Rất nhiều những bài phân tích ngôn ngữ hoa trong anime đã thuyết phục tôi rằng mình nên thủ sẵn chút kiến thức hoa cỏ làm vốn để dành coi phim, càng đặc biệt để dành theo đuổi sự nghiệp làm fangirl Yamada. Để tiện có một “từ điển mini” tham khảo khi cần, tôi sẽ liệt kê tên hoa theo thứ tự alphabet kèm những lần hoa ấy xuất hiện trong anime.
Thường tôi vốn chẳng rành về hoa, chỉ vì xem anime mới đâm ra tìm hiểu. Nên các thông tin trong bài đến từ quãng thời gian ngồi nhà gõ tìm kiếm trên máy, chứ đa phần các hoa bên dưới, ngoài đời tôi còn chưa tận mắt thấy tròn méo ra sao.
Tính weaboo của tôi biểu hiện ở chỗ là tôi vẫn chuộng xài phiên âm romaji hơn, những khi bàn về tên phim chẳng hạn. Nên thứ tự hoa bên dưới cũng sẽ xếp theo romaji.
Bài viết từ đầu đã định là sẽ luôn trong trạng thái cập nhật; chừng nào còn coi phim, biết thêm được gì thì tôi lại bổ sung mới. Nhưng duy trì cập nhật cho 2 blog một lúc thì tôi hơi lười, vả lại lối này chắc cũng không hợp Spiderum, nên lỡ mai mốt có ai còn nhớ đến bài này thì xin về blog cá nhân sau:
Ghi chú nữa: Ngôn ngữ hoa ở Nhật sẽ khác ở Anh, và cũng khác ở Việt Nam, dù đôi khi một hoa có thể mang trùng nghĩa ở các nước. Vì đang bàn anime nên tôi ưu tiên diễn giải theo ngôn ngữ hoa bên Nhật, còn gọi là hanakotoba / 花言葉.

A

Ajisai (紫陽花)

Cẩm tú cầu / Hydrangea
Với màu hoa thay đổi theo độ pH đất, cẩm tú cầu có thể xuất hiện với nhiều màu khác nhau ngay cả ở cùng một bụi, nên khi xuất hiện trên anime, hoa đôi khi mang nhiều màu sắc, và biết đâu cũng mang nhiều ý nghĩa tùy màu. Xét trong anime KoiAme, hoa này xuất hiện nhiều lần, gắn với nữ chính Tachibana Akira, nên ta có thể diễn giải cẩm tú cầu từ ý nghĩa “người con gái đầy sức sống, rạng ngời”, chẳng hạn tập 5 khi cô xắn tay nấu ăn cho cậu con trai của người thương, những bông cẩm tú cầu tưởng tượng đã bừng lên trên màn hình. Song, cẩm tú cầu được nhấn nhá nhiều nhất trong phim chính là lúc Akira tỏ tình với Kondo vào tập 3. Lúc này, ta có thể quay sang nét nghĩa khác chỉ sự lãnh đạm, tàn nhẫn (nhất là với các hoa màu xanh lam), bởi mặc cho tình cảm Akira nồng nhiệt, phía Kondo lại rất thờ ơ.
Thêm nữa là vì KoiAme cùng đạo diễn với Nazo no Kanojo X (có nhắc ở bên dưới), nên không loại trừ khả năng những bông cẩm tú cầu ướt đầm đại diện cho hình ảnh của một Akira dưới cơn mưa xối xả.
Cũng vì đặc điểm đổi màu mà cẩm tú cầu còn bị gán cho ý nghĩa không kiên định, dễ đổi thay, vì thế sẽ là loài hoa không được giới samurai ưa chuộng bởi họ phải đề cao lòng trung thành. Trong tập 3 anime Heike Monogatari kể về sự suy tàn của một gia tộc võ sĩ, cẩm tú cầu xuất hiện chính vào lúc vị trưởng tộc Kiyomori phát hiện ra âm mưu phản bội ông, và đã lên cơn thịnh nộ trừng trị kẻ bạo gan ngay trong đêm.

Allamanda (アラマンダ)

Huỳnh anh
Theo ngôn ngữ hoa, huỳnh anh mang các nghĩa như: trước khi yêu, vẻ đẹp ẩn giấu, hồi ức vui vẻ, hạnh phúc mãi mãi. Nhân vật Mio của Umibe no Étranger đã tặng chậu huỳnh anh cho Shun như một cử chỉ cảm ơn lòng tốt của Shun trước đó. Rồi thì chậu huỳnh anh lại được Shun trồng quanh băng ghế nơi hai người gặp gỡ. Bông hoa nối một mối dây liên hệ lúc chuyện tình cảm hai bên còn chưa có gì chắc chắn, và đã nở vàng rực rỡ khi Mio quay về xác nhận lại tình yêu.

Anemone (アネモネ)

Thu mẫu đơn / Cỏ chân ngỗng
[Màu trắng]
Với ngôn ngữ chung chỉ tình cảnh bị bỏ rơi, hoa thu mẫu đơn cũng xuất hiện trong cảnh nhân vật Ishida Shouya của Koe no Katachi bị bạn bè trở mặt, quay lưng. Ishida bị xô xuống bể nước, xung quanh là bụi thu mẫu đơn nở hoa trắng muốt. Đây là cảnh phim liền sau đoạn Shouko buộc phải lội nước cũng trong cùng bể nước ấy (xem thêm nội dung về hoa cúc vạn thọ / marigold), nhưng loạt hoa xung quanh đã thay đổi tương ứng với thông điệp khác. Xét riêng màu trắng, thu mẫu đơn mang nghĩa sự thật, mong đợi, hy vọng. Đây cũng là lúc Ishida tình cờ phát hiện quyển tập của Shouko ngày trước cậu từng ném đi, để dần hiểu được sự buông xuôi của Shouko, hóa ra Shouko đã phải chịu đau khổ thế nào, và quyển tập ấy rồi sẽ trở thành cầu nối giúp cậu (hy vọng) kết lại tình bạn với Shouko trong tương lai.
Nghĩa “hy vọng” của thu mẫu đơn trắng thể hiện rất rõ ràng trong tập cuối Planet With. Nam chính Souya dừng chân ở hành tinh quê nhà lúc này đã khô cằn sỏi đá, như một hành tinh chết ảm đạm. Bất ngờ cậu phát hiên một bông thu mẫu đơn nhỏ bé giữa hoang mạc, và xúc động nhận ra hành tinh này vẫn sống, nó vẫn còn có tương lai cùng sức sống nhen nhóm. Bông hoa là biểu tượng cho hy vọng, là thông điệp cuối cùng khép lại bộ phim.
[Màu đỏ]
Theo câu chuyện tình về Aphrodite và Adonis trong thần thoại Hy Lạp, anemone / thu mẫu đơn đỏ là bông hoa mọc lên từ máu và nước mắt khi Adonis chết trong vòng tay Aphrodite. Từ đó, bông hoa đỏ đi kèm nét nghĩa “tình yêu bị bỏ rơi”. Trong ngôn ngữ hoa tiếng Nhật, thu mẫu đơn đỏ mang thông điệp bày tỏ tình yêu, “tôi yêu anh”, chẳng hạn. Thu mẫu đơn đỏ là loài hoa được ghép với nhân vật Akari trong bản nhạc mở đầu anime Yagate Kimi ni Naru, mà ta sẽ nhớ tới nhân vật này ở điểm là tình yêu cô dành cho một đàn anh trong trường đã bị từ chối.

Asagao (朝顔)

Bìm bìm / Triêu nhan / Morning glory
Bìm bìm là tên hoa xuất hiện trong tựa phim Asagao to Kase-san, câu chuyện về tình cảm giữa Kase và cô bạn Yamada chuyên chăm cây cho trường (trong đó có cả những bông hoa bìm bìm đầy màu sắc). Phút cuối, bộ phim còn tiết lộ ngôn ngữ hoa của bìm bìm qua đoạn đối thoại ngắn giữa hai nhân vật. Bìm bìm có thể chỉ đến tình yêu thoáng qua, nhưng Kase-san muốn nhấn mạnh một đáp án khác: một mối gắn kết bền chặt. Đó chính là loài hoa đã gắn kết hai nhân vật vào một mối quan hệ mà họ lạc quan tin rằng sẽ lâu bền.

B

Botan (牡丹)

Mẫu đơn / Peony
Người xưa có câu: “đứng như thược dược, ngồi như mẫu đơn, đi như bách hợp”. Đàn chị Amane trong anime Senryuu Shoujo tập 11 đã hăm hở làm cả một bài thuyết giảng về ngôn ngữ hoa của mẫu đơn như thế. Theo lời Amane, mẫu đơn mang nghĩa e thẹn, tượng trưng cho người phụ nữ lý tưởng trong truyền thống Nhật. Chính vì thế câu chuyện cha của Nanako tỏ tình với mẹ cô bằng cách đặt một bông mẫu đơn vào tay mới càng ngọt ngào. Nhưng chưa hết, tập phim còn diễn ra trong không khí lễ hội pháo hoa tưng bừng; pháo hoa không đuôi mang hình mẫu đơn đã xòe ra trên nền trời đúng lúc cậu bạn Eiji nắm tay Nanako, trong một khung cảnh chẳng khác gì cảnh tỏ tình của cha mẹ cô ngày xưa. Những ý nghĩa lãng mạn được giải thích trước đó nay lồng vào cuộc ngắm pháo hoa của đôi bạn. Hình ảnh mẫu đơn được nhắc lại lần nữa trong cuộc hẹn của bậc cha mẹ vào cuối tập càng củng cố đường tình duyên của con trẻ sau này.
Mẫu đơn còn có thể mang nghĩa phú quý, thanh cao, cốt cách vương giả. Trong bộ truyện Heike Monogatari, cũng vì vẻ đẹp của hoa mà Shigehira của nhà Taira đã được ví với mẫu đơn. Đấy là lý do trong tập 10 anime, khi các nhân vật nhắc về Shigehira, hình ảnh mẫu đơn đã chen lên màn hình. Như cây sáo của Atsumori, hoa mẫu đơn tiếp tục là một ví dụ nhắc ta nhớ rằng những chiến binh dũng mãnh nhà Taira đang bị triệt hạ cũng chính là những bậc tài hoa tao nhã, là những người vẫn để tâm cho thi ca mặc chiến trận hiểm nguy, càng đáng cho người ngoài phải xót xa hơn.

Bougainvillea (ブーゲンビリア)

Hoa giấy
Hoa giấy có rất nhiều cơ hội xuất hiện trong Umibe no Étranger. Cụ thể, cây hoa được thiết kế phủ kín tường nhà, để rất thường làm nền cho bộ đôi nhân vật Mio và Shun. Trong đoạn trò chuyện thẳng thắn đầu tiên chẳng hạn, Shun ngồi trước bức tường hoa giấy hồng, còn Mio đứng trước bức tường hoa giấy trắng. Hoa giấy chỉ tình cảm mãnh liệt, sự cuốn hút của đối phương, và truyền đi thông điệp “tôi chỉ nhìn thấy mỗi mình bạn”. Sẵn tiện cũng là tên của bản OST trong phim, hoa giấy lượn lờ nơi hậu cảnh mà góp phần tôn lên mối tình nồng nhiệt của hai nhân vật chính.

C

Carnation (カーネーション)

Cẩm chướng
Cẩm chướng khi mang màu hồng có nghĩa là “cảm ơn”, “cử chỉ/hành động đẹp”, thích hợp tặng làm quà tặng, và quả thật đã được chị hàng hoa tặng cô bạn Shiori trong Tamako Market tập 3 để tỏ lòng thân thiện của khu phố. Những trải nghiệm sau đó của Shiori – được các cô bác bán hàng chào đón, được làm khách quý ở lại nhà Tamako, khiến Shiori cảm kích và mở lòng hơn, để rồi cô sẽ trở thành một người bạn quen của Tamako.

Cyclamen (シクラメン)

Anh thảo
Hoa anh thảo nói lên sự bẽn lẽn, rụt rè, và chậu anh thảo rất được nữ chính Shouko trong anime Koe no Katachi chăm sóc thời tiểu học. Shouko là một học sinh khiếm thính hiền lành vừa chuyển vào lớp, muốn giao lưu kết bạn mà chưa tiến triển được bao nhiêu. Anh thảo như một bản mô tả cho Shouko ngày ấy, luôn hướng thành ý về các bạn cùng lớp, với một dáng điệu dịu dàng, phần nào ngượng ngùng, thiếu tự tin. Cũng với vẻ nhút nhát ấy mà Shouko đã có cảnh phim viết lời cảm ơn các bạn lên bảng, trong lúc ôm chậu anh thảo bên mình.

H

Higanbana (彼岸花)

Bỉ ngạn / Mạn Châu Sa / Manjushage / Spider Lily
[Màu đỏ]
Bỉ ngạn là loài cây độc thường trồng ở nghĩa địa để ngăn các con vật ăn thi hài người đã khuất, nên lẽ tự nhiên hoa này đã xuất hiện trong tập 9 anime Dororo cạnh những ngôi mộ. Bỉ ngạn đỏ (còn gọi là Mạn Châu Sa) gợi cho nhân vật Dororo nhớ đến người mẹ của mình cũng nằm xuống trên cánh đồng hoa, nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Theo truyền thuyết, bỉ ngạn là loài hoa mọc trên đường xuống hoàng tuyền, mà linh hồn sẽ gửi lại ký ức cho hoa khi bước qua bờ vong xuyên (bản thân từ bỉ ngạn nghĩa là “bờ bên kia”). Vậy nên hoa đại diện cho ký ức đã mất, sự từ biệt, lìa bỏ, và thường gắn liền với điềm báo cái chết trong anime. Đóa Mạn Châu Sa Dororo trông thấy ngay từ đầu đã phủ bóng u ám lên toàn tập phim, và đưa đẩy đến ký ức xé lòng nơi cánh đồng hoa đỏ rực, từ đấy hai mẹ con cách biệt âm dương.
[Màu trắng]
Bỉ ngạn đỏ cũng xuất hiện trong Heike Monogatari tập 9, khi Biwa nhớ về các nhân vật đã khuất cho tới thời điểm bấy giờ trong phim, họ cùng nhau xuất hiện trên một cánh đồng hoa đỏ. Song đến cuối cùng, tập 11, khi mọi sự đã qua đi, bỉ ngạn trắng mới là đóa hoa được khoe sắc. Còn gọi là Mạn Đà La trong tiếng Việt, bỉ ngạn trắng cũng gắn liền với tích Phật giáo, đã theo đức Phật về tới Cực Lạc nên hoa mang màu trắng tinh khiết không còn vướng bụi hồng trần. Ở Nhật, hoa bỉ ngạn trắng còn mang thông điệp “mong tới ngày gặp lại”. Góp mặt vào thời khắc cuối đời của nhân vật, loài hoa nói lên sự bình yên trong tâm hồn và gợi ra viễn cảnh sum vầy cho tất cả.

Hinageshi (雛芥子)

Anh túc / Hồng Anh / Poppy / Coquelicot
Hãng Ghibli có bộ phim Kokuriko zaka kara (kokuriko phiên âm từ coquelicot) được dịch thành cái tên quen thuộc trong tiếng Việt là Ngọn đồi hoa hồng anh, trong đó coquelicot tương đương hoa anh túc đỏ – nói gọn thành hồng anh. Đây là loài hoa rất được ưu ái cho lên hình trong movie nọ, ở chậu hoa cắm trong nhà hay ngoài khu vườn nơi nhân vật sinh sống. Đặt trong bối cảnh Poppy Hill thì có lẽ nên hiểu hoa anh túc mang ý nghĩa tưởng nhớ những người lính đã hy sinh. Là loài hoa mọc bên mộ những chiến sĩ đã ngã xuống và đi vào bài thơ In Flanders Fields nổi tiếng nói về cuộc chiến tranh thế giới, hoa anh túc đỏ từ đó gắn liền với sự biết ơn và tưởng niệm người lính trong chiến tranh. Đây cũng là cảm xúc làm nền xuyên suốt Ngọn đồi hoa hồng anh, khi những nhân vật trẻ tuổi ra sức bảo tồn giá trị xưa cũ và dành những ký ức đẹp nhớ về các bậc cha chú đã khuất trong chiến tranh.

