Nguồn: HISTORICAL EVOLUTION OF ROMAN INFANTRY ARMS AND ARMOR. Đây là một bài luận văn của một nhóm sinh viên và do chính tôi dịch. Trong bài viết này, tôi sẽ tổng hợp lại kiến thức và sắp xếp chúng, liên kết những ý với nhau để bạn hiểu được bối cảnh

I/ LÍ DO CẦN SỰ ĐỔI MỚI

Trước khi cải cách, quân đội La Mã đã dùng hệ thống Maniple trong một quãng thời gian dài. Nói qua một chút về hệ thống Maniple, nó là một chiến thuật trong đó tướng sẽ dàn quân ra theo các hàng để luân phiên nhau chiến đấu (hàng đầu là những binh lính trẻ và ít kinh nghiệm, hàng sau và đến cuối là những người lính lớn tuổi hơn và dày dặn kinh nghiệm cùng tinh nhuệ hơn). Chiến thuật này rất hữu dụng trong thời điểm Rome chỉ phải đối mặt với những bộ lạc miền núi. Hệ thống Maniple đã giúp người La Mã từ một thế lực tại bán đảo Italy thành một thế lực to lớn tại Địa Trung Hải. Song, khi mà La Mã phát triển, hệ thống Maniple đã không còn hữu dụng như trước bởi vì người La Mã bắt đầu tham gia những trận chiến lớn hơn và mỗi Maniple đã trở nên quá nhỏ bé. Họ cần một sự đổi mới hoàn toàn về quân đội để có thể giúp Rome phát triển.

II/ TỔNG QUAN VỀ CẢI CÁCH MỚI

Một giải pháp mới được đề ra gọi là hệ thống Cohort như bạn có thể thấy ở hình minh họa dưới đây
Đầu tiên, một Legion sẽ không còn có 40 Maniples, thay vào đó là 10 Cohorts. Cohort không chỉ là một phiên bản lớn hơn của Maniple, mà nó là một đơn vị gồm những người lính thống nhất và hầu hết đều tương đương trong kinh nghiệm và kĩ năng chiến đấu. Trong hệ thống này, những đơn vị sẽ không còn bị phân ra và chia tách theo kĩ năng hoặc loại vũ khí sử dụng nữa. Đồng thời, trong hệ thống mới, những người lính sẽ phải tự mang quân trang của họ trong quá trình hành quân. Mỗi Cohort có thể tự dựng lều trại, xây một cây cầu, phát quang một khu rừng hoặc thậm chí xây dựng một con đường, có rất nhiều trong số chúng được xây bởi lính La Mã vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những Cohort được thiết kế để có thể tự túc và độc lập. Việc tự túc rất quan trọng khi Legion sẽ phải cách thành Rome cả nghìn dặm.
Mỗi Legion có thể chia thành 10 đội quân nhỏ hơn, việc này đơn giản hóa hậu cần giúp cho một Legion có thể tham gia nhiều chiến dịch cùng một lúc. Và việc mỗi quân lính đều có kĩ năng chiến đấu bằng nhau rất quan trọng. Điều này có nghĩa là mỗi đơn vị có thể độc lập và tự thay thế nhau. Bằng cách này, nếu muốn tạo ra những Legion lớn hơn chỉ cần thêm vào vài Cohorts, điều này làm việc quản lí hậu cần tránh khỏi rắc rối kéo theo do những Cohorts đều tự túc. Những tướng lĩnh cũng sẽ không cần phải lo về thành phần có trong quân đội do mọi quân lính đều ngang nhau về địa vị lẫn trình độ. Vậy nên sẽ không bao giờ có chuyện thừa Hastati và thiếu Principes (những đơn vị lính trong hệ thống Maniple). Xét tổng quan, nếu hệ thống Maniple giúp đưa La Mã trở thành một thế lực tại Địa Trung Hải, thì hệ thống Cohort đã giúp La Mã đã giúp La Mã leo lên vị trí bá chủ thế giới do quân đội được tổ chức kĩ càng hơn, mỗi đơn vị đều quy mô, thống nhất và dễ quản lí hơn, những điều cần thiết để xây dựng một đế chế hùng mạnh. Vì quân đội hùng mạnh luôn là thứ bảo vệ và phát triển một quốc gia.

III/ ĐI SÂU HƠN VÀO CẢI CÁCH CỦA MARIUS

Gaius Marius là một viên tướng La Mã trước khi ông được bổ nhiệm thành Junior Consul (có thể tạm gọi là Tiểu Chấp chính quan) do những đóng góp cùng sự can đảm của ông trong các trận chiến. Dưới danh nghĩa một Tiểu Chấp chính quan, ông ấy chỉ huy trong chiến tranh với Jurgutha. Ông nhanh chóng nhận ra rằng quân đội của ông đang gặp sự thiếu nhân lực trầm trọng do những công dân La Mã đáp ứng được nhu cầu tuyển quân (trong hệ thống Maniple) đều đã hi sinh cả hoặc đã tham gia vào các đội quân khác. Marius cố gắng tìm ra giải pháp và đưa ra 3 cải cách đã hoàn toàn thay đổi quân đội La Mã cho đến khi thành Rome sụp đổ (Tây La Mã bị xâm chiếm năm 476 CN).
Điều đầu tiên mà Marius thay đổi chính là vấn đề cấp bách nhất ông đang gặp. Ông thay đổi những tiêu chuẩn tuyển quân vào quân đội. Vào thời điểm trước đó, chỉ có những công dân sở hữu đất đai mới được tuyển vào quân đội, bởi vì người La Mã từng quan niệm rằng nếu một người có một mảnh đất tại quê nhà để trở về, anh ta sẽ có động lực chiến đấu và không hèn nhát bỏ chạy. Marius bỏ hoàn toàn yêu cầu này, nới lỏng tiêu chuẩn cho những người không có đất đai. Cùng với yêu cầu phải sở hữu đất, việc lính La Mã phải tự mua trang bị cho bản thân mình cũng bị bãi bỏ. Do hầu hết người dân không có đủ tiền để có thể trang bị cho bản thân những thứ tiêu chuẩn. Trong thay đổi này, chính nhà nước La Mã sẽ phải trang bị cho những người lính của họ. Điều này đã thành công do quần chúng đã bắt đầu xem việc nhập ngũ là một cách để kiếm tiền và đem về vinh quang, do đó số lượng người được tuyển trở nên đông hơn, giải quyết được sự thiếu hụt quân số.
Cải cách thứ hai là về chính cách tổ chức của quân đội. La Mã sẽ có một quân đội chính thức, không cần phải tuyển đi tuyển lại và huấn luyện quân thường niên. Đồng thời, cấu trúc của quân đội La Mã cũng bị đổi sang hệ thống Cohort. Như đã nói, mỗi Cohort được tạo nên bởi 6 Centuries (Bách binh đoàn), mỗi Bách binh đoàn gồm 100 người, trong đó gồm 80 người lính bộ binh và 20 người lo hậu cần (nô lệ, kĩ sư, bác sĩ,...). Mỗi người lính phải tự mang những trang bị của anh ta và những vật dụng đi kèm trong vài ngày, việc này loại bỏ những đoàn xe chuyên chở và tăng tính cơ động cho cả lực lượng. Marius đã yêu cầu La Mã phải cung cấp vũ khí tiêu chuẩn cho những người lính của họ. Từ những điều như trên, quân đội La Mã đã trở nên tiêu chuẩn, quy củ và cơ động hơn.
Cải cách cuối cùng của Marius là khuyến khích những người dân trở thành một người lính chính quy. Một "sự nghiệp" của một lính Lê Dương (Legionary) kéo dài đến 20 năm và sau đó anh ta sẽ được về hưu với đất đai như những phần thưởng cho 20 năm chinh phạt đem đến những vùng đất mở rộng Đế chế. Một phần thưởng vô cùng hấp dẫn đi kèm, đó là những người không phải công dân La Mã, sau khi xuất ngũ có thể trở thành một công dân chính thức, một cơ hội đổi đời không thể chối từ. (Để mà giải thích thì đất đai và quyền công dân là 2 thứ tối quan trọng đối với một người La Mã cổ đại, nếu một người không có đất đai thì chỉ có thể bán mình làm nô lệ. Còn quyền công dân thì nâng cao địa vị xã hội, nói chung nó giống như từ nô lệ sang một con người bình thường.)

IV/ ẢNH HƯỞNG MÀ CẢI CÁCH MARIUS ĐEM LẠI

Cải cách mà Gaius Marius đem lại không những tạo ra một hệ thống cho phép La Mã mở rộng thành một Đế chế hùng mạnh và rộng lớn, cải cách ấy còn gián tiếp đặt dấu chấm hết cho thời kì Cộng hòa La Mã. Những người lính được trả công và lĩnh đặc quyền từ vị tướng thống lĩnh họ, dĩ nhiên lòng trung thành sẽ rơi vào tay người nuôi sống họ chứ không phải Viện nguyên lão. Đồng thời, 20 năm tiếp xúc trực tiếp với vị tướng của họ cũng giúp gia tăng cảm tình của những người lính cho người thống lĩnh. Với Julius Caesar, binh sĩ là công cụ để thâu tóm quyền lực, dù mang danh "Binh đoàn La Mã", nhưng thực chất nó giống như một quân đội riêng của Caesar, điều này là mấu chốt quan trọng trong việc ông ta trở thành Hoàng đế sau này.