Ngôn từ là một thứ quan trọng.
Nếu như ngôn ngữ là công cụ để chúng ta giao tiếp với nhau hàng ngày thì ngôn từ là vẻ đẹp, là tinh thần của việc giao tiếp đó. Ngôn từ là những thứ vô hình chúng ta trao cho nhau, ngỡ tưởng thoáng qua nhưng nó chứa đựng cả những sức mạnh diệu kỳ.
Mỗi khi nói ra một điều gì đó, bạn hãy thử lắng tai nghe lời mình nói xem. Khi chúng ta nói những điều hay, tự dưng tâm hồn của chúng ta như được thanh tẩy. Khi chúng ta nói những điều dở, tim ta khẽ se lại và đầu ta nhói đau.
Tôi không phải là một người hay nói. Trước kia, vào một ngày ngồi trên yên xe đạp sau lưng mẹ, mẹ dặn tôi: "Con gái thì đừng nên nói tục, con nghe xem những lời nói tục đó có hay ho tí nào không." Hồi đó tôi nghe lời mẹ, tôi không nói tục. Vì tôi muốn làm người "hay ho". Nhưng càng ngày, tôi càng nhận ra rằng, không phải tôi muốn trở thành người "hay ho" mà vì tôi thanh thản khi không nói ra những từ xấu xí. Đó là một lựa chọn, và là sự cố gắng.
Có những lúc tức giận, cơn giận phừng phừng bốc khói trên đầu, tôi cũng đã tuôn ra những từ mà bản thân tôi không thích. Những lúc đó, tim tôi đều nhói lên. Ngay giây phút lời nói vụt ra khỏi khuôn miệng, tôi biết tôi sẽ dằn vặt về điều đó.
Nếu đặt cương vị làm người tiếp nhận lời nói, khi được khen, khi được người khác chia sẻ và đồng cảm chúng ta cảm thấy lâng lâng vui sướng, hoặc cảm thấy bình yên. Khi nhận được những lời cay nghiệt, chúng ta đau đớn, tổn thương, yếu đuối hoặc trở nên mất kiểm soát.
Ai lại muốn nhận lấy tổn thương cơ chứ.
Ngôn từ cũng là chữ viết. Ngôn từ trong chữ viết cũng truyền tải những điều tương tự. Nếu người viết dùng một tâm trạng vui vẻ yêu đời thì người đọc cũng sẽ cảm nhận được tâm trạng đó. Nếu người viết viết những con chữ với niềm u uất thì người đọc cũng cảm thấy não lòng. Đó là lý do khi chúng ta đọc truyện cười thì ta thấy vui, khi đọc truyện buồn thì ta khóc, khi đọc truyện lịch sử ta thấy sự hào hùng, khi đọc truyện ngôn tình ta thấy tràn ngập yêu đương.
Trong tiếng Nhật có một từ rất hay, đó là 「言霊」(kotodama), nó có nghĩa là linh hồn của ngôn từ. Người Nhật từ xưa đã tin rằng, mọi lời nói đều mang một sứ mệnh và sức mạnh to lớn. Trong những bài thơ cổ lưu lại đến ngày nay, người ta cho rằng người xưa đã lưu trữ ý chí vào trong linh hồn của ngôn từ. Ngôn từ chính là mang sức mạnh của thần linh.
Các bạn có biết cuốn sách "Thông điệp của nước" (tác giả Masaru Emoto) không? Trong cuốn sách nói về việc nước có thể truyền tải ý chí và thông điệp của con người. Giống như khi tiến hành thử nghiệm hai chai nước, mỗi chai thả vào vài hạt gạo thì chai nước được nghe những điều tốt đẹp thì rất trong, ngược lại chai nước kia được nghe những điều không tốt thì trở nên vẩn đục. Giống như khi người ta cùng nhau cầu nguyện ở bên bờ sông, mẫu nước sông thu được cũng sạch hơn và tinh thể nước đẹp đẽ hơn. Như vậy, nước truyền tải thông điệp của lời nói, còn lời nói lại truyền tải năng lượng của người phát ngôn ra chúng.
Hay trong tiếng Anh có một câu nói như thế này "Say it like you mean it", nghĩa là hãy nói như thể bạn thật sự tin là vậy. Đó cũng là ý nghĩa của những lời chúc nhau đầu năm mới hay trong dịp sinh nhật hay trong những ngày lễ quan trọng khác. Chúng ta chúc nhau những điều mà chúng ta thực sự mong muốn dành cho người kia. Chúng ta cần thực sự tâm niệm điều đó khi ta nói, thì khi đó lời chúc mới có giá trị.
Một ví dụ khác về sự kỳ diệu của ngôn từ đó là "Lời tiên tri tự hoàn thành" (self-fulfilling prophecy). Chính là khi chúng ta tin vào một điều gì đó, hoặc ai đó nói rằng chúng ta sẽ trở thành người như thế nào và từ đó hành vi, cách nghĩ của chúng ta bị ảnh hưởng nên sau một thời gian chúng ta quả thực trở thành như vậy. Một mặt hiện tượng này cho thấy niềm tin quan trọng như thế nào, mặt khác nó cho thấy sự ảnh hưởng to lớn từ những gì chúng ta tiếp nhận.
Thế nên bạn à, hãy ngừng trách bản thân mình, ngừng thất vọng về bản thân mình, ngừng nói rằng mình sẽ không bao giờ làm được điều này, ngừng tin rằng mình chẳng bằng ai cả. Điều bạn cần làm mỗi sớm mai thức dậy là nhìn bản thân mình trong gương, mỉm cười và tự khẳng định với chính mình: Mình làm được, hôm nay là một ngày vui, mình biết ơn và trân trọng cuộc đời này, dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa mình cũng giải quyết được. Thay vì cứ mãi tiêu cực rồi cầu mong có kỳ tích xuất hiện thì hãy tự tạo ra tâm thế sẵn sàng đón nhận kỳ tích đi chứ. Chỉ khi bạn sẵn sàng đón nhận thì điều bạn mong chờ mới xuất hiện. Chỉ khi bạn sẵn sàng tin tưởng thì điều bạn mong chờ mới tới.
Và này, lời nói của bạn còn ảnh hưởng đến người đang lắng nghe bạn nói. Nên có mất gì đâu những lời nói yêu thương và lan toả năng lượng tích cực. Nói những gì bạn thực lòng mong mỏi, khi nói yêu là bạn thực sự yêu, khi nói xin lỗi là bạn đang chân thành tạ lỗi.
Vì ngôn từ kỳ diệu hơn những gì chúng ta vẫn thấy.
Lời nói ra nên mang nặng cả tấm lòng.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất