Người đàn ông đã "HỦY HOẠI" nền kinh tế Zimbabwe | SAMURICE
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một quốc gia là gì? Chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh? Tuy nhiên, chúng ta đã quên mất một thảm họa khác với cấp độ nguy hiểm không kém gì những thứ kể trên - suy thoái kinh tế.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một quốc gia là gì? Chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh? Có lẽ những yếu tố này đều đủ khả năng hủy diệt bất kỳ một nền văn minh nào trên trái đất. Tuy nhiên, chúng ta đã quên mất một thảm họa khác với cấp độ nguy hiểm không kém gì những thứ kể trên - suy thoái kinh tế.
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu câu chuyện về một nhân vật có khả năng gây nên cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhân vật này là ai? Làm thế nào mà ông sở hữu quyền năng to lớn đến vậy?
Lãnh đạo “đại tài”
Trong lịch sử thế giới, đã từng có một vài nền kinh tế sụp đổ do bị tác động bởi những cá nhân khác nhau. Một trong số đó là vị nguyên thủ được ghi nhận là tại nhiệm lâu nhất thế giới - ông Teodoro Obiang Nguema Mbasogo.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của người dân, vị nguyên thủ của Guinea Xích đạo vẫn luôn che dấu sự thật rằng ông đã sử dụng tiền từ các chương trình viện trợ cho quốc gia vào mục đích cá nhân. Hơn thế nữa, theo các tổ chức Minh bạch Quốc tế, ông và gia đình được cho là đã tham nhũng một số tiền lớn từ tài nguyên tự nhiên của quốc gia.
Tương tự như Guinea Xích đạo, tại Ai cập cũng có một vị nguyên thủ với khả năng tham nhũng không hề kém cạnh - ông Hosni Mubarak. Ông Mubarak đã từng có một sự nghiệp lẫy lừng trong quân đội Ai Cập
Dù được cho là đất nước có trữ lượng dầu lớn thứ sáu ở Châu Phi, cuộc sống của người dân Ai Cập cũng không khá hơn Guinea Xích đạo là bao. May mắn thay, tới năm 2011, ông đã bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Ai Cập.
Trong một diễn biến khác tại Argentina, đất nước này hiện đang phải chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong 32 năm trở lại. Lý do chính khiến nền kinh tế Argentina rơi vào tình thế này có thể nói phần lớn là do di sản của Juan Domingo Perón để lại.
Ngày nay, nền chính trị của Argentina vẫn bị chi phối bởi di sản của ông. Xuất khẩu của nước này có sự tụt giảm không phanh so với tỷ lệ xuất khẩu toàn cầu từ năm này sang năm khác
Đây đều là những cuộc suy thoái kinh tế đã từng xảy ra trong lịch sử thế giới, để lại những hậu quả gần như không thể khắc phục.
Tuy nhiên, chúng vẫn chưa là gì khi so sánh với lạm phát tại Zimbabwe. Nhưng chuyện gì đã xảy ra tại đất nước này?
Nửa đời liêm khiết
Robert Mugabe trưởng thành trong một gia đình nghèo có cha là thợ mộc, mẹ là giáo viên tại Nam Rhodesia. Nhưng thay vì nối nghiệp mẹ, trở thành một giáo viên với sự nghiệp xán lạn, ông đã tham gia biểu tình dân tộc chủ nghĩa châu Phi kêu gọi một quốc gia độc lập do người da đen lãnh đạo.
Vào ngày 14/2/1980, người dân Zimbabwe đã tham gia cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Hai tháng sau, Robert Mugabe tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng đầu tiên của đất nước, đánh dấu cho một kỷ nguyên mới Zimbabwe được hy vọng sẽ thịnh vượng.
Mục tiêu của Mugabe khi đó rất rõ ràng: làm cho tiềm năng của Zimbabwe được khai thác triệt để, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngay sau khi ông nhậm chức, chính phủ đã ban hành hiến pháp với nội dung vô cùng hứa hẹn. Hiến pháp quy định giáo dục là một quyền cơ bản, phải được miễn phí và bắt buộc.
Cũng trong khoảng thời gian này, hơn 500 trung tâm chăm sóc sức khỏe đã được xây dựng, cho phép hàng triệu người được hưởng phúc lợi nhà nước.
Độc mã
Vào tháng 8/1981, Mugabe tuyển các huấn luyện viên quân sự từ Bắc Triều Tiên để tạo lập một lữ đoàn tinh nhuệ mà ông đặt biệt danh là Gukurahundi. Đơn vị này được sử dụng như một món vũ khí riêng của Mugabe với nhiệm vụ gây áp lực với các đối thủ chính trị của ông.
Sau khi làm suy yếu sức ảnh hưởng của đảng đối lập, Mugabe đã sáp nhập hai đảng để thành lập một nhà nước độc đảng.
Nắm trong tay quyền điều khiển cả một quốc gia, việc đầu tiên Mugabe làm là thực hiện những chính sách kinh tế vô cùng táo bạo. Những chính sách này chủ yếu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, kiểm soát các khoản đầu tư tư nhân một cách chặt chẽ. Từ đó, khiến cho mối quan hệ giữa chính phủ và các chủ doanh nghiệp này trở nên khăng khít hơn.
Để có thể giành được sự ủng hộ từ đa số các cử chi, Mugabe đã chi ra những khoản tiền khổng lồ. Ông tăng chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và thanh toán các khoản lớn nhỏ cho các cựu chiến binh. Tuy nhiên, hành động này dẫn tới kết quả là chi phí đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ, buộc nhà nước phải lạm dụng các khoản vay quốc tế.
Đến năm 1989, một nửa tổng GDP của Zimbabwe đều dành cho các khoản chi tiêu trên và tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 26%.
Phương thức được lựa chọn là phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, họ cũng kiểm soát giá cả các loại mặt hàng và tiền lương để giải quyết tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, nền kinh tế nhanh chóng bước vào suy thoái mạnh khi hầu hết các ngành công nghiệp phải vật lộn trước làn sóng nhập khẩu giá rẻ. Cùng năm đó, quỹ Bồi thường Cựu chiến binh cũng cạn kiệt do các quan chức chính phủ tham nhũng. Các cựu chiến binh bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền lợi.
Trong một động thái tuyệt vọng nhằm dập tắt tình trạng bạo loạn, Mugabe buộc phải đồng ý trả một khoản trợ cấp hàng tháng mới với giá trị trung bình gấp đôi lương công chức nhà nước.
Ngân hàng Thế giới, tỏ ra không mấy hài lòng với quyết định trên. Họ ngay lập tức đình chỉ khoản vay 100 triệu USD, yêu cầu Mugabe đưa ra kế hoạch chi tiết về cách thanh toán cho các khoản tài trợ.
Đáp lại yêu cầu, Mugabe thông báo quỵt nợ.
Ngay lập tức, đồng tiền của Zimbabwe mất khoảng 75% giá trị chỉ trong một ngày. Do đó, Mugabe phải tìm mọi cách để tăng các loại thuế nhằm đảm bảo khả năng chi trả của chính phủ. Quá bí bách trước tình thế, vị tổng thống của chúng ta quyết định phái quân tới Congo với lý do là để hỗ trợ lãnh đạo nước này dẹp nội chiến.
Vào cuối thập kỷ, đất nước do Mugabe lãnh đạo gánh nợ chồng chất, thiếu nguồn tài trợ quốc tế và rơi vào suy thoái.
Huỷ diệt nền kinh tế
Vào ngày 11/9/1999, một liên minh gồm các nhóm dân sự, liên đoàn lao động và nông dân da trắng đã tạo nên phong trào Thay đổi Dân chủ.
Lo ngại về cuộc khủng hoảng, Mugabe nhanh chóng kêu gọi trưng cầu dân ý về hiến pháp mới nhằm thay đổi thế cục, tạo lợi thế cho phe chính quyền.
Hiến pháp mới bao gồm các đề xuất miễn truy tố quan chức chính phủ, trao quyền cho Mugabe tại chức thêm hai năm nữa.
Nhưng làm thế nào để nhận được sự đồng ý từ phía dân chúng? Ngài tổng thống của chúng ta đã đi một nước cờ không ai ngờ tới: phân phối lại đất đai.
Nước cờ này nhằm mục đích củng cố sự nổi tiếng đang dần suy yếu của Mugabe. Nếu hiến pháp mới được thông qua, quyền lực của ông sẽ được giữ vững và có thêm thời gian để tìm ra hướng giải quyết cho nền kinh tế của đất nước. Đáng buồn thay, kế hoạch đã không thành công, hiến pháp mới đã bị bác bỏ triệt để.
Nhục nhã trước thất bại chính trị, Mugabe đã đưa ra cái mà ông gọi là “cải cách ruộng đất tức thời”. Hiểu nôm na là: “ trên đời này chỉ có kẻ yếu và kẻ mạnh, thằng nào đang sở hữu đất thì tao đánh chúng mày”. Ngay lập tức, các cuộc chiếm đất hỗn loạn bằng bạo lực diễn ra trên khắp cả nước, hàng trăm nghìn nông trại, gia đinh phải di dời.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ một đất nước được mệnh danh là “Rổ bánh mì của Châu Phi” giờ đây còn không thể tự cung cấp lương thực. Nạn đói xuất hiện, người dân chỉ còn một vài lựa chọn là ăn trộm, cướp giật, đổi của cải lấy lương thực hoặc chết đói.
Nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, Mugabe bắt đầu suy xét các giải pháp. Hoặc là cắt giảm chi tiêu, có thể gây suy thoái nghiêm trọng nhưng nền kinh tế sẽ còn hy vọng phục hồi. Hoặc tạo ra nhiều tiền hơn. Ông chọn cách thứ hai.
Chính phủ bắt đầu tung ra thị trường các loại tiền tệ mệnh giá cao hơn nhằm giải quyết vấn đề trước mắt. Mặc dù nguồn cung tiền đã tăng gấp 10 lần, nhưng chỉ 2 năm sau cải cách ruộng đất, tình trạng thiếu tiền mặt vẫn xuất hiện.
Để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế, Mugabe cảm thấy mình cần phải in thêm tiền. Tuy nhiên, việc này cũng không có nhiều tác dụng. Người dân dần dần đổi qua sử dụng các đồng ngoại tệ để thay thế. Sự kiểm soát của chính phủ đối với tình hình trở nên ngày một yếu hơn.
Nhận thức được điều này, tổng thống Mugabe đã chuyển sang các biện pháp quyết liệt. Ông áp đặt giới hạn rút tiền xuống thấp tới mức không thể trả tiền vé xe bus.
Đến năm 2008, gần như không thể tìm được những mặt hàng cơ bản như thực phẩm, giấy vệ sinh hay nhiên liệu. Bệnh nhân ung thư và HIV ngừng được chăm sóc, trẻ em ngừng được học hành và mọi người đều có nguy cơ bị bỏ tù vì phải nhờ đến ngoại tệ và chợ đen để tồn tại. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 94% và lạm phát kinh khủng tới mức chúng ta cũng không thể miêu tả chính xác tỷ lệ bằng tiếng Việt.
Đến đây, có lẽ chúng ta đều nghĩ quốc gia này đã đi đến hồi kết. Nhưng không, vòng lặp vẫn tiếp tục thêm một vài lần nữa và gần như không có diễn biến gì khác biệt. Chỉ cho tới năm 2017, Mugabe bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và được thay thế bởi phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Người dân bắt đầu đặt niềm tin vào một bộ máy nhà nước “liêm khiết” hơn chỉ để nhận lại sự thật rằng thứ duy nhất thay đổi là tên của tổng thống.
Và vừa rồi là câu chuyện về Robert Mugabe, người đàn ông sở hữu khả năng hủy diệt một quốc gia mà không cần tới chiến tranh.Các bạn thấy sao về nội dung này? Các bạn muốn bổ sung gì thêm cho chúng mình không? Hãy chia sẻ trong phần bình luận bên dưới nha.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại. PEACE!
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất