Tôi nhớ có một đề thi văn có câu hỏi gây sốc "Bạn màu gì?"
Thật khó để trả lời, bởi vì tôi chẳng biết có những màu gì có thể gán được với con người. Chí ít là hôm nay tôi biết thêm được một màu, "Màu cỏ úa".
Có quá nhiều lí do để hối thúc tôi đi xem phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến.
Phần nhiều là bởi, một người đã trót quá yêu Trần Thu Hà thì thật khó để không mê Trần Tiến. Có một thời văn nghệ say sưa, đối với tôi nhạc Trần Tiến là một cái gì thiêng liêng lắm. Chỉ những dịp quan trọng, trước những người đặc biệt mà tôi cho là phải có gu thưởng thức lắm, tôi mới hát nhạc Trần Tiến. Tôi thuộc rất nhiều bài nhạc của ông, chỉ tiếc rằng đa phần những bài không thuộc thì đều do ông hát... Thật khó để tìm một người nào hát nhạc Trần Tiến phô hơn... chính Trần Tiến. Chẳng biết là do tuổi tác và sức khỏe khiến ông hát "phô", hay là một kiểu cách ngông nghênh tự tách mình ra khỏi khuôn khổ của ông. Với tất cả sự tôn trọng, tôi luôn thiên về khả năng thứ hai.
Một điều nữa khiến tôi đam mê âm nhạc của Trần Tiến, là bởi tôi đồng điệu với hình tượng Hà Nội trong âm nhạc của ông. Một Hà Nội "nghèo mà sang". Một Hà Nội có mùa thu, có mẹ, có những mối tình dang dở, có người nghèo và không thể thiếu bia hơi.
Và cuối cùng, thật khó tin là người khiến tôi vội vàng đặt vé đi xem "Màu cỏ úa" lại là một cậu em Sài Gòn. Thú thực, tôi vẫn cứ định kiến rằng, âm nhạc của Trần Tiến chỉ có người ngoài này hay nghe. (Định kiến tệ thật) Có lẽ đó là một kiểu mặc cảm dị biệt nào đó mà khoa học chưa đặt tên ra dành cho những kẻ như tôi, những kẻ chỉ biết giữ khư khư những điều mình tâm đắc cho riêng mình, như thể nó là của riêng mình.
Chẳng biết có phải là do cố ý lựa chọn, hay không còn lựa chọn nào khác mà nhà sản xuất quyết định chiếu bộ phim này ở Rạp chiếu phim Quốc gia, để rồi mọi thứ nó cứ kích thích cảm xúc của tôi dành cho bộ phim này một cách hợp lí rất lạ lùng.
Cảm nhận đầu tiên là rạp phim mang tên Rạp chiếu phim Quốc gia, chẳng biết nhà nước còn tự kinh doanh hay không, nhưng chưa gì nó đã mang tới một cảm giác quốc doanh. Rạp rộng thênh thang, nhưng ảm đạm. Ảm đạm từ bầu không khí, từ những vị khách trẻ có, già có, cho đến từng nhân viên có giọng nói buồn tẻ, không cảm xúc. Gần sát giờ chiếu phòng vẫn còn chiếu phân nửa, nhưng đúng 19h30 là phim chiếu, những vị khách vào muộn còn lại như thể bất ngờ với tác phong làm việc đúng giờ của nhà rạp nên vội vàng lấp đầy những chỗ trống còn lại.

(Đoạn này bắt đầu tiết lộ nội dung phim)
.
.
.
.
Chẳng biết là nên buồn hay vui, nhưng những phần có lẽ là đặc sắc nhất phim dành cho các khán giả mới, chưa nghe nhiều Trần Tiến, chưa tìm hiểu nhiều về Trần Tiến, thì .. tôi đã quá xem nhiều lần.
Ấy là đoạn ông Trần Tiến châm biếm về cái sự nghiệp của mình, cái cuộc đời mà ông còn ví von với "một con chó lang thang ở Hà Nội" (lời Trần Tiến), về những sáng tác cứ ra là bị cấm của ông, hay về cái hậu vận đầy phúc phần, được nhà nước trao huân chương nọ, giải thưởng kia mà ông lấy lòng cảm kích lắm. Nhưng có lẽ trong một phòng chiếu rạp, màn hình to, âm thanh to, thêm cả cái cảm xúc mà phim mang lại nên tôi vẫn cứ bật cười thích thú và vỗ đùi thích chí lắm trước mỗi lời hóm hỉnh của ông.
"Màu cỏ úa" có lẽ là sự sắp xếp của những lát cắt rất ngắn và rất mỏng về cuộc đời của Trần Tiến. Có nhiều ẩn dụ thú vị mà tác giả gửi gắm qua những hình ảnh đời thường, cũng như hậu trường của Trần Tiến.
Tôi thích mọi cảnh ông Trần Tiến vừa nhậu, vừa chuyện, vừa hát. Có chi tiết ông Tiến đang hát giữa quán bia hơi, người bạn già của ông bên cạnh loay hoay cái điện thoại thông minh để chụp hình. Tôi cho rằng ấy là một hình ảnh thú vị lắm lắm. Hình ảnh phản ánh đúng tình thế của Trần Tiến và những người bạn - những người thế hệ trước, lúng túng, lạc quẻ giữa những thay đổi của thời cuộc.
Tôi thích cả cái cách mà ông minh họa cho cậu bé Jayden về bài hát của mình. Một điều cũng không biết có vô tình không, khi Lan Nguyên giữ cái cách xưng hô của Trần Tiến là "các cháu". Có lẽ đối với ông, dù là với Lan Nguyên, với Jayden, hay với những khán giả đang xem ông trên màn ảnh, ông đều coi như đang nói chuyện với những hậu bối của mình, những người mà ông muốn gieo những hy vọng nhiều hơn là những tiếc nuối chán chường của một thế hệ đã lùi sâu vào kí ức.
Ấy thế mà khi đặt mình như một người đứng ngoài cuộc trò chuyện của Trần Tiến với Lan Nguyên, hay Trần Tiến với khán giả, tôi vẫn thấy được một sự cô đơn đến tận cùng của một người nhạc sĩ đã đi đến gần cuối hành trình của mình. Ông nói với mọi người rằng, "Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của chính mình". Nhưng tôi không rõ với những người đã xế bóng như ông, liệu người ta còn có lớn được đến thế nào cùng những nỗi cô đơn cuối đời?
Tôi cũng thấy được một sự hóm hỉnh, khi đặt hình ảnh tương phản giữa hai anh em Trần Tiến, Trần Hiếu. Trong cánh gà, ông Trần Hiếu bận rộn chỉnh trang lại quần áo, đầu tóc, chụp hình với người hâm mộ, ông Trần Tiến thì cứ ngồi lặng thinh, đến cuối cùng mới lặng lẽ bước ra sân khấu. Nếu muốn hiểu thêm về sự đối lập này, xin mời đọc hồi kí "Ngẫu hứng" của Trần Tiến.
Nếu có phần nào để không thực sự thỏa mãn, thì chắc là những hình ảnh Hà Nội bước ra từ sách tham khảo và các clip của đài truyền hình quốc gia, được thêm vào ở phần cuối. Hay là những đoạn phỏng vấn có lẽ là hơi thừa để người xem có thể hiểu thêm được về Trần Tiến. Bởi đối với tôi, hiểu Trần Tiến một cách chân thực nhất và dễ nhất, chắc là cứ nghe nhạc của ông... vậy là đủ. Bất cứ lời tán dương nào dành cho ông, dù là từ những người thân thuộc, sát sườn nhất, đều cứ ... gường gượng.
...
Sau cùng, dù đến rạp với tâm thế của một người bị hối thúc và thấy day dứt lương tâm nhiều hơn là tò mò muốn được khám phá, tôi vẫn nhận được về cho mình những cảm xúc thật đẹp.
Chỉ tiếc rằng, khán giả trong phòng chiếu hơi... nghiêm túc quá! Những đoạn nhạc quen thuộc vang lên, thần tượng của tôi - Diva Trần Thu Hà hát hay quá... chỉ muốn được hát theo, hát thật to, mà xung quanh chẳng ai hát... thành ra cứ ư ử một mình.. nghĩ mà buồn.
Có lẽ đêm nay tôi sẽ dành thời gian đọc lại cuốn "Ngẫu hứng", chẳng để làm gì cả, chỉ để dành nốt ngày hôm nay để tri ân người nhạc sĩ đã viết nên Hà Nội của tôi.
Cảm ơn tác giả đã thay cho tất cả chúng ta, dành tất cả sự trân trọng, biết ơn đến nhạc sĩ Trần Tiến. Và... nhờ thế mà hôm nay tôi biết thêm được một màu, "màu cỏ úa".