Từng sống chung với trầm cảm suốt 5 năm, đến khi vượt qua, tôi mới nhận ra rằng, nếu mình không đưa tay ra, chẳng ai có thể nắm được tay mình mà kéo lên cả.
Nếu mình không đưa tay ra, chẳng ai có thể nắm được tay mình mà kéo lên cả 
- Ảnh: MAI THƯƠNG


Phải dành rất nhiều can đảm để viết ra những điều này. Vì bạn biết đấy, việc bị trầm cảm không phải là điều gì đó đáng để khoe khoang, mà hơn cả, lại là một giai đoạn cực kì khó khăn mà tôi phải trải qua.
Để đến hôm nay, có thể thản nhiên mà viết ra những điều này, thực sự không ai ngoài chính mình có thể hiểu được điều gì có thể giúp tôi vượt qua tất cả nếu không phải là bản thân mình.
Trước hết, cần phải phân định rằng trầm cảm không giống như những nỗi buồn thông thường. Con người thường bị đánh tráo khái niệm và nhầm lẫn việc trầm cảm và buồn bã là cùng một trạng thái tinh thần, để rồi vô tình bỏ qua một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết dứt điểm – trầm cảm, đồng thời trầm trọng hoá một trạng thái tinh thần đơn thuần – nỗi buồn.
Trầm cảm là một trạng thái tâm thần bất thường, diễn ra trong thời gian dài và gây nên những rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần, nhận thức và hành vi. Nó tiếp cận tôi một cách chậm rãi nhất, từng ngày. Ban đầu chỉ là đôi chút vấn đề nhỏ và không phải ai cũng nhận ra điều đó.
Tôi dần thu mình vào suy nghĩ của bản thân, không tìm được người để nói ra những gì cần nói. Không ai lắng nghe tôi. Tự tách mình với mọi người, tôi dần dần ngại đám đông, sợ việc bị chỉ trích, phán xét, sợ bị thất bại. Sợ cả những cuộc gọi điện từ gia đình. Những tiếng nói vô hình trong đầu tôi luôn thúc giục tôi phải làm gì đó để khiến mình đau, huỷ hoại bản thân mình, rằng tôi phải chết đi.
Ý nghĩa về sự tồn tại của tôi chính thức bị cộng đồng này khước từ. Đó là lần tôi cảm nhận rõ rệt nhất về sự đứt kết nối.
Bạn có biết lý do lớn nhất khiến người ta tự tử là gì không? Là khi bạn không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình, hoặc tìm thấy, nhưng bị cộng đồng này khước từ.
Tôi không tìm thấy sự kết nối với thế giới - Ảnh: MAI THƯƠNG
Có những ngày, tôi ngồi trước cái cây trước vườn nhà, và cảm thấy việc làm một cái cây thật là tốt. Bao năm trôi qua, cái cây vẫn là cái cây, chứ không trở thành điều gì khác. 
Còn tôi thì chẳng còn là tôi nữa. Tôi chẳng còn kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Tôi đến khám ở Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Cầm kết quả trắc nghiệm tâm lý, bác sĩ thông báo tôi bị tâm thần phân liệt phi biệt định, một chứng bệnh tâm lý do các hormone trong cơ thể giảm quá đột ngột và chỉ dừng lại ở hạn mức thấp, các hormone không đủ để tôi có thể có những cảm xúc tích cực hay bình thường như những người khác.
Có hai cách để giải quyết đống hỗn độn đó.
Hình xăm đầu tiên...
Một là mở lòng ra với ai đó.
Hai là chết đi.
Tôi đã chọn cách thứ hai.
Hình xăm đầu tiên của mình là ký tự morse code: l-i-v-e (nghĩa là sống).
Nếu như trong đầu tôi luôn có một ai đó thúc giục tôi hãy đi tìm cái chết, thì chính tôi là người kéo mình lại.
Lúc chênh vênh giữa sự sống và cái chết, tôi nghĩ đến nhà mình, đến những người tôi yêu thương, đến khóm hoa sau nhà chưa nở, những nơi tôi chưa đi, những điều tôi chưa làm, lời cảm ơn chưa kịp nói.
Nếu tôi chết như thế này, ngày mai, mẹ tôi sẽ ôm thân hình bé nhỏ của tôi vào lòng mà khóc nức nở. Bố quay lưng giấu đi đôi mắt đỏ hoe. Phần đời còn lại, họ sẽ dằn vặt vì không giữ được tôi. 
Nếu tôi chết như thế này, tôi sẽ không tha thứ được cho mình, vì, tôi dám chắc, tôi và các bạn, sống đến ngần này, vẫn còn rất nhiều điều chưa một lần cố gắng làm hết sức, vẫn còn nhiều điều xứng đáng để được nối tiếp vào ngày mai.
Tôi bắt đầu nói chuyện với gia đình nhiều hơn. Tôi trình bày thẳng thắn suy nghĩ của mình, và rồi tôi nhận ra, so với việc mong muốn mình thành đạt, bố mẹ lại quan tâm nhiều hơn tới việc tôi sống có khoẻ không, ăn có đủ bữa và ngủ còn ngon giấc. Thì ra những áp lực trước đó chỉ là do bản thân mình tự đặt lên mình rồi bắt mình gồng gánh. Để rồi đến lúc đó, tôi nhận ra, càng muốn làm việc lớn thì càng phải có chỗ dựa. Mà gia đình chính là chỗ dựa vững chãi nhất.
Tiếp đó, tôi không còn để tâm quá nhiều tới những điều tiêu cực quanh mình. Một ngày có 24 tiếng, 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng đi học, 8 tiếng còn lại dành cho mọi người. Mà thế giới có đến tận hơn 7 tỷ người. Vậy nên tôi phải dành chút thời gian quý báu còn lại cho những người xứng đáng.
Vậy là tôi bỏ ngoài tai lời của những người chỉ muốn dìm mình xuống.
Tôi biết cảm ơn những đau đớn của cuộc đời đã cho mình cơ hội để trưởng thành và cứng cáp hơn. Khi nghĩ được như thế, tôi dần thấy lòng thanh thản và nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn. Dù lúc đó, xung quanh tôi vẫn là những người ưa phán xét, những mối quan hệ đứt gãy, vẫn là xã hội vận hành theo cách cố dìm người ta xuống.
Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi dành thời gian cho những điều tích cực hơn, đọc sách, học ngoại ngữ, gia tăng giá trị bản thân, học cách mỉm cười thật nhiều mỗi ngày. Tôi nhận ra việc yêu thương chính mình quan trọng đến nhường nào.
Và đến sau cùng, nếu buổi tối hôm đó tôi chết đi, có lẽ bây giờ tôi sẽ chẳng thể biết được cuộc sống của mình sẽ hạnh phúc nhiều như thế này.
Vì bạn biết đấy, nếu bản thân mình không đưa tay ra thì chả ai có thể nắm được tay bạn mà kéo lên cả.
Tôi vẫn đều đặn đến gặp bác sĩ tâm lý mỗi tháng. Mỗi lần đến khám, Viện sức khỏe Tâm thần ở bệnh viện Bạch Mai lại có thêm thật nhiều người đến làm trắc nghiệm tâm lý khác. Tôi rất muốn nói chuyện với họ, về cách mà mình đi qua những áp lực và lớn lên.
Ngày trẻ, một chút âu lo thôi, đã nghĩ mình gánh gồng cả thế giới trên vai...