Má, con nhớ những trận đòn liên miên, những khi vùi mặt vào gối nức nở giữa màn đêm, nhớ khi con học tiểu học má đánh đòn và rồi tức giận ném quần áo, sách vở của con ra ngoài cửa và đuổi con đi, nhưng con lì, ôm lấy quần áo và quay trở vào nhà trong nước mắt. Nhớ những lần má đánh đòn bằng roi, bằng chổi, bằng móc phơi đồ, bắt con quỳ gối, nhưng phải quỳ ngay cửa ra vào để ai đi ngang qua cũng thấy, má bắt con quỳ cao lên vừa quỳ vừa coi nhà để má ngủ trưa, và không quên thi thoảng má ngó từ trong phòng ngủ ra để chắc chắn con vẫn quỳ đúng tư thế. Con nhớ khi con học lớp 5, một lần sang nhà bạn chơi và bị chó cắn, bạn đưa con về nhà rồi kể cho má biết, má không hỏi thăm gì vết thương của con mà chỉ la con vài câu rồi im lặng, đợi đến khi ba đi làm về rồi mách ba, xúi ba đánh con thật nặng. Con nhớ hình ảnh ba cầm móc phơi đồ đánh vào người con liên tiếp, đánh gãy hết cái này thì ba thay cái khác, còn má thì ngồi kế bên liên tục bảo 'đánh nữa đi, đánh cho nó chừa'. Khi con phát hiện mình bị cận, là năm học lớp 2, con nhớ khi đó cũng bị một trận đòn lớn, rồi ba má bắt đầu so sánh con với những đứa trẻ khác có đôi mắt khoẻ mạnh ra sao, còn con mình thì bất hạnh thế nào.
Những trận đòn như thế cứ liên tục xảy ra trong những tháng ngày tuổi thơ của con, ba đi làm tăng ca nên thường về nhà muộn và hiếm khi can dự vào việc dạy con của má. Thế nhưng, cứ mỗi trận đòn của ba, thì y như rằng, luôn có sự xuất hiện của má, má đánh và la con nhưng khi ba đi làm về thì vẫn xui ba đánh thêm cho con chừa, chứ la thì không được, và khi ba đánh thì má ở bên cạnh liên tục thêm dầu vào lửa, để ba đánh con thật đau, thật nặng, con nhớ những cái tát rát thịt của ba, in hằn những ngón tay đỏ chót trên làn da trắng của con. Nhớ những lần con núp trong nhà vệ sinh, vặn vòi nước thật to chỉ để khóc thật đã, rồi đợi đến khi khô hết nước mắt thì mới ra ngoài và xem như chưa từng có gì xảy ra. Vậy nên, ba má cứ hay 'khoe' với mọi người rằng 'nó lì, bướng lắm, chịu đòn giỏi, đánh không biết đau mà cũng không khóc', nhưng không phải con không khóc, chỉ là ba má không nhìn thấy thôi ..
Nhớ những khi má mắng con bằng những lời lẽ nặng nề, xúc phạm nhất, má cố tình đánh mắng con trước mặt mọi người chỉ để con thấy xấu hổ và không ngại kể mọi thứ về con cho mọi người nghe, con bị đánh mà cả xóm ai cũng biết, ai cũng thấy. Nhớ những ngày má liên tục xả roi vào người con, miệng thì liên tục chửi 'Mày như thế thì hèn gì bạn bè nghỉ chơi với mày là đúng rồi, tao ước gì chưa từng đẻ mày ra, đồ ngu,...' Những lúc như vậy, con chỉ biết cắn răng mà nhịn rồi sau đó lại chạy vào nhà vệ sinh nức nở thật lâu, má bắt con quỳ hàng tiếng đồng hồ và có khi con mệt quá rồi ngủ thiếp ngay tại chỗ. Con không làm sao quên được, ngày còn bé, có lần con hỏi má rằng 'má không thương con hả má', thì má bảo 'ừ, tao thương em thôi', con nghe vậy mà mủi lòng im lặng rồi trốn lên lầu và bắt đầu nức nở, còn má thì chẳng nói gì nữa và xem như chuyện đó chưa từng xảy ra.. lúc đó con chẳng biết má đùa hay thật, chỉ biết rằng, khi đó con vẫn là một đứa trẻ, và từ khoảnh khắc đó, đứa trẻ trong con cũng đã mang một vết thương thật sâu, thật khó để chữa lành. Ngày đó, con cứ nghĩ con bị đánh, bị mắng là lỗi của con, tại con lì, con ngu nên mới bị thế, nhưng bây giờ thì con nghĩ khác đi nhiều, con lì, bướng bỉnh, nhưng đứa trẻ nào mà chẳng thế, phải không má ?
Con chẳng nhớ được cảm giác của những cái ôm, hay cái chạm mà ba má dành cho con như thế thế nào, trong những mảnh vỡ kí ức sâu thẳm con chỉ nhớ được 1 lần duy nhất má xoa đầu con khi biết con thi đậu c3 vào một trường có tiếng. Con trân trọng những lần ít ỏi ba chở con đi học, con ngồi sau xe thì cố ngồi gần ba hơn chút để cảm nhận hơi ấm của ba, những khi như thế con dù không ôm hay chạm vào người ba nhưng cũng thấy rất vui, rất hạnh phúc, ước được ba chở đi học nhiều lần hơn nữa. Ba bận công việc, hay làm tăng ca nên chỉ về nhà lúc tối muộn, ngày bé má hay chở con đi học bằng xe đạp đến năm lớp 2 thì con tự đi bộ đi học, sau lớn hơn có xe đạp riêng thì tự đi, thi thoảng có việc gì đó thì ba mới chở con đi học nhưng đôi khi ba bực vì đi làm mệt mà còn phải chở con, nhưng lần nào như thế con cũng rất vui.
Con là con gái, người ta nói con gái thì gần gũi với má, nhưng con chẳng bao giờ tâm sự với má, con thích ai, ghét ai, con đi học có chuyện gì, bị bạn bè dọa đánh, bị bắt bạt ra sao, ba má chẳng biết. Ba có áp lực công việc, má mệt mỏi thế nào, con cũng không được hay, 'vì con còn nhỏ, có biết gì đâu mà hỏi chi' . Chúng ta sống chung một mái nhà, nhưng không có bất kì sự kết nối nào, những đôi lần nói chuyện qua loa, hầu hết là lần khi má lớn tiếng, những tiếng roi quật xuống trong những tháng ngày tuổi thơ của con.
Má, con giận nhưng con cũng thương má thật nhiều, thật nhiều, càng lớn con càng hiểu nỗi vất vả trong đôi mắt má, nhà chúng ta không giàu, ba thì đi làm suốt, con và em cũng đi học, má vừa ở nhà lo việc buôn bán vừa bán hàng cho khách lại vừa nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Khi mọi người trở về nhà sau một ngày đi học, đi làm thì quần áo luôn được giặt sẵn, nhà cửa luôn gọn gàng, cơm nước đã nấu xong, con chẳng phải lo thứ gì. Ngày xưa ba rất hay nhậu, và cứ mỗi lần nhứ thế má luôn phải là người dọn dẹp, dọn cả những thứ ba nôn ra, con thì lúc ấy vẫn còn nhỏ nên không giúp được gì. Con thấy má thức khuya dậy sớm hằng ngày, tất bật với công việc, hầu như chẳng còn thời gian nào má dành cho bản thân, thế giới của má cũng ngày càng nhỏ dần, con thì càng ngày càng lớn và thế giới của con cũng ngày càng lớn thêm biết bao, con gặp gỡ bạn bè, đi du lịch nơi này nơi kia, khám phá bao điều mới và má thì chỉ quanh quẩn ở nhà, với những mối quan hệ hàng xóm bao năm nay vẫn thế.
Con hiểu rằng ba má đã vất vả biết bao để nuôi con khôn lớn, con vốn cũng là đứa trẻ cứng đầu, lại hay bệnh, có những khi ba phải chở con đi bệnh viện lúc nửa đêm, ngày xưa khi nhà còn nghèo thì toàn phải đi xe đạp. Giờ đây mỗi khi em gái không nghe lời con nói, con mới hiểu cảm giác của má ra sao khi con cứng đầu không nghe lời má nói. Nhưng con khác má, con được đến trường, được học hành, được tiếp cận với tri thức, với kiến thức để con hiểu rằng con không thể chỉ vì em không nghe lời, mà con đánh hay mắng em giống như cách ba má đã làm với con. Con hiểu rằng, vì thiếu kiến thức nên má cũng đã rất bất lực, nên mới dùng cách đòi roi, đánh mắng để 'trị' con, khi con ở gần với bà ngoại thì con lại càng hiểu hơn về cách má được giáo dục thế nào bởi lẽ ngoại cũng là một người rất nóng tính, nghiêm khắc, và các anh chị em của má, đều là những người nóng tính, nghiêm khắc giống như má vậy.
Giờ đây, con học cách gần gũi với má nhiều hơn, con hay nói chuyện với má, lắng nghe má nói về những sở thích trồng cây của mình, nghe má kể về những người hàng xóm, hay việc giá cả hàng hoá thay đổi ra sao, đi làm về con cũng mua trà sữa cho em, mua chè cho ba má, con cũng biết má không ăn được lạnh nên luôn dặn để phần đá riêng, con cũng để ý đến những sở thích của má nhiều hơn, con mua chậu hoa thật thay vì mua nhành hoa thông thường để má có thể để chậu hoa trong vườn rau mà má hay chăm sóc mỗi tối. Khi con mua hoa về, má cứ nói 'mua để làm gì, tao thấy hoa có đẹp gì đâu, mua về ba mày chửi thêm', nhưng con vẫn sẽ mua, cứ mỗi dịp lễ, con sẽ mua mỗi loại hoa khác nhau và lấp đầy vườn rau nhỏ của má bằng các loại hoa thật đẹp. Con cũng bắt đầu nói cho má hiểu mỗi khi má mắng hay nói nặng lời với em giống như đã từng làm với con, con nhẹ nhàng và từ tốn mỗi khi ba hay má cần con giúp điều gì. Con sẽ tiến lại gần ba má mỗi ngày một chút, giờ thì con với má chẳng mấy khi cãi nhau, con cũng giỡn và đùa với má thường xuyên hơn, dù có đôi lần khi con nói chuyện má chẳng thèm trả lời con, nhưng con vẫn sẽ tiếp tục nói chuyện với má, vì con thương má thật nhiều. Vì con hiểu rằng, dẫu có thế nào, ba má cũng đã cho con tất cả những gì ba má có thể, dù rằng đôi khi nhưng thứ ba má cho không phải là điều mà con muốn.
Con hiểu rằng bản thân con sinh ra vốn là một đứa trẻ nhạy cảm, có rất nhiều cảm xúc trong lòng, và khi con lớn lên mà thiếu đi sự gần gũi, hơi ấm của ba má, đã làm những cảm xúc bên trong con bị dồn nén lại, khiến con sống thu mình, khép kín, con thương yêu mọi người nhưng lại không biết cách bày tỏ, cách trao đi yêu thương ra sao, vì không ai dạy con điều đó và con cũng chẳng nhìn thấy điều đó bao giờ. Cứ mỗi ngày đến trường, con lại phải suy nghĩ tìm lí do mỗi khi bạn bè hỏi về những vết bầm tím trên người, có những khoảng khắc con thật sự đã rất đau khổ vì không một ai trong gia đình quan tâm đến con, trong mỗi bữa ăn con đều im lặng, lầm lì, nhưng không ai hỏi thăm con lời nào, con bị rụng tóc kinh khủng và stress đến mức gần như đã muốn tự *.. Nhưng giờ đây, khi con hiểu và học cách chữa lành cho bản thân, con muốn trao đi yêu thương thật nhiều, yêu thương bản thân, và cả mọi người xung quanh, con không chỉ yêu má, con yêu ba, yêu em, yêu cả những người đồng nghiệp hay giúp đỡ con, và cả những con người xa lạ ngoài kia, vì họ cũng xứng đáng được yêu thương như thế, con học cách dành thời gian cho bản thân, quan tâm nhiều hơn đến những nhu cầu cá nhân, học cách bày tỏ cảm xúc trong lòng thông qua hành động và cả lời nói.
Dẫu đã có rất nhiều mảnh vỡ kí ức đau thương, nhưng nếu được chọn lựa, con vẫn sẽ chọn lựa một tuổi thơ như thế, một người mẹ thương yêu con nhưng lại thiếu kiến thức, một người ba hay nhậu nhưng sớm tối vẫn đi làm vất vả, dù rằng công ti đầy áp lực, đồng nghiệp thì chèn ép nhau. Và ngày mai kia, khi con rời xa gia đình và có cuộc sống tự lập, con chắc hẳn sẽ rất nhớ những bữa cơm của má, những khi má la vì đôi khi con bừa bộn, nhớ những trò đùa của ba, nhớ sự tíu tít của em gái mỗi khi đi học về. Cảm ơn những nỗi đau ấy, đã góp phần hình thành con của ngày hôm nay, một trái tim nhạy cảm nhưng mạnh mẽ và cũng đầy tình yêu thương. Con tin rằng, sự chữa lành nó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đi qua nỗi đau mà thôi, con yêu gia đình mình rất nhiều.
Pinterest
Pinterest