1. Con người là giống loài đi tìm bản chất
Loài người đặc biệt hơn các loài vật khác ở chỗ chúng ta có ngôn ngữ và chữ viết, hay nói cách khác là khả năng tư duy trừu tượng bậc cao. Nhưng có lẽ cũng bởi khả năng tư duy trừu tượng này, chúng ta luôn bị ám ảnh với việc đi tìm bản chất – ý nghĩa cho những thứ quan sát được, thấy được và thậm chí là với chính sự tồn tại của bản thân.
Sở dĩ tôi nói tư duy trừu tượng cần đi kèm với việc tìm bản chất của sự vật, sự việc là bởi nếu không rút ra được bản chất thì không thể gọi “tên” sự vật, sự việc được và cũng không thể sắp xếp tư duy theo nó được. Ví dụ tôi viết: “Con mèo mà trèo cây cau” thì không có “con mèo” hay “cây cau” vật lý nào cả mà bạn cần huy động tư duy trừu tượng để tái tạo hình ảnh về “con mèo” và “cây cau” trong não bộ. Tình huống xảy ra, nếu bạn không rút ra từ trước các đặc điểm bản chất của thứ được nói đến thì bạn sẽ không thể tái tạo chính xác hình ảnh trừu tượng được; phải chắc chắn “con mèo” thì không phải“con chó” hay “cây cau” thì không phải “cây cam”.
Hệ quả trực tiếp của việc ham thích quy về bản chất này là ta cứ cố rút ra ý nghĩa từ những thứ không có ý nghĩa, ví dụ: “nước mắt cá sấu”; “hổ dữ không ăn thịt con”; “lòng lang dạ sói”; v.v… và hệ quả thứ hai là xung đột hệ quy chiếu. Vế thứ nhất, khá ngớ ngẩn – tôi từng có một bài ngắn về nó và có dịp sẽ bàn sâu hơn. Trong vế thứ hai, do mỗi cá nhân có quá trình quan sát và học tập khác nhau nên việc rút ra các đặc điểm bản chất của mỗi người chắc chắn cũng khác nhau và từ đó gây nên xung đột. Ví dụ đơn giản, tôi hỏi lại rằng “con mèo” mà bạn hình dung trong đầu có màu lông thế nào? Với tôi thì đó là con mèo mướp – giống con tôi đang nuôi ở nhà, nhưng với bạn có thể sẽ khác.
Chỉ riêng khái niệm đơn giản như vậy cũng đã có sự “vênh” rồi thì chắc không cần hỏi là những khái niệm kinh tế - xã hội phức tạp hơn như “tốt”, “xấu”, “tự do”, “bình đẳng”, v.v.. sẽ khác biệt như thế nào; không phải tự nhiên mà các chương trình giáo dục, các nghiên cứu khoa học lại coi trọng phần trình bày khái niệm đến vậy. Câu truyện về tháp Babel nói với chúng ta rằng sự chia rẽ ngôn ngữ làm chia rẽ nhân loại nhưng tôi thấy rằng dù có nói chung một ngôn ngữ thì chúng ta cũng vẫn chia rẽ y như vậy mà thôi.
2. Hành trình tìm bản chất
Bản chất là thứ đã ám ảnh các nhà triết học từ cả ngàn năm trước, Aristole từ trước công nguyên đã suy tư về bản chất (essence) và trong cuốn Siêu hình học đã đề xuất: bản chất là thứ làm nên sự vật như nó vốn là và bản chất là thứ có thể hoàn toàn tri giác được. Tôi xin lấy ví dụ bằng câu chuyện cười về việc treo biển bán cá. Dù không chắc tác giả viết ra câu chuyện nhằm mục đích sâu xa hơn việc đem lại tiếng cười; nhưng nó thực sự là một minh hoạ rất tốt cho việc chúng ta có tri giác được bản chất hay không. Truyện bắt đầu với việc treo biển: “Ở đây có bán cá tươi”, nhưng mỗi người đi qua lại bỏ bớt một từ do họ thấy rằng mình có thể tự tri giác được và kết thúc bằng việc người bán hàng gỡ luôn cái bảng ấy xuống hay nói cách khác, người ta có thể hoàn toàn tri giác được nội hàm của “Ở đây có bán cá tươi” đến mức cảm thấy chẳng cần bất kỳ cái biển nào hỗ trợ.
Tuy nhiên, sự xác định bản chất chưa bao giờ đơn giản. Đến giờ, tôi vẫn nhớ một ví dụ bình dân đọc được trên báo E-chíp: Bà Tư mở quán bán phở nhưng đến trưa thì mọi người lại muốn ăn cơm nên vì mục đích kinh tế, bà Tư sáng bán phở, trưa bán thêm cả cơm rang dưa bò. Câu hỏi đặt ra là: quán bán phở thì gọi là “quán phở”, nhưng nếu quán bán thêm cơm thì có còn gọi là “quán phở” không hay phải gọi là “quán phở và cơm”; nếu cần đủ lượng để dẫn đến thay đổi về chất thì bà Tư cần bán thêm bao nhiêu suất cơm để quán được gọi là “quán cơm” ?.
Chưa dừng lại ở đó, đôi khi còn tồn tại nhiều hơn một thứ gọi là “bản chất”. Ví dụ: một thứ vừa cứng, vừa mềm, vừa thấy được lại vừa không thấy được theo bạn là gì?
….
Không phải đố mẹo, đó đơn giản là “nước”. Để liệt kê đầy đủ thuộc tính của nước thì không chỉ là “chất lỏng không màu, không vị” mà danh sách tính chất của nước có lẽ còn phải kéo dài hơn: “đông cứng ở -4 độ và bay hơi ở 100 độ”; nhưng chưa hết, tương tác với dầu thì ta có tính chất không hoà tan giữa nước và dầu; tương tác với muối thì nước lại là dung môi hoà tan v.v… Hay nói cách khác, rõ ràng là “bản chất” có thật, tồn tại khách quan nhưng danh sách các tính chất ấy nó cứ dài ra, dài ra mãi mỗi khi ta thêm vào một phép thử.
Tương tự, ta thường cố quy bản chất cho một người là “tốt bụng”, “tham lam”, “độc ác” v.v… nhưng rõ ràng cái bản chất ấy nó “động” hơn rất nhiều: Kẻ sát nhân máu lạnh vẫn có thể rất yêu thương gia đình của hắn; người tốt bụng vẫn có thể từ chối giúp đỡ người khác; người tự nhận chung tình thì cũng có thể là kẻ chung thuỷ với tình yêu còn yêu ai thì không rõ.
Nói chung lại, cái bản chất nó là tĩnh do thuộc thế giới khách quan, nhưng cũng là động do sự tri giác hạn chế của con người. Đi tìm bản chất là hành trình so khớp tri giác với thế giới khách quan, nhưng con người có thể hiểu hoàn toàn thế giới khách quan hay không thì vẫn còn là dấu hỏi.
3. Hiểu bản chất rồi thì làm gì?
- Như đã nói, nhận thức về bản chất là cơ sở để xây dựng tư duy nên nếu bạn thay đổi cách quan sát, đánh giá bản chất của mình thì thế giới quan, tư duy của bạn sẽ thay đổi. Thay đổi thế nào, tốt hay xấu thì tôi không biết. Ví dụ: 1 số cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời bạn; cải đạo là một cách tốt nếu bạn muốn sống cuộc sống mới.
- Đừng vội kết luận bản chất vì nó động chứ không tĩnh: Khi yêu tốt thì không có nghĩa lấy về sẽ tốt; thằng bạn tốt không có nghĩa hùn vốn làm cùng sẽ tốt; bây giờ bỏ được cờ bạc thì cũng không chắc sau này không quay lại; thử thách được thì cũng tốt nhưng cần nhớ thử thì vẫn không phải thật.
- Bớt được kha khá thời gian tào lao vì nhận ra mình và người đối diện dùng cùng một “từ” nhưng không nói về cùng một “thứ”.