“Thứ 6 hàng tuần, 3 ngàn 1 quyển”. Đó là câu châm ngôn của một thời cách đây ngót nghét gần 30 năm, cái thời mà tụi trẻ con cứ chờ đúng chiều thứ 6 để lao ra hàng truyện, mua cho bằng được cái quyển “7 viên ngọc rồng”.
Khi đó là vào năm 1995, “Dragon Ball” mới được phát hành rộng rãi ở thị trường Việt bởi nhà xuất bản Kim Đồng, cùng với sự phối hợp của nhà biên soạn Đức Lâm. Bộ truyện là một điều mới mẻ đối với đám trẻ con thời đó, bởi nó khác xa tất cả những gì chúng đã được theo dõi, như là “Bác sĩ quái dị” Black Jack, mèo máy “Đôrêmon”, hay “Subasa”, nhóc “Maruko”, và “siêu quậy Téppi”. 
Và tất nhiên, không chỉ có mỗi ở thị trường Việt, Dragon Ball cũng thay đổi hoàn toàn cách tiếp đón Manga Nhật Bản. Bán được 260 triệu bản toàn thế giới.
Đương nhiên là phải có lý do thì Dragon Ball mới có được thành công to lớn tới vậy. Sẽ không sai khi nói rằng chính bộ truyện đã hoàn thiện và phát triển các yếu tố cốt lõi của thể loại Shounen (tức những bộ Manga dành cho lứa tuổi thanh - thiếu niên). Thậm chí, ảnh hưởng của Dragon Ball còn lan rộng tới cả nền văn hóa đại chúng, khi chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những chi tiết của bộ truyện ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thậm chí còn là ở trong những câu nói khi chúng ta đối thoại với nhau hàng ngày. Như kiểu tôi ngồi chơi Game mà thấy địch thủ mạnh quá, thường cảm thán rằng “Thằng cha đó hóa siêu Xây da à mà sao đánh hay thế”. 
Tất nhiên, Dragon Ball chỉ là một trong số rất ít những tác phẩm tuyệt vời của ông. Vẫn còn đó những tác phẩm khác như Dr. Slump, Cowa!,... Nhưng trong bài viết này, tôi sẽ chỉ nói về cái cách mà Akira Toriyama đã cách mạng nền văn hóa đại chúng bằng Dragon Ball. Đây cũng là một sự tri ân mà đội ngũ Spiderum muốn gửi tới Akira Toriyama và Fan của ông trên toàn thế giới. Vậy chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé. 

Trắng tay, chẳng có gì ngoài hoài bão

Akira Toriyama sinh 5/4/1955 tại thành phố Kiyosu, thuộc tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ngay khi 4 tuổi, ông đã coi vẽ là một niềm đam mê. Tất cả bắt nguồn từ cú sốc văn hóa đầu đời có tên “101 Chú chó đốm” của Walt Disney. Kể từ xem được bộ phim, ông đã muốn bản thân có thể vẽ được đẹp như vậy. Cú sốc văn hóa thứ 2 nhanh chóng đến khi ông bắt đầu đi học tiểu học. Trong một lần tới chơi nhà bạn cùng lớp, ông anh trai của người bạn đó có cả một kho Manga đồ sộ, chắc chắn sẽ khiến bất cứ đứa trẻ nào cũng phải sáng mắt. Trong đó có một quyển Manga đặc biệt hút lấy sự chú ý của Akira. Đó là Astro Boy của cố họa sĩ Osamu Tezuka. Và đây cũng chính là gốc rễ cho sự nghiệp trở thành một tác giả truyện tranh (mangaka) về sau của ông. 
