Ai Weiwei

Nguồn: https://www.theguardian.com/film/2017/sep/17/ai-weiwei-without-the-prison-the-beatings-what-would-i-be?CMP=fb_a-culture_b-gdnculture
Dịch: Hoàng Kỳ Phụng
Hiệu đính: Lê Nguyễn Duy Hậu
Cuộc đấu tranh với chính quyền Trung Quốc đã biến Ngải Vị Vị trở thành một nghệ sĩ. Hiện giờ, ông đang sống như một người lưu vong vô tổ quốc tại Berlin và hiếm khi rời khỏi studio. Ông cũng giải thích vì sao bộ phim tài liệu mới do ông thực hiện về hoàn cảnh của những người dân di cư trên khắp thế giới sẽ ám ảnh ông suốt phần đời còn lại.
Human Flow (Dòng người) là bộ phim tài liệu đầu tay của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị nói về cuộc khủng hoảng người tị nạn. Bộ phim bắt đầu từ các thành phố carton dành cho người vô gia cư (cardboard cities) ở châu Âu cho đến những giếng dầu ở Mosul, từ những ngôi mộ không tên ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khu vực biên giới Texas – Mexico. Bộ phim được ghi hình tại 23 quốc gia với dàn diễn viên lên đến hàng nghìn người. Trước đó vào năm 2010, ông đã cho triển lãm một tấm thảm làm từ hạt hướng dướng được vẽ bằng tay và làm bằng sứ tại sảnh Turbine ở khu triển lãm Tate Modern (Luân Đôn). Chỉ với 140 phút ngắn ngủi của Human Flow, Ngải Vị Vị đã mô tả đầy đủ thảm kịch mang tính toàn cầu này.
Nếu có một sợi dây nào có thể kết nối được tất cả mọi thứ giữa chốn người ngợm hỗn loạn này, thì đó chính là Ngải Vị Vị. Người nghệ sĩ trạc tuổi 60 với mái tóc điểm bạc, đang truyền tay cốc trà nóng bên bờ biển tại Lesbos, cố gắng an ủi một phụ nữ đang hoảng loạn trong một studio tạm bợ, và ông cùng lúc đó làm món bánh kebab trong một trại tị nạn nhớp nhúa. Ông nói rằng mình chưa bao giờ muốn xuất hiện với tư cách là một du khách. Sứ mệnh của ông là đi tìm một nền tảng chung. Ông bảo: “Về bản chất thì tôi là một người tị nạn. Những con người đó là tôi. Đó là danh tính của tôi.”
Phim tài liệu Human Flow đã được trình chiếu lại liên hoan phim Venice năm nay. Ngải Vị Vị cho biết, ông cực kỳ ngạc nhiên và chưa bao giờ tưởng tượng được điều này sẽ xảy ra. Vậy mà hiện giờ ông lại đang ngồi trong phòng khách của một khách sạn năm sao, uống nước đá và liên tục bắt tay với mọi người. Chiếc áo phông xanh da trời của ông đã bị bạc màu bởi mồ hôi và chòm râu của ông thì cứng lại như thể ông đã ở ngoài trời cả đêm trong tiết trời giá rét vậy. Nhưng nếu bạn tự coi mình là một người tị nạn, sống ở đây là tốt hơn nhiều nơi khác lắm rồi. Ngải Vị Vị đã đến những nơi khác đó và gặp những con người tị nạn. Và ông đã sống sót trở về để kể câu chuyện.
Ngay cả những ai phải cố gắng lắm mới có thể kể tên được một trong những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Ngải Vị Vị thì cũng đều khá quen thuộc với tiểu sử của ông. Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ bất đồng chính kiến tại Trung Quốc. Vào năm 2011 ông đã bị tạm giam trong 81 ngày và hiện đang sống lưu vong ở Berlin. Tạp chí ArtReview từng ca ngợi ông là “nghệ sĩ quyền lực nhất thế giới”, một nhà viễn kiến đã dành cả đời cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên những nhà phê bình lại cho rằng ông là kẻ thô lỗ khiêu khích, quá rập khuôn và bị tiền bạc của phương Tây điều khiển. Sự hiện diện của ông ở Venice hầu như không hề làm giảm mối lo ngại của họ.
Ngải Vị Vị lắc lắc đầu; ông hiểu rõ mối đe dọa này. “Suốt cả ngày, phía truyền thông cứ hỏi tôi đã cho những người tị nạn xem phim đó chưa, kiểu: ‘Khi nào thì những người đó được xem phim này?’ Nhưng đó là câu hỏi sai. Mục đích của bộ phim là để chiếu cho những người có tầm ảnh hưởng, những người có thể giúp và những người có trách nhiệm giúp. Những người tị nạn cần được giúp đỡ – chứ họ không cần xem phim này. Cái họ cần là những đôi giày khô ráo và những bát súp nóng hổi.”
Tất nhiên, Human Flow đã tạo nên một kỳ tích – một bản anh hùng ca về lòng nhân đạo với những đôi chân trần trên nền đất và móng chân bám đầy bụi bẩn. Cảnh quay đáng nhớ nhất của tác phẩm đã được thực hiện bởi thiết bị không người lái trên nền một trại tị nạn ở Iraq, nơi các mái lều màu be được sắp xếp trông như một bức tranh trừu tượng khổng lồ. Sau đó máy quay hạ dần xuống làm hiện dần lên những người sống ở đó. Ngải Vị Vị khiến ông khiến các con số thống kê mang tính “người” hơn, kể câu chuyện về những mảnh đời và vẫn khôn ngoan không giấu diếm những tình huống thẹn thùng của mình. Có lần, ông đã đổi hộ chiếu với một người tị nạn Syria, tên là Mahmoud. Về phần Mahmoud, anh rất vui vì điều đó. Thậm chí anh còn nói rằng họ có thể đổi nhà cho nhau: một cái studio dễ chịu ở Berlin đổi lấy một cái lều vừa nóng vừa ngột ngạt. Vị đạo diễn thoáng cười một chút nhưng không chấp nhận. Và đấy là giây phút mà giữa họ đã xuất hiện một khoảng cách.
Ông nhớ lại: “Đó là cảm giác tồi tệ nhất. Nó thực sự đã ám ảnh tôi. Bởi nếu anh thật sự có nhiệt huyết, thì những điều anh nghĩ và nói ra đều là chân thật. Anh nói với họ rằng anh cũng giống như họ. Nhưng như thế là anh đang nói dối bởi anh đâu có giống họ. Hoàn cảnh của anh khác họ; và anh buộc phải rời bỏ họ. Và đó là điều sẽ ám ảnh tôi suốt phần đời còn lại.”
Ngải Vị Vị sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông là con trai của một nhà thơ đã vô tình vi phạm điều lệ đảng Cộng sản. Sau đó cả gia đình ông phải sống lưu vong, lúc đầu là ở Mãn Châu, sau là trong một trại lao động ở rìa sa mạc Gobi. Cha của ông phải làm công việc cọ rửa nhà vệ sinh và đã cố gắng tự tử vài lần. Chính những trải nghiệm này đã hình thành nên thế giới quan của Ngải Vị Vị bây giờ. “Cha tôi đã trải qua cuộc hành trình không tưởng. Nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đấu tranh của nhân loại. Và không có cách nào để chấm dứt cuộc đấu tranh này cả. Đó là thực tế mà chúng ta phải giải quyết. Cuộc đời của mỗi chúng ta đều vô cùng ngắn ngủi và chúng ta chỉ có một khoảnh khắc để lên tiếng cũng như để thể hiện vốn kỹ năng ít ỏi mà chúng ta có. Nếu tất cả mọi người đều làm được như vậy, thì cục diện sẽ thay đổi.”
Lúc còn là một cậu thiếu niên sống ở Bắc Kinh, Ngải Vị Vị đã ghi dành vào học viện điện ảnh. Bên cạnh thơ ca, thì điện ảnh gần như là mối tình đầu của ông. Ông vô cùng ngưỡng mộ các tác phẩm của Fellini, như Tài xế và Bố già, tuy nhiên ông cảm thấy thời kỳ hoàng kim của dòng phim kịch bản gốc đã qua rồi. Ông tâm sự “Nếu anh xem tin tức thì sẽ nhận ra rằng các chương trình truyền hình thực tế đã áp đảo phim ảnh. Thời kỳ của phim ảnh đã qua rồi. Mỗi giây mỗi phút, có quá nhiều hình ảnh xuất hiện trên Internet. Chỉ cần dành nửa tiếng lướt mạng xã hội thì đã thu được lượng thông tin còn nhiều hơn cả một bộ phim rồi.”
Năm 1981, ông có chuyến bay đầu tiên từ Trung Quốc đến New York, với ý định rũ bỏ hoàn toàn những đau khổ trước đó để bắt đầu cuộc sống mới ở trời tây. Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ y nguyên lúc hạ cánh xuống sân bay JFK. “Như kiểu một bộ phim viễn tưởng; giống như đặt chân xuống một hành tinh lạ hoắc ấy. Mọi thứ ngôn ngữ hay tri thức đều không giúp ích được gì. Tôi nhìn thành phố phía bên dưới qua cửa sổ. Ánh đèn tràn ngập khắp nơi đã hoàn toàn thu phục tôi. Bởi tôi lớn lên trong bóng tối – thậm chí còn không có nổi một ngọn nến – chỉ có thứ ga dầu rẻ tiền để thắp sáng, cái thứ ga dầu khiến mồm miệng trở nên đen xì. Rồi đột ngột tôi được nhìn thấy anh sáng. Tất cả nguồn năng lượng đó; cái thành phố kỳ quái đó. Tôi có cảm giác mình như một con bướm đêm, chỉ muốn chết chìm trong luồng sáng ấy.”
Lúc đó ông tự coi mình là nghệ sĩ. Còn hiện tại thì ông không cho rằng như vậy. Ông đã làm kiến trúc sư, người làm vườn; thỉnh thoảng thì vẽ tranh biếm họa trên hè phố. Phần lớn những thứ ông vẽ ra, ông đều thẳng tay ném vào thùng rác. Thành phố New York là trường học, không phải là nhà. Chỉ đến khi quay trở lại Trung Quốc vào đầu thập niên 90, ông mới thực sự bắt đầu tìm kiếm đam mê của mình.
Các tác phẩm của Ngải Vị Vị đều mang âm hưởng nghệ thuật vị niệm (conceptual art) và Dada (một trào lưu nghệ thuật có nguồn gốc từ Thụy Sĩ trong thời kỳ thế chiến I – ND); chủ yếu được ảnh hưởng từ phong cách của Marcel Duchamp. Vì vậy Ngải Vị Vị đã tìm những đồ vật rồi bắt đầu sáng tạo với chúng, thường là theo xu hướng phá cách. Đơn cử như có một lần ông đã đập vỡ một chiếc bình cổ Trung Quốc trong bộ ba bức ảnh có tên Thả rơi chiếc bình thời Hán; sơn những chiếc bình cổ khác bằng sơn công nghiệp trong triển lãm Coloured Vases. Sau này khi đã có đủ tự tin, Ngải Vị Vị thậm chí còn kết hợp cả hoạt động xã hội với vào các tác phẩm nghệ thuật nhiều đến mức mà hai yếu tố đó không thể tách rời nhau nữa. Ông chia sẻ “Tất cả các hoạt động sáng tạo, nếu làm tốt thì đều được coi là nghệ thuật. Cũng tương tự như các tác phẩm nghệ thuật, nếu bao trùm cả vấn đề thực tế và chính trị, thì đều được coi là một kiểu hoạt động xã hội. Tất nhiên thỉnh thoảng những chuyện đó cũng riêng rẽ ra. Nhưng trường hợp như vậy không dành cho tôi. Tôi sinh ra là để làm chuyện này. Tôi đã quá quen với nó rồi.”
Những lần đối đầu của Ngải Vị Vị với chính quyền Trung Quốc không chỉ đơn giản là vài dòng chú thích ngắn ngủi trong tiểu sử. Có người còn cho rằng đó chính là chủ đề chính trong các tác phẩm của ông. Đầu tiên, ông chỉ trích chình quyền trên một blog chính trị. Sau đó ông phê phán phản ứng chậm trễ của họ trong vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, ghi lại tên của từng học sinh đã thiệt mạng và đã mở một triển lãm lớn gồm 9.000 cặp sách của các em học sinh (biểu tượng về cái chết oan khuất của hàng ngàn em trong trận động đất – ND). Chính vì điều này, ông đã bị bắt giam và bị công an đánh đập. Ông thậm chí còn quay phim về quá trình điều trị khi bị đánh dẫn đến chảy máu não rồi đăng lên Twitter. Theo cách này thì thậm chí đến túi máu của ông cũng trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Ông mô tả chỗ ở của ông ở Berlin giống như một cái ký túc xá. Ông cho biết bản thân không biết tiếng Đức và hiếm khi rời khỏi studio. Thậm chí ông làm việc cả vào ngày cuối tuần và gần như không bao giờ có kỳ nghỉ nào. Như thế cũng tốt, bởi công viếc sẽ khiên ông trở nên bận rộn. “Nếu quay về Trung Quốc thì tôi sẽ gặp nguy hiểm. Mười hai luật sư bào chữa cho tôi vẫn đang thụ án. Một người chịu mức án 5 năm, một người khác là 10 năm. Tôi đã gọi cho mẹ tôi; cụ hơn 80 tuổi rồi, và lúc nào mẹ tôi cũng bảo rằng ‘Con đừng bao giờ trở về đây.’”
Tôi hỏi ông rằng ông nghĩ thế nào về triển vọng của Trung Quốc. Trong mắt người phương Tây, quê hương của ông là một đất nước đầy uy thế. Đấy là một quốc gia chuyên hưởng lợi từ những hành động của chính quyền Mỹ hiếu chiến; và luôn sẵn sàng trở thành một siêu cường quốc của thế giới.
Nhưng Ngải Vị Vị lại tỏ vẻ khinh bỉ khi nghe thấy điều đó. Ông cho rằng tôi đang không hiểu rõ tình hình. “Liệu Trung Quốc có thể trở thành một siêu cường không? Tôi cho là không. Nó có thể giành được lợi thế nào đó nhưng đấy là quốc gia không có tâm hồn, không có trái tim và cũng không tin tưởng chính người dân của mình. Vì vậy nó không hề có bản sắc riêng bởi nó chưa bao giờ coi nhân quyền là một giá trị chung. Không có tự do ngôn luận cũng không có hệ thống tư pháp độc lập. Nếu không có những thứ như vậy thì làm sao có thể sáng tạo nổi? Làm sao có thể là một đất nước? Vì vậy hãy quên đất nước Trung Quốc đi. Trung Quốc chỉ là một hư ảnh thôi. Dù nó có tồn tại, nó có rộng lớn thật đấy nhưng không ai có thể định nghĩa nó là cái gì.”
Theo cái cách mà Ngải Vị Vị nói những lời trên, thì ông như đang tồn tại trong một trạng thái trượt dài vô định, không có cội nguồn cốt lõi. Ông so sánh bản thân với một chiếc lá trôi trên dòng suối, không bao giờ biết được sẽ dừng lại ở đâu. Đến một điểm nào đó thì điều này tạo nên cái cảm giác hoàn hảo. Nhưng nó cũng khiến tôi nghĩ rằng câu chuyện của người đàn ông này có thể được kể theo cách khác; nơi ông là một nhà hoạt động nổi trội hơn nhiều. Trong phiên bản này, Ngải Vị Vị đã dành cả cuộc đời để đối đầu với đất nước mình – ở trạng thái có ma sát chứ không còn trượt dài nữa. Nếu có bất cứ điều gì định nghĩa con người ông ấy, thì đó chính là mối quan hệ của ông với Trung Quốc. Tôi đồ rằng, nếu không có Trung Quốc thì có lẽ ông đã không trở thành nghệ sĩ.
Cách nghĩ này của tôi thật sự khiến ông thích thú. Ông bảo “Ờ, cũng đúng đấy. Nếu thế thì tôi sẽ là gì nhỉ? Nếu không có những tiếng la hét, không có nhà tù, không có những màn tra tấn, thì tôi sẽ là cái gì? Có thể giờ tôi đang đi dọc Broadway, như những người nhập cư kia, cố gắng tìm việc, cố gắng trả tiền thuê nhà. Hoặc cũng có thể tôi trở lại Trung Quốc, mở nhà hàng. Hoặc đang mặc vest, ngồi văn phòng, như mọi công dân Trung Quốc khác. Hoặc cũng có thể không, bởi cha tôi là một nhà thơ. Ông đã nuôi tôi lớn bằng thơ của Whitman, của Neruda và của Rimbaud. Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy rằng vẫn có một khả năng khác, và rằng đấu tranh nghĩa là tự do. Tôi nghĩ, điều đó là sự trả thù của cuộc đời.”
Tôi hỏi Ngải Vị Vị rằng liệu có khi nào ông ước mọi chuyện đã khác không? Không bị trục xuất đến sống trong sa mạc. Không có người cha bị lăng nhục, không có nhà tù, không có Berlin. Ông chỉ sống một cuộc đời bình thường. Có khi nào ông muốn mở một nhà hàng ở Trung Quốc không?
Ông đáp “Câu hỏi hay đấy. Tất nhiên là con người thì ai cũng có lúc tự hỏi những câu đó. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ chọn con đường giống như vậy thôi, ngay cả khi điều đó vô cùng khó khăn. Con đường đó cực kì xấu xí, đầy đau thương nhưng nó đã đem lại rất nhiều niềm hạnh phúc. Tôi nghĩ tôi là người luôn tìm được niềm vui trong cơn hoạn nạn. Không có hoạn nạn, thì cũng chẳng có niềm hạnh phúc.”
Phim tài liệu Human Flow sẽ được trình chiếu tại Mỹ vào ngày 13/10 và tại Anh vào tháng Mười Hai.