Là một người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp, trong một khoảng thời gian tương đối dài mình luôn tự hỏi liệu bản thân rằng liệu có nên rèn luyện kỹ năng trước khi học về kiến thức, nghiên cứu tư duy làm việc hay không. Tư duy ở đây mình xin phép thu hẹp ở phạm vi cá nhân, làm việc trong cách ngành nghề sáng tạo hoặc các ngành liên quan đến thủ công. Bạn làm việc độc lập và tạo ra một sản phẩm độc lập.
Giới thiệu một chút về bản thân, mình đã học xong bậc Đại học ở Việt Nam. Trong lúc chờ kết quả bậc thạc sỹ, mình có đi làm tầm một năm ở một văn phòng kiến trúc tại Hà Nội. Mình dành thêm hai năm học Thạc sỹ tại Ý và hiện giờ mình đang thực tập ở một văn phòng kiến trúc ở Đan Mạch. Không khí làm việc ở Đan Mạch khá chill cộng thêm với việc không bị ô nhiễm... tiếng ồn, vì thế mình có một khoảng thời gian nhất định để suy ngẫm về những chuyện đã xảy ra, và cả những chuyện sắp tới nữa.
Quay lại thắc mắc ở phần mở bài, mình có thể thấy ngay được điểm yếu cực lớn của việc thiếu kĩ năng. Mình cần có đủ kĩ năng và kiến thức để có thể hoàn thành một công việc nào đấy. Với những người mới bắt đầu theo đuổi một nghề nghiệp chuyên nghiệp thì sẽ đều bị thiếu cả hai. Góc nhìn cá nhân của mình về một người chuyên nghiệp lý tưởng là việc họ chạm đến đỉnh cao của cả kiến thức/tư duy và kỹ năng. Khi xem một bức tranh đẹp, ngoài quan sát dụng ý tác giả muốn gửi gắm, thường mình cũng sẽ để ý cả bút pháp cá nhân của họ nữa.
Rembrandt, The Night Watch, 1642, bảo tàng Rijks, Amsterdam. Bút pháp siêu đặc thù của Rembrandt khiến ông trở thành bậc thầy trong việc diễn tả cảm xúc nhân vật và ánh sáng
Rembrandt, The Night Watch, 1642, bảo tàng Rijks, Amsterdam. Bút pháp siêu đặc thù của Rembrandt khiến ông trở thành bậc thầy trong việc diễn tả cảm xúc nhân vật và ánh sáng
Câu trả lời với mình là: khoảng thời gian mà kỹ năng của mình có thể nói là kém hơn nhiều so với các bạn đồng môn là lúc mà mình khám phá được nhiều thứ nhất, hiểu thêm về bản thân và biết mình muốn làm gì trong tương lai.
Sau đây là lý do cho câu trả lời trên :D
1. Bạn sẽ không sa đà vào việc tìm cách để làm mọi thứ vận hành - how to make things work
Vì việc mình biết quá nhiều kỹ năng ở thời điểm quá sớm sẽ dẫn đến việc mình cho rằng giá trị của mình nằm ở kỹ năng mà quên đi thực chất giá trị của thứ mình làm lại không phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Để ý lúc chúng ta đi xin việc, nếu bạn làm ở lĩnh vực công nghệ thông tin, JD luôn bắt đầu là: yêu cầu biết sử dụng các ngôn ngữ lập trình cơ bản như JavaScript, Python, C, et cetera. Tìm việc ở ngành thiết kế đồ họa thì biết phần mềm thiết kế - Adobe Illustrator, Photoshop, Indesign, vân vân và mây mây. Đấy, nếu đọc qua thì mình có thể nghĩ là nếu mình mà thông thạo tất cả những kỹ năng này, cơ hội mình tìm được việc làm sẽ cao hơn, đúng không nhỉ?
Một Job Description(JD) điển hình trên LinkedIn
Một Job Description(JD) điển hình trên LinkedIn
Xin thưa là đúng. Đúng là ở nơi mình từng làm và cả văn phòng mình làm việc hiện nay, việc thành thục các kỹ năng từ cơ bản đến phức tạp khiến cho công việc của mình suôn sẻ hơn rất nhiều. Cũng phải thừa nhận một sự thật là môi trường học và làm việc khắc nghiệt ở Việt Nam giúp mình có lợi thế hơn chút đỉnh so với các bạn thực tập sinh quốc tế khác.
Giả dụ bạn mới mở một cửa hàng sửa khóa. Vấn đề của khách hàng: Mất chìa khóa và phải làm một cái mới. Bạn tập trung vào kỹ năng, nghĩa là bạn là người cố gắng làm chìa khóa nhanh nhất, đẹp nhất, cắt sao chuẩn kỹ thuật nhất - và đương nhiên nếu có cuộc thi "làm khóa nhanh mà đẹp" thì bạn sẽ về nhất :P
Nhưng điều quan trọng ở đây là cái khóa này có thể mở được cái hòm chứa những thứ bí mật của khách hàng hay không :) - một chiếc chìa khóa có giá trị. Để mở được hòm, bạn cần biết kích thước khóa, loại khóa, vật liệu làm ra chiếc khóa đó và quan trọng là cách cắt khóa như thế nào để có thể mở được nó. Từ một trăm khách hàng, chúng ta sẽ có một trăm cái đề bài chìa khóa khác nhau. Vì thế thứ nên học là nguyên lý để xử lý vấn đề, kiến thức và tư duy để hoàn thành công việc đề ra. Bạn có thể không phải là người làm ra chiếc khóa đẹp nhất, nhưng sau cùng bạn là người có thể tạo ra chiếc khóa có thể sử dụng được.
2. Bạn sẽ học kỹ năng nhanh hơn khi đã học cách tư duy trước Thời gian đi học tuy dài nhưng thật ra rất ngắn. Tuổi trẻ là khoảng thời gian vàng để mình dành nhiều thời gian luyện tập và trải nghiệm. Vì vậy, trước khi dành phần lớn thời gian ban đầu quý giá này để học cách rèn dũa cái khóa cho vừa đẹp vừa chuẩn theo sách giáo khoa (nhấn mạnh là phần lớn, vì kĩ năng cũng quan trọng như mình đã nói ở trên), mình học "tư duy" làm cái khóa trước sao cho nó phát huy được tác dụng - là mở khóa. Khi có tư duy, biết phải làm gì để tạo dựng giá trị, thì mình sẽ biết chính xác mình cần bổ sung thêm kỹ năng gì. Như vậy khoảng trống kỹ năng sẽ được lấp đầy nhanh và hiệu quả hơn nhiều, tiết kiệm cả về mặt thời gian lẫn vật chất để đầu tư vào việc học kĩ năng đó.
Học thì nên đi đôi với hành. Việc mình biết phải dùng kỹ năng vừa học vào một công việc cụ thể nào đó sẽ giúp bạn luyện tập và dễ dàng làm chủ kỹ năng đấy hơn so với việc đi học tất cả các kỹ năng rồi chẳng có điều hiện thực hành để ghi nhớ cả.
Mình cũng phải thừa nhận một điều là đã có một vài kỹ năng mình từng dành một khoảng thời gian tương đối để học nhưng chẳng bao giờ dùng lại :) Đơn giản là mình tìm thấy nhiều kỹ năng phù hợp hơn và có ích hơn cho sự phát triển bản thân mình sau này.
Sau vài năm cầy cuốc trong lĩnh vực này thì mình đã quá lười và ... đau lưng khi dựng mô hình tay thủ công . Thay vì vậy mình viết script để tự động chạy ra mô hình 3d cho dự án.
Sau vài năm cầy cuốc trong lĩnh vực này thì mình đã quá lười và ... đau lưng khi dựng mô hình tay thủ công . Thay vì vậy mình viết script để tự động chạy ra mô hình 3d cho dự án.
3. Bạn sẽ sáng tạo hơn vì... thiếu kỹ năng
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng chính vì thiếu thốn kỹ năng nên mình mới trở nên sáng tạo, do phải tìm cách để tạo ra sản phẩm với một vốn liếng hữu hạn. Trong suốt thời gian Đai học kéo dài năm năm của mình, từ năm hai đến năm tư là khoảng thời gian mình tập trung đọc sách, nghe giảng, đi thi các cuộc thi kiến trúc lớn nhỏ để trau dồi thêm tư duy thiết kế. Đôi khi mình cảm thấy việc mình thiếu kỹ năng là một sự vô cùng thiệt thòi vì như vậy nghĩa là mình bị giới hạn rất nhiều về mặt thể hiện ý tưởng. Mỗi bước đi mình làm đều phải tính toán trước, vì kỹ năng giới hạn nên tốc độ làm việc sẽ chậm hơn nhiều so với các bạn khác. Khi mình suy nghĩ một vấn đề đủ lâu, giải pháp mình đưa ra thường sẽ sâu sắc và chuẩn xác hơn nhiều so với việc làm rất nhanh một thứ rồi tự cho rằng mình đã hoàn thành công việc. Bây giờ khi nhìn lại, mình có thể tự tin nói rằng tư duy thiết kế của mình hiện tại được xây dựng khá vững chắc từ những năm tháng vật lộn đấy.
Kết:
Kỹ năng hay kiến thức tuy khác nhau nhưng đều quan trọng và cần dành nhiều thời gian và công sức để rèn dũa và tìm ra thứ phù hợp cho bản thân. Chúc các bạn giữ được lửa cháy bền bỉ, sớm tạo ra được những kiệt tác của riêng mình nhé!