Akira Toriyama kể lại trong cuộc phỏng vấn với nguyệt san Starlog hồi năm 1980, rằng tất cả những người bạn học chung của mình đều vẽ tranh, bởi hồi đó không có nhiều hình thức giải trí như bây giờ. Trong số đó, ông là người có khả năng tốt hơn hẳn tất cả những người bạn của mình, một phần vì tính cạnh tranh của trẻ con nữa. Ấy vậy mà tới khi vào học cấp 2, Akira Toriyama không còn có nhiều niềm yêu thích với việc vẽ vời như trước. Ông bắt đầu thích xem TV nhiều hơn. Trong số đó, ông đặc biệt thích các bộ phim Tokusatsu, cụ thể là Ultraman, và loạt phim Kaiju. 
Đến khi vào cấp 3, Toriyama cho rằng theo học một trường chuyên về Creative Design là một điều không cần phải bàn cãi. Nhưng thừa nhận rằng mình lúc đó vẫn ham chơi, muốn vui vẻ với bạn bè nhiều hơn. Trong thời gian này, ông không đọc nhiều Manga, nhưng thi thoảng vẫn lôi giấy cọ ra vẽ vời. Bởi vậy mà ông không bị lụi nghề đi là mấy. Rồi đến lúc tốt nghiệp cấp 3, ông chọn đi làm mà không tiếp tục học lên đại học như mong muốn của cha mẹ. 
Công việc đầu tiên của Toriyama là thiết kế tờ rơi cho một đơn vị quảng cáo ở Nagoya. Tất nhiên là với khả năng của ông thì công việc này khá đơn giản, tuy nhiên, ông nhận rằng mình không phải là một “morning person”, thậm chí còn bị khiển trách thường xuyên vì ăn mặc xuề xòa khi tới công ty làm việc. Để rồi sau 3 năm, ngấy tận cổ cái cảnh làm nô lệ cho tư bản, Toriyama quyết định bỏ việc.
Akira Toriyama vui vẻ cày Dragon Quest, và các con mình
Akira Toriyama vui vẻ cày Dragon Quest, và các con mình

Bắt đầu hành trình với manga

Thất nghiệp, đồng nghĩa với không xu dính túi. Ở tuổi 23, Toriyama bắt đầu dấn thân vào ngành công nghiệp Manga với một cuộc thi dành cho dân nghiệp dư. Khi đó, ông vào một quán cafe và tình cờ nhặt được cuốn Weekly Shonen của Kodansha, qua đó mà biết được thông tin về cuộc thi. Ấy vậy, thời gian là không đủ để ông thực hiện một tác phẩm nhằm tham dự giải. Nhưng may thay, một đơn vị khác là Weekly Shonen Jump của Shueisha có nhận tác phẩm cho giải thưởng “Họa sĩ mới xuất sắc” hàng tháng. Vậy là Akira Toriyama nộp bài dự thi của mình đến Shueisha. Kazuhiko Torishima, người về sau sẽ trở thành biên tập cho Akira, nhận được tác phẩm dự thi của ông. Kazuhiko rất thích bài dự thi, nhưng nó không phải là một tác phẩm gốc, mà lại là một phiên bản Parody của Star Wars, do đó mà tác phẩm của Akira bị loại vì phạm quy. Tuy nhiên, Kazuhiko vẫn đánh điện cho Toriyama để cổ vũ ông tiếp tục vẽ thêm tác phẩm mới. Và thật may vì Toriyama không bỏ cuộc. Kết quả của quyết định này là “Wonder Island”, tác phẩm đầu tiên được xuất bản trên tuần san Shonen Jump vào năm 1978. Cơ mà được phát hành không có nghĩa là được lòng độc giả. “Wonder Island” bét bảng trong cuộc khảo sát của người đọc, “Wonder Island 2” xuất bản không lâu sau đó cũng là một cú flop. 
Toriyama ban đầu có ý định bỏ vẽ sau khi nhận được nhuận bút của dự án “Wonder Island”, nhưng những cú flop liên tục có lẽ phần nào chạm tới cái tôi của ông. Bởi vậy mà ông cứ tiếp tục vẽ và thất bại liền tù tì 1 năm sau đó, tạo ra mớ hổ lốn mà ông tự gọi là “khoảng 500 trang truyện của sự thất bại”. Tuy nhiên, khoảng thời gian này giúp ông học được nhiều thứ. Lúc này, Torishima cho Toriyama một lời khuyên rằng “hãy thử vẽ một câu chuyện có nhân vật nữ chính xem”, kết quả là sự ra đời của “Tomato the Cutesy Gumshoe” năm 1979, gặt hái được tương đối thành công khi được độc giả đánh giá tích cực. Thành công nhỏ nhoi này đã cho Toriyama động lực để vẽ một bộ truyện có nhân vật nữ chính tiếp theo, “Dr. Slump”. Cuộc phiêu lưu của nhà bác học biến thái và nhóc Robot siêu khỏe Arale đã đem lại cho Toriyama giải thưởng Manga Shounen xuất sắc nhất năm. Phim Anime chuyển thể của bộ truyện cũng được thực hiện và phát sóng vào khung giờ vàng trên kênh Fuji TV.
Tuy Dr. Slump nổi tiếng như vậy, nhưng Toriyama lại muốn kết thúc chỉ sau 6 tháng kể từ lúc bắt đầu tạo ra bộ truyện. Tòa soạn Shueisha đồng ý với quyết định đó, chỉ với một điều kiện là ông phải thực hiện một bộ Manga dài kỳ khác ngay lập tức. Không thể nghĩ được ra ý tưởng ngay, Toriyama cầm cự bằng các câu chuyện ngắn one-shot trong 2 năm tiếp theo. Ấy vậy mà những one-shot trong thời điểm này của Toriyama vẫn có chất lượng vô cùng tốt. Ví dụ như “Pola & Roid” đạt giải nhất trong cuộc thi do khán giả bầu chọn của tuần san Shonen Jump vào năm 1981. Phải cho tới năm 1983, ông mới bắt đầu thực hiện một bộ Manga dài kỳ, và đây cũng là bộ truyện đưa Toriyama vào ngôi đền của những Mangaka vĩ đại nhất lịch sử. 

Sự ra đời và hành trình phát triển của của Dragon Ball

Akira Toriyama được gợi ý rằng ông nên làm một manga Shounen lấy chủ đề võ thuật. Vốn đã có một niềm đam mê lớn với kungfu qua những bộ phim võ thuật Hồng Kông thời kỳ đó, cụ thể là bộ phim “Enter the Dragon - Long Tranh Hổ Đấu” của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, và “Drunken Master - Túy Quyền” của ngôi sao đang nổi Thành Long. Toriyama quyết định đã sáng tác một câu chuyện lấy cảm hứng về chủ đề này. Ông lấy tên truyện là Dragon Boy, dự định nó sẽ là một truyện ngắn để thử nghiệm phản ứng của độc giả. Câu chuyện kể về một cậu bé giỏi võ tên Tangtong và chặng đường bảo vệ cô công chúa trở về quê nhà một cách an toàn. Vợ của Akira Toriyama khi đó, bà Nachi Mikami, cũng là người có hứng thú với văn hóa Trung Quốc. Vì vậy mà bà đã cho chồng tham khảo các tài liệu mà bà sở hữu. Ngoài ra, bà Mikami còn giúp đỡ Akira vẽ nền cho bộ truyện. 
Akira Toriyama và thần tượng Jackie Chan
Akira Toriyama và thần tượng Jackie Chan
Tháng 8 năm 1983, truyện ngắn Dragon Boy chính thức ra mắt trên tạp chí Fresh Jump. Tác phẩm được độc giả đón nhận rất nồng nhiệt, khiến Toriyama có thêm động lực viết tiếp một phần hậu truyện nữa vào tháng 10 cùng năm. Cả phần tiếp theo này cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của độc giả, dẫn đến việc Toriyama quyết định phát triển dự án từ Dragon Boy thành một series dài tập. Và như thế, Dragon Ball đã được ra đời.
Bìa Dragon Ball vol.1 tại Nhật
Bìa Dragon Ball vol.1 tại Nhật
Để chuẩn bị cho series dài tập này, Toriyama đã quyết định lấy chất liệu phương Đông (cụ thể là Tây Du Ký) để xây dựng nên bối cảnh cho câu chuyện. Vào thời điểm đó, bối cảnh Trung Hoa trong các tác phẩm shounen vẫn chưa phổ biến cho lắm, nên có thể nói Toriyama đã khá mạo hiểm khi lựa chọn hướng triển khai này. Tuy vậy, như chính ông đã chia sẻ, đó cũng là một lợi thế tiềm năng vì sự độc đáo của mình.
Tất nhiên, vì là thể loại shounen, vốn là các manga hướng tới giới trẻ, Toriyama đã phải thay đổi mục tiêu của chuyến hành trình “lấy kinh” này thành một thứ gì đó mang tính phiêu lưu, hấp dẫn hơn. Sau cùng, ông đã chốt hạ rằng manga sẽ kể về một cuộc truy tìm kho báu - những viên ngọc rồng thần kì có khả năng ban điều ước cho người sở hữu. Đến đây, những nền móng của tác phẩm đã được xây dựng một cách vững chãi.
Goku cầm sịp của Bulma - vợ tương lai của bạn thân tương lai
Goku cầm sịp của Bulma - vợ tương lai của bạn thân tương lai
Năm 1984, Dragon Ball chính thức trình làng trên tạp chí Fresh Jump. Nó vẫn là một bộ truyện hay, nhưng chưa đạt đến tầm xuất sắc. Như các Fan của bộ truyện cũng biết, các “arc” đầu tiên của bộ truyện tập trung vào cuộc hành trình của Goku trên con đường tìm ngọc, đồng thời gặp gỡ và kết bạn với nhiều nhân vật khác nhau. Dù cảm thấy rằng nếu tập trung vào yếu tố hành động nhiều hơn là phiêu lưu thì sẽ thu hút được khán giả hơn, nhưng Toriyama vẫn cảm thấy cần phải thử nghiệm thêm. Chỉ đến khi bị phía tòa soạn dí, ông mới quyết định sẽ cho bộ truyện tập trung hoàn toàn yếu tố chiến đấu, và đẩy yếu tố phiêu lưu thành một yếu tố phụ. Độc giả có thể cảm nhận được sự chuyển biến này khi bộ truyện bắt đầu tiến vào Arc Giải đấu võ thuật, tính từ chương 24 của Manga trở đi. 
Goku tỉ thí với Jackie Chun
Goku tỉ thí với Jackie Chun
Như vậy, bắt đầu là một manga phiêu lưu hài hước nhưng sau đó chuyển mình thành một manga chiến đấu với trọng tâm chính là hành động, Dragon Ball đã trở thành một tượng đài bất diệt của nền công nghiệp truyện tranh Nhật Bản. Tác phẩm thậm chí còn được giới truyền thông nhiều lần ca ngợi là “manga Shounen có ảnh hưởng nhất mọi thời đại’’. Từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, lượng phát hành của manga này đạt mức cao nhất từ ​​trước đến nay và Dragon Ball được coi là một trong những lý do chính dẫn đến điều này.
Không chỉ làm mưa làm gió ở thị trường Nhật Bản, Dragon Ball còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Bộ truyện nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới. Tính đến nay, tổng số tập manga đã được bán trên toàn cầu là 300-350 triệu bản, một con số kỷ lục. Thành công của Dragon Ball đã kéo theo nhiều sản phẩm nhượng quyền thương mại như các phần anime, trò chơi điện tử này tiếp tục đến với trò chơi điện tử… tất nhiên là cũng đạt được sự thành công không hề kém cạnh so với tác phẩm manga gốc. Theo thống kê, tính đến nay thì Dragon Ball vẫn là một trong những nhượng quyền trò chơi điện tử có số lượng trò chơi được phát hành nhiều nhất.
Sau khi phần anime Dragon Ball Z kết thúc, nhu cầu của người hâm mộ về series này vẫn không giảm. Mặc dù cả anime và manga đều đã kết thúc sau Buu Saga, Toei Animation vẫn tiếp tục nhượng quyền thương mại với tác phẩm của riêng họ vào năm 1996, Dragon Ball GT. 
Mặc dù Dragon Ball GT vấp phải những lời chỉ trích nặng nề do có nhiều yếu tố chưa được thực hiện tốt, ví dụ như các chi tiết phát triển nhân vật không thuyết phục như các phần trước đó, hay chất lượng hình ảnh bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, nhưng tình yêu của những người hâm mộ dành cho bộ truyện vẫn được duy trì với việc liên tục phát hành nhiều văn hóa phẩm liên quan và cuối cùng là sự hồi sinh của cốt truyện kinh điển với Dragon Ball Super vào năm 2015. Tính tới năm 2023, cả thương hiệu Dragon Ball đã có trị giá lên tới 23 tỷ USD. 

Những tác động to lớn tới thể loại Shounen

Có thể nói, sự xuất hiện của Dragon Ball đã tạo nên một cơn địa chấn trong mảng Shounen, kéo theo đó là những tác động lâu dài tới thể loại này. Nhiều người còn tự tin khẳng định, rằng thể loại Shounen sẽ không giống như bây giờ nếu không có Dragon Ball. Điều này kể ra thì quả thực khá đúng, vì manga này có nhiều khía cạnh độc đáo mẫu mực, không chỉ được các tác phẩm Shounen về sau học hỏi mà đôi khi là còn bởi cả các tác phẩm phương Tây. Mặc dù có nhiều thứ mà Dragon Ball đã tham khảo từ các nguồn khác, như cái cách phát triển nhân vật mà Akira học huyền thoại đi trước Osamu Tezuka, nhưng để chúng trở nên phổ biến như hiện nay thì rõ ràng là đến từ sức ảnh hưởng to lớn của bộ truyện.
Trước Dragon Ball, đa phần các tác phẩm manga hành động nói riêng và manga nói chung có tính chất tách biệt từng tập, với cốt truyện ít tổng quát. Tất nhiên là cách triển khai này cũng có lợi thế. Độc giả không cần phải theo dõi câu chuyện từ đầu. Họ hoàn toàn có thể đọc bừa một chương nào đó mà vẫn hiểu được câu chuyện đang được truyền tải. Giống như Doraemon vậy. Từ đó mà bộ truyện có thể dễ dàng tiếp cận với lượng lớn độc giả mới. 
Thế nhưng cách triển khai này vẫn có một số bất cập không thể tránh khỏi. Tiêu biểu nhất là rất khó để theo dõi quá trình phát triển của nhân vật. Đối với Dragon Ball, Toriyama đã kết nối các Arc để hình thành một mạch truyện thống nhất. Điều đó giúp nhân vật có chiều sâu hơn. Đặc biệt hơn cả, là độc giả có thể theo dõi hoàn toàn quá trình phát triển sức mạnh, nội tâm và cảm xúc của nhân vật ấy. Son Goku hồn nhiên của những chương đầu rất khác với Goku khi chuẩn bị lao vào quyết tử với Frieza. Hoặc đối với nhân vật Vegeta, mới đầu là kẻ thù không đội trời chung, sau đã trở thành đồng đảng chí cốt với Goku. Đây là hệ quả của cả một quá trình xây dựng tính cách nhân vật kéo dài cả chục, thậm chí hàng trăm chương truyện. Phải có sự liền mạch như thế, mới khiến các nhân vật của Dragon Ball trở nên đáng nhớ tới vậy. 
Vào thời điểm mang tính bước ngoặt của bộ truyện, Toriyama và biên tập viên của ông đã từng tranh cãi rất nhiều về quyết định để cho nhân vật Goku lớn lên theo thời gian. Cần phải nói là khi đó, các nhân vật shounen thường sẽ không có sự trưởng thành theo thời gian. Cùng lắm sẽ chỉ là những thay đổi tâm lý theo hướng thiện hóa. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì đấu tranh của mình, Toriyama đã bảo vệ thành công hướng đi cho câu chuyện và những gì chúng ta thấy giờ đây là lịch sử.
Và làm sao có thể bỏ qua được yếu tố hành động trong bộ truyện? Dragon Ball không phải là manga đầu tiên tập trung nhiều vào mảng hành động. Thực tế, có rất nhiều manga trước Dragon Ball đã lấy hành động làm yếu tố chủ đạo. Tuy nhiên, cách triển khai của Dragon Ball là tiền lệ chưa từng xảy ra. Các cuộc chiến trong manga này tập trung vào những màn đấu đối kháng dài hơi, với sự thăng tiến sức mạnh dần đều của các nhân vật ở cả 2 phe, kèm theo đó là mức độ rủi ro tăng dần theo diễn biến của câu chuyện. 
Để các màn đối đầu trở nên đáng nhớ, Toriyama đã làm rất tốt trong việc thiết lập mâu thuẫn cho các phe, để rồi độc giả phải vỡ òa cảm xúc trong cao trào khi 2 bên chính thức lao đầu vào nhau. Nhưng mà làm thế nào để khán giả hình dung được quy mô của trận chiến chỉ trên những trang giấy? Sự thăng tiến sức mạnh của nhân vật được thể hiện rõ nhất thông qua khái niệm “siêu xâyda”. Các dạng Super Saiyan giúp khán giả có thể dễ dàng hình dung được ngưỡng sức mạnh của nhân vật, từ đó mà hiểu được quy mô và mức độ rủi ro của các trận chiến. 
Lối triển khai này cho tới nay đã có rất nhiều các bộ Shounen tiếp thu và phát triển thành công. Với việc Dragon Ball được coi là một trong những manga có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại thì nhiều họa sĩ truyện đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tác phẩm này. 
Có thể kể tới 3 cái tên còn lại trong “tứ trụ Shonen Jump” của thế hệ trước. Eiichiro Oda - tác giả của One Piece; hay Masashi Kishimoto - tác giả của Naruto, và cả Tite Kubo - tác giả của Bleach, đều nói rằng cách triển khai của Dragon Ball đã truyền cảm hứng để họ triển khai cấu trúc phát triển cho tác phẩm của mình. Tiếp nối sau đó là hàng chục bộ Shounen hiện đại như Kimetsu no Yaiba, Shingeki no Kyojin, Boku no Hero Academia, Black Clover,... 

Vượt xa cả nền văn hóa manga

Không chỉ giới hạn trong văn hóa phẩm như manga, anime hay các loại hình giải trí khác, sức ảnh hưởng của Dragon Ball còn lan rộng tới nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống. 
Sau khi tìm kiếm một loại thực phẩm tương đương  đậu thần Senzu, Mitsuru Izumo đã thành lập Công ty Euglena vào năm 2005 và bắt đầu sản xuất thực phẩm bổ sung cũng như các sản phẩm thực phẩm từ Euglena. Vào năm 2014, nhà côn trùng học Enio B. Cano đã đặt tên một loài bọ cánh cứng mới là Ogyges toriyamai theo tên Toriyama, và một loài bọ cánh cứng Ogyges khác là mutenroshii, theo tên nhân vật Muten Roshi trong Dragon Ball.
Vào ngày 27 tháng 3 năm 2013, triển lãm "Akira Toriyama: The World of Dragon Ball" đã khai mạc tại cửa hàng bách hóa Takashimaya ở Nihonbashi, thu hút 72.000 lượt khách tham quan trong 19 ngày đầu tiên. Triển lãm được chia thành bảy khu vực. Phần đầu tiên cung cấp cái nhìn về lịch sử của bộ truyện, phần thứ hai hiển thị hơn 400 nhân vật của bộ truyện, phần thứ ba trưng bày các bản thảo manga của Toriyama về những cảnh đáng nhớ, phần thứ tư hiển thị các hình minh họa màu đặc biệt, phần thứ năm trưng bày các tài liệu quý hiếm liên quan đến Dragon Ball, phần thứ sáu bao gồm các bản phác thảo thiết kế và các hình ảnh hoạt hình từ anime, và màn hình thứ bảy các video liên quan đến Dragon Ball. Nó vẫn duy trì cho đến ngày 15 tháng 4 khi nó chuyển đến Osaka từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 4, và kết thúc tại quê hương của Toriyama là Nagoya từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 1 tháng 9.
Một cuộc triển lãm tương tác có tên "Dragon Ball Meets Science" (ドラゴンボールで科学する!, Doragon Bōru de Kagaku Suru! ) đã được trưng bày tại Nagoya vào mùa hè năm 2014. Các tác phẩm sắp đặt bao gồm một điện não đồ đo sóng não alpha của du khách để điều khiển khả năng bay của Goku đám mây. Năm sau nó đến Đài Loan, sau đó là Tokyo từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 10 tháng 5, và Osaka từ ngày 18 tháng 7 đến ngày 31 tháng 8. Manga hàng tuần Shōnen Jump nhân dịp kỷ niệm 50 năm tạp chí vào năm 2018.
Năm 2015, Hiệp hội Kỷ niệm Nhật Bản chính thức tuyên bố ngày 9 tháng 5 là "Ngày Goku" (悟空の日, Gokū no Hi). Trong tiếng Nhật, số năm và số chín có thể được phát âm là "Go" và "Ku". Vào tháng 10 năm 2016, Shueisha thông báo họ đã thành lập một bộ phận mới vào ngày 21 tháng 6 có tên là Phòng Ngọc Rồng (ドラゴンボール室, Doragon Bōru Shitsu ). Đứng đầu là tổng biên tập V Jump Akio Iyoku, nó chỉ dành riêng cho Dragon Ball và tối ưu hóa cũng như mở rộng thương hiệu. Ngoài ra, võ sĩ tổng hợp người Canada Carlos Newton đã đặt tên cho phong cách chiến đấu của anh là "Dragon Ball jiu-jitsu " để tưởng nhớ bộ truyện. Võ sĩ tổng hợp người Nhật Itsuki Hirata có biệt danh là "Android 18" do cô ấy giống với nhân vật Dragon Ball. Vận động viên kickboxing người Nhật Panchan Rina lấy biệt danh của mình từ nhân vật Pan trong Dragon Ball.
Mới đây, ngày 1/3/2024, sau khi thông tin tác giả của những bộ truyện tranh nổi tiếng Dragon Ball và Dr. Slump là Akira Toriyama đã qu.a đ.ời vào ngày 1/3 được công bố, rất nhiều những nhà sáng tạo không chỉ trong ngành công nghiệp manga mà cả những ngành công nghiệp khác đều bày tỏ sự tiếc thương vô cùng sâu sắc, không chỉ thế, đến cả một số người của công chúng, các tổ chức lớn tại một số quốc gia... cũng dành một sự tri ân đến ông.
Các tác giả manga nổi tiếng tại Nhật cũng đồng loạt đăng tin chia buồn với sự ra đi này. Oda, tác giả của One Piece đã đăng thông báo dừng truyện 3 tuần sau khi nhận tin dữ. Hiện, tag AkiraToriyama vẫn đang là trending trên Twitter với hơn 1 triệu lượt tweet. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao của El Salvador cũng đã phát thông cáo bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Akira Toriyama.