K

Karasunoendou (烏野豌豆)

Common vetch / Vicia Sativa
Karasunoendou thuộc về họ đậu, mang nghĩa “cuộc ghé thăm vui vẻ”, “hạnh phúc tương lai”. Hoa này xuất hiện lờ mờ ở tiền cảnh tập 11 Heike Monogatari khi Go-Shirakawa đến thăm nơi Tokuko đang trú ngụ. Trước người con còn sót lại của họ Taira, đây cũng là lúc ông đặt câu hỏi “Làm sao chấm dứt được khổ đau?”. Xung đột với nhà Taira đã qua đi, rất nhiều đau thương để lại, nhưng cũng đến lúc người ta phải đối mặt với đau thương cũ để còn hướng tới tương lai.

Katabami (カタバミ)

Chua me đất / Wood sorrel
Hoa chua me đất có màu vàng rạng ngời mang các nghĩa như “niềm vui”, “trái tim tỏa sáng”, “cùng bên nhau”. Trong Koe no Katachi, hoa mọc chen lên bờ tường và có tác dụng chuyển cảnh sang cuộc trò chuyện lần đầu giữa nam chính Ishida và cậu bạn Nagatsuka, cũng từ đây Ishida hân hoan có thêm một người bạn mới.
Chua me đất vẫn còn ý nghĩa khác, chính là “sự dịu hiền của mẹ”. Hoa được mô tả cận cảnh, cùng những giọt nước long lanh chiếm trọn màn hình khi câu chuyện trong Violet Evergarden tập 10 đi đến bước ngoặt xúc động: người mẹ của cô bé Anne qua đời, song những lá thư chuẩn bị sẵn rồi sẽ được đều đặn gửi tới cho con gái, để sự dịu hiền của mẹ vẫn luôn ở cùng cô.

Kingyosou (金魚草)

Mõm sói / Snapdragon
Mõm sói ở nước ngoài có thể biểu trưng cho những nghĩa cả tích cực (như sự duyên dáng) lẫn tiêu cực (như sự gian dối). Miko trong Devilman Crybaby cũng là một nhân vật chứa đựng nhiều mâu thuẫn như loài hoa mõm sói mà cô vun trồng. Miko tài năng xinh đẹp, song chỉ xếp hạng 2 vì không thể vượt nổi Miki. Miko vẫn phải tỏ ra hòa nhã, dù trong lòng chất chứa bao bất mãn, đố kỵ, và cả tình yêu mà tự cô cũng không nhận thức rõ. Mõm sói có thể đại diện cho khía cạnh xung đột đó của Miki, tuy nhiên khả năng cao hoa điểm mặt trong phim là nhờ một đặc điểm dị kỳ của nó: mõm sói khi tươi tắn thì đua chen sặc sỡ, nhưng khi tàn, các bông hoa khô quắt lại còn hình dạng đầu lâu xám xịt, bày ra một ấn tượng thị giác đáng kinh sợ, tương ứng sự chuyển hóa từ con người sang quỷ dữ đầy rẫy trong Devilman.

M

Marigold (マリーゴールド)

Cúc vạn thọ
Ngôn ngữ hoa của vạn thọ nói chung trong tiếng Nhật là ghen tị, tuyệt vọng, buồn bã. Trong Koe no Katachi, hoa này xuất hiện ở cảnh Shouko bị bạn học bắt nạt, vứt đi quyển tập – phương tiện giao tiếp duy nhất của cô bé khiếm thính với mọi người – và phải tuyệt vọng đến nỗi lội xuống bể nước tìm lại, trước sự cười cợt của bọn bạn kia. Nếu mang màu cam, cúc vạn thọ còn có nghĩa “dự báo”, y như rằng chẳng mấy chốc sau đó, cảnh tượng này ít nhiều lặp lại với Ishida. Như “dự báo”, cậu cũng bị bắt nạt, đầm mình dưới nước, tập vở đều ướt sũng, chẳng khác gì Shouko trước đó từng bị cậu bắt nạt đáng thương. (Có thể xem thêm nội dung về hoa anemone xuất hiện kèm Ishida ngay sau đó.)
Vì vạn thọ là bông hoa xinh xắn dễ thương nên hoa vẫn còn một mặt nghĩa tích cực như: tình cảm đáng yêu, sự dũng cảm, sức khỏe. Do đó nếu thấy hoa này xuất hiện trong bối cảnh hiền lành như bản nhạc mở đầu anime Akebi-chan thì ta cũng không nhất thiết phải liên hệ với các nét nghĩa gì u ám.

Matsubagiku (松葉菊)

Phiên hạnh / Trailing Ice Plant
Matsubagiku là hoa thuộc họ phiên hạnh, từng xuất hiện trong OP1 của Hyouka: hoa mọc ven đường thu hút sự chú ý của nam chính Oreki Houtarou trước khi cậu bước theo tiếng vẫy gọi của cô bạn Chitanda. Hóa ra ý nghĩa của Matsubagiku cũng đâu đó vừa vặn với Oreki: sự lười biếng, uể oải, mà lại có công lao. Oreki sẽ chối là cậu không lười biếng, chỉ tiết kiệm năng lượng mà thôi. Dù vậy, mặc cho vẻ ngoài thụ động, thờ ơ, Oreki của câu lạc bộ Cổ điển vẫn lập công giải mã được nhiều bí ẩn.

Mecardonia (メカルドニア)

Xuất hiện trong cảnh nữ chính Tamako của anime Tamako Love Story tâm sự chuyện tình cảm với nhóm bạn gái là bụi hoa mecardonia nơi sân trường. Hoa mecardonia bày tỏ nghĩa “vẫn hoài mong nghĩ”, mà ta có thể liên hệ với những suy nghĩ về cậu bạn Mochizou lởn vởn trong đầu Tamako lúc ấy. Song, bởi hoa này được đặc biệt gán ghép với nhân vật Midori trong một bố cục khung hình, nên ý nghĩa ấy xem ra dành cho Midori mới đúng. Chuyện tình cảm tưởng chừng vui tươi trong mắt bạn bè kỳ thực là một bi kịch với Midori lúc ấy, bởi Midori vẫn còn dồn tâm tư vào Tamako không thể nói thành lời. Chỉ có bụi mecardonia và cái cúi đầu bất lực sau đó là phương tiện thị giác im lìm để nói thay nội tâm ẩn giấu trong cô.

Miyakowasure (都忘れ)

Aster Savatieri
Miyakowasure thuộc chi cúc sao mà Nhật gọi là chi shion, nếu so ra với hoa shion thường gặp thì tuy cũng là cúc tím, nhưng cách mọc không chi chít bằng và lá cũng hơi khác. Xuất phát từ câu chuyện thượng hoàng Juntoku bị lưu đày ra đảo Sado và nói rằng loài hoa này làm ông nguôi đi nỗi nhớ kinh đô (miyako = kinh đô, wasure = quên đi), miyakowasure biểu đạt sự an ủi trong thời gian ngắn ngủi, sự từ biệt, thanh thản, hẹn ngày gặp lại. Tuy câu chuyện của Juntoku xảy ra sau thời Heike Monogatari, nhưng ý nghĩa hoa kể trên với người xem hiện đại có lẽ vẫn áp dụng được vào loạt hoa điểm tô liên tiếp, tựa những nốt nhạc trong một đoạn vĩ thanh của anime Heike Monogatari tập 11.

Mokkoubara (木香薔薇)

Hường mân côi / Lady Banks’ rose
Trong bản OP đầy hoa của YagaKimi, bông hoa vàng được đặt vào vị trí Touko để đại diện cho cô là mokkoubara, thuộc họ hoa hồng. Một loạt nghĩa cho mokkoubara có thể kể ra như: “tình yêu đầu tiên”, “sự thuần khiết”, “vẻ đẹp mộc mạc”, “người phù hợp với bạn”, và “khoảng thời gian hạnh phúc khi còn nhỏ”. Touko đã lần đầu biết yêu khi gặp được Yuu, đây là diễn biến đã thúc đẩy cho toàn bộ câu chuyện. Về sau, khán giả sẽ còn được biết một cột mốc quan trọng trong quá khứ khiến Touko đánh mất sự hồn nhiên và đâm ra ám ảnh dằn vặt tới nhiều năm sau. Đấy là điều quan trọng mà cặp nhân vật chính phải đối mặt để gắn bó cùng nhau.

N

Nadeshiko (撫子)

Fringed pink / Dianthus Superbus
Những ai quan tâm văn hóa Nhật hẳn đã từng nghe “Yamato Nadeshiko” là cụm từ chỉ hình ảnh lý tưởng của người phụ nữ Nhật Bản. Yamato là tên gọi Nhật Bản thời xưa rồi, còn Nadeshiko chính là loài hoa màu hồng năm cánh thuộc chi cẩm chướng. Trong tập 4 anime Heike Monogatari, chàng Sukemori thấy tình duyên trắc trở bèn quay ra gạ gẫm Biwa, và bị cho ăn một cái tát bừng tỉnh. Đoạn phim có phần hài hước kết lại bằng những bông nadeshiko bên đường, như một bình luận châm chọc từ phía nhà làm phim: phụ nữ truyền thống Nhật người ta trong sáng, đoan trang, thùy mị, chẳng ai đâu tiếp hạng suồng sã kiểu này, nhất là hoa nadeshiko còn đại diện cho sự thuần khiết, trinh nguyên.

Nazuna (薺)

Hoa Tề / Shepherd’s Purse
Trong tập cuối season 1 của Maid Dragon, khi giới thiệu quyển sách về ngôn ngữ các loài hoa, nhân vật Saikawa đã háo hức ngắt một cành nazuna tặng cô bạn Kanna vì biết rằng hoa này truyền đi thông điệp “tôi trao hết tất cả cho bạn”. Cành hoa được đem về và thỉnh thoảng lại xuất hiện trong cảnh sinh hoạt của nhà Kobayashi. Ấy cũng là tập Kobayashi phải đối đầu thử thách phải chia xa nàng hầu rồng: Để giữ Tohru lại, Kobayashi chứng minh cô sẵn sàng dốc tất cả, dù tính mạng bị đe dọa cũng không nề hà. Trong một kết thúc được series dẫn dắt hoàn hảo, Tohru ôm chầm Kobayashi và tự hỏi mình phải đáp lại tấm lòng cô chủ như thế nào. Bấy giờ, thông điệp hoa tề trở thành lời khẳng định xúc động của Tohru: “Tất cả. Em sẽ cho chị tất cả.” Chính nhờ đã được nhá trước ý nghĩa của hoa mà khán giả mới như thấy lời thoại này đã đến thật tự nhiên, tất yếu.

Nirinsou (二輪草)

Anemone Flaccida
Cánh đồng hoa nirinsou trắng là hình ảnh mở đầu cho anime Wolf Children. Trong một khung cảnh mờ ảo, chị mẹ Hana (cái tên Hana mang nghĩa là “hoa”) thức dậy trên đồng hoa và lờ mờ thấy hiện ra bóng anh chồng đã mất. Cuối phim khi các con khôn lớn, Hana cũng cắm nirinsou trên một góc bàn thờ chồng khiêm tốn ở nhà. Nirinsou thuộc chi anemone (xem thêm mục thu mẫu đơn ở trên), nhưng vì dạng anemone trắng thường thấy cũng xuất hiện ở giữa phim khi ba mẹ con đi ngắm hoa, nên trong cảnh đầu phim này ta có thể xét cụ thể nghĩa của nirinsou thay vì anemone, ấy là “mãi không rời xa nhau”, xuất phát từ đặc điểm một thân cây thường mọc ra hai cuống hoa song đôi (“nirin” nghĩa là “hai bông”). Trong lòng Hana hình bóng của người chồng vẫn luôn ở đó dõi theo cô cùng các con – anh sẽ lại hiện về trong mơ và đoàn tụ cùng cô.

R

Rindou (竜胆)

Long đởm / Gentian
Long đởm là hoa đã xuất hiện từ tập đầu Attack on Titan khi Eren được đánh thức, và long đởm còn quay lại trong cánh đồng hoa nơi diễn ra trận chiến ở tập 12 season 2 – đáng nhớ chính là tập Mikasa bày tỏ cảm xúc dành cho Eren, nên có thể xem loài hoa này như biểu đạt mối quan hệ giữa hai nhân vật. Mikasa không nói yêu, song loài hoa ngụ ý tình yêu đích thực. Nó còn biểu đạt sự thành thật, và quan trọng hơn, biểu đạt chính nghĩa – là điều các nhân vật muốn cùng liều mạng chiến đấu cho. Khán giả thấy được thảm hoa khi Mikasa nói lời cảm ơn, nhưng hình dáng hoa có thể nhận dạng rõ nhất là khi Eren tự trách cứ bản thân vì đã không cứu nổi đồng đội của mình.
Đặt vào bối cảnh lịch sử, long đởm là hoa góp mặt trong gia huy nhà Minamoto. Nên cũng hợp lẽ thôi khi hoa này xuất hiện ở những cảnh thuộc về gia tộc Minamoto trong anime Heike Monogatari.

S

Sakura (桜)

Anh đào / Cherry blossom
Quá phổ biến trong anime Nhật, anh đào gần như luôn xuất hiện trong các buổi tựu trường của các cô cậu học sinh, với những cánh mỏng rơi rơi thơ mộng rợp trời. Hoa nở vào dịp xuân nên anh đào có thể tượng trưng cho sự đổi mới, lạc quan. Anime Hyouka đã tận dụng đặc điểm này để đặt anh đào vào tập đầu, tập cuối của phim, tạo tương phản hầu cho thấy sự phát triển của nhân vật. Nếu tập 1 mở ra bằng việc Oreki Houtarou lầm lũi bước đi bỏ mặc hàng anh đào bên đường, nhấn mạnh lối sống màu xám cho riêng mình, thì tập 22 lại khoe cây anh đào nở rộ nhuộm hồng cảnh sắc, vừa đúng lúc Oreki và Chitanda trò chuyện cùng nhau, hứa hẹn Oreki đã nhăm nhe chấp nhận lăng kính màu hồng và một tương lai mới rộng mở hơn. Như Chitanda nói: Trời đã vào xuân.

Sarusuberi (百日紅)

Tường vy / Crape myrtle
Thuộc họ bằng lăng, cây tường vy ra hoa độ tháng 6, nở thành chùm, tượng trưng cho sự hùng hồn, lôi cuốn, đồng thời cũng phần nào vô tư. Tường vy là tiêu đề anime Sarusuberi: Miss Hokusai, và có thể hiểu là đại diện cho người họa sĩ thiên tài Hokusai, giỏi tạo ra những bức tranh cuốn hút, yêu nghệ thuật mà không màng gì khác. Với vô vàn tình thương dành cho đứa em gái mù bệnh tật, nữ chính Oei đã vẽ lại em mình vào bức tranh, che bên trên là tán hoa tường vy mọc trong vườn thay cho người cha vừa vắng bóng mà cũng vừa luôn hiện diện. Trong một đoạn khác của phim, màu đỏ được Oei giải thích cho em gái là một màu dịu hiền ấm áp, cũng chính là màu cô đã chọn thể hiện tán tường vy.

Shara (沙羅)

Sa la / Sal
Bản thân cây sa la đã là loài cây thiêng được ghi khắc trong tích Phật giáo, bởi rừng cây sa la là nơi đức Phật nhập Niết Bàn. Bộ sử thi Heike Monogatari ra đời trong thế kỷ 13 của Nhật cũng thấm đẫm tinh thần Phật giáo, và phát biểu bài học về sự đời thăng trầm bằng câu “Màu hoa sa la tỏ lộ cho chân lý thịnh giả tất suy”. Hoa chóng nở chóng tàn, như lẽ đời vô thường lúc cực thịnh, lúc suy vi. Là loài hoa xuất hiện đầu tiên và cuối cùng trong phim, anime Heike Monogatari đã sử dụng hình ảnh những bông sa la lần lượt nở/rụng để càng tô đậm ấn tượng này.
Lưu ý thêm rằng hoa mà Nhật gọi là sa la thật ra thuộc về họ hoa trà, và như thế càng hợp với Heike Monogatari hơn nữa (xem thêm giải thích về hoa trà đỏ).

Sumire (菫)

Violet
Tên nhân vật Violet trong tựa đề anime Violet Evergarden chính là được đặt theo tên loài hoa violet tím dịu dàng mọc bên đường, với hy vọng cô không biến mình thành một công cụ phục vụ chiến tranh, mà hãy là con người xứng đáng với cái tên ấy. Hoa violet mang nghĩa sự khiêm nhường, chân thành, và những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Nó còn có thể kèm những nghĩa tích cực nữa như sự ngây thơ, chung thủy, và tình yêu vĩnh cửu – những đặc điểm có thể gán cho nhân vật Violet và tình cảm cô dành cho thiếu tá Gilbert. Vì series đã giải thích mối liên hệ giữa người và hoa rồi, nên từ nhân vật ta có thể liên tưởng đến ý nghĩa của hoa, và ngược lại những lần thấy hoa xuất hiện trên khung hình, ta lại nhớ về hình ảnh nhân vật. Đến cuối phim, bức thư Violet viết cũng chính là đáp xuống một cánh đồng hoa tím. Nhân tiện thì Sincerely (chân thành, trân trọng) là cụm từ thường dùng để kết thư, cũng chính là tên bản OP trong anime, có lẽ nào cũng là gợi đến sự chân thành trong tên Violet chăng?
Lưu ý luôn dù có bối cảnh rất Tây thì hoa violet trong phim lại là hoa bên Đông.

T

Tanpopo (タンポポ)

Bồ công anh / Dandelion
Bồ công anh có vòng đời đặc biệt, ban đầu như một bông cúc vàng, sau lại xòe ra thành chùm trắng hình cầu, dễ dàng bị gió cuốn các hạt giống bay đi. Trong dạng hình cầu này, tương truyền người ta hay thổi những sợi lông tơ đi để xem tình yêu có thành hay không. Vì vậy mà loài hoa này mang nghĩa chỉ sự tin tưởng vào tình yêu, tiên báo cho tình yêu, và cả sự chia cách. Cả hai dạng khác nhau của bồ công anh đều xuất hiện trong Tamako Love Story, cụ thể cặp hoa vàng trên bãi cỏ kết thúc clip nhạc Koi no Uta, như đại diện cho đôi trẻ sánh vai bên nhau. Và liền sau đó, credits tiếp tục chạy với hình ảnh sợi lông tơ mang hạt bồ công anh bay lượn lờ trên không cho đến khi màn hình tối đen hẳn. Đó lại là khía cạnh khác của câu chuyện tình yêu trong Tamako Love Story: tình yêu được tỏ lộ cũng vào lúc sắp phải chia xa. Bồ công anh sẽ bay trong vô định, khó nói trước điều gì, người trong cuộc chỉ còn biết phải vững tin.

Tenjikuaoi (天竺葵)

Phong lữ / Thiên Trúc Quỳ / Geranium
Cả trong tiếng Anh lẫn tiếng Nhật thì hoa phong lữ đều chỉ tình bạn đích thực. Phong lữ trắng tiếng Nhật có thể mang thông điệp “tôi không tin vào tình yêu của bạn”, còn trong tiếng Anh thì mang nghĩa do dự, thiếu quyết đoán. Từ những nghĩa này có thể diễn giải hành động của nhân vật Cinnabar trong tập 4 Houseki no Kuni – với tay tới những đóa phong lữ, song rụt lại – nói thay cho sự hoài nghi, dằn vặt của nhân vật. Cinnabar ý thức rõ sự nguy hiểm của bản thân mình, nên không thể và không dám kết bạn với ai, muốn với tới một người bạn, rồi lại buông xuôi chấp nhận cô đơn.

Torukokykyou (トルコ桔梗)

Cát tường / Lisianthus
Ngoài các nghĩa như hy vọng, thanh lịch, hoa cát tường ở Nhật có thể mang thông điệp quan tâm, nghĩ về người khác, hay sự giãi bày, tâm sự. Có thể xem đây là bông hoa đẹp thoáng qua bên lề anime Liz to Aoi Tori, đánh dấu thời khắc hai nhân vật trung tâm Nozomi và Mizore bắt đầu bộc bạch hết những gì chất chứa trong lòng từ đầu phim, những suy nghĩ họ dành cho nhau, hay những vai họ đóng trong câu chuyên cổ tích thời hiện đại.

Tsubaki (椿)

Hoa Trà / Camellia
[Màu đỏ]
Hoa trà thay vì rụng từng cánh thì sẽ rụng cả bông, cung cách “rơi đầu” như thế có lẽ làm hoa trà đỏ gắn liền với cái chết cao quý của giới võ sĩ. Hoa trà đỏ xuất hiện trong tập 1 Heike Monogatari báo hiệu cho cái chết, sự suy tàn của một gia tộc samurai hùng mạnh.
Nếu xuất hiện trong một bối cảnh khác về chuyện tình cảm, hoa trà đỏ nên được hiểu theo nghĩa “tình yêu sâu đậm”. Tên hoa được gắn vào tên nhân vật Tsubaki Kureha trong Yurikuma Arashi, và mô tuýp hoa trà cũng xuất hiện đi liền với Kureha, trong những vật dụng gia đình hay trong cả thiết kế nhân vật. Mặc cho những lần nhân vật này chần chừ, chối bỏ, ta sẽ biết rằng từ đầu đến cuối, tình cảm Kureha dành cho Ginko vẫn luôn sâu đậm. Liên quan tới phim, hoa trà còn có nghĩa chung chỉ sự kiêu hãnh, mà trong một cú twist của Yurikuma, Kureha thú nhận cô đã phạm phải tội ngạo mạn khi cố thay đổi người mình yêu.
[Màu hồng]
Hồng nhạt hơn đỏ, nên thay vì độ nồng thắm của hoa đỏ, hoa trà màu hồng biểu lộ sự khiêm tốn, vẻ đẹp vừa phải, một tình yêu đúng mực. Đây xem chừng là hoa tô điểm trong tập 8 Nazo no Kanojo X, bấy giờ nam chính Tsubaki (lại Tsubaki!) đã có thể thân mật hơn với cô bạn gái Urabe ở phòng riêng, nhưng bất chấp mưa gió cậu vẫn bỏ về nhà. Tsubaki hẳn nhiên muốn tiến xa hơn trong quan hệ, nhưng giọt nước mắt của Urabe đã khiến cậu giật mình dằn lòng lại mà giữ chừng mực. Những bông trà đầm mưa chẳng khác gì Tsubaki khi ấy.
[Màu trắng]
Khi có màu trắng, hoa trà lại mang nghĩa chỉ cái đẹp hoàn mỹ, sự đáng yêu tột bậc. Và sự chờ đợi nữa. Như vậy hoa trà trắng không chỉ là loài hoa trang nhã đại diện cho vương quốc Drossel, mà còn phù hợp với câu chuyện một nàng công chúa xứ này chờ đợi hàng nhiều năm để kết duyên cùng chàng hoàng tử xứ khác trong Violet Evergarden tập 5. Một nghĩa khác của hoa trà trắng là tình cảm mẹ con, nghĩa này cũng có thể áp dụng cho mạch phim về tình cảm gắn bó như mẹ con giữa công chúa Charlotte và người hầu Alberta mà cô hết sức biết ơn. Đóa hoa trà trắng Alberta cài lên tóc công chúa khi cả hai từ biệt đã kèm theo vô vàn tình cảm trìu mến như thế.

Tsutsuji (躑躅)

Đỗ quyên / Azalea
Nếu anime Heike Monogatari truyền đi cho người ta bài học về sự tham lam, tự mãn của một gia tộc đã dẫn nó đến chỗ diệt vong, thì hoa đỗ quyên có ý nghĩa phù hợp cho bài học đó. Trong ngôn ngữ hoa, ngoài ý mong manh dễ vỡ, đỗ quyên còn chỉ sự tiết độ, kiềm chế, hay dè dặt, thận trọng. Đỗ quyên được đặt cạnh cây sáo trong khung hình gần chót của bản nhạc Opening, rồi lại tái xuất trong cuộc gặp sau cùng giữa Tokuko và thiên hoàng, để trang trí cạnh dĩa thức ăn đạm bạc nơi tu hành.

W

Waremokou (吾亦紅)

Địa du / Great Burnet
Là loài hoa chỉ sự thay đổi, biến dịch, lòng ngưỡng mộ, địa du góp vào kho ngữ vựng về vô thường trong anime Heike Monogatari. Còn xét trong bối cảnh cụ thể mà hoa xuất hiện, bấy giờ là tập 4 khi câu chuyện đã kíp qua một khoảng thời gian dài, nhân vật Koremori ngày nào còn trẻ nhỏ nay đã lập gia đình, là một ông bố thương vợ con. Sự thay đổi / trưởng thành này khiến Biwa phải thán phục, và hoa mào đầu cho cảm nhận tích cực ấy của Biwa.

Wasuregusa (忘れ草)

Hoa Hiên / Huyên thảo / Daylily
Hoa này tên tiếng Nhật rất giống với lưu ly, nhưng nghĩa trái ngược hoàn toàn. Bên kia người ta xin đừng quên, còn hoa hiên / wasuregusa lại bảo phải quên đi, quên tình yêu, quên hết nỗi buồn. Và như thế nó nói lên cảm giác bức bối, mong cầu giải thoát của Rika khi nhân vật này được giới thiệu trong tập 3 anime Wonder Egg Priority: Rika muốn được quên cảm giác tội lỗi đeo bám khi cô gián tiếp gây ra cái chết của một người bạn đáng quý. Với wasuregusa, cô đã được xây dựng như một nhân vật tích tụ nhiều tâm tư u tối, mặc cho vẻ ngoài vô tư lém lỉnh.

Wasurenagusa (勿忘草)

Lưu ly / Forget-me-not
Bản thân cái tên đã truyền đi thông điệp rồi, hoa lưu ly trong tiếng Nhật là wasurenagusa, cũng là forget-me-not: xin đừng quên tôi. Ngoài ra hoa còn có nghĩa chỉ tình bạn đích thực. Vậy nên những bông lưu ly đã xuất hiện ven đường khi tập cuối AnoHana khép lại, cùng lúc nhân vật Jintan tự nhủ “Chúng tôi sẽ thực hiện lời hứa của bông hoa đó”, như một cách để nói lên rằng Jintan sẽ giữ lấy ký ức về Menma, giữ cả tình cảm bạn bè trong nhóm bạn ngày xưa.

Y

Yuri (百合)

Hoa Ly / Bách hợp / Lily
Người ta không thể nào tung hoành trong cõi giang hồ anime-manga mà không biết yuri đại diện cho tình cảm nữ-nữ, đó là tên gọi của cả một thể loại tương đương girls’ love ở Nhật. Tình yêu đồng tính là chủ đề lớn toàn phim Yurikuma Arashi, và hiển nhiên hình tượng hoa ly đã được mượn đến với vô vàn công dụng và lối cách điệu trong phim. Đơn cử mối tình Kureha và Sumika được giới thiệu trong tập 1 bằng bối cảnh hai nữ sinh cùng nhau vun trồng một mảnh vườn hoa ly trong trường, và tình cảm đôi lứa bị đe dọa khi một kẻ lạ đến phá hoại khu vườn ấy. Hoa ly xuất hiện xuyên khắp trường học, thậm chí trong cả tên các nhân vật, để ta biết rằng, ẩn sau sự khích động truy cùng diệt tận những kẻ lệch lạc, thì hàng ngũ nhân vật nọ cũng đang ngấm ngầm che giấu bản chất, và Yurikuma Arashi kỳ thực là câu chuyện về một cuộc tự thanh trừng trong nội bộ những người đồng tính.
Tham khảo chính: