“Tôi là người hướng nội nên nhút nhát, ngại giao tiếp, ít mối quan hệ xã hội.” Là những câu trả lời thường nhận được khi chúng ta tiếp xúc với người hướng nội. Nhưng liệu có phải tính cách của người hướng nội là như vậy không? 

Hướng nội là gì? 

Hướng nội (introvert) là khuynh hướng chủ yếu hoặc hoàn toàn quan tâm đến cuộc sống tinh thần của bản thân người đó. Người hướng nội họ tập trung nhiều hơn vào những suy nghĩ, cảm xúc bên trong hơn là tìm kiếm sự kích thích bên ngoài. Những người hướng nội thường kín đáo và ít nói trong đám đông. Họ thường có niềm vui trong các hoạt động đơn độc như đọc sách, viết, âm nhạc, vẽ, mày mò, xem phim, chơi game và sử dụng máy tính cùng với một số các hoạt động riêng biệt ngoài trời như câu cá hay đi bộ. 

Những tuýp người hướng nội 

Có những người hướng nội hoàn toàn nhưng cũng có những người một nửa hướng nội một nửa hướng ngoại. Có bao giờ bạn thắc mắc có gì khác nhau giữa những người hướng nội chưa? 
- Người hướng nội xã hội: Đây là kiểu chúng ta thường thấy, họ chỉ thích ở trong những nhóm nhỏ. Thích ở nhà hơn là ra ngoài chơi.  - Người hướng nội lo lắng: Trong quá trình giao tiếp với mọi người họ thường có cảm giác bất an, ngại ngùng hoặc lúng túng.  - Người hướng nội suy nghĩ: Dành nhiều thời gian để suy nghĩ, tưởng tượng và sáng tạo.  - Người hướng nội bị ức chế: Họ có xu hướng nghĩ quá nhiều về một vấn đề hay mất một khoảng thời gian để quyết định trước khi làm bất cứ điều gì. 
Tuy nhiên, cũng có người hướng nội nhưng không mang đặc trưng tính cách kể ở trên. Đôi khi họ sẽ khiến bạn ngạc nhiên bởi khả năng giao tiếp và các mối quan hệ của họ. 

Nhầm lẫn giữa hướng nội và khái niệm khác 

Mọi người thường nhầm lẫn hướng nội là người có bệnh. Nhưng thực tế hướng nội là một loại tính cách thường thấy ở con người. Dưới đây là các khái niệm điển hình mọi người thường hiểu nhầm. 

Chứng rối loạn hoảng sợ xã hội 

Hội chứng sợ xã hội hay ám ảnh sợ xã hội (social phobia, social anxiety disorder) là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường. Biểu hiện thể chất thường thấy là tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn. 
Người bệnh bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình, luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt. Sự sợ hãi của họ có thể mạnh đến nỗi can thiệp nghiêm trọng vào công việc, học tập hay những hoạt động khác. 

Nhút nhát 

Ảnh bởi
Caleb Woods
trên
Unsplash
Những người nhút nhát có xu hướng cảm thấy lúng túng hoặc không thoải mái khi ở trong các tình huống xã hội, đặc biệt là khi họ ở gần người lạ. Họ có thể cảm thấy rất lo lắng, họ đổ mồ hôi. Tim của họ có thể đập nhanh hơn và họ có thể bị đau bụng. Họ có thể có xu hướng bỏ qua các sự kiện xã hội bởi vì họ không thích những cảm giác tiêu cực chiếm lấy suy nghĩ, cơ thể của họ khi họ phải đi dự tiệc hoặc các hoạt động khác.
Nhiều người nghĩ rằng người hướng nội là người nhút nhát, nhưng cả hai không có mối liên hệ với nhau. Hướng nội là một loại tính cách, trong khi nhút nhát là một cảm xúc.

Tự kỷ

Tự kỷ (autism) là một chứng rối loạn phức tạp về hệ thần kinh, làm ảnh hưởng tới hoạt động não bộ. Phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, hành vi sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại. 

Đặc điểm tính cách của người hướng nội

Mất năng lượng khi tiếp xúc với đám đông

Người hướng nội lấy năng lượng từ bên trong, ngược lại người hướng ngoại hấp thụ năng lượng từ bên ngoài. Vì vậy, sau một ngày dài tiếp xúc với nhiều người họ thường về không gian riêng tư, dành thời gian cho bản thân để nạp lại năng lượng. 

Dành thời gian cho bản thân

Các hoạt động như đọc sách, đi dạo, vẽ tranh, nghe nhạc, họ làm những gì họ muốn trong không gian yên tĩnh giúp họ cảm thấy thấy bình yên. Dành nhiều thời gian để tìm hiểu, khám phá sở thích của bản thân. Có xu hướng suy nghĩ về cuộc đời và những điều quan trọng với bản thân họ. 

Mối quan hệ sâu sắc với nhóm bạn thân 

Ảnh bởi
Antonino Visalli
trên
Unsplash
Thích ở một mình không có nghĩa là không tương tác hay xa lánh xã hội. Dù mối quan hệ của họ không rộng rãi nhưng họ cũng có những nhóm bạn thân như bao người khác. Thay vì quen biết xã giao họ muốn xây dựng mối quan hệ sâu sắc và bền lâu với những người họ thấy tin tưởng. 

Thích làm việc một mình 

Không phải người hướng nội sợ làm việc nhóm mà họ thấy bản thân tập trung hơn khi làm việc một mình. Theo các nhà nghiên cứu người hướng nội dễ bị phân tâm hơn những người khác. Vì vậy khi làm việc một mình họ có thể dồn hết sức vào hoàn thành công việc với hiệu suất cao mà không bị làm phiền bởi tiếng thảo luận giữa các thành viên. 

Nhận thức cao 

Họ dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ, phân tích khi gặp một vấn đề. Nghiên cứu sâu rộng, lên kế hoạch và cuối cùng là hành động, đúng như ông bà ta dạy “chậm mà chắc”. Họ xây dựng một quá trình công phu, tỉ mỉ và chi tiết nhất nên họ ít khi mắc sai lầm. Không những vậy, trước khi muốn nói lời nào đó họ cũng phải suy nghĩ rất lâu nên những điều họ nói đều logic và thuyết phục. 

Quan sát mọi thứ xung quanh 

Yên lặng, quan sát và học hỏi là điều mà người hướng nội thích làm. Đôi khi bạn bắt gặp họ rơi vào trầm lặng có thể họ đang bận quan sát, đánh giá xung quanh. Không chỉ sự vật, sự việc họ còn quan sát cả những người xung quanh. Vì vậy, không cần nói ra họ vẫn hiểu ý của đối phương muốn gì. 

Che giấu cảm xúc

Buồn bã, tức giận, vui vẻ hay những cảm xúc thường được chúng ta thể hiện ra bên ngoài thì người hướng nội lại muốn che đậy hết đi. Người ngoài sẽ không bao giờ hiểu được họ đang nghĩ gì. Thay vì bộc lộ ra bên ngoài họ sẽ viết ra giấy những cảm xúc, băn khoăn của mình. 

Ưu điểm và nhược điểm 

Ưu điểm

Có những lúc chúng ta chỉ cần một sự lắng nghe mà không cần những lời động viên khách sáo. Người hướng nội luôn biết lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu. Vậy nên, họ luôn là chỗ dựa vững chắc cho của những người bạn, người thân. 
Sử dụng thời gian hiệu quả, tư duy sắc bén, có chiều sâu trong suy nghĩ nên họ rất phù hợp với những công việc như lên kế hoạch, thiết kế ý tưởng. Họ luôn hoàn thành tốt công việc của mình, tạo sự tin tưởng với đồng nghiệp. 
Yên lặng không có nghĩa không có khả năng giao tiếp, ngược lại họ rất giỏi. Họ thường nói chuyện một cách ngắn gọn, súc tích thuyết phục người nghe. 

Nhược điểm

Việc tương tác với mọi người ở môi trường công sở hay trường học cũng rất quan trọng. Nhưng với cá tính của người hướng nội đây là một rào cản lớn. Họ đã quen với những gắn kết lâu dài vì vậy rất khó để bắt đầu và mở rộng một mối quan hệ mới. Đây cũng là một cản trở trong thăng tiến công việc.
Cần phải có thời gian chuẩn bị cho mọi vấn đề nên khi gặp chuyện bất ngờ xảy ra họ thường bị xem là thiếu tính linh hoạt. Sự chắc chắn và cẩn trọng trong suy nghĩ khiến họ cân nhắc, thường lo lắng trong mọi vấn đề.
Trong khi mọi người tham gia một bữa tiệc trút bỏ căng thẳng để sau đó họ lấy lại được sự nhiệt huyết nhanh chóng. Nhưng đối với người hướng nội họ phải mất một thời gian mới có thể hồi phục lại năng lượng. 

Kết

Mỗi chúng ta là một cá thể đặc biệt và mang giá trị riêng. Dù bạn là ai, mang tính cách gì thì cũng hãy tự tin với bản thân. Không ai là hoàn hảo, đừng để những khuyết điểm của mình làm bạn tự ti, chỉ cần bạn là phiên bản tốt nhất của mình là đủ.