển các hình thức truyền thông và học cụ hỗ trợ gần gũi hơn bên cạnh SGK theo mình nghĩ là cần thiết. Đó có thể là sa bàn, mô hình, video mô phỏng hay thậm chí là các phương tiện giải trí như điện ảnh, board game, video games, đồ chơi...Đào, Phở và Piano là một minh chứng cho thấy người trẻ không hẳn là quay lưng với lịch sử, mà họ khao khát lịch sử được truyền tải tới họ một cách "đời thường" hơn.
- Để tăng giá trị cho môn lịch sử, chúng ta cũng cần có những cách để kích thích khả năng tư duy cho người học. Thay vì mớm kiến thức theo kiểu liệt kê, ta có thể đòi hỏi học sinh nghĩ sâu hơn, tự đặt mình vào tình huống lịch sử đó xem họ sẽ làm gì, dự đoán những lựa chọn của mình sẽ có tác động như thế nào,...sau đó mới cho họ câu trả lời với những gì đã thực sự diễn ra trong lịch sử. Thậm chí, ta có thể phát triển các bài tập nhóm, các buổi thực hành bằng cách tranh biện về lịch sử để môn học hấp dẫn và tương tác đa chiều hơn.
- Cuối cùng là mục tiêu. Thường, các bài học lịch sử sẽ chỉ có các mục tiêu chung chung như: "Sau bài học này, ta sẽ biết nhà Trần đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông như thế nào". Mục tiêu này giúp học sinh điều gì? Mục tiêu của bài học ấy thực ra có thể đẩy sâu và sát với hơn như: "Sau bài học này, ta sẽ biết trong cuộc sống, khi gặp một vấn đề lớn và khó khăn, ta cần suy nghĩ kế hoạch và phương pháp hợp lý để gia tăng cơ hội thành công" hoặc "Sau bài học này, từ thất bại của quân Nguyên Mông, ta sẽ hiểu rằng không phải cứ mạnh hơn, giàu hơn thì ta sẽ là kẻ chiến thắng". Đó, mới là một bài học thực sự mà lịch sử có thể mang lại.

Kết luận

Nếu bạn đã đọc được tới đây, mình thực sự cảm ơn sự kiên nhẫn và thời gian bạn đã bỏ ra dành cho bài viết này. Tuy còn rất nhiều vấn đề khác mình muốn đề cập tới, nhưng bài viết này thực sự đã quá dài.
Để kết lại, mình nghĩ người trẻ không ghét lịch sử, cũng không ngại tìm hiểu về lịch sử. Điều làm người trẻ cảm thấy cản trở khi học lịch sử chính là ở phương pháp giáo dục của môn này trong các nhà trường hiện nay. Tình trạng này nên được nhìn nhận, và thay đổi để môn lịch sử dễ dàng tiếp cận và được truyền cảm hứng hơn nữa về lĩnh vực này. Lịch sử là một kho kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm vô giá mà những người đi trước đã để lại cho toàn nhân loại. Và suy cho cùng, lịch sử chính là chúng ta vì chúng ta cũng đang tạo ra lịch sử!