“Nam tính” có thể được định nghĩa đơn giản là “tính cách của nam giới”. Tuy nhiên, như bài viết trước, chúng ta đã biết rằng bản chất là “động” và việc tri giác các khái niệm khó khăn như thế nào.
Tình huống đặt ra là ta có thể tri giác đầy đủ về “nam tính” không? Và nếu có thì thực hiện như thế nào? Thiết nghĩ, có một vài hướng tư duy sau:
(i) “nam tính” là những tính cách chung, có mặt ở tất cả nam giới.
(ii) “nam tính” là những tính cách đặc trưng chỉ có ở nam giới (để phân biệt với nữ giới và/hoặc các giới khác).
(iii) “nam tính” là những tính cách chung, có mặt ở đa số nam giới.
Dễ thấy, tư duy (i) là không khả thi bởi rõ ràng không thể tri giác tính cách của TẤT CẢ nam giới để rút ra tính cách chung;
Tư duy (ii) có vẻ gần với đi tìm “bản chất” nhất, tuy nhiên cũng không khả thi do các đặc tính không đơn giản mang tính nhị nguyên; không thể chỉ ra đặc trưng tính cách RIÊNG CÓ ở nam giới mà nữ giới không có.
Tri giác theo tư duy (iii) tỏ ra hiệu quả và khả thi hơn vì ta chỉ cần một số lượng tương đối nam giới sau đó khái quát hoá nó theo “đa số”. Tuy nhiên, cách tư duy này sẽ bỏ qua các đặc điểm của thiểu số và bản thân tiêu chí “đa số” để rút ra nét tính cách chung cũng không phải đã rõ ràng. Ví dụ nét tích cách có ở 95% số nam giới được quan sát thì hẳn được coi có tính đại diện nhưng nét tính cách có ở 51% nam giới được quan sát thì đã đủ để đại diện hay chưa? Sự không rõ ràng cũng dẫn đến hệ quả là người ta còn bổ sung thêm các tiêu chí phụ (thường là tích cực) để rút thành các đặc tính như: dũng cảm, mạnh mẽ, chủ động, hay đôi khi là cả những tiêu chí không liên quan đến tính cách như tài năng, thu nhập, v.v... Lúc này, khái niệm “nam tính” không đơn thuần là thứ tính cách được rút ra từ nam giới (tri giác từ thực tế khách quan) mà đã trở thành sự phóng chiếu, những khuôn mẫu để áp đặt lên nam giới.

Trong những xã hội cũ, quyền cá nhân chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ, vai trò của mỗi cá nhân chỉ được quan sát và đánh giá trong tập hợp lớp người giống họ, lối tư duy phổ quát được áp dụng một cách triệt để và những khái niệm khuôn mẫu như trên cũng theo đó được thừa nhận rộng rãi. Ví dụ về giới ta có tam cương – ngũ thường cho nam; tam tòng – tứ đức cho nữ. Việc quản lý con người theo các khuôn mẫu này từng một thời được coi là chân lý để thiết lập trật tự xã hội; tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh con người thì không phải là máy móc.
Chính trong thế kỷ này, khi quyền cá nhân được đề cao và đánh giá, nhìn nhận một cách sâu sắc, nhóm người thiểu số mà đặc tính của họ không được thừa nhận trong khái niệm mới có thể cất tiếng nói. Ví dụ xã hội có 95% nam giới “dũng cảm” và 5% còn lại không được “dũng cảm” bằng thì số 5% mang đặc tính “thiếu dũng cảm” cũng muốn được ghi nhận đầy đủ khi nói về “nam tính”; hay nói cách khác, họ muốn sự tri giác đầy đủ (theo tư duy (i)) thay vì sự khái quát, khuôn mẫu cổ điển (theo tư duy (iii)). Lúc này, các khái niệm, các khuôn mẫu cũ từng thống trị giờ đây bị đả phá, bị nghi ngờ về tính chính xác.
Khoan nói chuyện ai đúng ai sai, ta dễ bắt gặp những người theo tư duy cổ điển sẽ nói rằng khái niệm "nam tính" của họ bao nhiêu năm vẫn dùng tốt và kết luận phe thiểu số là không đủ nam tính; ngược lại những người thiểu số lại khẳng định nam là giới tính của họ và họ không cần theo khuôn mẫu, vì thế khái niệm "nam tính" phải thay đổi. Cãi nhau có thể dông dài nhưng nếu từ đầu không làm rõ được hai bên đang nói về “nam tính” nào, có bao gồm đặc điểm thiểu số hay không thì quả thực sự tranh cãi đó chưa làm rõ được mâu thuẫn chính yếu và sẽ chẳng đi đến đâu.
Cố bàn đến đây mà không bàn thêm về khái niệm “nam tính độc hại” thì quả là thiếu sót. Về nguyên gốc, người viết hiểu rằng phe đả phá “nam tính” cổ điển đề xuất khái niệm “nam tính độc hại” để gạn lọc những thứ họ muốn xoá bỏ khỏi khuôn mẫu “nam tính” cổ điển, qua đó tái tạo lại khái niệm “nam tính” mới. Theo cách hiểu này, cần làm rõ:
- “Nam tính độc hại” không phải mặt tiêu cực của “nam tính” mà nên hiểu là: thứ độc hại không phải nam tính nhưng lại được coi là nam tính.
- Với người cải cách thì “nam tính độc hại” không phải nam tính.
- Với người cổ điển thì “nam tính độc hại” là “nam tính” nhưng đã đi đến cực đoan, xấu xí.
Có thể thấy sự trái ngược trong định nghĩa của hai bên nhưng không cần biết bạn theo phe nào, cái gì đã cực đoan, xấu xí thì cần đấu tranh loại bỏ.
Ví dụ có bạn lập luận rằng bạo lực là bản tính của nam giới (nam tính) và nó có mặt tốt mặt xấu nên bảo nam giới không bạo lực xấu cũng giống như bảo nam giới đừng nam tính vậy => Đây là một nhầm lẫn. Bạo lực = nam tính thì đúng, nhưng bạo lực xấu-tốt là do người dùng chứ không liên quan gì đến nam tính hay không; nhiều anh em cơ bắp nhưng không phải anh em nào cũng đánh vợ. Nói cách khác, sự độc hại cần chống lại là cái khuôn mẫu đổ tất cả cho ông trời “bạo lực xấu = nam tính”.
Có bạn lập luận rằng háo sắc là xấu, nhưng cũng là bản tính của nam giới, không chống lại được => Kỳ thực tôi cho rằng các chị em cũng rất mê giai đẹp nhưng có lẽ không bàn đến ở đây; vấn đề là bản tính xấu nói chung nếu đã thuộc về “nam tính” thì đều không phải đối tượng của “nam tính độc hại” theo phe cải cách lẫn phe cổ điển. Bởi ta chỉ loại bỏ cái rìa cực đoan chứ không đụng vào cái lõi bản chất định hình lên nam tính nên hoàn toàn có thể chống lại được; ví như lửa có thể gây chết người nhưng người ta vẫn sử dụng lửa trong cuộc sống và có các biện pháp phòng cháy chữa cháy đi kèm.
Bài viết mượn cảm hứng từ câu chuyện nam tính gần đây, nhưng thực ra cũng có thể áp dụng chung khuôn mẫu tư duy cho một số tranh cãi xã hội khác như phong trào nữ quyền, phong trào đa dạng giới, phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo v.v…

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
nguyenhnv
Ặc... tôi là người được chọn, hờ hờ... Nói thật là tranh luận với bạn rất là nhọc mà tôi thì rất là lười.
Tại sao tranh luận với bạn rất là nhọc ?
Thứ nhất là bởi vì khi tranh luận với bạn rất dễ dẫn đến tình huống "ông nói gà bà nói vịt" do sự rối rắm trong khái niệm của bạn. Ví dụ cái vụ háo sắc, tôi cho rằng háo sắc là độc hại thì bạn lại kêu là cái gì cũng có 2 mặt. Ơ kìa... tôi đang đề cập đến đặc tính chứ không phải phương diện, đây là 2 khái niệm khác nhau, và rõ ràng chúng ta đang tranh luận về "tính" chứ không phải "diện" aka "mặt". Tựa như thuốc độc dù có 2 mặt thì vẫn cứ mang độc tính chẳng hạn. Rồi, xem như quá quan cái vụ háo sắc là độc hại đi. Theo dòng tranh luận cũ, háo sắc là nam tính. Như vậy ta có tam đoạn luận: "háo sắc là nam tính độc hại". Bạn lại vẫn không chịu, bởi vì điều này không đúng với khái niệm mới về "nam tính độc hại" mà ai đó vừa mới khịa ra trong thời gian gần đây. Nhọc hay không nhọc ? Dùng cùng một từ nhưng không nói về cùng một thứ là do từ đồng âm khác nghĩa chứ không phải cái kiểu khịa ra một khái niệm mới rồi bóc nhãn khái niệm cũ đem dán qua như vậy.
Thứ hai là cách bạn lập luận nhiều khi rất là phi logic. Cái này thì đầy ra. Đơn cử cái vụ "chẳng có cái bản chất nào cả". Sau một hồi dài dòng và vẫn cái kiểu rối rắm khái niệm, đánh đồng bản chất và tính chất, bạn đúc kết: "bản chất có thật, tồn tại khách quan". Sau đó bạn thòng thêm "nhưng danh sách các tính chất ấy nó cứ dài ra, dài ra mãi mỗi khi ta thêm vào một phép thử". Theo như cách lập luận của bạn thì bởi vì "nhưng abc xyz..." cho nên dù bản chất có thật và tồn tại khách quan thì vẫn cứ là "chẳng có cái bản chất nào cả". Thật là logic quá đi mà ! Nhọc hay không nhọc ?
- Báo cáo
IceBear
Cũng bởi phần bình luận giới hạn và nhiều thứ không thể trình bày đủ nên tôi mới viết bài này. Dù sao cũng cảm ơn bạn đã bỏ công đọc và đóng góp ý kiến.
Thứ nhất, bạn đưa ra tam đoạn luận "háo sắc = nam tính"; "háo sắc = độc hại" để kết luận "háo sắc = nam tính độc hại". Nhưng như đã nói ở phần tranh luận trước, cũng như giải thích trong bài viết này thì "nam tính độc hại" trong tam đoạn luận của bạn và "nam tính độc hại" của phong trào định hình lại nam tính là khác nhau. Nếu bạn không cố gắng đồng nhất hai khái niệm này thì giữa tôi với bạn thực tế không có vấn đề gì đáng để tranh luận. Dù nếu bạn muốn, tôi vẫn có thể phản biện nhiều thứ về tam đoạn luận của bạn như (i) "háo sắc" chưa chắc đã là "nam tính" hay (ii) "háo sắc" không phải "độc hại".
Thứ hai, việc bạn trích ngang "chẳng có cái bản chất nào cả" sẽ tách rời bối cảnh và làm sai lệch luận điểm ban đầu. Cụ thể luận điểm được nêu ra trong bài viết của tôi là: Bản chất có thật và tồn tại khách quan nhưng do giới hạn của năng lực, con người không bao giờ có thể tri giác được trọn vẹn bản chất; hay nói cách khác "không có cái bản chất nào thuộc về tư duy cả".
- Báo cáo
nguyenhnv
Tôi không hề cố gắng đồng nhất hai khái niệm này. Chẳng qua thực chất chúng chính là một: nam tính độc hại là nam tính độc hại, cho nên bạn mới có ảo giác rằng tôi đang làm như thế. Có thể tôi và cái phong trào gì đấy diễn giải khác nhau nhưng cái khái niệm mà cụm từ này thể hiện chắc chắn không khác nhau. Giống như 5 người mù xem voi, bạn không thể nói rằng con voi của người này không phải là con voi của người kia được. Nếu bạn phản biện về 2 vấn đề kia thì mới đúng trọng tâm thay vì sa đà vào việc tranh luận ngữ nghĩa nhàm chàn này. Khổ nỗi chúng ta bắt buộc phải sa vào vì đang "ông nói gà bà nói vịt". Vậy cho nên tôi mới cảm thấy nhọc.
Bạn cũng nên lưu lại bài viết "bản chất là… chẳng có cái bản chất nào cả". Bây giờ tôi nói thì bạn không phục đâu. 5 hay 10 năm sau bạn đọc lại để mà cảm khái rằng, thì ra mình đã từng viết một bài như thế. Âu cũng sẽ là một hồi ức thú vị và đáng nghiền ngẫm.
Dù sao cũng cảm ơn bạn đã tích cực đóng góp bài viết !
- Báo cáo
IceBear
Xin lỗi bạn nhưng người "nhọc" là tôi cơ. Vì dù rằng tôi đã trình bày rõ khái niệm của mình, bạn biết khái niệm của bạn khác tôi nhưng bạn vẫn cố để gán chúng là một; chỉ vì chúng viết giống nhau? đọc giống nhau? Tựa như tôi nói bạn đưa tôi "con chuột" thì bạn bắt "con chuột" đưa tôi rồi nói "chuột" nào chả là "chuột" à. Thà bạn tranh luận rằng khái niệm của bạn đúng hơn và tôi nên dẹp khái niệm của tôi đi thì đã là một nhẽ, đằng này bạn lại đang không thoát được khuôn khổ của ngữ nghĩa. Vì không có sự tranh luận thực chất như vậy nên tôi xin dừng lại.
Bài viết này, cũng như bài viết về "bản chất" tôi vẫn để vậy thôi. Bạn có thể nghiền ngẫm lại những bình luận của mình khi có thời gian.
Thân!
- Báo cáo