Một mùa thi lại về. Các cô cậu học trò cuối cấp sẽ bận rộn biết bao, loay hoay trước mớ bòng bong những bài kiểm tra, những bài tập ôn luyện, chỉ mong có một suất vào giảng đường đại học. Năm nay, lại là một năm khó khăn cho các em sinh năm 2002, khi dịch bệnh lịch sử đã gián đoạn việc học tập, và các trường đại học rục rịch chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng. Biết bao sự lựa chọn ở phía trước, biết bao ưu tư mà lắm lúc các em chẳng biết chia sẻ cùng ai.
1. "Cứ đi để lối thành đường" nhắc mình nhớ lại những năm tháng lo lắng ở giảng đường đại học, khi mà gần hết năm 2, lên năm 3 mà trong đầu không khỏi hoang mang lo sợ. Chẳng biết ngành này học xong làm được gì, chẳng biết sau này mình sẽ làm nghề gì để ra tiền, chẳng biết tương lai đi về đâu. Hằng hà sa số những câu đáp "Chẳng biết" một khi tự hỏi bản thân về tương lai sau khi ra trường. Biết đến tác giả thông qua Facebook, như người sắp chết đuối vớ được phao cứu sinh, nghe tin sách ra mắt mình quyết định đặt mua ngay, hy vọng sẽ tìm được con đường cho mình.
Và đương nhiên đến thời điểm này mình chưa tìm được. Rất tiếc phải nói thế. Thế nhưng mình có thích quyển sách này không? Mình rất thích quyển sách này. Vì mình hiểu mọi thứ phải bắt nguồn từ bản thân chứ không nên bắt nguồn từ tác động bên ngoài, có chăng chỉ là động lực, cảm hứng để thực hiện công việc. Quyển sách không phải là cuốn cẩm nang tư vấn tuyển sinh đại học, cũng không phải cẩm nang vạch rõ định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên, cũng không đầy ắp những thông tin chỉ dẫn về nghề nghiệp, về những bài trắc nghiệm và tính cách, mà đúng như tựa đề tác giả viết ở bìa sách, đây là "Câu chuyện hướng nghiệp cho người trẻ Việt Nam".

Tác giả kể câu chuyện làm nghề của mình: Tư vấn định hướng và nghề nghiệp cho các sinh viên Đại học RMIT (Nơi tác giả công tác). Đó là câu chuyện suốt hơn 25 năm gặp gỡ và trò chuyện với các bạn sinh viên, đặc biệt là độ tuổi sinh năm 1995 – 1999. Có lúc vui, lúc buồn, lúc hạnh phúc vì học trò nhận ra hướng đi, cũng có lúc tác giả cảm thấy mình thật bất lực vì dường như đã thất bại trong một ca tư vấn nào đó. Quyển sách vừa là lời động viên, cũng là lời nhắc nhở, tỉnh thức, thậm chí răn đe các lứa sinh viên luôn loay hoay tìm hướng đi tương lai nhưng vẫn còn lo sợ: sợ khổ, sợ sai lầm, sợ tự mình đưa ra quyết định, sợ phải chịu trách nhiệm.
Nếu các bạn hiện tại ở tuổi 20 mà vẫn chưa biết chăm sóc bản thân, cứ nói "con muốn sống tự lập" nhưng chưa hề nấu bữa cơm nào cho gia đình, hay khăng khăng "con tự kiếm tiền" nhưng vẫn muốn mẹ chở mình đi làm vì tiện đường và không muốn tốn xăng, v.v… thì khó mà thuyết phục được người xung quanh về khả năng của mình.
Đối với tác giả Phoenix Ho, hướng nghiệp là một cuộc hành trình. Nghĩa là năm nay bạn thích điều này, năm sau bạn lại thích điều kia, đó là điều bình thường. Thế nhưng, bạn cần tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân, hỏi càng nhiều và nghĩ càng nhiều, thì càng tốt. Hướng nghiệp, không phải là hướng đến cho bạn một công việc, một nghề có cái tên cụ thể, mà bạn tự hướng cho mình một (hoặc nhiều) lĩnh vực mà bạn yêu thích, quan tâm. Hướng nghiệp, là bạn làm chủ cuộc đời bạn và sẽ có một ngày nào đó bạn phải thôi đổ thừa cha mẹ cho những hành động của mình.
2. Tác giả Phoenix Ho hiểu rằng, các bậc phụ huynh của lứa 9x đa phần là thế hệ sinh năm 1975 trở về sau, nghĩa là cha mẹ chúng ta sinh ra trong thời hòa bình nhưng đầy ắp khó khăn, một công việc cố định kiếm được tiền hàng tháng là điều quan trọng nhất, nhưng đồng thời cha mẹ chúng ta rất cởi mở để con mình đi theo những ngành học, ngành nghề mới lạ. Tác giả Phoenix nêu rõ, đối với các bậc phụ huynh của thế hệ sinh năm 1995 trở về sau, trong mắt họ ngày lễ tốt nghiệp đánh dấu một bước ngoặt to lớn của cuộc đời: "Người sinh viên ngày nào giờ đây không còn được phép rong chơi, tìm tòi, học hành nữa, mà phải bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm một công việc phù hợp, kiếm tiền, đóng góp cho gia đình về tài chính nếu có thể, từ từ lập sự nghiệp, rồi sau đó lập gia đình, có con,…". Trong mắt cha mẹ, sau khi tốt nghiệp đại học, bạn trẻ chỉ có 2 con đường: Một là học tiếp bậc cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ), hai là đi làm.
Thế nhưng, đối với nhóm tác giả Spiderum, cuộc sống sau ngày lễ tốt nghiệp còn nhiều hơn thế, khi mà giờ đây người trẻ có nhiều hơn 2 con đường kể trên. Đi làm, không chỉ được hiểu đơn giản là có một công việc toàn thời gian 8 tiếng/ngày hoặc hơn, sáng chạy xe đến tòa nhà văn phòng, ngồi trước màn hình máy vi tính, rồi chiều tối thì ra về, làm nhân viên của một công ty và được hưởng những chế độ cơ bản của người lao động: lương tháng 13. thưởng lễ tết, bảo hiểm xã hội, teambuilding cùng công ty,… Đi làm, còn có nghĩa là làm freelancer, làm Youtube, làm những dự án cộng đồng, làm game hay lựa chọn: làm thầy hay làm thợ?

"Người trong muôn nghề" là quyển sách tập hợp những câu chuyện làm nghề của những con người, đa số là người trẻ, với những ngành nghề cơ bản trong xã hội: Kĩ sư, bác sĩ, kiểm toán viên, nhà giáo, chuyên viên marketing, nhà tuyển dụng, phóng viên. Hơn thế nữa, bạn sẽ bắt gặp câu chuyện làm nghề độc đáo trong những lĩnh vực mới mẻ: làm freelancer, làm Youtuber, làm lập trình game, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" với những dự án xã hội và làm nghệ sĩ. Ngoài ra, bạn còn có cho mình những mường tượng đầu tiên về môi trường làm việc thông qua trải nghiệm thực sự của tác giả: làm ở một công ty đa quốc gia, làm ở công ty lớn là như thế nào? Làm công chức nhà nước có tiêu cực như người ta hay bảo? Có nên làm start up không và cần trang bị gì cho một môi trường làm việc hoàn toàn mới?
"Người trong muôn nghề" là những câu chuyện thật của những con người thật. Đó là những trải nghiệm làm nghề của các nhân sự nòng cốt sáng lập Spiderum – mạng xã hội dành cho người viết ở Việt Nam, đó cũng là những lời khuyên của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ. Không đe nẹt, hăm dọa, nhưng cũng không vuốt ve, những kinh nghiệm của các tác giả thực sự đáng để đọc bởi những bạn học sinh cấp 3, và cả các bạn sinh viên trước ngưỡng cửa vào đời.
"Cứ đi để lối thành đường" và "Người trong muôn nghề", một combo đáng có trong tủ sách của các bạn học sinh cấp 3 trước cánh cửa đại học, và càng ý nghĩa hơn nữa nếu bạn là cựu sinh viên lấp ló trước ngưỡng cửa vào đời.