nghe cùng bài này chắc hợp
Đúng ngày này tuần trước, lúc tan tầm về nhà, nghĩ thế nào tôi lại tìm nghe một số HAS của chị Thùy Minh với anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú – cuộc trò chuyện bên ly trà và cặp bánh nướng bánh dẻo Trung thu.
Đường về nhà hôm ấy chắc cũng bởi câu truyện, bởi những hoài niệm tuổi thơ mà cảm giác đỡ xa xôi hơn. Cứ thế vừa nghe vừa vô thức lái, xin nhan, rẽ trái rẽ phải, trên những con đường Hà Nội đã trở nên quen thuộc tự lúc nào tôi cũng chẳng hay.
Nói vậy vì thực ra, tôi đâu có lớn lên ở Hà Nội.
Tôi sinh ra ở Hải Phòng, một mảnh đất lắm điều tiếng mà trọng tình.
Nhưng, có điều lạ là những kỷ niệm về Trung thu của tôi cũng giống hệt như của anh Tú, zai phố cổ chính hiệu.
Những tháng năm tuổi thơ, cứ mỗi đợt tháng 8 trăng tròn, là đám trẻ chúng tôi lại háo hức ngóng chờ. Ngày ấy thì có biết gì về phong tục, truyền thống, chỉ biết đến tối Trung thu là cả xóm lại chẳng hẹn mà cứ đúng 8 giờ là ra tụ tập ngồi trên cái bể nước cũ cao cao ở giữa xóm, nhà nào có gì thì mang ra góp cái ấy, người góp bánh nướng bánh dẻo, người góp hoa quả, người góp kẹo, hạt dưa hạt bí, chai nước ngọt Fanta 7up, bày ra một mâm cỗ Trung thu của cả khu.
Các mẹ thì cứ ngồi trên bể nước mà nói chuyện, còn bọn lít nhít chúng tôi thì chia nhau cầm mấy cái đèn lồng, đèn ông sao riễu đi khắp xóm.
Năm nào mà bố tôi rảnh ông lại giúp tôi làm một cái đèn ông sao, từ tìm que, chẻ tre, uốn tre, rồi cắt giấy dán, cho cây nến vào giữa, từng công đoạn nho nhỏ một, để được một cái đèn ông sao tối Trung thu hãnh diện mang ra khoe với đám bạn. Chẳng hiểu sao, những chiếc đèn 2 bố con tự làm ấy, dù có lúc xiên vẹo, giấy dán thì đầu thừa đuôi thẹo, tôi luôn cảm thấy nó đẹp gấp trăm lần mấy cái đèn bọn chúng nó được bố mẹ mua cho ngoài cửa hàng.
Và cũng bởi thế mà dù hết trung thu mấy ngày sau tôi cũng vẫn cứ cầm đi loanh quanh, bỏ cả cây kiếm nhựa Triển Chiêu mình vẫn thích, chỉ đến khi bị chúng nó dùng kiếm nhựa chém nát đèn Trung thu mới khóc bỏ về và hôm sau mang kiếm ra mà thôi.
Rước đèn mấy vòng khắp xóm, rồi chơi mấy trò như rồng rắn lên mây đến toát mồ hôi, cả đám mới chạy lại chỗ bể nước để ăn uống. Lúc ấy thì các bà mẹ đã bổ và bóc hết bưởi tinh tươm, rót nước ngọt ra mấy cái cốc nho nhỏ, thế là sà vào đánh chén ngon lành.
Tôi từ nhỏ vẫn thích bánh dẻo, ưa cái vị ngọt ngọt thơm thơm của vỏ bánh, kết hợp với chút mằn mặn của miếng thịt xá xíu, chút bùi bùi của hạt lạc hạt vừng, cứ gọi là ngon một cách đặc biệt đi. Trong khi bọn anh Dũng, anh Nam hàng xóm bỏ cả miếng bánh vào miệng mà nhồm nhoàm, tôi cứ dè xẻn từng tí từng tí một, thậm chí đến cả mấy miếng cuối chỉ có vỏ bánh thôi cũng vẫn nhâm nhi. Các cô các bác nhìn tôi ăn mà cứ trêu: nó béo thế tưởng ăn tốn thế nào, chứ thế này mẹ nó không nuôi để tao nuôi.
Ăn uống chán chê, chúng tôi lại kéo nhau ra thành bể nước nằm ngắm trăng, rồi thủ thà thủ thỉ mấy chuyện trẻ con chẳng đầu chẳng cuối. Nào là thời sự vừa nãy có tin gì lý thú, hay tập phim hôm qua hay ơi là hay. Thế nào mấy đứa bé nhất cũng lại hỏi: thế có mỗi chú Cuội với chị Hằng ở trên ấy thế chắc buồn lắm nhỉ? Mấy ông lớn lớp 6 lớp 7 trong xóm rất kiểu đàn anh, không giành phần cải chính ngay, mà phải chờ hội lít nhít nói chán chê rồi mới cười khẩy lên mặt: Chúng mày ngu lắm, làm quái gì có chú Cuội chị Hằng gì, toàn chuyện bịa đặt. Sau này lớn đi học chúng mày sẽ biết, người ta đã lên được mặt trăng rồi, làm chó gì có ai.
Nói xong câu ấy, như để làm rõ thêm sự phân biệt đẳng cấp lớn nhỏ, các ông lồm cồm bò dậy kéo nhau nhảy lên tường nhà anh Huy đối diện chém gió, lúc đi vẫn không quên vòng qua bể nước bốc thêm ít bánh kẹo với hạt dưa. Để lại mấy đứa nhỏ nằm ấm ức, con bé An mít ướt y như rằng lại thút tha thút thít. Nhưng cái tuổi ấy thì làm gì ấm ức được lâu, thế là thoáng cái đã thấy mấy ngón tay be bé giơ lên hướng trăng, làm như vẽ vẽ chú Cuội chị Hằng, rồi bảo, đấy, cả hai vẫn ở trên ấy đấy, nhưng làm gì có chuyện để cho con người tìm thấy. Rồi hí hí cười với nhau, như một bí mật quan trọng của cả bọn.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Nghe gần xong tập HAS thì cũng là lúc về đến con ngõ nhỏ cạnh bể bơi Thái Hà (tôi để chế độ 1.5, nên thực ra chỉ 40' mà thôi), vừa mở cửa xe thì ngạc nhiên lắm khi thấy con trai ra đón bố, thay vì cứ ngồi lỳ trên sofa với cái ipad như mọi hôm, bố vào đến nơi mới chịu ngẩng lên chào. Hóa ra là cô giáo giao cho bài về nhà, yêu cầu các cô các cậu phải tìm hiểu về Trung thu của bố mẹ ngày xưa.
Xoa xoa đầu cu cậu, tôi nói con đợi bố lên thay đồ đã nhé. Vòng qua bếp thơm vợ xong lên thay đồ, tôi xuống sofa ngồi với con. Vừa định kể cho nó nghe về những kỷ niệm xa xưa ấy, thì chợt nhớ những lời của anh Chánh Văn trong podcast, rằng chúng ta giờ đây đâu biết kể chuyện. Thế là chột dạ, không khéo lại thành ra nhạt thếch thì hỏng chuyện. Thế là một ý tưởng chợt nảy lên trong đầu: Trung thu năm nay rơi đúng vào cuối tuần, sao không đưa nó về thăm ông bà, nghe ông bà kể lại có phải hay hơn không? Tôi mới hỏi nó: “Khánh, con có muốn cuối tuần này mình về ông bà không?”. Nó tròn mắt, xong gật đầu cười tít. Cu cậu vốn nghiền nem cua bể với bánh mỳ que, nên lần nào được về HP chả sướng rơn lên, lạ gì. Thế là 2 bố con dẫn nhau vào bếp xin ý kiến “cấp trên”. Có vẻ như những ngày như Trung thu, ai cũng nghĩ đến gia đình, nên ‘lãnh đạo’ cũng chẳng cần nghĩ ngợi nhiều mà ngay lập tức chuẩn tấu.
Thế là sáng thứ 7 cả nhà rồng rắn về từ tinh mơ. Giờ đường xá thuận tiện nên về HP có 2 tiếng. Nói vậy mà từ Tết đến giờ hai vợ chồng cứ bận rộn, rồi học thêm học nếm của con nên chưa về được lấy một lần. Bắt tội ông bà hồi tháng 5 nhớ cháu quá phải lên thăm…
Sau bữa cơm tối với ít nem cua bể và bát canh vịt ăn với bún, cả nhà ngồi quây quần bên ấm trà, và cặp bánh nướng bánh dẻo Đông Phương ông bà được người ta biếu. Hoa quả thì có đĩa hồng nhà quê trồng được các bác gửi từ Nam Định ra cho, và quả bưởi thấy bảo Diễn bác hàng xóm mới lên thăm con gái trên ấy mang về cho. Một mâm Trung thu khá là giống với ngày xưa.
Nhưng cái khác biệt luôn là những câu chuyện bên mâm trà bánh. Bà cứ nhắc đi kể lại chuyện mấy ngày rồi ngày nào ông cũng ăn hết một cái bánh, cứ như kiểu sắp ra đi rồi ăn cho cố. Ông chỉ cười, nụ cười híp mắt hiền lành, thỉnh thoảng mới bỏ vào câu: Lấy đâu ra mà ăn, mẹ mày có chịu mua đâu mà, suốt ngày tiếc tiền. Ông nói xong câu ấy liền bốc một miếng bánh nướng, xong vung tay bảo mấy đứa ăn đi, rồi đút cho Khánh một chút xong ông ăn một cách ngon lành.
Nhìn ông ăn thôi cũng thấy thèm. Chẳng hiểu sao, trên công ty cũng toàn những thứ bánh hảo hạng, nào có cả bào ngư các thứ, mà tôi ăn xong chỉ thấy sợ cái vị ngọt lợ  nơi cổ họng, trong khi nay về nhà ăn mỗi thứ bánh nướng bánh dẻo một miếng mà vẫn thấy ngon miệng. Là cái vị trà Thái Nguyên đưa mồi, hay vì cái không khí gia đình này, đã lâu lắm rồi tôi mới lại có được một cách trọn vẹn đến thế.
Khánh cũng vui. Thằng bé ngồi giữa ông bà, thỉnh thoảng lại đưa bàn tay lên mà cọ cọ đám râu cưng cứng sợi trắng sợi đen nơi cằm ông.
Dù nó chẳng hỏi vụ bài tập thì ông bà cũng tự động mà kể cho nó nghe, nào là hồi bé bố mày bạo lắm, chẳng hiểu sao cả xóm đang ngồi chơi Trung thu mà dám đứng lên dõng dạc tuyên bố: Cháu xin hát một bài tặng mọi người, xong hát cái bài gì mà: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu Cán đây rất dài cán cao qua đầu …” rõ to, hát xong mọi người vỗ tay ầm ầm. Ấy thế mà đến lúc đi học lại nhát nhé. Đúng là thay đổi một trời một vực. Xong bà kể lại cái năm nó (tôi) với bố nó làm cái đèn lồng, xong bị thằng Dũng nhà hàng xóm nghịch cái nến trong đèn ông sao lẹm vào cháy mất, thế là cả tối hôm Trung thu nó không chơi nữa, cứ nước mắt ngắn nước mắt dài ngồi cạnh mẹ. Mang cả bánh dẻo ra cho nó ăn cũng không hết khóc. Chứ bình thường thì cứ được miếng bánh ngọt vào là cu cậu toét miệng cười ngay. Hảo ngọt giống y hệt bố nó...
Vợ tôi chạm nhẹ tay tôi, rồi hướng mắt về phía con.
Tôi thấy mắt Khánh long lanh, miệng nhoẻn cười, và nó cứ chăm chú mà lắng nghe ông bà kể chuyện.
Để rồi sáng hôm sau trên đường về, nó đòi bằng được tôi bật cái bài "Chiếc đèn ông sao" lên cho nó nghe đi nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo trên ô tô.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
A Dreamer
P.s. Rảnh thì ghé thăm mình tại Fb page: A Dreamer's World nhé :D