Hạnh phúc và nỗi buồn

Các bạn có quan điểm thế nào về hạnh phúc và nỗi buồn?
Đối với mình thì hạnh phúc là thứ mà chúng ta luôn luôn chạy theo nó.
Còn nỗi buồn là một kiệt tác đẹp
Hạnh phúc là một điều gì đó rất cảm tính và rất khó để định nghĩa. Còn nỗi buồn là chất xúc tác tuyệt vời cho cuộc sống.
Nỗi buồn có thể dẫn vào những tầng sâu kín của tâm hồn mà hạnh phúc thậm chí không bao giờ chạm đến. Nếu để ý thì đa số những tác phẩm nghệ thuật để đời đều có nguồn gốc bắt nguồn từ nỗi buồn.
Có một điều rất lạ đó là chúng ta không hề muốn mình lúc nào cũng hạnh phúc. Đôi khi chúng ta buồn vì một nguyên nhân nào đó, có khi chẳng có gì tác động nhưng chúng ta vẫn mang trong mình một nỗi buồn. Đơn giản vì ta... muốn thế!
Điều này đến từ việc đa dạng cảm xúc bao giờ cũng tốt hơn sự đơn điệu, ngay cả khi sự đơn điệu ấy là hạnh phúc đi chăng nữa.
Trên mạng xã hội, chúng ta hầu như chỉ khoe với mọi người những điều hạnh phúc của bản thân, chứ chẳng bao giờ chịu thừa nhận nỗi buồn như một phần tất yếu của cuộc sống này.
Chúng ta khoe những cuộc vui, những món đồ mới, những thông tin vui vẻ còn nỗi buồn thì giấu đêm về gặm nhấm hoặc tự mình tìm cách xử lý, thậm chí là né tránh.
Vậy mới nói, những điều mà chúng ta thấy trên mạng xã hội chỉ là những điều mà họ muốn cho mình thấy mà thôi. Đó là một nhân cách khác của mỗi người!
Có một nghịch lý đang diễn ra rằng nếu chúng ta càng cố gắng tìm kiếm và hân hoan với hạnh phúc, thì càng ngày nỗi buồn càng nhấn chìm chúng ta.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người bị trầm cảm đã tăng 20% chỉ trong một thập kỷ qua.
Cứ mỗi 4 giây lại có một người tự tử. Cứ như thể cuộc đời ngày càng không đáng sống, dù con người nghĩ rằng mọi thứ đang ngày một tốt hơn, ít nhất trên phương diện vật chất.

Nỗi buồn luôn có mang trong mình một sự bí ẩn rất khó đoán

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cảm giác không-hạnh-phúc thực sự có đóng góp cho tâm trạng tích cực.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Emotion vào năm 2016 rút ra từ tập mẫu 365 người ở Đức từ 14 đến 88 tuổi, được tiến hành trong 3 tuần.
Mỗi người tham gia khảo sát được đưa cho một chiếc smartphone và trả lời 6 câu hỏi trắc nghiệm về cảm xúc mỗi ngày. Trước đó, những người tham gia được phỏng vấn về tình trạng cảm xúc của họ, và sau khi kết thúc quá trình thí nghiệm, các chuyên gia hỏi về sự hài lòng với cuộc sống của họ.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những tình trạng tinh thần tiêu cực và thể xác yếu ớt đã có phần giảm đi ở những người họ xem tâm trạng không-hạnh-phúc là có ích. Ngược lại, những ai coi nỗi buồn là vô dụng và cần tránh né nó đều bị nghịch cảnh đánh gục: họ thất vọng cùng cực với cuộc sống của mình.
Một thí nghiệm khác cho thấy rằng sự vui vẻ cổ động bề ngoài có thể khiến chúng ta suy sụp dễ đến thế nào.
Các nhà nghiên cứu gọi 120 tình nguyện viên đến và họ sẽ phải giải 35 câu đố tìm từ dựa trên các chữ cái cho trước trong vòng 3 phút.
Và một dữ kiện quan trọng mà các tình nguyên viên không biết là một nửa trong số 35 câu đố không hề có câu trả lời. Tức chiến thắng trò chơi là điều bất khả.
Điều băn khoăn duy nhất còn lại là họ ứng xử với thất bại như thế nào?
Những nhà nghiên cứu cho một số bước vào căn phòng có đủ tranh ảnh cổ động, gợi niềm vui, và họ phải giải đố trong đó.
Một số bước vào căn phòng trung tính hơn, không cố làm họ vui vẻ trong khi tham gia thí nghiệm.
Kết quả là số tình nguyện viên bước ra từ căn phòng vui vẻ có xu hướng tự dằn vặt mình vì giải đố thất bại nhiều hơn những người bước ra từ căn phòng trung tính.
Hóa ra, một bối cảnh cố gắng cổ động và xiển dương sự vui vẻ lại càng tô đậm thêm cảm giác tuyệt vọng.

Tư duy về nỗi buồn mỗi nơi mỗi khác

Khác biệt ở đây là văn hóa: người Trung Quốc và Nhật Bản đều coi cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực là một phần cơ yếu của cuộc sống.
Trái lại, người phương Tây có một áp lực phải duy trì sự vui vẻ, và tránh xa nỗi buồn.
Hầu hết khoảng thời gian hạnh phúc nhất của một con người chính là thời ấu thơ, khi chúng ta chưa có những suy nghĩ quá sâu sắc. Cái thời mà chúng ta còn chả quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống là gì?
Cho đến khi chúng ta đủ lớn để nghĩ đến câu hỏi chúng ta sinh ra để làm gì?
Chúng ta đang sống vì điều gì? Mục đích là gì?
Chính lúc này sức nặng của áp lực càng ngày càng đè nặng lên đôi vai chúng ta. Nếu để ý thì cuộc sống của những người có gia đình thường lúc nào cũng đầy rẫy những bộn bề, lúc nào cũng bận rộn và mệt mỏi.
Họ mệt mỏi với những nghi thức hôn lễ phức tạp và kéo dài. Họ mệt mỏi vì phải đi làm những công việc mà bản thân chả có tí thích thú nào chỉ vì một gia đình nhỏ của bản thân.
Lúc ấy hầu hết mọi tiền bạc của cải mà họ làm ra được đều phục vụ gia đình chứ không còn chút dư dả nào cho đam mê hay sở thích cá nhân nữa.
Và đáng buồn hơn là khi bạn biết càng nhiều, càng nhận ra nhiều điều về cuộc sống bạn càng có nhiều nỗi buồn. Quan trọng là bạn có chấp nhận đó là một phần của cuộc đời hay không mà thôi.
Bạn có thể thấy rằng kẻ ngốc lúc nào cũng có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng để sống một cách vui vẻ với rất nhiều nỗi buồn thì bạn cần rất nhiều ý chí và sự kiên cường.

Mình chẳng bao giờ để bản thân không có nỗi buồn

Không biết các bạn như thế nào nhưng mình là một đứa không bao giờ để bản thân mình không có nỗi buồn.
Và hầu hết những nội dung mà mình từng sản xuất ra đều xuất phát từ một nỗi buồn nhất định nào đó dù là ít hay nhiều. Đó chính là lý do mà gần như tất cả những nội dung mình làm đều có một chút buồn.
Thực sự là mình không dám để cho bản thân có nỗi buồn nhưng mình đã từng có lúc như vậy rồi. Và trong những lúc đó thì mình chả viết được gì ra hồn cả.
Mình cũng từng chọn những chủ đề vui vẻ, tích cực, truyền động lực các kiểu để làm thử nhưng mà sau khi làm và tự đánh giá lại thì mình thấy nó khá nhạt và thiếu đi chiều sâu nội dung.
Vì cơ bản niềm vui là một cảm xúc không sâu sắc mà, thường thời gian để chúng ta có thể khiến bản thân vui vẻ nó sẽ ngắn nên tác động của nó lên tâm lý của chúng ta là không quá sâu.
Nhưng nỗi buồn thì khác, nỗi buồn thường nó sẽ không ập đến một cách quá nhanh mà nó là hệ quả của một quá trình tiếp nhận nhiều nỗi buồn nhỏ. Và khi gặp một chất xúc tác nào đó thì nó sẽ bung ra thành một nỗi buồn.
Nỗi buồn mà được chính bản thân mình nuôi dưỡng trong thời gian dài nó sẽ tác động rất lâu và sâu sắc đến tâm lý thậm chí là thể chất của chúng ta.
Có những nỗi buồn đẹp đến mức người khác nhìn vào và mong muốn rằng: "Ước gì mình cũng có được một nỗi buồn đẹp như vậy!"
Có những nỗi buồn đẹp đến mức các nghệ sĩ phải cố gắng giữ nó lại với thời gian bằng các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng làm sao có thể vì câu từ, hình ảnh hay giai điệu không thể lột tả được hết cảm xúc thật của con người!
Nỗi buồn đẹp như một loại trái ngọt. Nó sẽ không tự nhiên mà đến, nó cần được nuôi dưỡng và chăm sóc!
Chính những nỗi buồn đó là khiến chúng ta nhận ra rằng trong sâu kín tâm hồn mình, không chỉ có những suy nghĩ thuần khiết, mà cũng có cả những điều đen tối đến phi lý.
Nỗi buồn có thể bùng lên bất cứ lúc nào, không phải để đẩy ta vào một trạng thái bi quan, tiêu cực. Mà trong nỗi buồn luôn có một loại niềm vui phức tạp trong nó
Khi ta nhận thấy rằng đau khổ là một phần không thể thiếu trong quá trình đào sâu chính mình, giúp ta nhìn thấy những điều đẹp đẽ trong nỗi buồn to lớn của con người.
Và mình tin chắc rằng việc chúng ta nhận ra và thừa nhận điều đó sẽ không phải để khiếp sợ hay tuyệt vọng, mà là để chúng ta hiểu hơn về bản thân và kiên cường hơn trong cách nhìn nhận mọi vấn đề.