Khi đối mặt với những khủng hoảng, người ta vẫn luôn chờ đợi những bước tiến về khoa học, kỹ thuật để giải quyết những khủng hoảng của mình. Khi giấy được sử dụng quá nhiều dẫn đến tàn phá rừng và hao tổn tài nguyên thiên nhiên, người ta đi tìm một vật liệu tốt hơn, nhẹ hơn như nhựa để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Khi thấy ô nhiễm nhựa, người ta sẽ tìm kiếm những loại vật liệu tốt hơn, có khả năng phân hủy hoàn toàn sau khi dùng để không phải bận tâm về rác thải. Khi thấy than đá và nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt và việc sử dụng năng lượng từ hóa thạch tạo ra phát thải lớn, người ta sẽ đi tìm những nguồn năng lượng "tái tạo", phát thải thấp. Vậy thì, liệu việc tìm kiếm các giải pháp về mặt kỹ thuật, các đột phá trong khoa học và công nghệ liệu có giúp chúng ta giải quyết các vấn đề đó, hay chúng sẽ làm nảy sinh những vấn đề khác nữa? Hôm nay mình xin viết về Nghịch lý Jevons - một trong những nguyên tắc quan trọng bạn cần cân nhắc trước khi đưa ra giải pháp cho một vấn đề nào đó, đặc biệt là môi trường.
220px-PSM_V11_D660_William_Stanley_Jevons

William Stanley Jevons (1835-1882) - nhà kinh tế học người Anh
Jevons là một nhà kinh tế học người Anh sống trong thời Cách Mạng Công Nghiệp. Khi Jevons mới 29 tuổi, anh giai đã viết quyển sách “The Coal Question” (1865). Khi quan sát những cải tiến trong công nghệ và hiệu năng sử dụng than thay vì dẫn tới việc tiết kiệm và giảm thiểu sản lượng tiêu thụ than lại dẫn tới nhu cầu tăng mạnh và sản lượng khai thác và tiêu thụ tăng. Qua 150 năm thì như ông đã nói, sản lượng tiêu thụ không những tăng, lại còn tăng lũy thừa - exponentially growing. Các ông lớn dùng hết tài nguyên địa phương rồi sẽ đi xâm lược để bóc lột tài nguyên của nơi khác. Nghịch lý này không chỉ áp dụng cho tiêu thụ than mà còn cho tất cả mọi loại tài nguyên khác. Mỗi lần có một cải tiến hay đột phá về khoa học và công nghệ tăng hiệu năng (resource efficiency) thì nó lại dẫn đến một hiệu ứng bật ngược (rebound effect) về tốc độ tiêu thụ tài nguyên (increased consumption), kéo theo là cường độ hủy hoại môi trường (environmental cost).

tumblr_pj3zr5VBc81su40qeo1_1280

Source: SKETCHPLANATIONS
Chuyện này không cần phải có đầu óc cao siêu hay phương trình toán gì cao cấp để hiểu, mình nghĩ cái này là common sense thôi. Khi công nghệ sx trở nên hiệu quả hơn, tốn ít năng lượng và nguyên liệu hơn thì sẽ giảm được vốn sx và giá thành sp (hoặc giữ nguyên giá bán và tăng lợi nhuận. Khi giá thành giảm, vừa túi tiền thì nó trở nên hấp dẫn hơn, nhiều người mua hơn và nhu cầu bây giờ cao hơn. Công nhận ông bà mình nói đúng ghê: cái gì mà dễ có quá, rẻ tiền quá thì người ta đâu biết quý trọng, không quý trọng thì đương nhiên không biết tiết kiệm, tiêu xài hoang phí rồi.
Có một tác giả là Rob McDonald khi đọc được Jevons paradox thì cảm thấy rất mâu thuẫn bởi vì ông cho rằng dân số tăng thì muốn nuôi sống cả thế giới mà không muốn tăng lượng tài nguyên tiêu thụ thì mình tăng hiệu năng sử dụng tài nguyên là đúng rồi và là chuyện bắt buộc mà. Trong quá trình vật vã để hiểu và chấp nhận Nghịch lý Jevons này, Rob có 2 nhận định như sau:
Thứ 1: Bản thân việc sử dụng/tiêu thụ tài nguyên hay năng lượng không phải là một việc xấu: có điện, có nước hay có thực phẩm để ăn là một nhu cầu thiết yếu và là một quyền cơ bản của con người. Thế nhưng vẫn còn một phần lớn dân số không có nước sạch để dùng, không có điện để chiếu sáng, không có đủ thực phẩm để ăn trong khi một bộ phận người ở các khu vực phát triển thì dư thừa đến nỗi phát bệnh vì ăn uống quá nhiều – dư thừa dinh dưỡng, hay ô nhiễm ánh sáng hay lãng phí nước sạch. Vấn đề không phải là tiêu thụ tài nguyên là mà cái gánh nặng môi trường cho việc thỏa mãn nhu cầu của con người.
quote-pleasure-and-pain-are-undoubtedly-the-ultimate-objects-of-the-calculus-of-economics-william-stanley-jevons-110-44-78

Thứ 2: Nghịch lý Jevons đưa ra một lựa chọn sai cho các nhà quản lý chính sách – lựa chọn phó mặc không làm gì cả (stand back and do nothing) để giải quyết tình hình. Rob cho rằng nếu nói như Jevons thì chính quyền thúc đẩy các giải pháp để tăng hiệu năng sử dụng tài nguyên hay nói rộng ra là thúc đẩy các giải pháp khoa học để làm gì nếu tất cả nỗ lực đó đều sẽ là hoang phí (vì cuối cùng nó cũng dẫn tới tăng cường độ tiêu thụ tài nguyên)?
Tuy nhiên, mình cho rằng các giải pháp về mặt kỹ thuật là cần thiết – bản chất của các đột phá khoa học hay cải tiến kỹ thuật thì không xấu, nhưng chúng ta cũng cần, rất cần tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy thái độ đúng đắn (right attitudes) và mối quan hệ cân bằng (healthy relationship) giữa xã hội và môi trường (trong đó bao gồm tài nguyên và hệ sinh thái). Bởi vì hiện nay mối quan hệ này rất bệnh hoạn và độc hại, bởi vì chúng ta vẫn đang xem Trái Đất là một bầu sữa để hút cạn một chiều, mà không hề xem xét đến khả năng phục hồi và tính đến sự lệ thuộc của chúng ta vào hệ sinh thái. 
Từ hồi báo đài đăng tin ô nhiễm nhựa, mình thì có cảm giác thế này: các nhà khoa học nên bớt bớt nghiên cứu tìm giải pháp và sản phẩm thay thế đi, cứ để rác nhựa nó nổi trên biển, động vật chết thì người ta mới biết tác hại của việc vứt rác xuống biển. Nhưng không, người ta lại cắt xén sự thật một chút, thay đổi góc nhìn bằng việc tuyên truyền tẩy chay nhựa, ngưng sx nhựa và chuyển sang dùng mấy thứ khác, tất nhiên sẽ tăng sản lượng mấy thứ khác rồi.
Báo chí đăng nhựa không phân hủy gây ô nhiễm môi trường xong nhiều nhóm nghiên cứu đổ xô đi kiếm mấy con vi khuẩn cho nó ăn nhựa. Điều này là cần thiết để giúp cải tạo chất lượng nước biển, giải quyết lượng rác thải nhựa đã bị rò rỉ ra môi trường. Tuy nhiên, mình chỉ sợ rằng lỡ mà kiếm được và scale up thì ai cũng back to business, hệ lụy của hiệu ứng bật ngược đối với tâm lý của người tiêu dùng là họ sẽ dễ dãi hơn trong  tiêu dùng và trở lại dùng nhựa bình thường, hay thậm chí còn với tốc độ và tần suất cao hơn bây giờ. 


maxresdefaultPhoto source: Ana Melikian
Báo chí đăng người ta đã cải tiến kỹ thuật tái chế nhựa, thế là người người nhà nhà sẽ an tâm tiếp tục dùng nhựa, nhu cầu vẫn cao, sản lượng vẫn tăng, tác động môi trường đỡ chướng mắt hơn nhưng trầm trọng hơn và vô hình hơn. Chính quyền nếu cấm hết nhựa thì người ta vẫn tìm vật liệu thay thế và sẽ dần khiến sản lượng của các vật liệu thay thế này tăng mạnh để bù đắp lượng nhựa mất đi cùng với các hệ lụy môi trường của việc sx và tiêu thụ các vật liệu thay thế này. Cuối cùng chúng ta đi 1 vòng thật to thật dài để trở về vạch xuất phát.
Nghịch lý Jevons giống như Tam giác MEC Năng lượng – Vật liệu – Phát Thải không phải để nói rằng ta không cần làm gì cả mà là để chỉ ra rằng chúng ta cần điều chỉnh thái độ và mối quan hệ giữa xã hội và các nguồn tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái. Mỗi người cần phải có một thái độ khác: thái độ biết ơn những gì mình đang có (gratitude) và lối sống có trách nhiệm (responsibility) với mức độ tiêu thụ tài nguyên và tác động môi trường của mình.
Mối quan hệ nào cũng nên đến từ 2 phía: cho và nhận. Như ông thầy dạy IELTS của mình đã nói: If you give too much, you’ll break. If you take too much, the other will break. Bạn cho đi quá nhiều, một ngày nào đó bạn sẽ sụp đổ. Bạn nhận của người khác quá nhiều, một ngày nào đó người kia sẽ sụp đổ. Hãy biết cho đi nhiều hơn nhe các bạn, hãy thực hiện phần trách nhiệm của mình trước nà, đừng chỉ biết đòi hỏi từ môi trường, từ nhà sx, từ chính phủ, từ giới khoa học. Hãy biết nói cảm ơn nhé.
Reference: