Mối nguy hại từ chỉnh trang đô thị
Dịch từ bài gốc của Daniel Putnam trên Aeon --- Tại Quận Mission, San Francisco, có một sân bóng nổi danh nằm khép giữa...
Dịch từ bài gốc của Daniel Putnam trên Aeon
---
Tại Quận Mission, San Francisco, có một sân bóng nổi danh nằm khép giữa những tòa nhà kiểu Victoria trang nhã và những nhà hàng taqueria chuyên bán taco. Suốt nhiều năm, dân địa phương đã tự tạo ra một hệ thống tự thỏa thuận để vận hành sân bóng. Nếu như không có đủ chỗ cho tất cả, một số sẽ chơi còn số khác theo dõi ngoài đường biên. Khi một đội ghi bàn, đội thua sẽ đổi chỗ với đội đứng ngoài. Chẳng chóng thì chầy, ai cũng có cơ hội được chơi.
Ngày 18 tháng 8, 2014, lúc một nhóm bạn trẻ trong khu phố chơi bóng ở sân Mission thì một nhóm người lớn, đa phần là nhân viên Dropbox và Airbnb, yêu cầu họ rời sân. Khi các bạn đề nghị chia sẻ sân chơi, họ bị từ chối. Họ không hề hay biết rằng trước đó Hội đồng thành phố San Francisco đã ban hành một quy trình cấp phép quyền sử dụng sân bóng với mức giá 27 đôla/giờ trong thời gian tùy chọn. Các nhân viên kỹ thuật có giấy phép; các bạn trẻ thì không. Mọi thứ trở nên căng thẳng. Một bạn trẻ lên tiếng hỏi một nhân viên họ đã sinh sống ở khu vực Mission này bao lâu. “Ai thèm quan tâm chứ?” là câu trả lời nhận được. Một người lớn khác giương giấy phép trước mặt các bạn trẻ. Toàn bộ cảnh tượng này được ghi hình lại, nhanh chóng trở nên viral. Chẳng bao lâu sau, hàng trăm cư dân thâm niên ở Mission đã tụ tập trước Tòa thị chính để phản đối quy trình cấp phép. Cúi đầu trước sức ép của công luận, tòa thị chính đã kết thúc quy trình, và hệ thống sử dụng sân bóng xen kẽ quay trở lại.
Suốt những năm tháng trước khi xảy ra sự việc, Quận Mission đã trở thành địa bàn triển khai quá trình chỉnh trang đô thị thúc đẩy bởi công nghệ tại thành phố San Francisco. Xưa kia là một khu dân cư lao động, chủ yếu là cộng đồng Latin, Mission chứng kiến 60% gia tăng tiền thuê đất theo giá thị trường trong khung thời gian từ 2004 tới 2013. Kết quả là, nhiều người dân sinh sống lâu năm ở đây buộc phải rời đi, và tỉ lệ người gốc Latin giảm đi 25%. Chuyện ở Sân Mission cũng xảy đến rất nhiều cư dân địa phương từ nhiều nơi khác như một đề dụ đạo đức của quá trình chỉnh trang đô thị. Theo Edwin Lindo, cựu phó chủ tịch đối ngoại Câu lạc bộ Dân chủ San Francisco Latino trình bày: “Đây là một diễn dịch theo nghĩa đen cho những gì đang xảy ra với cộng đồng chúng tôi - ai đó mang một tờ giấy đến rồi bảo, các người hãy rời khỏi nơi này.”
Chỉnh trang đô thị là một trong những vấn đề cấp thiết - và gây chia rẽ - nhất mà các thành phố đang đối mặt hiện nay. Trong các thảo luận công, người bảo vệ quá trình chỉnh trang thường có khuynh hướng tô điểm nó thành sự ùa vào vốn đầu tư cấp thiết tới những vùng thị thành xuống cấp. Họ chỉ ra sự gia tăng thương mại và nguồn thu từ thuế, vật chất tràn vào tay người sở hữu nhà thu nhập thấp, giảm đi tình trạng tội phạm và dịch vụ công được cải thiện như bằng chứng cho thấy, sau khi cân nhắc tính toán, chỉnh trang đô thị là điều nên làm. Những nhà phê bình thì xem đây là một sự xâm lăng cận-thực dân của những kẻ có đặc quyền đặc lợi vào những cộng đồng nghèo nàn về tài chính. Họ chỉ ra sự từ bỏ nơi hiện đang sinh sống của những cư dân thâm niên, sự hiện diện quá mức của cảnh sát ở các không gian công cộng, và sự đồng nhất của môi trường thương mại như bằng chứng rằng, sau khi tính toán cân nhắc, chỉnh trang là một điều không nên.
Ở chừng mực nào đó, cả hai bên đều bất đồng về những thực tế phổ biến, nhất là chừng mực mà quá trình chỉnh trang gây ra sự di dời của cư dân sinh sống lâu năm. Thế nhưng những bất đồng sâu sắc nhất giữa họ nằm ở đạo đức chính trị: cứu cánh mà chúng ta nên lần theo trong tư cách một cộng đồng chính trị. Chính tại mức độ bất đồng giá trị mà triết học chính trị góp tiếng nói rất riêng cho tranh cãi xoay quanh quá trình chỉnh trang đô thị này.
Chỉnh trang đô thị là một đề tài nghiên cứu phong phú cho các nhà kinh tế, xã hội, khoa học chính trị và sử gia, và các chuyên gia ở ngành khác. Triết học có thể sọt ngang khó đoán định hơn. Rất nhiều triết tác khó lòng kết nối được với quá trình chỉnh trang bởi triết hiện hữu ở một mức độ lý tưởng hóa và trừu tượng ở thượng tầng dường ấy. Thế mà các công trình mới đây trong triết học chính trị chỉ ra con đường hướng tới một định hướng thực tiễn hơn. Cụ thể, các triết gia như Elizabeth Anderson, Amartya Sen và nhiều vị khác đã tranh cãi cho rằng triết học có thể đảm nhận vai trò chẩn đoán bất công. Giải thích ẩn dụ này xứng đáng bỏ ra chút thời gian quý báu.
Một vị bác sĩ không nhất thiết phải hiểu cụ thể một bệnh nhân khỏe mạnh tuyệt đối sẽ ra sao, mới có thể xác định xem điều gì khiến người này yếu đi ở một khía cạnh nào đó, để từ đó liệt kê ra những phương án điều trị. Nhưng một bác sĩ thật sự phải lắng nghe, vừa cảm thông vừa nghiêm khắc, những phàn nàn của bệnh nhân hòng xác định đâu có thể là triệu chứng của một căn bệnh hiện hữu. Tương tự như vậy, một triết gia chính trị không nhất thiết phải hiểu một xã hội công bằng tuyệt đối sẽ ra sao, mới có thể xác định xem cái gì khiến một xã hội trở nên thiếu công bằng trong một khía cạnh nào đó, và từ đó đề xuất các cải tổ. Nhưng một triết gia chính trị có khuynh hướng chẩn đoán thật sự cần lắng nghe bệnh nhân, vừa cảm thông cũng vừa nghiêm khắc, những phàn nàn diễn tả ở các trào lưu xã hội diễn ra trên thế giới hòng xác định đâu có thể là triệu chứng của một bất công hiện hữu.
Cùng với tâm trí sau khi đả thông, chúng ta quay trở lại phút chốc với Sân Mission. Dẫu thế, trước tiên, ta cần phải giải quyết một tiên đề: chỉnh trang đô thị là gì?
Khái niệm “chỉnh trang đô thị” được đề xuất - có lẽ một cách khôi hài, tếu táo - bởi nhà xã hội học người Anh Ruth Glass, người bị choáng ngợp trước những thay đổi xảy ra với London đầu thập niên 60. Các khu phố của người lao động vấp phải làn sóng ngày càng lớn những cư dân trung lưu và thượng trung lưu đến sinh sống. Những cá nhân lắm tiền nhiều của này làm thay đổi và tạo dựng bối cảnh thương mại mới (chưa đả động gì tới tiền thuê). “Một khi quá trình chỉnh trang đô thị bắt đầu ở một khu vực,” Glass viết năm 1964, “nó sẽ diễn ra nhanh chóng cho tới khi… toàn thể đặc tính xã hội của khu vực ấy hoàn toàn thay đổi.”
Từ thập niên 1960 tới nay, quá trình chỉnh trang đô thị xảy ra khắp mọi nơi. Quả vậy, khi các sử gia về thành phố ghi chép lại quãng 50 năm qua, có lẽ thay đổi nổi bật nhất họ quan sát được chính là quy mô và mức độ thâm nhập của quá trình chỉnh trang. Nó bắt đầu ở những trung tâm đô thị chính ở phương Tây đã phát triển, câu thúc một phần bởi nỗ lực muốn thu hút vốn và cư dân của chính quyền địa phương đến các khu vực bị xem là điêu tàn vì thiếu đầu tư và “bị người da trắng bỏ đi”. Từ thập niên 1980, chỉnh trang lan tới các thành phố vệ tinh trên khắp phương Tây đã phát triển và nhiều thành phố khác, lớn và nhỏ, tại các quốc gia đang phát triển. Quá trình này còn tiếp diễn hay không hẵng còn chưa thể nói trước. Bên cạnh đại dịch, mực nước biển dâng cao bày ra một mối nguy lâu dài đối với sự thịnh vượng đang được duy trì ở các thị thành quy mô lớn. Thế nhưng kể cả khi dừng lại hoặc thụt lùi trong những năm sắp tới đi chăng nữa, quá trình chỉnh trang vẫn sẽ để lại phía sau một bề mặt đô thị mang vóc hình tạo nên từ viễn cảnh của chính nó.
Những đặc điểm cốt lõi của chỉnh trang đô thị đều rõ rệt đối với Glass. Các trường hợp khuôn mẫu của quá trình này thường liên đới một khu dân cư chủ yếu có người sinh sống thuộc tầng lớp lao động hoặc nghèo khó. Rồi có một luồng các cư dân đặc quyền đặc lợi về tài chính hoặc văn hóa ùa vào khu phố. Kết quả là, nơi đó thay đổi: những tòa nhà cũ kỹ được tân trang, nhà mới được thi công, dịch vụ công được cải thiện, các cơ sở kinh doanh cao cấp ra đời, giá thuê kinh doanh và sinh hoạt theo thị trường tăng quá mức lạm phát. Dù vậy, Glass lại không đề cập tới hậu quả phân chủng mà các thay đổi này gây ra, nhất là tại Mỹ. Rất lắm khi, người dọn vào sinh sống không chỉ giàu có – mà là người giàu có da trắng. Khi điều này xảy ra, sức mạnh của màu da làm lệch và bóp méo sức mạnh của đồng tiền.
Vậy hãy cùng quay lại quận Mission. Khi hàng trăm con người biểu tình phản đối trước Tòa thị chính, họ phản đối điều gì chứ? Đâu là thứ bất công mà họ muốn kêu gọi sự chú ý vào?
Trước khi tòa thị chính thay đổi luật, Sân Mission mở ra cho tất cả mọi người. Sau khi thay đổi, sân bỗng trở thành một phần của một tài sản tư hữu, chỉ mở cho những người biết về luật và có của để chi trả quyền được sử dụng. Thay đổi ấy không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong phân phối quyền sử dụng sân. Như video Youtube cho thấy một cách nao lòng, thay đổi kia còn tạo ra một thứ bất bình đẳng giữa con người với con người. Trước đó, không ai có cho mình một thứ quyền hạn được luật pháp gia cố để loại trừ người khác không cho phép họ sử dụng sân; sau đó, một số đã có thứ quyền hạn này. Anh lớn thì có. Cậu nhỏ thì không.
Nếu hình thái bất công giữa người đối người này là tâm điểm khiếu nại của những người phản đối, và nếu sự bất công ấy có thể khái lược cho toàn thể khu phố nói chung, dường như điều mà những người xuống đường biểu tình về căn cốt chính là phản đối thói hành xử xem nhà đất y hệt như hàng hóa. Bởi lẽ khi nhà đất bị xem như hàng hóa, chủ đất có quyền trục xuất người đang cho thuê ra khỏi nhà khi người thuê không còn khả năng chi trả số tiền mà chủ đất yêu cầu. Rõ như ban ngày, quyền trục xuất này sản sinh ra tình trạng biệt xứ và bất an về nhà cửa mỗi khi giá thị trường vượt quá mức người thuê có thể trang trải – chẳng hạn như kết quả của sự chỉnh trang.
Trước cái giá phải trả cho việc nhìn nhận quyền trục xuất về phần chủ đất, câu hỏi mà chúng ta cần thiết phải đặt ra chính là liệu nhà nước có thuận đạo lý khi tiến hành công nhận và triển khai quyền hạn ấy hay không. Ta không thể có câu trả lời đơn giản bằng cách chiểu theo “tự nhiên” hay “khả thể” của sở hữu. Người ủng hộ quyền sở hữu đất đai mặc nhiên đôi khi chọn lối tranh luận này, đi từ tiên đề rằng một số quyền trục xuất là “đặc thù” với khái niệm sở hữu đất đai cho tới kết luận rằng những quyền hạn này thuận theo đạo lý. Nhưng mà lập luận này lại bỏ qua, phớt lờ thực tế rằng đất đai về bản chất chỉ là một cái xã hội tạo ra. Là một cái mà con người chúng ta nhào nặn mà thành. Do vậy, nó cũng là cái mà chúng ta có thể thay đổi. Vì thế câu hỏi không còn nằm ở chỗ một số quyền hạn trục xuất có hoặc không nằm ở “khái niệm sở hữu”. Mà câu hỏi chính là liệu nhận thức về sở hữu mà chúng ta áp dụng nhờ bởi hàm lượng lý trí tối đa, suy cho cùng, có bao gồm những quyền hạn kia hay không.
Để luận kỹ hơn về câu hỏi ấy, chúng ta hãy cùng quay lại thực tại chỉnh trang đô thị đã từng trải qua. Hãy xem xét một cư dân thâm niên sinh sống tại một khu dân cư hiện đang trải qua quá trình chỉnh trang. Như phần lớn dân cư của các khu dân cư thu nhập thấp, bà thuê nhà từ nhà chủ, người có thể nâng tiền thuê tùy thích, và vẫn không nhận một đồng trợ cấp nào từ chính quyền. Giá thuê thị trường vượt quá mức chi trả của bà bởi quá trình chỉnh trang đô thị xảy ra.
Trong kịch bản này, một trong ba kết quả có thể diễn ra. Mỗi kết quả sẽ bày ra ánh sáng một phương hại khác nhau của sự chỉnh trang đô thị không được nhà nước điều tiết. Nếu chủ nhà quyết nâng giá thuê bằng giá thị trường, người phụ nữ buộc phải rời khỏi nơi đang sinh sống. Trong bối cảnh chỉnh trang đô thị đang xảy ra, khi giá thuê thị trường tăng quá cao, rủi ro rất lớn bà ta buộc phải rời hẳn cộng đồng đang sống. Do đó kể cả khi thoát được cơn ác mộng vô gia cư sau khi đã tìm được chỗ che mưa che nắng đâu đó khác, bà ta vẫn gánh chịu mất mất gây ra bởi gắn bó nơi chốn: những con người hình thành nên mạng lưới săn sóc, tin tưởng và tương thuộc giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm tại riêng mỗi khu phố.
Nghiên cứu về vốn xã hội chỉ ra rằng những người thu nhập thấp là những người dễ bị buộc ép phải rời khỏi mái nhà của mình khi xảy ra chỉnh trang đô thị, trong khi họ lại là người phụ thuộc nhiều nhất vào gắn bó nơi chốn để thỏa mãn nhu cầu căn bản. Thiếu tiền một tháng, họ vay từ họ hàng; nếu tội phạm gia tăng, họ có thể nhờ vả hàng xóm trông nom giúp; thay vì thuê người giúp việc, họ nhờ vả người bạn thân tín. Vì lẽ đó, sự đào thải nơi chốn gây ra bởi chỉnh trang đô thị có thể gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chẳng hạn trong quyển Thành phố đem buôn (2002), nhà hoạch định đô thị Chester Hartman nghẹn ngào mô tả các ảnh hưởng của sự buộc phải rời xa làng xóm ở quận SoMa, San Francisco, như sau:
Các cuộc phỏng vấn… tiết lộ sự sụp gãy trong các hệ thống tương trợ gây ra bởi sự dời chỗ. Đặc biệt ở người già, các mối quan hệ cá nhân có lẽ là phần quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày. Mất đi những gương mặt thân quen trên phố và ở sảnh khách sạn, những con người có thể chuyện trò, ăn uống, chơi bài cùng là một cú sốc trầm trọng. Tương tự, sự mất đi của các cửa hiệu, nhà hàng và các cơ sở thương mại khác có thể tước đi sự bình ổn thiết yếu, một nơi để họ tìm thấy sự nhìn nhận, để gặp gỡ bạn bè.
Đối mặt với một điển hình như thế, những người ủng hộ chỉnh trang đô thị lại chỉ ra các nghiên cứu cho rằng mức độ người dân rời bỏ nhà cửa thường thấp hơn những đối thoại xoay quanh chủ đề chỉnh trang đưa ra. Thực tế này đưa chúng ta tới kịch bản thứ hai. Hãy tưởng tượng chủ nhà không nâng giá thuê bằng giá thị trường, nhưng vẫn tăng giá thuê lên đáng kể, để phần thu nhập của người thuê ngày càng dồn nhiều hơn cho chi phí thuê mướn. Trong trường hợp này, người thuê nhà vẫn chưa phải rời đi. Nhưng sẽ gặp phải sức ép rời đi. Mặc dù không nghiêm trọng bằng việc bị buộc phải dời đi, tình huống này chẳng hề dễ chịu chút nào. Các cư dân thu nhập thấp sinh sống tại các khu vực đang được chỉnh trang buộc phải cắt giảm chi tiêu thiết yếu. Ngoài ra còn tồn tại một tác hại tâm lý dai dẳng đối với bất an về nhà cửa, và sự tạm bợ từ đó nảy sinh dành cho những gắn bó của cá nhân với những người sống xung quanh. Nằm bên dưới cả hai tác hại này là một sự sai trái đặc hữu: đến từ sự bóc lột.
Karl Marx vào thập niên 1850 cho rằng các nhà tư bản bóc lột công nhân bằng cách tước đoạt “giá trị thặng dư”, tức chênh lệch giữa số tiền người công nhân được chi trả và giá trị đến từ sức lao động của họ. Kể cả khi chúng ta chối bỏ lý thuyết kinh tế của Marx, nhà tư tưởng quả thật đã chỉ ra một hình thái phổ biến của mối quan hệ méo mó giữa người và người. Hình thái cơ bản của mối quan hệ này chính là bên có sức mạnh sẽ tước đoạt các lợi ích từ bên yếm thế hơn, và có thể làm được như vậy bởi sự cô thế của bên yếm thế.
Mô tả này vừa khớp với quyết định của một số chủ nhà tại các nơi xảy ra quá trình chỉnh trang, khi họ muốn tăng giá thuê nơi những khách trọ họ biết chắc đã trong tình trạng yếm thế về kinh tế. Thật vậy, chênh lệch giữa con số mà chủ nhà cần yêu cầu từ khách thuê để đối phó với tình trạng lạm phát và thỏa các trang trải trong sinh hoạt – con số thường tăng ở mức 2-5% mỗi năm – và số tiền họ thật sự buộc người thuê phải thanh toán trước tình trạng chỉnh trang đô thị có thể xem như một kiểu “tiền thuê thặng dư”. Tồn tại một truyền thống xa xưa trong tư duy về kinh tế, chí ít từ tận thời David Ricardo đầu thế kỷ 19, xem tiền cho thuê đất nhìn chung là một khoản thu nhập bị động không thể biện minh được về mặt đạo đức. Có lẽ cáo buộc đại khái này đã đi hơi quá xa. Dẫu vậy, nó vẫn là một mô tả phù hợp dành cho đạo đức của tiền thuê thặng dư mà nhiều chủ nhà ở các vùng đang xảy ra chỉnh trang yêu cầu.
Giờ chúng ta hãy xem xét kịch bản thứ ba, khi đó chủ đất không trục xuất cũng chẳng bóc lột người thuê. Thay vào đó, ông ta giữ mức thuê y hệt mức trước khi xảy ra chỉnh trang. Trong tình huống này, nếu như và có thể rất khó tìm ra điều gì để phản đối về đạo đức. Nhưng lựa chọn này hóa ra lại chỉ ra vấn đề của chỉnh trang vô lối thực chất chính là vấn đề hành xử không hay ở phạm vi cá nhân. Tuy nhiên, khi ta nhìn cận hơn vào mối quan hệ giữa chủ thuê và khách thuê, ta nhìn thấy một bất công về cấu trúc tồn tại kể cả trong trường hợp “chủ nhà tốt bụng”. Nó thuộc về bản chất của tự do.
Triết gia từ lâu đã phân biệt giữa tự do tiêu cực, được hiểu (thô thiển) là tự do thoát khỏi sự can thiệp từ người khác, và tự do tích cực, được hiểu (thô thiển) là tiếp cận được những giá trị xã hội hữu ích. Những năm gần đây, một số triết gia chính trị đã chuyên tâm hơn vào một thứ tự do thứ ba: tự do như sự không bị thống trị. Ý tưởng cốt lõi chính là khi một người có thể vẫn chưa được tự do hoàn toàn khi bị nô thuộc vào một quyền lực võ đoán của một người khác hay một tác nhân khác. Một người có thể vẫn chưa có tự do theo nghĩa này kể cả khi người hoặc tác nhân sở hữu uy quyền kia chẳng hề triển khai quyền uy đó theo những cách độc hại hoặc can thiệp. Chẳng hạn, hãy nghĩ tới một “chủ nô có lòng nhân”. Kể cả khi không bao giờ đánh đập hay hành hạ nô lệ - quả thật, kể cả khi ông ta chẳng bao giờ đi hành hạ họ, theo tính cách – thực tế ông vẫn có thể đánh đập hay hành hạ nô lệ mà không bị truy xét chỉ ra rằng tự do là một thứ ràng buộc vô cùng. Theo lời của Philip Pettit, một mối quan hệ như thế không thể vượt qua bài kiểm tra mắt-đối-mắt, để khẳng định tình trạng không ai thống trị ai: yêu cầu cả hai bên có thể nhìn thẳng vào mắt nhau mà không hề có lý do gì để… sợ hãi hay tự vệ.”
Nhìn từ góc độ không bị ai khác thống trị, mối quan hệ giữa một “chủ nhà tốt bụng” và người thuê sẽ chẳng còn hường như trước. Thật vậy, người thuê có thể vẫn ở lại nhà và ở lại cộng đồng. Thật vậy, sự cô thế của chị ta không hề bị bóc lột để sinh lời. Ấy vậy mà tự do của chị ta vẫn bị ràng buộc vô cùng. Thứ duy nhất ngự giữa chị và khả năng phải xa xứ chính là sự sẵn lòng từ tâm của chủ nhà không muốn đòi nhiều hơn số tiền ông ta có thể nhận được. Tuy nhiên, sự từ tâm là một thứ gì đó mong manh. Nó có thể bị rút lại dễ dàng như cách nó được bày ra. Vì lẽ này, không ai nên buộc phải lệ thuộc vào sự từ tâm võ đoán của người khác đối với một ích lợi cơ bản là được an toàn trú ngụ trong ngôi nhà và giữa cộng đồng của mình. Ấy vậy mà đây đích xác là tình huống của một người thuê nhà cô thế sinh sống trong một khu phố đang xảy ra quá trình chỉnh trang, người không thể chi trả bằng với mức giá thị trường. Không hề quá lời khi nói rằng chị ta đang nằm trong sự chiếu cố của chủ nhà.
Mối quan hệ thống trị giữa người thuê và chủ nhà vẫn còn một đối trọng khác ở mức độ cộng đồng nói chung. Một thành phần quan yếu trong sự thống trị giữa chủ nhà – người thuê là sự bất lực không sao có thể thanh toán tiền thuê bằng với giá thị trường của người thuê. Người đi thuê nhà có thể hay không thể chi trả được mức giá thị trường, khi ấy, tùy thuộc vào những chuộng thích về địa điểm của người tiến hành chỉnh trang, người quyết định tiền thuê theo giá thị trường có tăng hay là không và nếu có sẽ tăng bao nhiêu. Do đó cũng hệt như người thuê nhà trong một khu vực đang chỉnh trang lệ thuộc vào chuộng thích võ đoán của chủ thuê cho việc đi hay ở, cộng đồng nhìn chung cũng lệ thuộc vào sự chuộng thích cá nhân của những cá nhân tiến hành chỉnh trang để tiếp tục tồn tại. Theo nghĩa này, chỉnh trang không theo điều tiết bao hàm một nexus quan hệ thống trị giữa người đang sinh sống, chủ đất và những cá nhân đang tiến hành quá trình chỉnh trang.
Hãy cùng suy ngẫm cẩn thận. Tới lúc này, tôi đã đề ra ba phương hại chính yếu của quá trình chỉnh trang vô tội vạ. Khi chủ đất tăng giá thuê cao hơn khả năng chi trả của người đi thuê, họ gây ra phương hại có thể dẫn tới tình trạng lưu vong, bao gồm tước đi cả sự gắn bó chòm xóm của người thuê. Khi chủ đất đòi hỏi tiền thuê tăng vượt quá khả năng chi trả, họ gây ra tình trạng bóc lột. Nhưng kể cả khi chủ đất chủ trương không gia tăng tiền thuê, thì cấu trúc ngầm dụ trong mối quan hệ giữa chủ đất và người cho thuê vẫn là một trạng thái thống trị. Điều này phản ánh ở tầm mức cao hơn trong mối quan hệ giữa những cá nhân chỉnh trang đô thị với khu vực sinh sống nói chung.
Giả như sai lầm căn cốt của quá trình chỉnh trang vô tội vạ chính là thống trị, khi ấy một câu hỏi quan trọng chính là thống trị ấy sẽ khớp vào đâu trong khung cảnh đạo đức của chúng ta. Cụ thể hơn, tự do khỏi sự thống trị sẽ cung phụng cho những giá trị phổ quát nào khác?
Câu hỏi này cuối cùng lại mang chúng ta đến giá trị của dân chủ. Dân chủ thường được hiểu hạn hẹp trong các thuật ngữ về bầu cử, bao gồm quyền được đưa ra lá phiếu tự do và công bằng trong các cuộc bầu chọn. Quan trọng là thế, dường như khái niệm này chẳng bao hàm trọn vẹn được toàn bộ ngoại diện lẫn nội hàm giá trị dân chủ. Một thứ thiết yếu đối với giá trị của dân chủ chính là tự do thoát ra khỏi quyền lực võ đoán. Thật vậy, ý niệm tự quản đích thị là đối trọng tích cực cho luật lệ áp đặt từ người khác. Nếu nó đúng, khi đó ý niệm dân chủ kinh tế tạo ra một cơ sở để tiếp cận câu hỏi làm thế nào để điều tiết thị trường nhà cửa để tránh được những tổn thất gây ra từ quá trình hàng hóa hóa toàn diện.
Thử xét ba trường hợp ví dụ xem. Mặc dù thường bị phê phán đã tạo ra các thất bại về thị trường và bất hiệu quả về kinh tế, kiểm soát đối với tiền thuê nhà đang có một cuộc lội ngược dòng về chính trị. Năm 2019, Oregon trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua kiểm soát tiền thuê nhà trên phạm vi toàn bang. Và mới năm 2020, Berlin thậm chí còn đi xa hơn, buộc giữ giá thuê trong vòng năm năm áp dụng trên 90% toàn bộ tài sản cho thuê tại thành phố thủ đô nước Đức. Từ góc nhìn giá trị dân chủ, kiểm soát giá thuê có hai ưu điểm. Trước tiên, bằng cách hạn chế việc gia tăng tiền thuê theo mức lạm phát và chi phí vận hành, các pháp lệnh kiểm soát ngăn chặn không cho chủ thuê khai thác tiền thuê thặng dư và từ đó không cho họ bóc lột người thuê cô thế hơn về kinh tế. Thứ hai, và quan trọng hơn, khi yêu cầu chủ thuê đưa ra đòi hỏi cao hơn phải chính thức biện minh cho nhu cầu của họ trong một diễn đàn tiến hành theo thủ tục, kiểm soát giá thuê mang lại một sự giám sát thiết yếu chống lại sự thống trị.
Hạn chế chủ đạo của việc kiểm soát này nằm ở chỗ nó bảo tồn và duy trì cấu trúc của tài sản tư, vốn làm nên mối quan hệ giữa chủ nhà và người đi thuê. Một cách giải quyết cấp tiến hơn chính là ngay từ đầu chớ khiến cho việc sở hữu nhà đất mang nặng tính tư hữu. Theo đó, một cải cách sẽ tạo nên một sự cơi nới quan trọng trong khối sở hữu nhà đất. Mặc dù ý nghĩ một phần đông dân cư sẵn sàng chi trả tiền thuê cho nhà nước vẫn là một sai dị với nhiều người Mỹ, đây là một đặc điểm thân thuộc ở nhiều thành phố Châu Âu. Ở Vienna chẳng hạn, hơn 60% cư dân sinh sống tại các cơ sở nhà ở xã hội – và kế hoạch này vẫn còn nét phổ biến. Một cải cách khác đến từ sở hữu tập thể đất đai dưới hình thức quỹ đất cộng đồng. Tiền đề của quỹ đất này là sự phân chia giữa tư hữu các bất động sản thổ cư và công hữu đất đai nơi nhà cửa được xây nên. Cấu trúc tự quản của quỹ đất bảo tồn sự tự trị của địa phương, đồng thời ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt tư nhân. Đây chỉ là một ví dụ trong số các hình thức tổ chức sở hữu “tổng hợp” kết hợp các yếu tố chủ đạo của công hữu lẫn tư hữu.
Đương nhiên, câu hỏi làm thế nào để điều tiết tốt nhất quá trình chỉnh trang đô thị rốt cuộc vẫn nằm chủ yếu ở các giả ước về hệ quả khi áp dụng một biện pháp cải cách này thay cho một biện pháp khác. Triết học chính trị trong tư cách chẩn đoán có thể xác định các triệu chứng của bất công, đồng thời chỉ ra đường hướng hành xử đúng đắn, nhưng rất khó lòng có thể cam đoan sẽ giải quyết được câu hỏi nên làm gì, vốn cần tới dữ kiện đầu vào từ các nhà khoa học xã hội, các bên liên quan, và chính công chúng. Dẫu vậy, một bài học chung có được từ chẩn đoán lại rõ rành rành. Toàn thể quá trình hàng hóa hóa nhà cửa không hề tương xứng với nguyên tắc lõi của dân chủ: tự do thoát khỏi thống trị. Dẫn tới việc chúng ta buộc phải sống thỏa theo giá trị dân chủ, hoặc có thể xem sở hữu nhà cửa như một hàng hóa. Nhưng không thể chọn cả hai.
Chỉnh trang đô thị là tấm gương phản ánh những bất công phổ quát nhất của xã hội: một sự tập trung quá mức thông thường quyền lực kinh tế tư nhân trong tay một thiểu số ít ỏi; quá trình tư hữu hóa hoặc hàng hóa hóa những của cải trước kia được sẻ chia và thuộc về cộng đồng; những tác động xóa sổ từ cả hai quá trình đàn áp về sắc tộc lẫn giai tầng. Nhưng chỉnh trang đô thị cũng phản ảnh quá trình này bằng một sự tường minh và gần gũi hết mực. Nó là chuyện đã xảy ra tại các sân bóng và công viên, ở đường điện ngầm và vỉa hè, ở trong chính nhà của mỗi người chúng ta. Khi có hại, tác hại có thể cảm nhận rất rõ. Ấy vậy mà địa phương tính của quá trình chỉnh trang lại cũng tạo ra cơ hội cho các công dân bình thường trực tiếp đấu tranh chống lại các tác hại kia. Mặc dù các giải pháp thấu triệt nhất nhất thiết phải mang tính cấu trúc, công dân thông thường vẫn có thể trình đệ lên tòa thị chính để ra sức kêu gọi sự phân chia bao hàm không loại trừ, tham gia một biểu tình chống lại sự đóng cửa một định chế trong vùng họ sinh sống, và ra sức gây tạo những gắn bó có ý nghĩa trong cộng đồng. Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Louis Brandeis vào thập niên 1930 từng mô tả các tiểu bang như “phòng thí nghiệm dân chủ.” Điều tương tự có thể xảy ra ở các thành phố, nếu chúng ta chấp nhận đương đầu thách thức.
k.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất