Ảnh screenshot từ channel youtube: freedom in though
Tổng quan:
Bài này được chia làm 4 phần:
1/ Giải thích về CV và nhanh chóng tạo phần sườn cho CV
2/ Tối ưu để làm rõ ba vấn đề trong CV: Tóm tắt, biết và tin
3/ Một số cách để đưa được CV đến chỗ nó cần tới
4/ Think out of the box: Để có cuộc sống tốt hơn
Nếu bạn chưa rõ hoặc mù mờ về tìm việc, cứ xem hết. Còn nếu đã rõ rồi, coi thêm cho vui, còn không thì bay đến mục thứ 8 coi luôn nhé.
Hoàn cảnh bài viết:
Chủ nhật ở nhà chơi với chó. Giờ con chó nó lăn ra ngủ nên hắn lên spiderum coi coi dạo dạo thử xem có chủ đề nào hay hay mà hắn biết về nó không. Sẵn nếu được thì viết về nó luôn.
Rồi hắn thấy một bài về tìm việc mới thời hậu COVID-19. Hắn nghĩ ngay đến cái CV.
Rồi hắn lại search chữ CV trên spiderum thì hắn thấy có mấy bài rồi. Đọc sơ qua thì hắn thấy lời khuyên là chính. Mấy bạn có thể search thử coi lại, mấy bài này cũng hay lắm á.
Vì thế hắn viết một chút ra đây, để tìm/ giải thích lý do luôn.

1/ Bẻ lái một cái.

Đầu tiên, CV là gì?
Curriculum Vitae (CV) là tiếng Latin, có nghĩa là “Các khoá học đã hoàn thành trong cuộc đời bạn”
CV thường được dùng để tìm kiếm học bổng học master, Phd, để tìm vào các vị trí giảng dạy, nghiên cứu trong trường đại học hoặc viện nghiên cứu.
Ơ, đây chắc chắn không phải cái mà hắn muốn viết rồi, cái này hắn có biết gì đâu.
Khựng lại một chút, tra lại xíu. À thì ra cái hắn muốn viết là về Résumé

2/ Résumé là gì?

Résumé, không phải là từ resume khi bạn đang pause game hay pause nhạc nhé. Nó là từ tiếng Pháp, đọc là Rế ju mê :)), 
Résumé có nghĩa là bản tóm tắt (summary)
Nó được sử dụng để tóm tắt các kỹ năng của bạn để tìm việc làm (tìm nhé, không có xin xỏ gì ở đây hết).
Thực ra, riết rồi từ CV và Resume nó lẫn lộn cả lên nên dùng cái nào cũng được.
Rồi, giờ thì vô phần chính, viết Resume như thế nào (từ đây về sau mình viết Résumé là Resume nha)

3/ Tại sao phải cần Resume?

Đơn giản thôi, nó là công cụ để 2 người xa lạ biết về nhau
- Người tìm việc thì mong muốn tìm được vị trí phù hợp với mình.
- Công ty thì cần người có năng lực phù hợp để làm việc cho mình.
Vậy, để viết được bản tìm việc thì mình phải làm sao để:
- Cung cấp thông tin cho bên công ty biết là mình có khả năng phù hợp với vị trí đó. 
- Và quan trọng hơn, họ tin là mình có khả năng đó.
Tóm lại, để bên công ty biết và tin là mình phù hợp

4/ Bắt đầu viết Resume:

Đầu tiên là cần phải có một cái sườn và một cái Resume cơ bản thì mới từ từ tối ưu hoá nó được. Vào Google doc có sẵn template.
Nhấn vào nút này. Nguồn: Screenshot từ GG doc
Chọn mục này. Nguồn: Screenshot từ GG doc
Chú ý kẻo nhầm mục. Nguồn: Screenshot từ GG doc
Tại sao lại dùng google doc?
- Format chuẩn cho một Resume, khỏi phải nghĩ vụ format chi cho nhức đầu.
- Vì google có đủ tập data để đánh giá một mẫu Resume như thế nào là tốt và đủ.
- Mình làm xong, nó lưu lại cho mình, sau này update cũng dễ.
- Dễ dàng xuất ra dạng pdf hay đem đi in.
- Dễ sử dụng và copy qua chỗ khác.
Rồi xong rồi đó. Thế là có cái sườn cơ bản rồi. Giờ thì vô nói sơ qua từng cái nha. Tập trung vô việc cho người ta biết bạn có gì.

4.1/ *SKILL*: Kỹ năng

Bỏ mấy cái như mấy cái rating stars chấm điểm level từ 1 tới 5 hay có mấy cái thanh biểu hiện level đi. Không ai để ý đâu, rối mắt lắm.
Chỉ cần ghi là bạn có kỹ năng gì vậy thôi. Cái này là cho họ biết để xem mình có phù hợp không nè.

4.2/ *EXPERIENCE*: Kinh nghiệm.

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, không sao cả, cứ ghi là chưa có kinh nghiệm. Chỗ này các bạn có thể thay bằng expectation của bạn cũng được.
Còn đã có rồi thì đây là chỗ cần ghi rõ ra.
Đừng chỉ ghi là mình làm ở công ty A không. Mà nên ghi ra công ty A làm cái gì, mình tham gia vào dự án gì và vai trò của mình trong đó là gì. Cái này để người ta có nhiều thông tin giá trị hơn á.

4.3/ *EDUCATION* & *AWARD*:

Học gì và có giải thưởng gì thì cứ ghi ra.

4.4/ Hình:

Template không có hình nên mình cái khoảng trắng phía trên bên phải kế phần thông tin cá nhân nhé.
Rồi, vậy là xong phần cho người ta biết bạn có gì. Nếu bạn dừng lại ở đây thì bạn cũng sẽ như bao người khác thôi. Giờ mình làm thêm vài cái nữa để thuyết phục họ nha, chứ lỡ có vị trí phù hợp với mình mà họ lại không tin thì uổng lắm.

5/ Optimization (Tối ưu hoá)

Trước khi bắt đầu, nhẩm lại những từ cơ bản: 
Tóm tắt, cho họ biết, cho họ tin.

5.1/  Kiểm tra lại độ dài:

Résumé có nghĩa là bản tóm tắt
Vì là bản tóm tắt nên 2 trang thôi, không ai đọc hết Resume của bạn chi tiết đâu, mấy người đọc lười lắm. Nên nếu dài quá thì bạn bỏ bớt đi nhé.

5.2/ Đừng rải Resume:

Cho họ biết mình có những kĩ năng gì và tại sao mình lại phù hợp
Vị trí nào của một công ty cũng có cái gọi là Job description (mô tả công việc) hết á. Bạn sẽ biết được họ cần kĩ năng và tính chất gì rồi chỉnh sửa Resume lại cho phù hợp.
Ví dụ nha:
Một công ty đang tuyển shipper thì bạn nghĩ kĩ năng:
- Biết sử dụng word, excel
- Huy chương vàng Olympic toán
- Đai đen thập đẳng Judo
- Thành thật, biết dùng google map
Vậy thì kĩ năng nào sẽ được tuyển?

5.3/ Làm cho họ tin:

5.3.1/ Sử dụng link để đưa thêm thông tin:

Đặt mình vô vị trí nhà tuyển dụng, nếu mình có những bằng chứng để chứng minh những gì mình đưa ra là đúng thì quá ổn đúng không? Nhưng mà viết vô hết thì cái Resume sẽ dài lắm. 
Không sao, dùng mấy đường link để đưa đến thông tin cần thiết của mình. Tại vì người ta hứng thú muốn kiểm tra thì sẽ có chỗ để vào coi ngay lập tức. Mà đưa một cái link vào trong Resume cũng không chiếm nhiều chữ khiến người đọc bị ngán.
Cái này thì tuỳ ngành sẽ có cách đưa khác nhau. Cụ thể nếu bạn trong trong ngành lập trình thì đưa link đến tài khoản github, link đến trang web bạn làm, game bạn phát triển hay là trang web giới thiệu sản phẩm của bạn.
Tóm lại là đưa cái link vô trong đó, không làm cho người ta có cảm giác ngán, mà lại còn giúp người ta hiểu thêm về mình.

5.3.2/ Thêm mục sở thích:

Thường thì mình sẽ có thêm mục sở thích. Vì dù gì làm việc chung với nhau mà có cùng sở thích thì tốt quá.
Ví dụ như bạn viết bài chia sẻ trên spiderum, rồi trong resume bạn thêm một phần sở thích trong resume, nói là em thích viết và chia sẻ, đưa luôn cái link đến đây luôn

5.3.3/ Cẩn thận các trang cá nhân của bạn:

Cái này vui nè. Hồi đó mình có chơi với một bạn tuyển dụng, thường bạn đó sẽ từ email mà vô facebook coi thử xem bạn kia ra sao. Điều đáng nói là các bạn cứ chửi thề hay nói năng bạt mạng đại ca thì thôi bye luôn nhé.
Giờ thì thử xem vào google, gõ email của bạn hay tên của bạn trong dấu ngoặc kép xem nó ra gì không, rồi sửa nó từ từ.

5.3.4/ Đánh giá của người khác:

Cái này thì thường sẽ để trong profile linkedin. Rồi mình cho một cái link vào trong Resume.
Bạn có thể nhờ thầy cô, bạn bè, đặc biệt là sếp trước của bạn vào linkedin cho bạn một cái nhận xét tốt. Trừ khi bạn đại náo công ty cũ chứ không thì cũng không ai từ chối đâu.
Rồi lấy đường link đó bỏ vào trong Resume.

6/ Đưa Resume đến cho đúng người:

Có bản Resume rồi, thì giờ làm sao nộp đây?

6.1/ Email hoặc gửi trực tiếp.

Lúc search có một bài chuyên viết về cái này rồi nên không cần nói lại nữa: Hướng Dẫn Gửi CV Bằng Email: Gửi Đúng Để Không Bị Loại Từ Vòng Gửi Xe
(Do lười đấy)

6.2/ Update profile linkedin đi rồi sẽ có người tìm bạn thôi:

Mình không rành hiện giờ Việt Nam có trang việc làm nào không. Mình thì trước giờ dùng linkedin là chính.
Tóm lại là vầy:
Thường các công ty cũng chẳng tự mình đi tìm người mà họ sẽ thuê các dịch vụ săn đầu người (head hunt - nghe ghê ha), thôi đổi tên lại thành dịch vụ tuyển dụng thuê đi.
Thì các bạn tuyển dụng thuê này sẽ đi lung tung nơi để tìm kiếm người cho công ty khách hàng của họ. Giờ thì đã rõ tại sao mình nói là tìm việc chứ không phải xin việc rồi nha.
Vậy thì việc bạn cần làm là theer hiện các thông tin đó ra trên linkedin ( có ai biết trend tìm việc ở Việt Nam giờ là trang nào không nhỉ? ). Rồi họ sẽ tự lọc ra những công ty phù hợp với mình và giới thiệu mình cho công ty thôi. Thấy khoẻ không?

6.3/ Tìm người refer:

Công ty nào cũng thích có người trong công ty giới thiệu thêm nhân sự cho lắm. Thậm chí một số công ty họ sẽ có referral bonus cho người giới thiệu nữa.
Vậy thì làm sao?
- Nếu bạn có bạn bè nhiều thì cứ lên facebook hay gì đó nói là đang kiếm việc, có ai giới thiệu giùm không. Không thì vô coi mấy đứa bạn có đứa nào đang làm công ty ngon ngon thì hỏi thẳng là giới thiệu tao vô với.
- Nếu bạn tìm được công ty nào đó ưng ý thì đi dạo fanpage của công ty đó thể nào cũng tìm được một vài người đang làm ở đó. May mắn thì có bạn của mình đang làm. Còn không thì cứ tìm rồi nhắn với một vài người, hỏi xem họ có thể refer mình vào giúp không.
Tin mình đi, mọi người cũng thích giới thiệu người khác vào công ty lắm.

7/ Lời khuyên chân thành nhất

Quan trọng nhất, nhớ ghi sự thật, đừng chém. Đây là để tìm ra được *công việc phù hợp* , việc chém trong Resume gây hại cho bạn nhiều hơn là bản tưởng đó.

8/ Think out of the box

Tới phần mình thích rồi. Phân tích sâu hơn xem nha, làm vài cái 5 whys nào:
- Tại sao phải cần có Resume?
Vì mình cần tìm việc làm phù hợp với năng lực của mình.
- Tại sao cần tìm việc làm phù hợp với năng lực của mình thì phải cần Resume?
Vì mình cần phải cho người khác thấy và tin mình có năng lực phù hợp.
- Tại sao?
Vì mình cần việc làm phù hợp với mình.
- Tại sao (lặp rồi)?
Vì mình cần sống, cần việc phù hợp để mình có thể phát triển bản thân.
À, ở đây có 1 cái nature of truth là: Mình cần phải sống
- Vậy hỏi tiếp vế còn lại: Tại sao mình phải phát triển bản thân?
Vì nó là điều kiện để mình có vị trí và công việc tốt.
- Tại sao mình cần vị trí và công việc tốt?
Vì để mình có thể có cuộc sống tốt.
À, lại một cái nature of truth đây: Vì để mình có thể có cuộc sống tốt.
...
Rồi vậy gom tất cả lại mình sẽ có một sơ đồ như thế này:
Để có cuộc sống tốt ➨ Cần có công việc tốt ➨ Mình phải phát triển bản thân ➨ Mình cần có việc làm phù hợp ➨ Mình cần để cho công ty biết mình có năng lực phù hợp với họ không ➨ Mình cần phải có Resume.
...
Giờ thì bắt đầu với câu: Ngoài ra (upward verify)
- Có cuộc sống tốt , ngoài việc có công việc tốt còn có gì nữa? 
Tức là ở đây có một nhánh khác mà mình có thể làm. Câu trả lời sẽ khác với từng người. Ví dụ: đi tu
- Để có công việc tốt, ngoài việc phát triển bản thân thì cần làm gì ?
Đẹp trai? Tuỳ thôi.
- Để phát triển bản thân, ngoài việc có việc làm phù hợp, thì còn có thể làm gì? 
Ái chà, cả đống nhé.
- Để có việc làm phù hợp, ngoài việc để công ty biết mình có năng lực phù hợp với họ không, còn có thể làm gì khác?
...
Để công ty biết mình có năng lực phù hợp không, ngoài Resume mình có thể làm gì khác?
...
Khi trả lời được hết các câu hỏi đó, bạn sẽ thấy được có những hướng mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Đôi khi lại không cần viết Resume nữa cũng nên.
Có 1-2 phần ở trên, là mình bổ sung ngay sau khi mình làm cái này đó.

9/ Lời kết

- Bài dài hơn hắn nghĩ, con chó đã dậy, chơi ăn và ngủ thêm được 1 lần rồi.
- Ban đầu, tính ghi là từ tiếng Fap, nhưng nó mất đi tính nghiêm túc, nên đành phải ghi tiếng Pháp. Thế nhưng cứ ngứa ngáy thế nào ấy, phải ghi lại ở đây.
- Nếu có ai thắc mắc về cái 5 whys ở trên, thì đó là cách suy nghĩ có tên là: First principles, giải thích mọi thứ dựa trên Nature of Truth của Aristotle. Cách suy nghĩ này được Elon Musk là người vận dụng nó rõ nhất.  Ví dụ:
- Để giải quyết việc tắc đường, tại sao mình lại cứ giải quyết vấn đề nó trên bề mặt 2D, trong khi mình đang sống song chiều không gian 3D. Thế là ý tưởng về network of*3D*tunnels ra đời.
- Hồi nhỏ ông ấy muốn lên vũ trụ chơi. Ổng dùng cách suy nghĩ này rồi mới ra cách tự làm tên lửa ấy.
Hay làm 1 bài viết về First Princiles nhỉ? :D
Hết thiệt :D