NIỀM TIN KHÔNG CÓ ĐÚNG HAY SAI, NÓ CHỈ CÓ NÊN HOẶC KHÔNG NÊN!
Vừa qua, nhà mình mới gánh chịu một sự ra đi đầy thương tiếc của bà nội - người lớn tuổi nhất trong gia đình và cũng là thành viên...
Vừa qua, nhà mình mới gánh chịu một sự ra đi đầy thương tiếc của bà nội - người lớn tuổi nhất trong gia đình và cũng là thành viên cuối cùng của một thế hệ sinh ra trong thời kì đau thương khói lửa. Đó là một sự mất mát rất lớn trong gia đình của mình và cũng là một dịp để mình được phép nếm trải cái phong tục tổ chức đám tang với đầy những lễ nghi rườm rà và không kém phần phức tạp.
Bà nội mất chỉ khi mới bước vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Mình còn nhớ rõ lúc đó là một buổi sáng nắng đẹp, mình vẫn còn đang ngồi ở nhà hí hửng chuẩn bị hành lí về quê thăm nội đang nằm ở bệnh viện. Ở trong nhà, ai cũng biết nội bệnh nặng, không sống được lâu, lại đang ở tuổi bù (82 - tức có nghĩa là hai tuổi cộng lại đúng bằng 10, theo quan niệm xưa thì ở những độ tuổi như vậy sẽ rất dễ gặp vận xui rủi, họa sát thân, nếu người già thì sẽ hay bệnh tật và sẽ thường mất vào những độ tuổi như vậy). Nhưng thật sự thì không một ai lại nghĩ nội có thể ra đi nhanh như vậy, mới hôm Tết mọi người còn cười nói với nhau, sắm cho cả hội một bộ khăn trải bàn chụp ảnh Tết thì có ai đâu ngờ, đó lại là những khoảnh khắc cuối cùng chúng ta được ở bên người bà, người mẹ mà ta hằng yêu quý; người mà chỉ vài tháng nữa thôi, những bức ảnh ấy sẽ được lựa chọn để làm ảnh thờ của họ. Lúc hay tin bà mất, mình không thoát khỏi ngỡ ngàng, nhưng lạ là có lẽ sự ngờ vực ấy đã níu giữ cảm xúc của mình lại, mình đã không hề khóc... Trong suốt chặng đường từ nhà đến quê, mình chỉ lặng thinh và hồi tưởng, mình không khóc vì mình nghĩ là khi về đến Bến Tre, mình sẽ lại thấy những rặng dừa phất phơ trong gió, thấy dòng sông Cổ Chiên với chuyến phà Đình Khao lặng lẽ trong buổi xế chiều, và đặc biệt là bóng dáng của người bà sẽ tựa cửa ngồi trước thềm nhà để trông thấy tiếng “Bà nội ơi!” mỗi khi xe về tới. Mình đã trấn an bản thân như vậy vì lạ thay ánh nắng ngoài trời vẫn đang chiếu rọi, nếu giờ đây lòng mình lại bão giông thì chắc mình sẽ òa lên khóc ùm trời, trách sao những tia nắng ngoài kia không biến đi để thấu cho cảm xúc trong lòng mình một chút. Chặng đường từ nhà lên Bến Tre đã không còn háo hức như những lần về thăm dạo nào, bây giờ nó không khác gì một chuyến tàu kí ức, những kỉ niệm của mình với nội cứ từ đâu trong quá khứ ào ạt ùa về như một thức phim trắng đen chứa đầy hồi ức. Mình nhớ những buổi sáng mờ sương dịp Tết thức dậy ở Bến Tre, hồi đó nhà nội chưa cất lại nên mình toàn trải chiếu nằm trên đất, không mùng, không chăn, nhà thì bao quanh bởi vườn tược nhưng lạ là chẳng bị con muỗi nào đốt. Sáng sớm ra đã thấy nội đem nguyên ề bánh tráng phồng mì ra nướng cho mấy đứa cháu ăn, có lúc lại ra vườn mót cho mấy trái nhãn thuyền đầu mùa ngon cực, rồi cả những lần hai bà cháu cùng nhau ra hái tắt bên cạnh mộ ông nội, mình sống ở thành thị nên cứ đi mấy bước ra vườn là sụp một cái hố, đi bẻ tắt thôi mà cũng lọt xuống mương tận 3 lần mới chịu. Hồi nhỏ mình thích hát lắm, ở Bạc Liêu mà cũng gọi điện thoại lên tận Bến Tre để hát cho nội nghe mấy bài học lỏm từ mẹ, ấy vậy mà nội lúc nào cũng khen cái đứa nhóc 5 tuổi hát hay cho mấy bà trong xóm, viết hẳn lời bài hát “Anh Kim Đồng” bảo mình về học để tối hát cho nội nghe nữa hè hè. Nhưng rồi sức khỏe nội không còn như xưa, những căn bệnh bắt đầu nổi lên khiến nội lâu lâu lại phải lên viện, thói quen gọi điện thoại cho nội mỗi tối cũng theo đó mà dần mất đi, những tiết mục ca hát cũng không còn nữa, chỉ còn những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại và những khoảng trống không biết nói gì thêm...
Về đến quê, mình phóng thẳng từ trên xe lao xuống, chẳng thèm ngó ngàng đến hành lí hay bất cứ ai, thứ mình quan tâm duy nhất bây giờ là bà nội. Mình chạy một mạch vào nhà, mặc cho đám đông và cả những cô chú họ hàng đang chờ mình thưa gửi. Mình chỉ muốn nhìn thấy nội, ít nhất là nếu không thể gặp nội lần cuối, mình chỉ muốn nhìn thấy thôi đã rất mãn nguyện trong lòng. Về lần này đã không còn ai chờ mình nữa, không còn ai vừa về đến nơi đã đặt môi hôn lên má mình, giấu sẵn mấy cái bánh trong tủ cho mình ăn, chỉ cho mình phải gọi bà này là Bác Ba, ông này là chú Tư con cậu Tám,... Giờ mình đã chẳng còn được nghe giọng của nội nữa, chẳng còn ai đợi mình thức dậy mỗi sáng Tết, trưng diện thật lâu; ngồi ngắm mình khi mình mặc những bộ đầm xinh lung linh và khen mình xinh đẹp; lúc đó những giọt nước mắt mà mình nén trong lòng suốt đoạn đường đi như trào ra dữ dội, mình ôm chân nội khóc, mình muốn nghe nội nói tiếng đau một cái, thu chân lại rồi quở trách mình sao không để ý cái bàn chân của nội bị lở. Mình khóc ướt hết cái mền đắp cho nội, có ai kêu ra ăn mình cũng chẳng trả lời vì mình biết là chẳng còn bao lâu nữa, mình sẽ chẳng còn được chạm vào nội nữa, khoảng cách giữa mình và nội là một cái hòm bịt kín những tấm gỗ to tướng.
Nhưng có lẽ nỗi đau ấy đã đau và nó sẽ còn được nhân lên gấp bội khi cô Tư thông báo là những đứa cháu nào kỵ tuổi thì không được phép lại gần, chỉ được đứng từ xa nhìn thôi rồi phải niệm thật lớn đủ thứ gì đó như “Nam mô A di đà phật”. Và thật éo le thay là mình với nội kỵ tuổi, mình bị tách ra, không được lại gần, lúc đó mình thật sự rất phẫn uất, mình ngồi xe tận 4 tiếng hơn chỉ mong có thể về kịp trước lúc liệm nội, nhưng đến nơi, chưa thể ôm nội được đủ lâu cho thoả nỗi nhớ, nỗi đau đớn và sự mất mát trong lòng thì đã bị chính những “hủ tục” đó cướp đi cơ hội ngàn vàng trong những giờ phút cuối cùng được ở cạnh nội. Mình không có ý chê bai niềm tin hay giẫm đạp những quan niệm xưa mà ông bà truyền lại, nhưng thời khắc đó, việc một đứa cháu bị cướp đi những giờ phút thiêng liêng cuối cùng chỉ vì cái tục lệ xa xưa cũ kĩ ấy đã làm cơn điên trong đầu mình dâng lên đến đỉnh điểm để thốt ra hai chữ “mê tín” trước mặt mẹ và chị hai. Mình bị tách ra xa và đến lễ nhập quan thì thậm chí còn quá đáng hơn, trong khi mọi người òa khóc để tiễn đưa nội lần cuối, thì mình bị nhốt ở trong phòng? Ngậm cay nuốt đắng cái tục lệ không những không cho phép mình đến gần thân xác nội mà ngay cả việc đứng xem nội nhập quan cũng là một điều cấm kị đến nỗi phải nhốt mình vào trong phòng chỉ vì mình “kỵ tuổi”. Mình nhớ lúc đó, mình ngồi một mình trong phòng, bên ngoài thì tiếng rào khóc thê lương thảm thiết, mình cũng khóc, một phần vì thương nội, một phần tiếc cho cái số kỵ tuổi trớ trêu và trăm phần căm ghét cái quan niệm kì quặc mà người lớn trong gia đình đang cố gán cho mình và bắt mình phải tuân theo.
