Mình từ trước đến nay vẫn luôn tự ti vì là một đứa lộn xộn, hổ lốn, đầy mâu thuẫn và hỗn loạn trong cả suy nghĩ lẫn hành động. Thời đi học thì mình thích toán, nhưng cũng yêu cả văn, thích hỏi nhưng lại ngại trả lời, muốn kết bạn nhưng lại lười giao tiếp, thích viết nhưng lại cực kỳ ghét đọc. Mình vừa thích làm việc với con người, lại vừa thích làm việc với con số. Và sau 21 năm nhào nặn bởi sự thập cẩm đó, một thằng bé cái gì cũng biết một tí nhưng lại chả biết rõ cái gì ra đời. Mình đi tìm mãi, tìm một thứ để có thể thỏa mãn hết tất cả sự kỳ vọng của bản thân. Khi chọn học kinh tế, mình buồn, buồn vì không thể hiểu sâu hơn về khoa học trái đất, vật lý lượng tử, không gian năm chiều hay thuyết tương đối, thứ mà một thời mình đã từng ‘đam mê’, buồn vì không thể biết thêm về tâm lý học, xã hội học để nhìn sâu hơn vào thế giới quan của mỗi người, các mối quan hệ vô hình, khó nắm bắt nhưng đầy sức nặng, một nhánh khoa học mà mình thấy ‘cực kỳ thú vị’ và màu mỡ, buồn vì đã trót bỏ lỡ mất cả một kỷ nguyên về trí tuệ nhân tạo, lập trình hay cả một hệ tư tưởng về tôn giáo, chính trị và triết học ẩn sau những tác phẩm văn chương, điện ảnh. Mình khao khát hiểu về thế giới xung quanh, cách mà nó vận hành từ những chi tiết nhỏ nhất, có lẽ đây cũng là lý do mà khủng hoảng hiện sinh luôn là một người bạn tốt đối với mình.
I am a mess

Thế đấy, mình thích hết và muốn hết, không một ngoại lệ, nhưng mình lỡ chọn kinh tế mất rồi, làm gì còn cơ hội để hiểu thêm về thế giới này một cách trọn vẹn như mình từng mong muốn nữa? Thậm chí ngay cả trong nội bộ ngành kinh tế cũng có hàng chục nhánh nhỏ, biết đi theo hướng nào? Bây giờ muốn đổi ngành thì khó, tự học thêm cũng không còn đủ thời gian. Thôi thì khó quá bỏ qua, nên mình chả học cái gì và ngồi chơi game đến 3h sáng.
Thế nhưng chả hiểu thiên thời địa lợi như nào, chỉ nhờ một bộ phim, một bài báo về tâm lý học kèm theo một status đến từ một người bạn đã lâu không gặp, một luồng suy nghĩ mới đã đến với mình, kỳ quặc nhưng hợp lý:
Hỗn loạn thì đã sao? Mông lung đâu phải là tệ?
Khi mình ngồi xem bộ phim tối hôm đó, máu tò mò của mình lại nổi lên. Tại sao cứ khi nào quay đến nhân vật phản diện thì mắt họ thường ở nửa dưới của màn hình và nhìn lên nhỉ? Chẳng phải đây là một hiệu ứng tâm lý học mà mình từng đọc ở đâu đó rồi sao? Khi bị người khác nhìn từ một góc không giống bình thường (nhìn thẳng), ví dụ như khi ai đó nhìn bạn từ dưới cằm của bạn nhìn lên, bạn sẽ có xu hướng bất an và cảm giác bị theo dõi. Tại đây thì chẳng phải điện ảnh và tâm lý học đã giao thoa thành một thể thống nhất rồi sao, thì ra cuối cùng mọi thứ mà mình đang cố gắng theo đuổi đều hội tụ tại một điểm, chỉ là con đường đến đó ngắn hay dài mà thôi.
Lúc này mình chợt nhận ra một điều, mọi tri thức nhân loại đều bắt đầu tại một nơi (triết học), và kết thúc tại cùng một điểm mà trí tuệ con người chưa đủ phát triển để có thể nhận ra được. Thế là mình ngồi nghĩ và nhớ ra rằng hình như quan điểm này đều đã xuất hiện ở mọi môn khoa học mà mình từng tìm hiểu.
Như trong thuyết định lượng không thời gian của Newton và Einstein, không thời gian có hình quả lê, bắt nguồn lại một điểm (Big Bang) và cũng sẽ kết thúc tại một điểm.
Hay là trong nhạc Trịnh, hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi một mai tôi trở về làm cát bụi.
Hoặc thậm chí cả tôn giáo học khi nhắc đến những khái niệm như luân hồi.
Cùng với dòng suy nghĩ miên man đó mà lướt facebook, thì bất chợt status của người bạn đó cùng với việc phân tích tác phẩm “Bến Quê” của Nguyễn Minh Châu hiện lên với hình ảnh của nhân vật Nhĩ cứ mơ tưởng nhìn ngắm thế giới nhưng không nhận ra rằng ‘thế giới’ chỉ cách anh có một chuyến đò.
Chúng ta khi còn nhỏ ai cũng thường có những câu hỏi tại sao. Tại sao đèn đỏ thì lại là dừng, đèn xanh là đi mà không phải ngược lại? Tại sao gà lại đẻ trứng mà chó mèo thì lại không? Tại sao có người giàu và người nghèo? Tại sao và tại sao. Những câu hỏi đó dần biến mất khi chúng ta lớn lên và được thay thế bởi tiền, cuộc sống và các mối quan hệ chằng chịt, nhưng có những người vẫn luôn đặt ra những câu hỏi đó. Họ trở thành những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hay nghệ sĩ.
Thế là mình lại quay trở về với kinh tế học, kinh tế học hành vi cũng tìm hiểu về tâm lý con người đó thôi, các campaign marketing cũng ứng dụng cảm xúc, hội họa để thu hút người tiêu dùng mà, và không phải mình cũng dùng đến rất nhiều toán học hay sao. Có lẽ kinh tế học chính là nơi mà mình nên xuất phát, bởi như đã nói, mọi kiến thức nhân loại đều hội tụ tại một điểm. Dù cho các bạn có học lập trình, nhân học hay kinh tế, thì khi các bạn đủ kiến thức trong những bầu trời đó, các bạn cũng sẽ hiểu hết cách mà thế giới này vận hành thôi. Bởi vì suy cho cùng, mọi con đường đều dẫn tới Rome và nếu bạn không biết bạn đang đi đâu, thì đi đâu cũng tới.
Thế nên, lộn xộn cũng chả sao, mâu thuẫn cũng chẳng tệ, cứ mông lung đi, rồi cuộc đời sẽ tự đưa bạn tới đích.