Đây là một bài viết cũ của ông nội tôi, từng được đăng trên tạp chí Xây Dựng Đảng số tết tháng 1+2 năm 2006, một bài viết tôi rất thích và muốn chia sẻ nó đến mọi người nhân mùa xuân đầu tiên mà ông nội tôi không còn trên cõi đời.
Tôi năm nay 72 tuổi đời, 50 tuổi Đảng. Đã nghỉ hưu vui với vườn cây, ao cá, con chim và mấy đứa cháu nội, ngoại suốt ngày nghịch ngơm; Những lúc rảnh rỗi tham gia "việc xóm, việc làng" ở khu 5, ấp 8, An Phước, Long Thành, Đồng Nai cùng con cháu quê hương gọi là để "động viên phong trào". Nhưng hằng năm cứ đến sinh nhật Đảng 3-2 là tôi lại bồi hồi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc trong quá trình phấn đấu vào Đảng.
Tôi là con một gia đình trung nông lớp trên phá sản. Bố tôi mất khi tôi tám tuổi. Mười bảy tuổi với nhận thức của một thanh niên mới lớn, được ảnh hưởng của người cậu (em mẹ) là Đảng viên, tôi ít nhiều hiểu về Đảng. Với tôi và số đông thanh niên ở quê tôi thuở ấy, Đảng là danh dự, là thiêng liêng cao quý. Tôi yêu mến Đảng và thiết tha muốn vào Đảng, nhưng nhìn lại hoàn cảnh và điều kiện, lý lịch thành phần lúc bấy giờ, tôi không dám nghĩ là mình sẽ được vào Đảng. Tôi càng nghĩ, càng buồn... Nhưng đó cũng là lúc tôi đem lòng yêu Phan Thị Luân, con gái đầu của một gia đình " Đảng viên 30". Lúc ấy Luân là cô gái đảm đang, một Đảng viên, bí thư Đoàn xã, hiền dịu, nết na. Còn tôi là một cậu con trai mồ côi, ít hơn người yêu bốn tuổi, nên biết bao lời dèm pha. Nhưng tình yêu đã cho chúng tôi sức mạnh vượt qua tất cả. Gia đình tôi và tôi yêu quý, vị nể cô. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có người vợ, một Đảng viên. Vì vậy, mọi việc đồng áng mẹ và tôi lo toan gánh vác để vợ tôi yên tâm công tác.
Những tháng đầu sau khi cưới, hôm nào vợ tôi đi họp đêm, mẹ tôi thường nấu cơm sớm để vợ tôi ăn xong trước khi trời tối rồi về bên nhà bố đẻ đi họp cùng bố. Họp xong, bố đẻ lại đưa con gái về nhà chồng. Hôm nào họp khuya quá vợ tôi lại về nhà bố mẹ đẻ ngủ. Khi đó là vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, làng quê không có điện. Điều đó thật bất tiện cho cô con dâu nhà nông biết bao nhiêu việc nội trợ, heo, gà, cám bã phải làm vào sáng sớm. Thế là tôi và vợ tôi phải tính toán phương án: Tôi đưa vợ đi họp để vợ tôi có điều kiện lo một số việc nhà vào lúc sáng sớm. Khi đó Đảng ta đã ra công khai, lấy tên là Đảng lao động Việt Nam, nhưng hội họp còn hết sức bí mật cả thời gian và địa điểm. Thường tối khuya 11-12 giờ đêm mới họp, kết thúc vào 1-2 giờ sáng. Mỗi lần vợ đi họp Đảng, tôi đưa vợ đi và chờ tan họp đón về. Theo thoả thuận, khi tan họp, vợ tôi đi cùng hướng với mọi người, tôi lặng lẽ theo sau. Khi mọi người về hết, vợ tôi chậm lại chờ tôi cách một quãng đủ đảm bảo an toàn, bí mật cùng tôi về (nhà tôi ở cuối xóm xa nhất). Cứ thế tôi đã đưa vợ đi họp đêm suốt hai năm, mỗi tháng vài lần. Kể ra cũng khá phiền phức nhưng tôi được bù đắp một cách xứng đáng. Trong những đêm ngồi chờ vợ họp, tôi núp sau nhà, lén nghe nội dung, từ đó tôi hiểu về Đảng nhiều hơn, sâu sắc hơn, hiểu mục đích cao cả của Đảng là vì dân vì nước, đi trước về sau. Niềm tin yêu tha thiết được vào Đảng càng thôi thúc tôi. Để có điều kiện được đứng trong đội ngũ thiêng liêng đó, tôi đã tình nguyện đi bộ đội. Được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, ba năm liền tôi là chiến sĩ thi đua và ngày vinh quang tôi chờ đợi đã đến: Ngày 10-9-1955 tôi đã được kết nạp vào Đảng khi tuổi đời 21. Thế là tôi đã là một Đảng viên thứ hai của gia đình.
Nay vợ tôi và tôi đều đã ngoài 70, rất tự hào và vinh dự được nhận huy hiệu 40 năm rồi 50 năm tuổi Đảng. Tôi luôn ghi nhớ câu đồng chí Ngô Gia Tự: "Người chiến sĩ Cộng Sản như người vượt đường dài trong mưa bão, ai chịu đựng mà không xuýt xoa, run rẩy mới đi tới chân trời nắng ấm. Nếu chờ đợi đến lúc áo đủ, cơm đầy, hoa cười, chim hót, lúc đó là lúc cách mạng đã thành công mới ra tay vùng vẫy chẳng khác nào én nhạn chiều đông muốn bay mà không cất cánh được".
Nguyễn Quang Song, Đồng Nai 2006
Ông nội tôi ra đi vào tháng bảy năm 2023, hưởng thọ 90 tuổi, tuổi Đảng là 68. Lễ tang của ông được tỉnh uỷ tổ chức theo nghi thức đầy đủ dành cho cựu quân nhân bao gồm lễ truy điệu và nghi lễ phủ quân kỳ. Ông là một người hiếm hoi tự viết điếu văn cho chính mình, được gia đình đọc trong lễ truy điệu. Trước lễ hoả táng ông tại đài hoả táng Hoà Lạc Viên (Long Thành, Đồng Nai) đội kèn ban tang lễ thổi bản nhạc Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây hùng tráng đưa tiễn người chiến sĩ bất khuất, kiên trung về cõi vĩnh hằng. Khúc nhạc này làm tôi bất giác oà khóc vì tinh thần bài hát gắn liền với cuộc đời sự nghiệp của ông như cách hai chữ Trường, Sơn được đặt cho tên của tôi và em trai tôi.
Thương nhớ ông nội.