Có một dạo tôi gặp anh bạn tôi trong lần uống cà phê, đã lâu rồi tôi không gặp anh ấy, tôi và gã ngồi nói chuyện rất lâu xoay quanh chủ đề văn hóa việt nam.

Tôi hỏi gã: Ông thấy văn hóa việt nam có cái gì thú vị?
Gã trả lời một câu ... mặn chát: Chén nước mắm.

Tất nhiên là chén nước mắm đặt giữa bàn ăn của người việt trong mỗi bữa ăn.

Đằng sau chén nước đó là một câu chuyện của người dân biển

Ngẫm chuyện đời quanh chén nước mắm

Theo lời của gã, chính cái chén nước mắm đặt giữa bàn ăn thể hiện tinh thần cộng sinh (có lẽ cũng là ...... “cộng hưởng”) nhất của người việt, vì muỗng đữa, chén dĩa, thức ăn có thể gắp riêng nhưng đều phải qua “chén nước mắm” thì mới thành món thật sự được.

Cái chén nước mắm “văn hóa” ở chỗ mọi người đều chỉ dùng đủ phần của mình trong mỗi bữa ăn, không tranh thêm bớt gì cả (mặn thấy bà, ai muốn lấy chi cho nhiều).

Ăn cá, ăn tôm, ăn canh hay ăn lẩu cũng có chén nước mắm, rồi không có thịt cá thì cũng nước mắm chấm rau luộc...

Nghĩ cũng nể gã thật, nhìn lù khù thế mà có cũng am hiểu về tinh thần cộng đồng trong bữa ăn người việt.

Thế nhưng còn những điều quanh chén nước mắm mà gã nói cũng không thấu nỗi chuyện người miền Tây đi cấy hay ăn cơm với "nước mắm kho quẹt" vậy. Một phần là để chống lạnh, phần vì cũng... không có tiền để mua “fast food” mang theo ra đồng, vậy là lấy nước mắm kho quẹt ăn cho "chắc bụng".

Rồi người dân miền biển khi lặn sâu đánh bắt cá tôm cũng uống hay ngậm một ngụm nước mắm để chống lạnh và sức nước ép - dễ làm chảy máu lổ tai như chơi. Đó là những công dụng kỳ diệu của nước mắm mà tôi đã được một lần nghe lời tâm sự của ngư dân làng chài chia sẽ, chứ gã chắc cũng không biết hoặc biết cũng “làm biếng” nói cũng nên.

Còn nhớ có lần tôi về miền Trung, thuê một cái nhà - đúng hơn là cái "chòi" – để qua đêm. Đến giờ cơm, thấy bà lão cùng mấy đứa cháu mang ra một con cá bằng hai ngón tay và một... tô nước mắm to đùng, xong cả nhà xúm lại "xé xác" con cá tan tành rồi bỏ vào tô nước mắm, xem như là nó "chết mất xác" vậy.

Tôi hỏi sao không dẻ từng miếng cá ra mà chấm nước mắm, lại làm "qui trình ngược" như vậy. Bà lão đáp: "Ở trong Nam, cá mắm dư dả nên lấy cá chấm nước mắm - chủ yếu để ăn cá - còn ở đây heo hút nên nước mắm là món... ăn chính, còn con cá chỉ để "nêm" cho có mùi vị cá mà thôi. Nếu để ngoài mâm, tụi nhỏ dẻ một đũa là hết".

Qua cái chén nước mắm mà cũng có thể hiểu được đời sống của người dân hai miền, dù "công năng" của nước mắm muôn đời vẫn là để... chấm.

Chiều nay, ngồi ăn dĩa bánh ướt, cũng có chén nước mắm. Nhớ chuyện "bà lão và tô nước mắm" ở miền Trung, chợt thấy cuộc đời sao còn quá nhiều vị mặn.

Chuyện thường ngày.
Của chàng trai nhạy cảm.
Viết cho những ngày chưa thành công.