Mary tin rằng chúng mình ở đây đều đã từng nghe ít nhất một trong những câu sau:
- Thằng này nhiều chuyện như đàn bà!
- Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng!
- Đàn ông là trụ cột của gia đình!
- Đàn ông thì không được khóc!
Không hiếm để nghe được những câu đại loại như thế. Là một thế hệ Gen Z được cho là cởi mở, liệu bạn có chắc rằng mình chưa từng có những tư tưởng trên? 
- Đồ đàn bà là gì? Đàn bà liệu có tiêu cực đến mức phải đem ra so sánh trong trường hợp này? 
- Tại sao phụ nữ lại phải hơn nhau ở tấm chồng? Phụ nữ còn nhiều điều tuyệt vời hơn thế cơ mà?
- Đàn ông cũng sẽ có lúc yếu đuối và gia đình là cùng nhau để chia sẻ cơ mà?
Đó là những ví dụ điển hình về ĐỊNH KIẾN GIỚI. Vậy định kiến giới là gì?

Thế nào là định kiến giới?

Định kiến giới là là một hình thức kỳ thị dựa trên giới tính, thể hiện sự thiên vị, định kiến hoặc đối xử bất công với một người hoặc một nhóm người chỉ vì họ là NAM, NỮ. Ngày nay, định kiến này cũng xảy ra với cả những người thuộc cộng đồng LGBT.
Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng có thể là nạn nhân của định kiến giới!

Thế nào là Toxic masculinity - Tính nam độc hại?

Theo từ điển Oxford, Toxic masculinity hay Tính nam độc hại là những thái độ, cách hành xử  được mong đợi ở nam giới trong khuôn khổ của những tiêu chuẩn cực đoan. 
Khi nhắc đến định kiến giới, chúng ta thường nghĩ ngay đến những bất công, thiệt thòi và áp lực mà phụ nữ phải chịu đựng trong xã hội mà quên đi mất rằng đàn ông cũng có thể là nạn nhân của định kiến giới. Tính nam độc hại là những tiêu chuẩn sai lệch về cách hành xử “như một người đàn ông” từ những kỳ vọng của xã hội áp đặt lên họ. 

Các yếu tố cấu thành Tính nam độc hại

Theo một số nghiên cứu được trích từ Tạp chí Verywellmind, "tính nam độc hại" được cấu tạo từ ba thành tố cốt lõi:
- Tính mạnh mẽ: Đây là quan niệm cho rằng đàn ông phải mạnh mẽ về thể chất, chai lì về mặt cảm xúc và hung hăng trong hành vi.
- Tính phản đối: Điều này liên quan đến ý tưởng rằng đàn ông nên từ chối bất cứ điều gì được coi là nữ tính, chẳng hạn như thể hiện cảm xúc hoặc đón nhận sự giúp đỡ từ người khác.
- Tính quyền lực: Đây là giả định rằng đàn ông phải cố gắng đạt được quyền lực và địa vị (xã hội và tài chính) để họ có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội 2020 dựa trên kết quả khảo sát 2.567 nam giới Việt, họ đang phải chịu áp lực khủng khiếp về trách nhiệm trở thành trụ cột của gia đình. Họ định nghĩa hình ảnh một người “đàn ông đích thực” dựa trên 4 tiêu chuẩn Career (Nghề nghiệp), Capability and Personality (Năng lực và Tính cách), Physical strength (Thể lực) và Family duties (Trách nhiệm gia đình), đó là hình mẫu một người đàn ông có sự nghiệp ổn định, kiếm được nhiều tiền, trở thành lãnh đạo, có khả năng tình dục cao và nuôi được vợ con.

Tư tưởng nam giới độc hại đã “hại” nam giới như thế nào? 

Định kiến được truyền qua nhiều thế hệ như một cái kim khâu qua nhiều lớp áo. Khi một chàng trai trưởng thành nhìn thế giới thông qua lăng kính hẹp của những tư tưởng nam tính độc hại, chàng trai đó chỉ có thể chấp nhận và tự đặt mình trong một cái khuôn đúc sẵn. 
Sự kỳ vọng quá mức vào việc trở thành một "người đàn ông đích thực" có thể gây ra tính "mất cân bằng độc hại" ở nam giới khi họ luôn coi bản thân là một cỗ máy và cố gắng sống theo những chuẩn mực đã được lập trình sẵn từ trước. Một số ví dụ về tính cách bị "mất cân bằng độc hại" ở nam giới là:
- Aggression (tính hiếu chiến)
- Sexual aggression or control (tính bạo lực hoặc kiểm soát tình dục)
- Showing no emotion or suppressing emotions (sự kìm nén cảm xúc)
- Hyper-competitiveness (tính siêu cạnh tranh)
- Needing to dominate or control others (tính thống trị và kiểm soát)
- A tendency towards or glorification of violence (xu hướng tôn vinh bạo lực)
- Isolation (sự cô lập)
- Low empathy (sự đồng cảm thấp)
- Entitlement (tính quyền lợi)
- Chauvinism and sexism (chủ nghĩa sô vanh và phân biệt giới tính)
Những tính cách trên có thể dẫn đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như: Bắt nạt và làm tổn thương người khác, Hành vi bạo lực gia đình, Vi phạm pháp luật, Xu hướng quấy rối và bạo lực tình dục,...
Những áp lực ấy ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần của nam giới, gián tiếp ở thực trạng nam giới có tỷ lệ tự tử cao gấp 3-4 lần so với nữ giới, theo Báo cáo Thương tích Tử vong và Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) năm 2021. Một trong những nguyên nhân được cho là do nam giới ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc chia sẻ cảm xúc của mình vì sợ bị coi là yếu đuối hoặc kém nam tính. Định kiến giới cũng có thể khiến nam giới bị bỏ qua hoặc bị xem nhẹ khi họ bị bạo lực, quấy rối hoặc bị lạm dụng tình dục. Nhiều người cho rằng nam giới không thể là nạn nhân của những hành vi này vì họ mạnh hơn và có thể tự bảo vệ mình.
Đàn ông cũng cần được lắng nghe và thấu hiểu!
Tư tưởng tính nam độc hại đã ăn sâu vào xã hội đến nỗi hầu hết nam giới đều phải trải qua những tác động của nó vào một thời điểm nào đó. Cuối cùng, Mary chỉ muốn nói rằng, cánh nam nói riêng hay mọi giới nói chung, hãy sẵn sàng cởi lòng chính mình, mở lời sẻ chia, vì chúng ta ai cũng xứng đáng được lắng nghe và thấu hiểu!
Hiểu đúng về ĐỊNH KIẾN GIỚI - Vì không một ai xứng đáng với những định kiến!
_________________________________
#tuilamary #dinhkiengioi #coimo #phattrienbanthan #toxicmasculinity #tinhnamdochai
Theo dõi Mary tại:
Spiderum: Tui là Mary
Facebook: Tui là Mary
_________________________________
Nguồn tham khảo: