"Nghĩ lớn" có lẽ không còn là khái niệm "hot" nữa cho nên gần đây mình theo dõi báo chí thấy ít được nhắc đến. Thời Việt Nam mới hội nhập khi vào được WTO, cụm từ "nghĩ lớn" được dùng nhiều trên truyền thông và hay đi kèm với hình ảnh so sánh "con thuyền nhỏ của Việt Nam vươn ra biển lớn". 
Mình gần đây mới bắt đầu suy nghĩ về thế nào là nghĩ lớn, làm sao để đạt được đến trình độ gọi là "có tầm nhìn" và "suy nghĩ chiến lược". Có được những điều đó, một người có thể hiểu được xã hội và môi trường mình đang sống, từ đó vạch ra được các bước đi tiếp theo cho mình. 
Mình nghĩ rằng để nghĩ lớn, một người cần rèn luyện để có thể nhìn xã hội dước góc độ vĩ mô. Bài viết này sẽ giải thích tại sao.

Đạo đức cá nhân và đạo đức quốc gia 

Mình thấy rằng một trong những sai lầm khiến một người không có được những cái nhìn lớn về xã hội là khi chúng ta đánh giá những vấn đề vĩ mô của các quốc gia hay cách xã hội vận hành, chúng ta hay dùng lối đánh giá trong cuộc sống hằng ngày. Điều đó là lẽ thường tình trong các cuộc trò chuyện hay đàm tiếu hằng ngày, nhưng nếu muốn hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần nhìn dưới góc nhìn của nhà làm chính sách.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel năm 2014, Jean Tirole làm rõ vấn đề này khi xem xét trường hợp săn bắn lấy sừng tê giác và ngà voi trong quyển sách Economics for the Common Goods. 
Chúng ta biết rằng hiện nay nạn săn bắn lấy sừng tê giác hay ngà voi diễn ra rất nghiêm trọng và đang đẩy hai giống loài này đến con đường tuyệt chủng. Số lượng tê giác ở châu Phi đã giảm 96% từ hơn 70,000 cá thể vào năm 1970 đến còn khoảng 2444 cá thể vào năm 1995 và đang hồi phục nhưng rất chậm. Ở Việt Nam, tê giác một sừng đã chính thức tuyệt chủng vào năm 2011. Nạn săn bắn ngà voi cũng gây ra thảm cảnh tương tự cho loài voi, khi làm giảm dân số loài này trên toàn cầu từ mức vài triệu cá thể hồi đầu thế kỷ 20 xuống còn khoảng 450,000 - 700,000 vào đầu thế kỷ 21. 
Các chính phủ đã làm gì để ngăn chặn điều này? 
Ngoài việc lập ra các đội bảo vệ động vật hoang dã và giáo dục người dân, chính phủ rất quyết liệt trong việc tịch thu hàng hóa của dân buôn sừng tê giác, ngà voi. Sau khi bị tịch thu, số hàng này sẽ bị tiêu hủy trước sự chứng kiến của công chúng để giúp phát đi tín hiệu mạnh mẽ cho việc phản đối việc tiêu thụ những hàng hóa này. Đó là một hành động đánh vào ý thức cũng như tinh thần đạo đức của người dân.
Tuy vậy Jean Tirole tranh luận rằng ngoài ý thức và tinh thần đạo đức, con người còn bị chi phối bởi các động cơ. Chính sách ở trên không hiệu quả, với bằng chứng là nạn săn bắn tê giác và voi vẫn không giảm, là vì nó không đánh thẳng vào động cơ của những người tham gia vào đường dây săn bắn và tiêu thụ sản phẩm này: tiền. Các nhà kinh tế học đã nghiên cứu và tìm ra một giải pháp họ tin rất hiệu quả nhưng sẽ chẳng chính phủ nào dùng. Giải pháp đó là: bán phá giá sừng tê giác và ngà voi trên thị trường thay vì tiêu hủy chúng.
Như đã nói ở trên, động cơ đẩy những kẻ tham gia vào đường dây buôn lậu sừng tê giác và ngà voi là vì họ sẽ thu được rất rất nhiều tiền. Nếu chính phủ thay vì tịch thu mà cứ bán ra thị trường hàng trăm tấn sừng tê giác và ngà voi bị tịch thu, khiến cho nhà nhà ai cũng mua được, ai cũng có thể sở hữu những món hàng xa xỉ này, thì giá của chúng sẽ rớt thê thảm. Sẽ chẳng còn ai muốn duy trì một đường dây buôn bán sừng tê giác rất mắc tiền từ châu Phi qua châu Á khi mà giá các mặt hàng đã giảm gấp 20, 30 lần. Ngoài ra, lý do thứ hai cho việc ủng hộ chính sách này là việc những người dân thu nhập thấp cũng có thể mua được ngà voi và sừng tê giác khiến chúng từ hàng xa xỉ bỗng chốc trở thành "bình dân" và những lão trọc phú sẽ chẳng còn thích theo đuổi sở thích đó nữa. Và lý do thứ ba, những cơ quan chống buôn lậu, bảo vệ động vật hoang dã sẽ có thêm tiền để tăng lương cho cán bộ, từ đó giúp cán bộ có đời sống vật chất tốt hơn để làm việc hiệu quả hơn.
Nhưng đây là chính sách bất khả thi. Lý do là vì người dân hiện giờ sẽ không chấp nhận điều đó. Hãy tưởng tượng bạn đọc báo Vietnamnet và thấy tựa đề (hay chúng ta gọi là "giật tít"):
"Tịch thu sừng tê giác, ngà voi buôn lậu xong bán cho dân!!!"
Bạn hãy tưởng tượng cuộc tranh cãi trên mạng xã hội và ngoài đời sẽ diễn ra dữ dội như thế nào. Rồi các trang mạng xã hội sẽ bóp méo tin tức và truyền tải thông điệp bị bóp méo ra sao.
Trong đời sống hằng ngày chúng ta gọi hành động đó là đạo đức giả, nghĩa là một mặt một người chỉ trích hành động nào đó, nhưng mặt khác anh ta âm thầm thực hiện các hành động đó. Sẽ có những tiếng la ó, giễu cợt về chính phủ xấu xa, chính phủ đạo đức giả, chính phủ là băng đảng tội phạm có tổ chức. 
Cái rủi ro với hình ảnh chính phủ là quá lớn để họ chấp nhận thực hiện chính sách nêu trên, và các nhà kinh tế học cũng biết điều đó. 
Hoặc hãy xem ví dụ sau.
Vừa rồi có vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh làm chết 13 mạng người. Dự án gây nên sự tức giận trong công chúng vì sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lắp đặt và vận hành các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Công ty Năm Bảy Bảy đã phủ nhận đầu tư vào dự án này và nói rằng công ty Hùng Thanh, nơi công ty Năm Bảy Bảy nắm 95% vốn, là chủ đầu tư chính. Dưới góc độ cá nhân hay doanh nghiệp buôn bán nhỏ đây là lập luận vô cùng ngớ ngẩn, nếu A sở hữu 95% vốn của B thì A với B có khác gì nhau. Cũng tương tự, ở trên mạng xã hội lan truyền thông tin rằng toàn bộ các hãng truyền thông báo chí ở Hoa Kỳ bị sở hữu bởi 6 tập đoàn, và do đó 6 tập đoàn này giật giây toàn bộ mảng truyền thông ở Mỹ.  Tuy vậy dưới góc độ pháp lý, thì "sở hữu" và "kiểm soát" là hai khái niệm khác nhau. Không như các tiệm kinh doanh nhỏ, nơi người chủ sẽ đồng thời vận hành quản lý việc kinh doanh, ở các tập đoàn lớn các khái niệm này là tách bạch. Công ty A có thể sở hữu công ty B nhưng việc B đi kinh doanh gì thì do B tự quyết định và A không liên quan. Việc công ty A có vốn ở đó sẽ giúp công ty A được hưởng lợi nhuận từ việc kinh doanh của công ty B, dù A không tham gia vào việc kinh doanh. Điều này giống như bạn mua 100 cổ phiếu của Coca Cola, tức trở thành cổ đông của Coca, và khi Coca Cola trả lợi tức hoặc khi cổ phiếu Coca tăng giá, bạn được hưởng lợi, dù bạn chẳng có tham gia vào bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào của Coca (ngoài việc mua Coca uống). 
Hãy xem trường hợp về hiệu ứng Phản tác dụng.
Năm 2006, hai giáo sư là Brendan Nyhan và Jason Reifler ở Đại học Michigan và Đại học Bang Georgia đã đăng một số tin giả lên các báo giả về những vấn đề đang gây chia rẽ xã hội bấy giờ. Một số báo sẽ đăng tin rằng quân đội Mỹ đã tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt (WMD) ở Iraq và một số báo nói rằng không có WMD được tìm thấy, vốn là tin thật. Sau đó họ đưa báo đó cho những người ủng hộ cuộc chiến đọc. Những người ủng hộ đã rất tin vào bài viết và cảm thấy hài lòng. Điều này không có gì bất ngờ. Thế nhưng khi các nhà nghiên cứu cho họ đọc bài báo đăng tin thật, thì điều ngạc nhiên là những người ủng hộ cuộc chiến vẫn tin rằng vũ khí giết người hàng loạt là có thật và chỉ là thông tin đó bị giấu đi. 
Hiệu ứng Phản tác dụng nói về trường hợp khi một người có niềm tin quá chặt với một điều gì đó, thì càng đưa ra bằng chứng chứng minh họ đã đặt niềm tin sai chỗ, thì người đó sẽ càng bám chặt vào niềm tin cũ hơn.  
Nếu nhìn thế giới qua góc nhìn cá nhân, chúng ta sẽ thấy chỉ toàn là dối trá, lừa lọc, phản bội. Nhưng nếu nhìn thế giới qua góc nhìn vĩ mô, nơi thay vì dùng khái niệm đạo đức đánh giá sự việc, chúng ta phân tích các tương tác giữa các mối quan hệ, chúng ta sẽ thấy một mạng lưới các mối quan hệ chằng chịt với các lợi ích và thiệt hại đan xen nhau.  
Chính phủ không hành động theo các nguyên tắc đạo đức vì đạo đức chỉ áp dụng cho cá nhân. Chính phủ hành động theo những đánh giá cân nhắc về các lợi ích cũng như thiệt hại cho toàn thể một xã hội. 
Để làm được điều đó, chính phủ cần thông tin và đây là một vấn đề lớn khác. 

Vận động hành lang và tiếng nói ít ai nghe

Dưới góc độ cá nhân, chúng ta dễ dàng quy chụp các hiện tượng, vấn đề mà không hiểu bản chất của nó. Ví dụ như trong lịch sử, khi nói đến một triều đại suy vong, chúng ta nhanh chóng đưa ra kết luận rằng do vua của triều đại ấy kém cỏi, ăn chơi sa đọa, không lo việc nước, để mất lòng dân. Trong khi thực chất, trong quyển sách Triều Minh: Một đế quốc lâm nguy của sử gia người Canada Timothy Brook, ông đã cho thấy yếu tố suy yếu thể chế chỉ là một phần nhỏ trong việc nguyên nhân dẫn đến việc Minh triều sụp đổ vào năm 1644. Theo đó, sự xuất hiện của thời kì Kỷ Băng Hà Nhỏ đã kích hoạt một chuỗi các thảm họa, bắt đầu bằng việt thời tiết giá rét khắc nghiệt bất thường kéo dài nhiều năm khiến cho người Mãn Châu tiến xuống phương Nam ấm áp và cướp bóc đốt phá đất đai nhà Minh để kiếm ăn, dẫn đến chiến tranh. Chiến tranh kéo dài tốn kém khiến cho kinh tế đi xuống, cộng với thời tiết hà khắc, đã khiến người dân đói khổ. Các ghi chép cho thấy triều đình đã cố hết sức cứu tế cho dân chúng nhưng các quan lại đã báo với vua Sùng Trinh rằng thảm họa là quá sức chịu đựng của quốc gia, kho thóc đã phát hết mà dân vẫn chết đói và triều đình gần như cạn kiệt ngân khố để giúp dân đen. Đói khổ triền miên dẫn đến khởi nghĩa Lý Tự Thành ở phía Nam trong khi quân Mãn Châu càng đẩy mạnh chiến tranh từ phía Bắc. Năm 1644 vua Sùng Trinh tự vẫn, triều Minh sụp đổ.
Các phân tích cho thấy vua Sùng Trinh, dù không phải là minh quân, thì vẫn quan tâm đến quốc gia và dân chúng chứ không đến nỗi bỏ mặc, và những đời cha ông cũng thế. Tuy vậy, một triều đình vẫn sụp đổ dù quan tâm đến dân chúng do các yếu tố không kiểm soát được. Đây là một điều trái ngược với những kết luận hết sức cảm tính mà ở Việt Nam chúng ta hay được nghe, đó là "vương triều suy vong vì mất lòng dân, các vua quan không quan tâm đến dân chúng".
Nhưng để rút ra được kết luận như thế đòi hỏi những nhà phân tích phải có nhiều thông tin, thông tin từ ghi chép lịch sử, địa chất học cũng như khoa học về khí tượng thủy văn.
Thông tin là thứ đắt đỏ. Trong thời đại này thông tin là thứ kiếm ra tiền và do đó không dễ dàng để kiếm được thông tin chính xác. Để có thông tin thì một tổ chức cần tiến hành thu thập dữ liệu, rồi xử lý dữ liệu, sau đó là tổng hợp dữ liệu để có thông tin. Cũng cần phải hiểu là trong một xã hội với các mối quan hệ chằng chịt cũng như hệ thống pháp lý phức tạp, việc nghiên cứu rất là mệt và tốn kém. 
Chính phủ cần thông tin chuẩn xác để ra các chính sách phù hợp. Ví dụ như là có nên tăng hay giảm thuế xăng dầu? Tăng lương cho giáo viên, bác sĩ thế nào là đủ?  
Tuy nhiên chính phủ rất khó để có thông tin vì hai lý do chính sau.
Thứ nhất là việc cắt giảm quy mô. Hiện nay xu hướng của các chính phủ, cả ở Mỹ, châu Âu lẫn Việt Nam là tinh gọn bộ máy nhà nước, mà chúng ta hay nghe trên truyền thông là "cắt giảm biên chế". Việc này khiến cho nhà nước bị mất đi nguồn nhân lực cũng như tài nguyên cần thiết để thực hiện việc nghiên cứu các chính sách xã hội. 
Thứ hai là việc có quá nhiều vấn đề để xử lý và do đó chính phủ sẽ không thể tự chọn được chính xác là họ cần thông tin từ vấn đề gì. Giả sử chính phủ có một viện nghiên cứu chính sách với khả năng nghiên cứu là 10 vấn đề cùng một lúc, nhưng hiện nay có hơn 100 vấn đề cần giải quyết, vậy chính phủ phải chọn ưu tiên vấn đề nào để nghiên cứu lấy thông tin? Vấn đề về nạn phá rừng ở Tây Nguyên hay là công tác phòng cháy chữa cháy ở các khu chung cư, cái nào quan trọng hơn?
Ở Hoa Kỳ và châu Âu, để giải quyết sự thiếu hụt thông tin trầm trọng, chính phủ đã đặt ra các quy chế cho việc vận động hành lang. Theo sách The Captured Economy của hai nhà nghiên cứu Brink Lindsey và Steven Michael Teles, logic của việc vận động hành lang đó là thay vì chính phủ phải tốn tiền và thời gian để tìm ra thông tin, hãy để những người có thông tin đó đem đến cho mình. Vận động hành lang là cơ hội để những người có vấn đề có cơ hội gặp các chính khách và thuyết phục chính khách rằng vấn đề mình đang nói là quan trọng. Khác với lối suy nghĩ thông thường là những người đi vận động thì lén lút, việc vận động hành lang là phải được đăng kí với chính phủ và số tiền bỏ ra vận động sẽ được công khai cho công chúng. Thêm nữa, không chỉ có giới nhà giàu mới thực hiện vận động hành lang, hiệp hội nông dân, hiệp hội giáo viên, hiệp hội các bác sĩ cũng tổ chức vận động hành lang. 
Ở đây các tác giả đã chỉ ra sự khác biệt giữa cách đánh giá về việc vận động hành lang giữa người dân và chính phủ. Trong khi chính phủ coi đó như là một biện pháp giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí để có thể tiếp xúc với thông tin quan trọng, người dân lại cho rằng đó là một hình thức "hợp thức hóa" việc tham nhũng và là để giới tài phiệt "mua chính sách". Các tác giả chỉ ra rằng người dân thường hay gộp chung hai khái niệm "bị lạm dụng" và "ý định xấu xa" vào với nhau. Tức một hệ thống có thể được ra đời với mục đích tốt đẹp, nhưng sau đó nó đã bị những kẻ tinh vi lạm dụng nhằm trục lợi cho mình và dần phá hủy bản chất của hệ thống đó. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là hệ thống đó ban đầu sinh ra là để phục vụ cho những mưu đồ xấu xa. Và thay vì lên tiếng kêu gọi phá bỏ hệ thống đó, người dân có thể góp ý sửa nó. 
Chính phủ các nước coi việc vận động hành lang là cơ hội cho những tổ chức đoàn thể lên tiếng thể hiện nguyện vọng của mình. 
Trong những năm 1970, tổ chức Ford Foundation, thành lập bởi ông trùm tư bản Henry Ford, đã vận động hàng lang quyết liệt để khiến chính phủ chú ý hơn về các vấn đề an toàn môi trường trong sản xuất. Nước Mỹ những năm 1950, 1960 ô nhiễm không kém gì Trung Quốc hay Ấn Độ bây giờ và các nhà môi trường tin rằng đã đến lúc phải thay đổi. Sau khi vận động hành lang thành công và giúp đưa những nhà môi trường học vào trong cơ quan chính phủ, Ford Foundation đã giúp lập ra hàng loạt các chính sách bảo vệ môi trường và góp công lớn giúp nâng cao nhận thức về môi trường ở Mỹ như hiện nay.
Tuy nhiên Brink Lindsey và Steven Michael Teles cũng đã chỉ ra rõ rằng hệ thống vận động hành lang đang bị bóp méo và thâu tóm bởi những tổ chức lợi ích nhóm khổng lồ, từ các nhóm ngành ngân hàng đến y tế đến những nhóm đầu cơ bất động sản. Việc trả lương thấp cũng như thu hẹp các ban ngành nghiên cứu trong chính phủ Mỹ đã khiến họ thiếu nhân lực trình độ cao để có thể lọc ra thông tin đúng đắn cho chính phủ. Dần dà kinh tế Mỹ bị phát triển lệch lạc theo hướng chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ.
Ở Việt Nam, việc không có các đoàn thể độc lập mạnh cũng như các quy chế rõ ràng khiến cho các nhóm người dân nhỏ không có đại diện lớn, có tiếng nói để tác động nhiều lên chính sách chính phủ. Các quyết định ra chính sách thường dựa vào thông tin của một nhóm người thân cận với những người trong chính phủ. Chính phủ liên tục cố gắng kêu gọi cán bộ "lắng nghe dân" nhưng chúng ta hiểu rằng có quá nhiều thứ để lắng nghe trong khi nhân lực lại có hạn, và việc thiếu những bộ phận cũng như nhân lực trình độ cao để tổng hợp thông tin thông tin khiến cho dù cán bộ có cố gắng lắng nghe thì họ cũng không thể biết được cách giải quyết hiệu quả, phù hợp. 

Rút ra cho bản thân

Bài viết này nhằm mang đến cho người đọc một chút về góc nhìn vĩ mô trong xã hội để có thể thấy rằng các tương tác ở cấp độ xã hội rất khác với cấp độ tương tác giữa từng cá nhân, cho dù từng cá nhân tạo nên xã hội. Một ví dụ sinh động để minh họa đó là năm ngón tay thì năm ngón đều có chức năng hoạt động na ná nhau, đều có thể co duỗi, đều có móng tay. Nhưng khi hai bàn tay hoạt động chung với nhau thì tương tác của chúng sẽ rất khác với khi năm ngón tay hoạt động riêng lẻ. 
Khi hiểu được các mối tương tác trong xã hội, một người sẽ nhanh chóng hiểu được vị trí của mình trong xã hội, cũng như vạch ra được hướng đi phù hợp của mình trong xã hội đó. 
Hãy giả sử bạn đang quyết định chọn ngành nghề mới. Vậy các câu hỏi cần đặt ra sẽ là:
-Vai trò xã hội của ngành nghề mình định theo là gì?
-Các yếu tố gì tác động đến nhu cầu ngành nghề này 3-5 năm tới? Tác động ở trong nước và nước ngoài. 
-Ngành nghề này phù hợp với lĩnh vực nào và sẽ bị đe dọa bởi yếu tố nào (ví dụ như tự động hóa chẳng hạn)? 
Các bạn có thể bắt đầu qua việc học về kinh tế vi mô, vĩ mô cơ bản, rồi dần mở rộng lên các sách nghiên cứu về xã hội, về chính phủ ở trong và ngoài nước.
Chúc các bạn thành công!

Các bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả để có động lực đọc và viết nhiều hơn. Địa chỉ đóng góp:
Đặng Hoàng Liên Anh
VP Bank: 101721728
Chi nhánh Sài Gòn
Trân trọng cám ơn :) 

Bài viết có sử dụng tranh của Daniel Liang 
Nguồn tham khảo