Thú thật, tôi không nhớ nổi mình đã đến Mộc Châu bao nhiêu lần, với những ai. Thế nhưng, có một điều chắc chắn, dù có đến Mộc Châu bao lần đi nữa, tôi cũng khó lòng mà thấy chán mảnh đất này.
Tôi nhớ chuyến đi cùng Thanh lịch hội lúc cả bọn mới ra trường. Chuyến xe giường nằm ban đêm nhưng vẫn xung phong chọn mấy giường cuối, để được nằm cạnh nhau. Trước chuyến đi, Nguyên Anh gửi cho cả bọn tấm ảnh về một con đường đất uốn lượn quanh co, xung quanh là những cánh đồng cải trắng mênh mông bất tận. Chúng tôi rốt cuộc đã không tìm thấy nơi đó. Nơi chúng tôi đến, hẳn nhiên, khác xa với khung cảnh của bức ảnh mạng kia.
Chuyến đi ấy có cả Vịnh, một game thủ xuất chúng nổi danh. Vậy nên, buổi chiều hôm đó, mặc trời mưa nặng hạt, mặc quẩn quanh trong phòng, nhờ Vịnh, chúng tôi vẫn gom nhóp được mớ kỷ niệm khó quên.

Chuyến đi ấy, chúng tôi lăn lê bò toài ở đồi chè trái tim, lang thang dạo bộ ghé thăm mấy trang trại bò sữa để kiểm chứng những gì được chiếu trên quảng cáo tivi. Tất nhiên, giữa phim và đời lúc nào cũng là một khoảng cách rất dài và rất thật. Sau chuyến đi đó, mỗi lần uống sữa Mộc Châu, tôi vẫn thấy chút khe khẽ rùng mình.
Chúng tôi cứ thế lang thang qua những đồi cỏ sữa bạt ngàn ướt đẫm sương và những vạt đất lầy lội bùn bởi cơn mưa chiều hôm trước. Gần đây tôi cứ nghĩ, khung cảnh đó, vảng vất sắc màu từ những thước phim của “Kiêu hãnh và Định kiến”, khung cảnh nàng Lizzy lội bùn tới Meryton thăm Jane.
Đó không phải là chuyến đi Mộc Châu đầu tiên của tôi, nhưng có lẽ là chuyến đi tôi nhớ nhung hơn tất thảy, là “mỏ neo” kéo tôi lại thêm với chân trời. Chuyến đi đó, tôi hứa hẹn với lòng, rằng sẽ phải quay lại khi đất trời vào xuân.
Và thật tình, tôi cũng đã trở lại, vào một ngày đầu xuân nắng ấm trong xanh. Tôi thấy mình lạc giữa một khu rừng cổ tích, bao quanh mình là những bông mận trắng tinh khôi. Tôi lang thang tưởng mình lạc mất, vì đi mãi vẫn không thấy hết rừng.

Rồi bác chủ vườn xuất hiện, kéo thang chỉ cho chúng tôi cây mận đẹp nhất của khu vườn, nằng nặc rằng nhất định chúng tôi phải chụp ảnh với nó. Bác hái cho chúng tôi những trái mận đầu mùa, bảo rằng những cái cây nơi nầy đều xấp xỉ tuổi chúng tôi.

Tôi không biết làm sao người ta có thể gắn bó với một nơi chốn lâu đến vậy. Có lẽ người ta, nếu đã sống quen với những điều đẹp đẽ, thì chắc khó có thể chấp nhận những điều tầm thường? Đến tôi, một kẻ lãng du, mà cũng thấy tỵ hờn với cả lũ gà ở nơi chốn mộng mơ này.
Hai tuần trước, tôi tình cờ gặp một anh chàng đối thủ ở Tú Làn Race. Hồi đó team ổng nhất còn Team tôi lọt tốp 10. Đôi ba câu chuyện làm quà, tôi nhất quyết bảo team ổng thắng được là nhờ có kinh nghiệm từ mùa 1 của ổng. Ổng thì lại khăng khăng kể lể, rằng thì mà là, tất cả là nhờ tinh thần đồng đội, đồng chí A rất yếu không chạy được 1 cây số, đồng chí B đến ngày đua rồi còn sốt cao phải vào viện, bla bla. Hạ hồi phân giải vẫn là địch thắng ta thua, mà 100% lời của kẻ thắng, dĩ nhiên luôn luôn đúng mà chẳng cần chứng minh. Vâng, chúng tôi thua vì tinh thần đồng đội. Dăm ba câu chuyện qua đường, ổng bảo ổng đi Hua Tạt, hỏi tôi đến Hua Tạt chưa, tôi lắc đầu.
Đấy có lẽ là cái duyên tiếp theo đưa tôi quay trở lại Mộc Châu. Về mặt đồng đội, tôi có thể thua, nhưng về phương diện cá nhân, thì không lý nào!Hua Tạt, từ lúc đó, với tôi, là một vùng đất hứa. Sự háo hức đã theo tôi cả chuyến đi cho đến khi anh chủ R-bike thông báo đoạn đường vào đang sửa chữa, phải đổi kế hoạch đạp xe. Thế là đi tong cả lời hứa, rằng thì mà là, đồng chí đi được cớ sao tôi lại không. Đúng là mấy trò trẻ con hiếu thắng.
Cơ mà, không đi Hua Tạt lần này, biết đâu lại là cái cớ cho lần trở lại tiếp theo?

R-bike hân hạnh tài trợ chuyến đi này :))
Mộc Châu, dù nói thế nào đi nữa, vẫn là vùng đất hứa, với tôi.
P hỏi: “Sao cậu đi Mộc Châu lắm thế”
Tôi cũng không biết vì sao nữa, nên trả lời đại: “Chắc tại duyên”.
Mảnh đất này, xuân – hạ - thu – đông, mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp rất riêng. Và dù là cảnh hay là người, đều mang theo trong mình một sức hút vô cùng khó cưỡng.

Như chàng porter người Mông, một dạ hai vâng, ngoan hiền và có duyên đến lạ. 21 tuổi chàng ta đã 1 vợ 3 con nhà cửa đề huề. Hỏi ra mới biết, học xong lớp 7 thì bỏ học, ở nhà cưới vợ, làm nương, bảo rằng phụ bố mẹ nuôi ba em còn lại.

XuN bảo “em thấy nó ngoan lắm, có vẻ rất yêu vợ, nói câu nào câu nấy cũng vợ em thế này vợ em thế kia”. Ấy vậy mà lúc chúng tôi hỏi, nó mới khai thật rằng thỉnh thoảng vẫn giấu vợ đi tán gái bản bên. Nghỉ chân giữa đường, nó đưa cho tôi xách thử balo, mới ngả ngửa sao mà nặng thế - so với sức vóc của một con người. Vậy mà nó, vẫn thoăn thoắt chân nọ đá sáo chân kia. Tôi và N nhìn nhau lắc đầu, rằng thấy tiếc cho một đứa trẻ lém lỉnh và hoạt bát.
Tôi bảo, rằng tôi không muốn Mộc Châu biến thành một Sapa thứ hai nhưng phần nào tôi lại hi vọng điều đó. Tôi hi vọng những người chở xe ôm cho chúng tôi trên con đường đá sỏi chông chênh này có thể giống như những cậu trai người Mông tôi gặp ở Sapa. Rằng chúng đều có thể nói tiếng Anh thật nhuần nhuyễn, có thể đổi đời bằng nghề tour guide, chứ không phải bằng cách bán sức lao động và sự hiểm nguy vào những ngày cuối tuần.

Hội các thanh niên bảnTôi tiếc cho một đứa trẻ hoạt bát, thông minh rồi vẫn sẽ phải sống cả cuộc đời như vậy. Rồi những đứa trẻ con, hai ngày cuối tuần sẽ lại luân phiên nhau xách đô uống từ chân lên đỉnh để kiếm đôi ba đồng. Một vòng luẩn quẩn chẳng biết bao giờ ngưng.

Cuộc đời xét chung khó nói trước khôn hay. Tôi có lẽ, đang đứng trong chiếc lồng sắt bên này, mà nhìn ngó sang chiếc lồng sắt bên kia. Dẫu nghĩ vậy, mà vẫn thấy đôi chút động lòng…dù sao Mộc Châu vẫn luôn đẹp, cả cảnh và người, nên dẫu nơi ấy có chút buồn thương, thì vẫn sẽ luôn là một nỗi buồn đẹp đẽ.

Đỗ quyên trên đỉnh Pha Luông