Q: Nếu mỗi ngày chỉ có 15 phút để rèn luyện trí não, bạn sẽ làm gì?
A: Jeremy Hadfield
____________________
Bạn không cần phải luyện tập các trò chơi trí tuệ. Bạn không cần phải mày mò cơ học lượng tử. Bạn không cần cần phải dội nước lạnh mỗi sáng hay phải đọc hàng trăm cuốn sách mỗi năm. Bạn không cần thức dậy lúc 3 giờ sáng để vác một con heo quá cỡ chạy nước rút lên núi Kilimanjaro.
Có thể những việc kể trên sẽ giúp ích cho bạn. Thực ra, nâng cấp từ “có thể” lên “khá là chắc kèo” cũng được.
Tuy nhiên những việc đó không phải yếu tố then chốt. Và chỉ cần một bài luyện tập đơn giản cũng hiệu quả hơn tất cả những việc đó: Thiết lập mục tiêu một cách chủ động.
Vì sao hành động này đem lại hiệu quả cao đến vậy? Cơ bản là vì nó giúp bạn đạt được những gì mình muốn. Bạn có thể luyện tập theo hàng tá các bài “hack trí não” (từ việc tắm nước lạnh đến các khóa học năng suất), nhưng nếu bạn không buộc tâm trí mình hướng về mục tiêu và khát vọng thì bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó cả.
Từ khóa ẩn dụ ở đây là vận tốctốc độ. Tốc độ là một đại lượng vô hướng (chỉ có độ lớn) trong khi vận tốc là một vector (có độ lớn và có hướng).
Vận tốc là một vector có hướng
Trong cuộc sống, tốc độ không phải là vấn đề; chỉ có vận tốc (tốc độ + hướng) mới có ý nghĩa. Tốc độ tuyệt đối chẳng làm nên cơm cháo gì, trừ khi bạn đang di chuyển đúng hướng đã định.
Bạn có thể khiến não bộ bị kích thích với tất cả các kỹ thuật rèn giũa trí não này. Nhưng tại sao phải quan tâm, nếu bạn không định dùng những cơ não mới đó để thực hiện những ý định của mình?
Rèn luyện trí não mà không đặt ra mục tiêu cũng giống như quay bánh xe Ferrari: nếu bánh xe không chạm tới một bề mặt có lực kéo, thì động cơ mạnh cỡ nào cũng vô dụng.
Giống như việc quay bánh xe làm lãng phí năng lượng của động cơ, hầu hết chúng ta cũng đang lãng phí tài nguyên thần kinh của mình. Tất nhiên, khái niệm “bạn chỉ mới dùng 10% não bộ” là một truyền thuyết gây hiểu lầm. Chúng ta dùng hết 100% não bộ. Nhưng chúng ta không dùng nó cho những mục đích quan trọng nhất trong đời.
Nói cách khác, chúng ta không xác định mục tiêu. Chúng ta dùng ở chế độ lái tự động.
Viết kiểu “tự-giúp” mơ hồ thế là đủ rồi. Làm sao bạn có thể sử dụng hết công suất não bộ để đạt được mục đích mà bạn muốn? Các bước luyện tập thiết thực nào mà ai cũng có thể làm để rèn luyện tâm trí bản thân?
  1. Mỗi tuần, hãy làm một “đánh giá tuần”. Viết ra những việc đã xảy ra trong tuần. Xem bạn có đang tiến gần đến mục tiêu thực sự của mình hay không? Những việc nào đã khiến bạn tốn thời gian và tâm trí mà không đem lại kết quả khả quan? Bạn có tiến gần hơn đến mục tiêu cuộc đời so với tuần trước không? Sau đó đặt ra mục tiêu và ý định trong tuần kế tiếp.

  2. Hãy mạnh tay loại bỏ những thứ không đem bạn đến gần với mục tiêu. Tập trung là nghệ thuật nói không với hầu hết mọi thứ. Trước khi làm một việc gì đó trong ngày, dành một vài giây tự đánh giá một cách trung thực. Rằng liệu việc này có giúp mình tiến gần đến mục tiêu cụ thể hay không? Nếu không, hãy xem đây như một việc bạn làm một cách ngẫu nhiên, chứ không có mục đích gì hết. Rồi loại bỏ nó.

  3. Dành vài phút mỗi sáng để quyết định một thứ bạn phải tập trung trong ngày. Một trong những việc khó khăn nhất phải làm mỗi sáng đó là giới hạn mục tiêu trong ngày chỉ còn duy nhất một việc. Việc này đòi hỏi bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho mục tiêu này. Bạn không thể bao biện cho việc không hoàn thành mục tiêu với lý do “tôi còn phải tập trung làm việc khác.” Bạn sẽ nhận thấy điều này làm tăng sự tập trung cao độ trong ngày. Xử lý các việc ưu tiên sẽ giúp bạn hoàn thành công việc nhiều hơn. Và làm giảm căng thẳng bằng cách ngăn chặn việc quá tải các mục tiêu và việc phải làm.

Việc số 1 mất khoảng 30 phút mỗi tuần. Việc số 2 mất khoảng 5 phút mỗi ngày. Việc số 3 cũng khoảng 5 phút mỗi ngày nữa. Trung bình 15 phút mỗi ngày để cải thiện triệt để.
Thói quen về mục tiêu và suy ngẫm có thể không khiến bạn “nhanh hơn” về tốc độ tuyệt đối. Nhưng nó sẽ làm tăng vận tốc theo hướng bạn đã định.