'Mẹ ơi, đừng giết con' - Khi Slacktivism gặp Narcissism?
(Xem updates cuối bài) Chắc các bạn cũng đã nghe đến một chiến dịch cộng đồng vừa được khai sinh (no pun intended) trên Facebook...
(Xem updates cuối bài)
Chắc các bạn cũng đã nghe đến một chiến dịch cộng đồng vừa được khai sinh (no pun intended) trên Facebook mấy ngày nay: Mẹ Ơi Đừng Giết Con. Mình sẽ không bàn đến khía cạnh đã được tranh luận quá nhiều: Cuộc chiến giữa phương diện pro-life (Tin vào sự sống, phản đối việc tước đoạt mạng sống của trẻ sơ sinh qua phá thai, rằng điều đó là phạm tội giết người...) và pro-choice (Tôn trọng quyền của người phụ nữ, tôn trọng chọn lựa phá thai nếu họ cảm thấy không muốn có con và không đủ điều kiện nuôi con...) Điều duy nhất làm mình để ý đến chiến dịch này là vì nó khá... lạ.
Luật cấm phá thai và 100,000 chữ ký
Dù mình muốn tin rằng, hai bạn Sáng lập của dự án này, có những mong muốn cấp thiết nhất, quan tâm nhiều nhất đến những người phụ nữ, những đứa trẻ sơ sinh chưa được chào đời, thì mình vẫn thấy, giải pháp các bạn đưa ra khá phiến diện và cực đoan. Xin phép trích dẫn phần giới thiệu trên trang Facebook của chiến dịch:
PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH "MẸ ƠI! ĐỪNG GIẾT CON!"Chiến dịch phát đi lời kêu gọi 100,000 chữ ký để kiến nghị Quốc Hội xem xét xây dựng và ban hành “Luật Cấm Nạo Phá Thai” tại Việt Nam nhằm cứu lấy 300,000 thai nhi vô tội mỗi năm.Tại sao việc ban hành lệnh cấm là quan trọng và cần thiết?1. Số lượng nạo phá thai tại Việt Nam cao thứ 3 thế giới, đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ cần phải được chấm dứt ngay lập tức.
2. Với số lượng bào thai bị tước quyền sinh ra như hiện nay sẽ làm đất nước thiếu hụt dân số trầm trọng trong tương lai.
3. Sức khoẻ sinh sản của phụ nữ sẽ giảm sút thậm chí biến chứng vô sinh, tử vong nếu phá thai, chưa kể nỗi đau tinh thần sẽ theo họ suốt cuộc đời.
4. Luật sẽ mang lại một quyền cho phụ nữ được yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ để ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn từ đó dẫn đến việc phá thai, nếu nam giới từ bỏ trách nhiệm với bào thai sẽ phải chịu án phạt và bồi thường.
5. Truyền thống nhân ái và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đã đề cao việc bảo vệ sinh mạng, do đó, việc nạo phá thai là hành động vô nhân đạo, không thể để nó tiếp diễn.
6. Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng lệnh cấm và các nước khác cũng đang xem xét luật này, đây là hành động bảo vệ lợi ích người dân và lợi ích quốc gia vô cùng thực tế và cần thiết.Tham gia cùng ký tên tại https://meoidunggietcon.com/, một chữ ký chính là một mạng sống được cứu!Chiến dịch thực hiện bởi Quỹ Từ Thiện HTBC Foundation
Chà, nghe thì cũng thấy quả là một vấn đề nghiêm trọng, các bạn nhỉ. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng đây là một cái nhìn khá một chiều. Hãy bóc tách những điều khách quan và chủ quan để thấy rằng, những câu nói như 'khủng hoảng nhân đạo', 'nhân ái và đạo đức', 'mỗi chứ kí là một mạng sống'... đều là những lời hô hào vĩ mô nhưng đầy cảm tính. Giải pháp mà các bạn thực sự đưa đến cho vấn đề này là gì?
Giải pháp của MODGC:
- Lập ra một bộ luật từ 100,000 chữ kí
- Sơ sơ thì luật sẽ cấm tất cả phụ nữ đi phá thai (!?)
- Đồng thời luật 'sẽ mang lại một quyền cho phụ nữ được yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ để ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn từ đó dẫn đến việc phá thai, nếu nam giới từ bỏ trách nhiệm với bào thai sẽ phải chịu án phạt và bồi thường.'
Những câu hỏi ngây thơ của mình:
- 100,000 chữ kí có giúp bộ phận lập pháp? Dự thảo của các bạn là gì? Các bạn có tìm hiểu về luật không? Quá trình lập pháp thường sẽ mất bao lâu và cần những quá trình gì?
- Nếu cấm tất cả phụ nữ phá thai, điều đó sẽ tạo nên kết quả gì? Hiện tại không phải vấn đề của những ca mang thai ngoài ý muốn, khá nhiều lại đến từ việc thiếu kiến thức sinh sản và giới tính? Còn việc những người bị hiếp dâm thì sao? Nếu đã có luật phá thai, vậy thì có luật dành cho trẻ em bị bỏ rơi không (mình đoán là số lượng đó sẽ tăng lên, khi trẻ em được sinh ra mà bố mẹ không đủ điều kiện, không muốn, hoặc thậm chí không đủ tuổi chăm sóc...)?
- Quyền cho phụ nữ yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai? Vậy bây giờ mỗi lần đàn ông và phụ nữ làm tình, họ phải livestream cho cảnh sát xem là có dùng bao? Làm thế nào để đảm bảo chuyện hành pháp? Khi mà bây giờ nạn hiếp dâm vẫn là một vấn đề chưa giải quyết (Em nói có, anh nói không), thì làm sao đảm bảo được chuyện an toàn này? Phạt là phạt thế nào?
Nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn không biết các bạn đã có điều kiện gì, giải pháp gì và sáng kiến gì, để có thể giúp giải quyết vấn đề này tốt hơn. Chỉ thấy các bạn đã sớm thành lập một chiếc page chỉn chu, một chiếc website hoành tráng, và cả một tinh thần thép để đương đầu 'dư luận xấu xa'
À, cuối bài viết giới thiệu chiến dịch trên, mình còn trích thiếu một phần quan trọng không kém nhé:
Sáng lập chiến dịch:
Lê Hoàng Thạch – Lê Hà (Lê Huỳnh Hà)Thành viên:
Phạm Trường Sơn – Huỳnh Thuỵ Thu Thảo – Ngô Đức Phong – Trịnh Nguyễn Hà MyĐể chiến dịch huy động đủ 100,000 chữ ký cũng như kiến nghị lên Quốc Hội thành công, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân và tất cả các bạn!Mọi ủng hộ và giúp đỡ, xin gửi về:Lê Hoàng Thạch – Sáng Lập Chiến Dịch – Chủ tịch Quỹ từ thiện HTBC Foundation
STK:159435159 (ACB HCM)
hoặc STK: 0071001091483 (Vietcombank HCM)Lê Huỳnh Hà – Sáng Lập Chiến Dịch – Điều hành Quỹ từ thiện HTBC Foundation
STK: 78388888 - ACB HCM – Hoặc STK: 0071000635329 (Vietcombank HCM)#LuatCamNaoPhaThai #MeOiDungGietCon #ChienDich100000ChuKy#HTBCFoundation
... Chà. Nếu là mình thì khi làm một dự án nhóm với mục đích giúp đỡ cộng đồng, việc để mặt đặt tên của những người sáng lập liệu có cần thiết không? Còn nếu bạn muốn được ủng hộ và giúp đỡ tài chính, cũng nên cho biết bạn dùng khoản tiền đó để làm gì chứ nhỉ? Ví như các dự án của Kickstarter hay Indiegogo, họ cũng phải liệt kê rất rõ ràng cái họ đang làm là gì, họ có những khả năng, sản phẩm nào để đem lại và giúp cho người ủng hộ. Hay là việc thiện thì không cần những yêu cầu đó, chỉ cần 'tấm lòng thành'?
Xin lỗi bạn, nhưng dù mình có tin vào mục đích của các bạn, mình cũng sẽ không đưa tiền cho các bạn khi chưa biết các bạn định tạo ra thay đổi gì và hiệu quả đến đâu, nhé.
Có thể có điều gì chưa được thể hiện qua phần lời dẫn chăng? Để tìm hiểu thực hư xem vì sao các bạn bắt đầu dự án này, mình đã click vào video quảng bá dự án. Chắc các bạn xem cùng mình nhé:
Mình lại để ý những điểm 'lạ' như sau:
- Về cách thể hiện: Mấy bạn ơi, scare tactics, kiểu hù cho người ta sợ, là một cách truyền thông đã xưa lắm rồi... Các bạn cũng không ráng tìm ra một thông điệp, cách truyền tải nào phù hợp hơn, đi vào lòng người hơn, mà lại thao túng cảm xúc của người khác bằng những video đáng sợ search được trên mạng, những dòng chữ ứa máu. Mình cảm thấy như đang xem tuyên truyền chống ma tuý 10 năm trước ấy.
- Về thông điệp: 'Chúng tôi hối hận đã không hành động sớm hơn...' Hmm... Sớm hơn cái gì nhỉ? Việc các bạn bắt đầu dự án này ngay lúc này, mình cũng cảm thấy chưa có gì thay đổi. Cứ tưởng rằng các bạn đã và đang làm rất nhiều chuyện trong suốt vài chục năm để cố giải quyết vấn đề này, và bây giờ mới là thời gian chín muồi nhất để tạo một chiến dịch lớn. Nhưng mình lại chẳng thấy chút kết quả nào? Các bạn tin là chúng ta sẽ làm được điều kì diệu? Mình còn chưa biết cái điều kì diệu đó là gì...
- Về cảm xúc: Xin lỗi các bạn, nhưng mình cảm thấy như đang xem một bài thuyết trình của công ty đa cấp... 'Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm.' Chỉ cần thay chữ '100 tỷ' bằng chữ '300,000 trẻ em' thì chắc cũng không khác mấy. Vì sao mình nói vậy? Khi mình thấy dòng chữ 'Động lực của chúng tôi làm việc này đến từ đâu?', mình đã có chút hy vọng. Mình hy vọng sẽ có những bạn trong ê-kíp chia sẻ những trải nghiệm đau thương của chính họ, những cố gắng, và niềm tin của họ vào việc nên làm điều này.
Nhưng thay vào đó, mình lại thấy thêm một vài dòng chữ ứa máu, viết lên những thông số chuẩn chị Google về phá thai, và hình ảnh background một đứa trẻ sơ sinh 3D đang vùng vẫy trong đau đớn.
Xem hết video vì mình mong đợi một thông điệp, một chút ý nghĩa nào đó. mình có thể công bằng đánh giá và nhìn nhận lại một quan điểm khác. Tuy nhiên, khi video kết thúc, cái mình thấy chính là:
Vì mình từng làm ngành thiết kế đồ hoạ, cũng hay thiết kế layout, quảng cáo vớ vẩn... Thì mình thấy thường phần end-frame của một video, các nhãn hàng hoặc chiến dịch sẽ cố gắng đặt để những thông tin quan trọng nhất mà người xem cần nhớ.
Nhìn vào khung hình phía trên, bạn thấy những chữ nào là to nhất?
Thế còn website của meoidunggietcon.com thì thế nào?
Còn tổ chức HBTC là gì?
Communal Narcissism - Kẻ ái kỷ phụng vụ
Gần đây mình có đọc được một số tài liệu khá thú vị về communal narcissism. Khi nghĩ về những người ái kỷ và tự tôn, chúng ta thường nghĩ đến những người cực kì khinh rẻ người khác, và chỉ xem trọng ý kiến, tài năng, nhan sắc của bản thân... Tuy nhiên, còn có một thể loại ái kỷ khác, mình tạm gọi là 'kẻ ái kỷ phụng vụ'. Họ tự nghĩ mình là người có khả năng lắng nghe, thấu hiểu, giúp đỡ mọi người tốt nhất. Họ luôn luôn hướng thiện và cố giúp đỡ mọi người. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa một người hướng thiện và một kẻ ái kỷ phụng vụ, chính là động cơ của họ.
Nếu bạn thấy một anh chàng hay cô nàng nào để avatar đang ôm một đứa bé nghèo, hay đăng status về những mảnh đời bất hạnh mà họ đã cứu được, rất có nguy cơ bạn đang gặp một communal narcissist. Điều họ muốn thường là sự tung hô, hưởng ứng, thán phục của người khác vì những hành động lương thiện, vĩ đại của họ. Thay vì thấu cảm với những người họ giúp, họ lại âm thầm xem bản thân mình là người 'ở trên thiên hạ', mới có khả năng phổ độ chúng sinh, làm phúc cho bá tánh.
Qua những gì mình đã thấy được trình bày ở dự án này, thật khó để mình có cái nhìn nào khác cho những anh chàng này. Đặc biệt là khi đối đầu với những quan điểm trái chiều, các bạn lại chống trả theo một cái nhìn rất phân cực, trắng đen. Ai không làm theo cái tôi làm, ắt hẳn là kẻ xấu.
Đừng trở thành một Slacktivist
Slacktivism - Mình tạm dịch là 'Nhà hoạt động 'mạng' xã hội', ám chỉ những người sẽ sẵn sàng đổi avatar, ký petition online, tham gia group Facebook... để được là một phần của một dự án xã hội, một xu hướng của cộng đồng, mà không tốn nhiều sức lực. Hãy tự minh bạch với bản thân mình, và xem mình tin vào điều gì, muốn ủng hộ điều gì, và có thể làm được gì. Một lần like của bạn, hay một chữ kí lên petition, có thể sẽ làm bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân, nhưng chưa chắc nó thay đổi hoặc hỗ trợ được gì cho điều mà bạn muốn ủng hộ.
Nếu thực sự quan tâm đến vấn đề nạo phá thai, hãy trang bị cho mình một số kiến thức và quan điểm trái chiều để tự đi đến kết luận cho mình. Điều gì sẽ xảy ra khi có luật cấm phá thai?
Cho phép sử dụng thuốc tránh thai sẽ giảm được tỉ lệ phá thai?
Những điều hay bị hiểu sai về phá thai? Tìm hiểu thêm có thể sẽ giúp bạn tạo nên một dự án hợp tình hợp lý hơn, nếu bạn thực sự quan tâm đấy.
Còn nếu bạn hỏi mình, quan điểm của mình là gì, thì mình khá thích nói 'Bố ơi nhớ đeo bao' :D
Update - 12/12/2018
Các bạn có thể đọc thêm bài viết này của Tổ Kén để có một cái nhìn khách quan về khía cạnh luật pháp.
Có lẽ vì không hiểu biết về luật, các bạn HTBC Foundation không biết / không nhớ một điều: Có một dự thảo luật liên quan và rất quan trọng đang trong quá trình xây dựng, ấy chính là DỰ THẢO LUẬT DÂN SỐ. Dự thảo Luật này được đăng tải lấy ý kiến người dân trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ đó.Mục 4 của Dự thảo luật này chính là PHÁ THAI AN TOÀN với đầy đủ các quy định về phá thai."Điều 20. Quy định về phá thai an toàn
1. Phá thai không phải biện pháp tránh thai.
2. Người mang thai chỉ phá thai nếu thật sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
3. Phá thai trái pháp luật bao gồm:
a) Phá thai trái quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật này;
b) Phá thai của cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai không có giấy phép hoạt động hoặc có giấy phép hoạt động, nhưng phạm vi hoạt động chuyên môn không phù hợp;
c) Phá thai của người không có chứng chỉ hành nghề hoặc có chứng chỉ hành nghề, nhưng không phù hợp về chuyên môn;
d) Phá thai trái quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn quản lý chất lượng phá thai;
4. Chỉ được sử dụng phương pháp kỹ thuật khác ngoài phương pháp kỹ thuật phá thai theo quy định về chuyên môn để chấm dứt thai kỳ nếu tuổi thai trên 22 tuần tuổi.""Điều 21. Quyền, nghĩa vụ khi phá thai
1. Phụ nữ có quyền sau đây:
a) Được phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ;
b) Được phá thai do mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; do bị hiếp dâm; có những bằng chứng về nguy cơ sinh ra đứa trẻ có dị tật hoặc có nguy cơ phát triển không bình thường nếu tuổi thai từ 12 tuần tuổi trở lên;
c) Được cung cấp thông tin, tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau phá thai.
2. Người được phá thai có nghĩa vụ ký cam kết tự nguyện phá thai, xuất trình giấy tờ tùy thân trước khi phá thai. Nếu người được phá thai dưới 18 tuổi thì phải có giấy xác nhận sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ."TADAAAAAAAAAA.......... Cái dự án Luật của các cậu trở nên thừa thãi và vô nghĩa vì Chính phủ đã có dự án Luật Dân số, quy định đầy đủ rồi.
Các cậu tính sao, tiếp tục thu thập 100.000 chữ ký và tiền ủng hộ để đòi hỏi một thứ ĐÃ CÓ SẴN TRONG DỰ THẢO LUẬT sao?
Vậy việc thu thập chữ kí có ích lợi gì không? Đặc biệt khi hình thức thu thập là qua một cái public Google Form?
Hãy cẩn thận vì khi để lại thông tin của bạn, là bạn đã tạo leads cho chiến dịch này. Cũng như cách họ có thể mua page giả của Trấn Thành, các bạn cũng có thể bán contact email của các bạn đấy.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất