Ai đi học mà chả muốn mình được học giỏi, như họa sĩ muốn vẽ đẹp, ca sĩ muốn hát hay, nhạc sĩ muốn để lại những bản nhạc bất hủ vậy. Nhưng việc ca, việc vẽ, việc viết là do người ta giỏi sẵn, có tài sẵn và yêu thích sẵn rồi, hát hay thì tập tành ca hát, vẽ đẹp thì luyện tập vẽ vời. Xưa nay chưa thấy ai hát dở mà trở thành ca sĩ cả, chưa thấy ai ghét âm nhạc mà thành nhạc sĩ tài hoa cả... 
Còn cái sự học, kể cũng lạ, để học giỏi thì phải thích học, mà thích học ở đây nghĩa là thích Văn, thích Toán, thích Anh Văn, Sinh Học, Hóa Học, Vật Lý, Địa Lý, Lịch Sử, Tin Học, Công nghệ, Công Dân, Thể Dục, v.v... thử hỏi có mấy người thích "học" đến mức như vậy? Mà thật ra để được công nhận là "giỏi" thì không cần phải nhiều đến thế, anh chỉ cần giỏi Toán, Lý, Hóa thì anh sẽ được công nhận là "giỏi". Toán Lý Hóa được mặc nhiên là những môn học "sang chảnh". Sống trong một môi trường quá đề cao ba môn tự nhiên đến như vậy thì hoặc là phải giỏi nó, hoặc là sẽ bị coi thường. 
Và hãy suy nghĩ lại một chút về định nghĩa việc "học hành"

Học Là Gì, Và Những Hiểu Lầm Sai Trái:

Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau 
Wikipedia
Học tập là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Người xưa có câu "Tiên học lễ, hậu học văn", tức là trước tiên phải học cái lễ nghi, sau mới cần học kiến thức. Lại có cụm "Học hành", học là để ứng dụng những kiến thức vào thực tiễn, giúp ích cho cuộc sống.
Vậy, một cách đơn giản, có thể nói rằng, việc "học" bao gồm học lễ nghi - học kiến thức - và áp dụng kiến thức vào thực tế. Quá trình này lặp đi lặp lại cả đời người, ở mọi độ tuổi con người đều cần phải học.

Đọc thêm:

Việc "học lễ", tưởng dễ nhưng khó, nên thường hay bị người học bỏ qua, bỏ qua vì cho rằng cái "lễ" là cái thấy thường ngày, lẽ nào không biết, cần gì học, hoặc có thể bỏ qua vì cái "lễ" không cho ra lợi ích tức thì, không đem lại cái con 9, con 10 nhanh chóng được. Vì thiếu đi cái "lễ", mà mới sinh ra quay cóp, gian lận - một việc làm rất dễ thấy trong trường học, dần dần quen tay, khi ra trường đời sinh ra thói tham lam, công của người khác nhận vơ là của mình, hay nói một cách ngắn gọn là ăn cắp. Để rèn luyện cái "lễ" quả thật là rất khó. Chỉ có hai trường hợp, một là cái "lễ" tuyệt đối, tức là người công bằng chính trực, hai là trái nghịch tuyệt đối với cái "lễ", tức là người bất công bất chính thì bản thân mới có thể thu được nhiều cái tốt về chính mình, gặt được nhiều thành quả. Người công bằng chính trực đối xử tốt với mọi người, bất kể là người tốt hay kẻ xấu, dùng cái tâm để làm việc, luôn ngay thẳng, chính trực trong mọi lúc, người công bằng chính trực dùng chính thực lực của mình để học hỏi, trau dồi khả năng chuyên môn, dù có bị lừa dối, họ vẫn dễ dàng đứng lên vì trong bản thân họ đã chứa một cái "tầm" đủ lớn để xử lý mọi việc. Còn người bất công bất chính tuyệt đối, tức là loại người dùng mánh khóe lường gạt người khác, dối thầy bịp bạn, vì có đủ khả năng và thành thục trong gian lận nên người bất công bất chính đủ khả năng để thu lợi về cho mình, mặc dù không theo cách chính thống. Cả hai loại người này khi học tập hay làm việc đều có khả năng thành công cao hơn loại người rèn luyện cái "lễ" chưa tới nơi tới chốn, nửa nạc nửa mỡ. Kiểu người đó khi làm một việc thì phải dành nhiều thời gian căn kè, suy xét đúng sai, việc phải việc trái, nên làm đúng luật hay lách luật, cho nên dĩ nhiên tốn nhiều thời gian hơn hai loại người trên kia, vốn mọi việc đã ăn vào bản năng, đó là lý do vì sao cái "lễ" chưa chín muồi thì làm việc gì cũng khó. 
Cái "lễ" đã thế thì cái "hành" càng không được coi trọng, mặc dù mục đích hướng đến của "học" là "hành". Ta hiện tại còn chú trọng vào bồi dưỡng kiến thức nhiều quá. Biết rằng học chưa tới chốn thì không nên hành, vì chưa có kiến thức nền tảng mà đòi làm thì tất sẽ nguy hiểm. Người ta thường nói vui "Ngu dốt + Nhiệt tình = Phá hoại". Điều đó đúng. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, chẳng phải để học sinh học theo kiểu "sai - sửa" thì sẽ tốt hơn thay vì chỉ ngồi học đống công thức hay sao? Vì nhà trường là một môi trường còn cho phép học sinh phạm sai lầm. Như bọn trẻ chơi đồ hàng, xây đổ rồi lại xây, dành tất cả niềm vui thú cho việc học. Nhiều người hiện nay, kể cả các thầy, cô giáo có tiếng, đánh đồng việc "hành" với những giờ học máy chiếu công phu và màu mè. Một buổi "hành" thật sự, theo tôi nghĩ là một buổi học mà trong đó, học sinh được tự do thảo luận, nghiên cứu theo đề tài của giáo viên, và công dụng của máy chiếu ở đó là gì? Là phát những video gợi ý, hướng dẫn sơ bộ, hoặc đơn giản hơn là phát một bản nhạc không lời nào đó để làm nền cho buổi học(?). Còn ở ta, những tiết học như vậy thì hoặc là máy chiếu làm trung tâm của cả tiết học, thay thế cho bảng đen, hoặc là giáo viên đứng nói lại những gì có trên màn hình chiếu, một việc vô cùng thừa thãi. Và tôi thề rằng, những tiết học như vậy rất đáng chán, thà giáo viên giảng dạy theo cách truyền thống còn thích hơn!

Đọc thêm:

Và vì học hành có cả thảy ba giai đoạn mà hai trong số đó đã bị bỏ dở. Hãy xét đến phần xót lại: học kiến thức. Để tiếp thu được tri thức thì phải nắm rõ từng câu, từng chữ, từng phần nhỏ của tri thức đó. Muốn vậy thì phải học thuộc. Xin mượn lời của giáo sư Cao Xuân Hạo để chứng minh cho ý trên:
"...Học trước hết là phải thuộc. Thuộc có nghĩa là 'nấu chín', tức là tiêu hóa thành của mình (nhân thể cũng xin nhận xét là ngày nay nhiều thầy giáo rất coi nhẹ việc học thuộc lòng, lẫn lộn nó với lối 'học vẹt'). Tôi còn nhớ hồi nhỏ học tiếng Anh với một ông thầy tu người Anh, suốt năm năm học ông bắt chúng tôi học thuộc hơn 100 bài dân ca Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (dĩ nhiên là phải thuộc lòng cả lời lẫn nhạc), và chính nhờ đó mà đến ngày nay chúng tôi còn nhớ được những gì chúng tôi học được về thứ tiếng không dễ học này. Có 'thuộc lòng' mới nhớ 'như in' được cách hành văn, cách dùng từ của những bài mẫu mực, để khi nói, khi viết bật ngay ra được một cách hầu như bản năng, hồn nhiên, như của chính mình. Học thuộc lòng không phải không cần sáng dạ. Người không sáng dạ phải bỏ ra một công sức gấp đôi, nhiều khi gấp mười một người sáng dạ mới học thuộc được. Và công sức bỏ ra trong nhiều năm để học thuộc lòng sẽ luyện cho người không sáng dạ trở thành người sáng dạ..."
Đúng là nhiều người hiện nay đánh đồng học thuộc lòng với học vẹt. Mà không hiểu rằng, học vẹt chính là một lối học thuộc lòng chưa tới nơi tới chốn. Tôi tự nhận mình đã từng học vẹt, nhiều lần là đằng khác, đó là những buổi quá ham chơi mà quên học bài, phải tranh thủ 5' giải lao để là ngốn lấy ngốn để mớ kiến thức mà hầu như không hiểu gì. Để học thuộc lòng thì không hề dễ, muốn thuộc trước hết phải hiểu đã. Cô dạy Toán của tôi luôn yêu cầu học sinh phải học thuộc định lý trong sách sách giáo khoa, chính-xác-từng-từ, sai một từ tức là sai cả định lý. Tôi nghĩ đôi khi quan niệm của cô sao mà làm khổ học sinh quá, nhưng cô cũng chỉ muốn tốt cho học sinh mình. Cũng cô dạy toán đó, có một lần tôi thắc mắc tại sao chắc chắn cô biết đứa bạn học thuộc cách giải bài toán ở nhà rồi lên bảng chỉ nhớ và chép lại, nhưng vẫn được điểm cao, thì cô nói rằng nó hoàn toán xứng đáng, vì để học thuộc cách giải một bài toán rất là khó, nếu nó đã chép lại hoàn toàn đúng thì một là nó cực kì may mắn, hai là nó đã hiểu được bài toán đó rõ ràng, vì toán thì không như Văn, có vần có điệu, toán có 1 logic, mà chỉ cần sai một mắc xích, một dấu nhân thôi thì cũng có thể hỏng cả bài.

Học giỏi, học dốt? Lại câu chuyện nhà ông So bà Sánh

Khỏi phải nói thì cũng biết học sinh hiện nay bị chia làm hai loại là "học giỏi", và "học dốt". Học không giỏi thì tức là học dốt, và ngược lại. Một cách rõ ràng, ta thấy được "giỏi", "dốt" ở đây chính là cái quan niệm cổ hủ sinh ra từ cách học ít chú trọng "lễ" và "hành". Vì nếu đã tuân theo quy trình học lễ nghi - học kiến thức - thực hành thì không thể chia học sinh ra làm hai phần "giỏi - dốt" được. Soi xét cái chữ "hành" , nếu mục đích của học là để hành thì mọi người sinh ra đều để đóng góp một thứ gì đó cho xã hội, và đối với đa số, thì chỉ một là tốt nhất. Ai cũng có một chức năng nhất định, với chức năng đó thì cần một số kiến thức nền tảng cơ bản để phát triển. Nói thế không có nghĩa là vận động viên điền kinh không cần giỏi Hóa Học, cần chứ, ai cũng cần cả. Và đó là lý do chương trình giáo dục phổ thông ra đời.
Trớ trêu thay, chương trình giáo dục phổ thông lại là nơi dễ dàng để người ta chia học sinh thành "giỏi" và "dốt". Cái đó từ đâu mà có, hẳn là từ định kiến, định kiến từ giáo viên, rồi gia đình, rồi đến cả học sinh. Tôi không muốn nghĩ mình "dốt", nhưng thầy cô nói tôi "dốt", rồi về nhà ba mẹ lại bảo tôi "dốt", bạn bè cũng bảo tôi "dốt", ok thế là tôi chấp nhận rằng tôi dốt. Sau đó tôi thấy đứa kia còn dốt hơn tôi, thế là tôi đi chê nó dốt. Vậy đó, càng ngày cái định kiến đó càng lan rộng ra, thế rồi cả thảy học sinh hiện tại lần đầu gặp mặt nhau chỉ thắc mắc xem điểm trung bình năm của nó bao nhiêu điểm, nếu nó cao hơn mình thì nhìn nó với ánh mắt ngưỡng mộ, nếu thấp hơn mình thì lại tự nghĩ trong đầu "ôi thằng này dốt". Định kiến đó làm đầu óc con người ta lu mờ lại, được dăm ba con điểm mười thì lại ra vẻ ta đây, không chịu tiếp thu cái mới. Thế đó, rồi chết lúc nào không hay.
Thiết nghĩ, đánh giá học sinh bằng thang điểm cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt "giỏi" - "dốt". Nếu không có thang điểm thì học sinh chả phải khốn đốn, cũng không tự ti (vì điểm thấp). Mà đôi khi giáo viên cũng lười lắm cơ, có nhiều người chỉ dựa vào bảng điểm mà đánh giá học sinh, dùng bảng điểm mà đe dọa học sinh, kiểu như, nếu người giáo viên ấy không còn bảng điểm nữa thì như Thor mất búa vậy, rất khó làm cho học sinh chịu nghe lời. Cũng nhờ cái bảng điểm mà học sinh điểm thấp thì cứ thấp, điểm cao thì ngày ngày cứ cao dần đều. Như thầy hiệu trưởng cũ từng nói:  "Học yếu, ớn, yếu, càng yếu càng ớn, càng ớn càng yếu".
Cái "giỏi" - "dốt" cũng là công cụ dễ dàng để người ta so sánh. "Người ta" ở đây chắc hẳn là các vị phụ huynh, còn đối tượng so sánh hẳn là "con nhà người ta" rồi. Không gì dễ dàng hơn khi nói "Thằng Thành con nhà bà Đạt giỏi thế, sao mày dốt vậy hả con". Nếu không có khái niệm "giỏi" - "dốt" thì cũng không biết bà mẹ trên kia phải nói thế nào nữa.
"Giỏi" - "dốt" là một thứ cần phải loại bỏ trong quá trình cái cách nền giáo dục. Để giải quyết vấn đề này thì không chỉ đơn giản là "đổi với sách giáo khoa" hay "đổi mới phương pháp giáo dục", vì chương trình giáo dục có tiên tiến đến nhường nào mà con người xung quanh, trực tiếp là các giáo viên vẫn giữ cái định kiến cổ hủ đó thì không thể thành công được. Mà để thay đổi cách suy nghĩ của con người thì phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỉ. Chúng ta chỉ biết chờ. Và cho đến lúc đó thì học vẫn là "hành" mà là "hành xác".
Hành cái củ hành

Một số kiến thức trong bài được lấy từ cuốn Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt của giáo sư Cao Xuân Hạo.

Đọc thêm: