Freelancer ở đây là full time freelancer. Có nghĩa là một ngày đang làm thì tự dưng bưởi chán phải đến công ty và lặp đi lặp lại một stack ngày này năm nọ. Thế là bưởi te rẹt te rẹt đi qua HR xin nghỉ để làm freelancer.
Chán là nguồn cơn của tất cả. Lười là lý do xếp thứ 2. Ghét thằng sếp là lý do thứ 3. Hoặc ít nhất cũng phải đến 80%. Tất cả những thứ như tui muốn tự do, tui muốn phát triển, tui muốn... đều chỉ là linh tinh hết.
Có rất nhiều lời khuyên về việc tự bước chân vào biển lớn. Có cả những kinh nghiệm đủ sức nặng để ngăn cản các bưởi. Với góc nhìn của một thằng tui đã trốn khỏi các công ty được 4 năm thì đầu tiên các bưởi không nên làm gì cả, nhất là đừng có sồn sồn với HR. Không có ai trong công ty này là không thể thay thế, nhất là khi các bưởi chỉ đang ở level senior trong 1 công ty lớn. 
Xin nghỉ vài ba ngày, để cho lòng thư thái cái đã, rồi chúng ta sẽ viết xuống 1 vài thứ. Đầu tiên, sự thật trần trụi và dâm đãng về nghề freelancer.
1. Tự do, sẽ có, nhưng chỉ đến với những kẻ thuộc top đầu. Phần còn lại, vẫn chỉ là culi, có khác chăng là ngồi nhà hay ngồi công ty. Mà có khi culi còn nhiều hơn khi ở công ty. Nhất là giai đoạn đầu và nửa năm sau khi các bưởi bắt đầu phải nhặt mót tiền lẻ để duy trì cuộc chiến.
2. Tiền, cũng sẽ có. Giàu, đương nhiên là top đầu. Đủ sống cho phân nửa số còn lại. Phần kia, về công ty đi thôi. Và hãy xác định ít nhất 1 năm đầu thu nhập sẽ rất bấp bênh. Cho nên nếu chưa tích lũy đủ ít nhất cho phí cho 6 tháng treo mỏ, tui nghĩ các bưởi nên về bàn làm việc tiếp.
3. Những ai nói nghề freelancer là rất tự do về thời gian đều là nói láo hết. Hệ thống đánh giá của khách hàng trên các website freelancer sẽ bắt các bưởi làm việc như một con chó cún cho đến khi các bưởi nằm ở level khoảng 100-200$/job. Đó mới là lúc các bưởi có quyền chọn sẽ đánh job nào và nghỉ job nào. Chẳng hạn như ở Fiverr, một chợ design market, từ 15$ lên đến 50$ là một chặng đường khá khó nhọc. Hoặc ở Envato, mốc 5000$ - 7000$ sale là một mốc đến 80% author không thể vượt qua trong 1 năm đầu. Mà 5000$ thì cũng chỉ ngang pheo một anh designer tầm tầm ở VN sáng 9h làm tối 5h nghỉ thôi nhé. Một photographer fulltime trên Shutterstock chẳng hạn, sẽ cần chụp và retouch trung bình khoảng 400 hình mỗi tháng để đạt mức thu nhập khoảng 16tr, ngang 1 anh leader studio cho Lazada hay Adayroi.
4. Nhiệt huyết và đam mê sẽ là những thứ mất đi sớm nhất. Và sau cùng, chỉ có tiền là thứ cho ta kiên trì.
Tất nhiên nếu các bưởi chăm chỉ, sau khoảng 3 - 4 năm tui nghĩ các bưởi sẽ tạo ra được một dòng thu nhập ổn định và bắt đầu có thời gian cho những dự định khác cho riêng mình.
Khi tới đây, nếu các bưởi vẫn muốn dấn thân, thì tui có một vài kinh dị, à kinh nghiệm chứ, chia sẻ.
1. Nên có vốn tiếng Anh khá một chút. Nếu các bưởi có thể deal tốt với bọn tư bản giãy chết, tiền sẽ nhiều hơn và task sẽ đỡ khó chịu hơn. Tui không dè bỉu thị trường freelancer VN, nhưng đã từ lâu tui từ chối làm cho các cá nhân, những người đôi khi đứng quá cao để có thể quay về.
2. Kỹ năng chuyên môn phải cứng. Có rất nhiều học viên hỏi tui vì sao tui thích dạy nhiều cái cơ bản khi chụp hình. Lý do thứ nhất là tui không biết kỹ thuật cao cấp, lý do thứ 2 là tui biết rằng nếu bạn nắm được hệ thống cơ bản hoàn chỉnh, bạn làm gì cũng được và không sợ bất kỳ trận chiến nào. Thiếu cái nào ta học cái đó, nhưng nếu không hiểu cơ bản, ta không học được gì cả.
3. Học cách chấp nhận và giới hạn. Các bưởi sẽ làm việc cho 1000 ông chủ khác nhau. Giữ cho mình không đi chệch khỏi nguyên tắc cá nhân nhưng vẫn đủ mềm mỏng để hoàn thành một task là việc khó khăn. Tin tui đi, nếu chỉ là loại tầm tầm thì chả ai trên thế giới này thèm care tới cái tôi của bưởi đâu. Nó khó hơn việc các bưởi phải giả bộ hài lòng với công ty và đồng nghiệp đấy.
4. Kỷ luật. Một freelancer giỏi là một người có kỷ luật tốt. Chưa bao giờ có ngoại lệ. Kỷ luật cá nhân tốt không phải là lúc nào cũng cắm đầu làm mà là lúc nào cần làm thì phải làm còn cần chơi thì phải chơi. Chơi là để sạc pin cho lúc làm chứ không phải ta thích thì ta bỏ việc đi chơi.
5. Nên nuôi mèo, hoặc chó, hoặc bất kỳ con gì khác. Nên có những sở thích hoàn toàn không liên quan tới lãnh vực chuyên môn, designer thích nấu ăn, photographer thích đan len, ITmen thích tán gái, Dịch thuật viên thích kickboxing... Đại để là thế.
Đọc thêm: