Indie là chữ viết tắt của từ “Independent” và đây là một dòng nhạc có tinh thần trái ngược với pop. Nếu pop mang tính đại chúng thì Indie được gắn liền với khẩu hiệu “DIY“ (Do It Yourself) ngay từ buổi đầu xuất hiện vào những năm 80 và 90. Chính đặc tính độc lập của dòng nhạc này đã thu hút các nghệ sĩ, nhóm nhạc vô danh tìm đến và tự do “vùng vẫy”, thể hiện cá tính riêng và sự sáng tạo trong âm nhạc, hầu như không bị giới hạn trong một khuôn mẫu nào cả. Bằng dữ liệu thu thập được từ Spotify, hôm nay mình sẽ viết một bài phân tích về làng nhạc Indie Việt Nam, để xem có điều gì thú vị dưới góc nhìn của dữ liệu.
Tiêu đề bài viết là “bức tranh toàn cảnh” nhưng chắc chắn là không thể phân tích được toàn bộ mọi khía cạnh, cơ bản là không nghĩ ra được cái tên nào hay hơn nên thôi cứ đặt vậy :)). Chưa kể Indie cũng là một khái niệm khá mơ hồ, góc nhìn về việc nghệ sĩ này có phải là Indie hay không còn tùy thuộc vào mỗi người, thế nên chắc chắn list nghệ sĩ Indie Việt mình sử dụng để phân tích sẽ phần nào mang tính chủ quan, mặc dù mình đã tham khảo trên Internet lẫn sử dụng thuật toán tìm nghệ sĩ liên quan trên Spotify để cập nhật thêm cho đầy đủ. Hơn nữa, mình loại bỏ bớt một số nghệ sĩ Indie quá nổi tiếng (với lượt follow trên Spotify lớn hơn 500.000) và đã ký hợp đồng hợp tác với các công ty âm nhạc lớn để đảm bảo tính “không mainstream” của dòng nhạc này, đồng thời cũng bỏ qua các nghệ sĩ Indie quá ít người nghe (vì số lượng rất nhiều, thu thập và phân tích không xuể). Nếu chẳng may bài phân tích thiếu đi nghệ sĩ Indie yêu thích của bạn, thì hãy góp ý và chia sẻ ý kiến dưới phần comment nhé, mình sẽ bổ sung vào bài viết.

I. Sự phổ biến của các nghệ sĩ Indie

Spotify có một đại lượng rất hay sử dụng cho cả nghệ sĩ, album phát hành lẫn bài hát, đó là popularity (sự phổ biến). Popularity được tính bằng thuật toán dựa trên tổng số lần bài hát được nghe và mức độ được nghe gần đây của bài hát đó. Từ đó Spotify có thể tính mức độ popularity cho cả nghệ sĩ. Dưới đây là biểu đồ về popularity kèm theo số follower của các nghệ sĩ Indie Việt.
Biểu đồ popularity của các nghệ sĩ
Biểu đồ popularity của các nghệ sĩ
Dẫn đầu BXH về popularity là những cái tên như Thịnh Suy, Madihu và Ngọt. Đường màu xanh đậm (trục y bên phải) tương ứng với số liệu về số follower cho ta thấy không nhất thiết cần nhiều follower để có chỉ số popularity cao, một số nghệ sĩ như Madihu, 14 Casper, Thành Đồng và WEAN đã chứng minh cho luận điểm trên. Điều này có thể được giải thích là do xu hướng collab hoặc featuring với các nghệ sĩ nổi tiếng khác, ví dụ như là Madihu và Đen trong “Hai Triệu Năm”, Thành Đồng và Đen và Vũ trong “Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em”. Càng về cuối biểu đồ thì các nghệ sĩ đều có số follower lẫn chỉ số popularity thấp.

II. Sự phổ biến của các bài hát Indie

Biểu đồ popularity của các bài hát kèm theo số ngày được lưu hành
Biểu đồ popularity của các bài hát kèm theo số ngày được lưu hành
Phần lớn các bài hát dẫn đầu BXH là của một số nghệ sĩ vốn đã khá nổi tiếng trong giới nghe nhạc Indie như là Thịnh Suy, Trang, Tùng, Kiên Trịnh, Ngọt. Top 1 biểu đồ là bài hát “Cô Nàng Khác Người” của Pixel Neko với chỉ số popularity là 98 mặc dù đã 3 năm từ lúc lên sóng trên Spotify. Đường màu xanh đậm (trục y bên phải) tương ứng với khoảng thời gian từ lúc bài hát được phát hành trên Spotify cho đến thời điểm hiện tại. Có một số bài hát mặc dù đã ra mắt từ vài năm trước nhưng vẫn có chỉ số popularity rất cao như là “Chênh vênh” của Lê Cát Trọng Lý (hơn 8 năm) và 4 bài hát trong album “Ng’bthg” của Ngọt (hơn 4 năm), chứng tỏ âm nhạc của Ngọt nói chung và album “Ng’bthg” nói riêng có một sức sống vô cùng mãnh liệt theo thời gian.

III. Đồ thị tổng quan về popularity

Đồ thị heatmap sau sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan nhất về chỉ số popularity của tất cả bài hát và nghệ sĩ.
Biểu đồ heatmap chỉ số popularity của tất cả nghệ sĩ lẫn bài hát
Biểu đồ heatmap chỉ số popularity của tất cả nghệ sĩ lẫn bài hát
Một chút giải thích về đồ thị trên:
_ Từ trên xuống dưới, các nghệ sĩ được sắp xếp theo chỉ số popularity, càng đứng ở trên thì càng phổ biến.
_ Từ trái sang phải, toàn bộ bài hát của mỗi nghệ sĩ được sắp xếp cũng theo chỉ số popularity thể hiện bằng các ô chữ nhật nhỏ với màu sắc khác nhau, màu càng đỏ thì càng phổ biến, ngược lại với màu xanh.
_ Ngoài cùng bên phải là thanh tra cứu màu sắc của các ô vuông, giá trị popularity trải dài từ 0 đến hơn 60, càng cao thì càng đỏ và ngược lại.
Nhìn vào biểu đồ này, chúng ta có thể so sánh dễ dàng chỉ số popularity và số lượng bài hát của các nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ sở hữu số lượng bài hát khổng lồ như là Cá Hồi Hoang, Lê Cát Trọng Lý với hơn 100 bài, một vài nghệ sĩ khác thì số tác phẩm lại rất khiêm tốn như Cheung, Tiên Fami. Quan sát kĩ, dường như chỉ số popularity của các nghệ sĩ phụ thuộc vào mật độ dày đặc của các ô vuông màu đỏ, nghĩa là chỉ cần có một vài bài hát viral là điểm số popularity của nghệ sĩ đó sẽ bay cao, không quan trọng số lượng tác phẩm đang hiện diện trên Spotify.
Sắc độ của các thanh ngang cũng cho ta cái nhìn tổng quan về từng nghệ sĩ, VD như Lê Cát Trọng Lý và Cá Hồi Hoang có thanh rất dài và màu sắc nhạt, chuyển màu đều, thể hiện khả năng sáng tạo dồi dào khi có thể tạo ra một kho sản phẩm nghệ thuật đồ sộ nhưng chất lượng vẫn rất ổn định. Một số nghệ sĩ khác cũng có thanh ngang tương tự mặc dù chiều dài ngắn hơn như là Ngọt, Trang, Kiên Trịnh, Thái Đinh, … Những nghệ sĩ ở dưới full màu xanh một phần là đã dừng hoạt động, phần còn lại có thể do chưa chiếm được nhiều sự chú ý của khán giả.

IV. Độ dài của bài hát

Đồ thị Histogram của độ dài các bài hát
Đồ thị Histogram của độ dài các bài hát
Phần lớn thời lượng bài hát rơi vào khoảng 3-4 phút, cũng giống như nhạc Pop và nhiều thể loại khác. Mặc dù vậy thì vẫn có những bài hát rất dài, lên đến hơn 10 phút. Chúng ta hãy thử xem đó là những bài hát nào.
Những bài hát dài nhất
Những bài hát dài nhất
Mona Evie là một nhóm nhạc Indie mới gồm các bạn trẻ sinh sau năm 2000, từng được phỏng vấn bởi Vietcetera, và họ sáng tác 3 bài hát dài hơn 10 phút, bài dài nhất là gần 14 phút. Phần còn lại của BXH thì các nghệ sĩ như Lê Cát Trọng Lý, Quyech và Tùng đều sở hữu ít nhất 2 bài. Chúng ta có thể thấy được một khía cạnh của sự tự do sáng tạo nghệ thuật, thoát khỏi những khuôn mẫu gò bó ở những nghệ sĩ trên.

V. Kết bài

Trên đây là bài phân tích về làng nhạc Indie Việt Nam (P.1) thông qua dữ liệu từ Spotify. Phần 2 sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới. Nếu nghệ sĩ Indie yêu thích của bạn không xuất hiện ở trên, hãy đừng ngần ngại comment ở dưới để mình có thể bổ sung vào bài viết. Những bạn muốn tham khảo cách mình xử lí data thì mình có để link Github (kèm với dữ liệu) ở phía dưới.
Sắp tới mình sẽ viết thêm nhiều bài viết về khoa học dữ liệu, phân tích insight từ các bộ dữ liệu hay, và cả những chủ đề thú vị khác nữa. Nếu không muốn bỏ lỡ thì hãy follow mình nhé :))