Dành cho những bạn nào không biết thì kỵ tuổi, theo phong tục ngày xưa và ngày nay vẫn còn là: “những người cùng tuổi hoặc kỵ tuổi với người chết không nên tham gia vì sẽ dễ bị “kéo theo”. Việc tham gia tang lễ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người sống. Vì vậy, tốt nhất là tránh tham gia.” (Trích: https://izumi.edu.vn/tranh-tuoi-kieng-tuoi-khi-lam-le-nhap-quan/).Kèm theo đó, định nghĩa của hai từ “mê tín” được trích dẫn như sau: “Niềm tin vào các hiện tượng, sự việc hoặc hành động mà không có cơ sở khoa học hoặc chứng cứ rõ ràng, nhưng lại được coi là có ảnh hưởng đến số phận, vận mệnh của con người.
Mê tín thường liên quan đến các hành vi, niềm tin hoặc tập quán không tuân theo logic, khoa học mà được dựa trên những quan niệm, truyền thống cổ xưa, những điều không thể chứng minh được. Những người mê tín thường tin rằng những điều "siêu nhiên" như ma quỷ, phép thuật, số mệnh... có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.
Mê tín có thể gây ra những hành vi hoặc lựa chọn không hợp lý, không khoa học, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống, tư duy và hành động của con người”
Với phương châm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và cả những câu nói mang tính đe dọa nếu không thực hiện theo thì “kẻ chết không yên, người sống không ổn”. Có thể mình còn quá non dạ và quá đề cao nhận thức thiên về khoa học để đứng ra nêu những nhận xét mang đầy tính cá nhân về những tục lệ truyền thống. Mình hoàn toàn hiểu bởi vì những điều đó không thể được chứng minh, không có bất kì những bằng chứng xác thực nào thì người ta mới chọn “tin” vào nó. Nhưng nếu có người chọn “tin” thì cũng chắc chắn sẽ có những người không chọn “tin”. Chúng ta đều có những lí lẽ riêng cho thế giới quan của mình và điều duy nhất chúng ta cần làm và thể hiện cho nhau là “sự tôn trọng”, mình tin là những bạn theo trường phái vô thần văn minh thật sự sẽ không bao giờ bảo bất kì ai mê tín dị đoan hay những điều họ tin là hủ tục lạc hẫu, miễn đừng ép những bạn đó phải tin, phải tuân theo, phải xem những điều họ đang tin là lẽ sống, là những quy tắc nếu không làm thì rước họa vào thân.
Mình không dám trách móc những người cô, người chú đã gieo vào mình cái quan niệm mà họ tin là đúng, vì suy cho cùng họ cũng vì đang muốn nghĩ cho mình, và cách duy nhất để họ khiến mình phải phục tùng theo là thứ sức mạnh mang tên “người lớn”, một rào cản vô hình đè nặng lên những đứa trẻ 17,18. Tuy về mặt pháp lí, họ đã đủ trưởng thành để gánh chịu những trách nhiệm và hậu quả do mình cố ý gây ra, họ có suy nghĩ và cách nhìn riêng về thế giới thì dưới ánh nhìn của họ hàng, chúng vẫn là “những đứa con nít hỉ mũi chưa sạch”. Và đó là nền tảng duy nhất cũng như cái rễ bền chặt nhất để chặn đứng cái tôi “con nít” của mình. Nhưng ước thay cái rễ đó cũng có thể chặn luôn nỗi mất mát trong lòng mình, chặn luôn sự phẫn uất và cả khát khao muốn giẫm nát cái hủ tục khiến trái tim mình tan vỡ.
Mình tự hỏi, liệu một cái xác thì có thể gây nguy hại gì cho những người đang sống sờ sờ ra đấy chứ? Liệu một người đã mất thì có chăng nhận thức và tình cảm của họ cũng chết theo nên mới muốn kéo theo những người con cháu cùng mình xuống âm tào địa phủ? Chí ít điều duy nhất mà họ có thể làm hại là để lại một nỗi trống rỗng vô cùng lớn trong cõi lòng người ở lại, là những dòng nước mắt không biết khi nào vơi, những nỗi buồn nuốt chửng tâm can và niềm nuối tiếc thấu tận trời xanh mây trắng. Và nếu khi một người nào đó mất đi, tất cả con cháu trong nhà đều kỵ tuổi, vậy thì đám tang của người đó có chăng sẽ không một bóng người nào ngoài những người hàng xóm đến xem chuyện và cả những ông bác vác quan tài “hợp tuổi”? Nếu tất cả con cháu đều sợ xui rủi, sợ kéo theo, sợ làm ăn đi xuống, gặp họa sát thân còn hơn cả nỗi sợ phải mất đi một người mình yêu thương mãi mãi, nỗi sợ chẳng còn nhìn thấy người đó suốt đời từ đây đến hết kiếp thì thà rằng họ cứ nhờ trại mai táng làm hết, chẳng cần đội tang, chẳng cần tưởng nhớ, vì biết đâu lớ ngớ lại phạm đôi điều dẫn đến rước xui xẻo vào người.
Mình không có ý muốn thay đổi tục lệ ngàn đời của ông bà xưa vì mình biết mình chẳng là ai cả, lời nói của mình không làm động lòng ai, cũng không xoay chuyển được cái niềm tin đã ăn sâu bám rễ. Mình không phê phán việc rải hay đốt vàng mã làm ô nhiễm môi trường, cũng không muốn bàn thêm về những lễ nghi nửa Ta, nửa Tàu, gắn thêm bộ kèn Tây để ma phương nào cũng biết mà về dự. Càng không muốn nói thêm về những điều cấm kỵ đi kèm với văn hóa tiễn đưa người đã khuất ở Việt Nam. Mình sẽ thay đổi chúng khi mình về già, khi mình đã không còn cái mác ngông cuồng của một đứa con nít chỉ biết làm trái lời người lớn. Mình không viết bài này để phê phán hay tuyên truyền cái cách nghĩ “lệch lạc, trẻ con” của mình, mình chỉ đơn thuần viết để trút hết nỗi lòng, để bảo vệ cái cách nhìn riêng của mình về văn hóa của chúng ta. Mình dành một sự tôn trọng đối với những người tin vào những quan niệm mà mình đã và đang không tin, vì suy cho cùng niềm tin là điều tất yếu sẽ làm giàu cho cuộc sống tinh thần của mỗi con người chúng ta. Ta có thể tin hoặc không tin nhưng hãy dành cho nhau sự tôn trọng và biết thay đổi khi ta thấy nó cần thiết, hãy giữ lấy câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cho riêng mình khi chúng ta tin vào điều gì đó, và cũng đừng vội ném nó vào ai chỉ vì họ có quan niệm đi ngược lại niềm tin của chúng ta. Chúng ta vẫn có thể bảo vệ những tục lệ truyền thống của mình, miễn chúng ta thực hiện nó một cách trong sáng và văn minh nhất có thể, sức mạnh của sự cưỡng ép tuân theo chỉ tạo nên những làn sóng phẫn uất từ những “kẻ khờ” muốn làm trái tục lệ. Và cuối cùng, mình chỉ muốn nói với bạn rằng: “Niềm tin không có đúng hay sai, nó chỉ có nên hoặc không nên. Tuân theo những điều bạn cho là phải, đừng áp đặt nó cho bất kì ai, đó là cách văn minh nhất để bạn tự bảo vệ lấy niềm tin của chính mình!”.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất