Tôi mơ mộng lắm, thích làm thơ và hay mơ mộng vẩn vơ. Tôi nghĩ về nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất, về những số phận hắt hiu đầy mặt đất. Bao tháng ngày trôi đi, bao kiếp người trôi đi. Sự khéo léo nào của ngôn từ kể lại được.
Đây là lời độc thoại của cậu trai Nhâm trong phim Thương nhớ đồng quê khi cậu đạp xe qua băng qua những cánh đồng và những người nông dân đang cấy cày, đạp qua nơi đồng quê đã sinh và nuôi dưỡng cả cuộc đời cậu. Nhâm không suy tư về những thứ cao siêu, cậu chỉ lo nghĩ về một “nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất” của những số phận con người hắt hiu và nhỏ bé. Tôi nghĩ rằng triết lý làm phim và cốt lõi trong cốt truyện của phim của vị đạo diễn/NSND Đặng Nhật Minh đã được miêu tả ngắn gọn và chuẩn xác qua câu thoại trên. Trong các bộ phim của mình, vị đạo diễn luôn trăn trở về những con người bất hạnh, đau khổ, những con người có số phận trớ trêu, bị vùi dập, xô đẩy vì thời cuộc, vì những chính sách bất cập trong thời kỳ đất nước loay hoay chuyển mình mạnh mẽ, vì những thói đời của con người. Mỗi nhân vật trong phim của Đặng Nhật Minh đều mang một vẻ đẹp riêng, một số phận riêng. Ông tôn trọng và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, sự hy sinh, tinh thần lạc quan.
 Để được vinh danh như một nhà làm phim hàng đầu của điện ảnh Việt, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã phải rơi vào khủng hoảng và nghi ngờ cái ý nghĩa của nghề đạo diễn điện ảnh sau khi đạo diễn một vài bộ phim truyện do người khác viết kịch bản. Một bộ phim đối với ông như một cuộc đời, và ông nhận thấy rằng mình không thể “sống” một cuộc đời do người khác viết nên. Bộ phim Thị xã trong tầm tay đánh dấu thời khắc tái sinh của Đặng Nhật Minh với vai trò là một đạo diễn tác giả. Từ đó ông sáng tác điện ảnh với một nguyên tắc để đời đó là chỉ làm phim do chính mình viết về những vấn đề, những con người làm ông quan tâm, xúc động, đau đớn tựa như câu nói của bậc thầy điện ảnh đời thường của Nhật Bản Yasujiro Ozu: “Ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình.”
Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng chia sẻ rằng gia tài cha ông để lại cho ông không gì khác ngoài lòng yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân và đất nước, là lòng yêu thương và sự cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đau của con người. Đây là yếu tố khiến cho điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh phi thời gian đến vậy, bởi vì nỗi đau sẽ không bao giờ kết thúc mà nó sẽ được truyền lại cho thế hệ sau mặc cho mọi biến chuyển xã hội hay sự thay đổi trong thể chế kinh tế và chính trị. Ông từng chia sẻ rằng: “Sáng tác thì không bao giờ được sợ, phải luôn là chính mình, luôn trung thành với mình. Không được xu thời mà phải hướng tới cái vĩnh cửu.” Từ bộ phim đầu tiên ông tự viết kịch bản kể về những con người đau khổ phải vật lộn với cuộc chiến tranh biên giới với bộ phim Thị xã trong tầm tay (1983) đến bộ phim cuối cùng là Hoa nhài (2020), sự nghiệp làm phim kéo dài gần nửa thập kỷ của ông luôn vừa thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cách mạng, vừa toát lên tinh thần độc lập mạnh mẽ. Có thể nói Đặng Nhật Minh là nhà làm phim thuần Việt nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và chính ông cũng thừa nhận rằng phim của ông “100% Việt Nam, không lai căng, không bắt chước ai, người ta tìm thấy trong phim của tôi tình cảm, tâm lý con người, văn hóa của người Việt Nam.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh tự nhận bản thân chỉ là một người kể chuyện, một con mắt quan sát sự thay đổi từng ngày của quê hương đất nước. Các tác phẩm của ông đều gắn bó với một cột mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam và chứng kiến một Việt Nam dần độc lập qua từng ngày, kéo theo sự thay đổi trong giá trị đời sống con người. Xuyên suốt các tác phẩm của Đặng Nhật Minh, chúng ta như được chứng kiến một cuốn nhật ký sống động ghi lại những thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Từ giai đoạn hào hùng của mùa đông năm 1946, khi Hà Nội vừa giành được độc lập, qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, cho đến thời kỳ đổi mới đầy biến động, mỗi bộ phim đều như một mảnh ghép, cùng nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về đất nước và con người Việt Nam. Phim Hà Nội mùa đông năm 46 (1997) là bức tranh chân thực về một Hà Nội vừa mới giành được độc lập nhưng vẫn còn chìm bầu không khí căng thẳng cận chiến tranh đối với thực dân Pháp. Hình ảnh Hồ Chủ tịch cùng nhân dân chống giặc ngoại xâm đã trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần kháng chiến.
Trong phim Mùa ổi (2000), miền Bắc vừa được giải phóng, Hà Nội bước vào thời kỳ chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ và cải tạo tư sản liên doanh cũng như cải cách ruộng đất đô thị miền Bắc năm 1959, mang đến những đổi thay lớn lao song cũng cũng có phần bất cập trong cuộc sống của người dân. Đừng đốt (2009) được đặt trong bối cảnh giai đoạn lịch sử đầy đau thương và mất mát là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới lời kể của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Bộ phim đã tái hiện một cách chân thực những khó khăn, hy sinh của người dân trong cuộc chiến tranh ác liệt và nỗi day dứt, ân hận của những người lính Mỹ năm xưa. Phim Cô gái trên sông (1987) mang đậm dấu ấn về những biến động xã hội sau chiến tranh. Hình ảnh cô gái trên sông tượng trưng cho những số phận bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử. Dù chiến tranh đã kết thúc trong Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) nhưng những vết thương lòng vẫn còn đó. Bộ phim đã khai thác sâu sắc những ám ảnh tâm lý của người dân thời hậu chiến.
Đến với Thị xã trong tầm tay (1983), cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã đặt ra những thử thách mới cho đất nước, phản ánh những khó khăn và mất mát của người dân vùng biên. Trong Trở về (1994) và Thương nhớ đồng quê (1995), khán giả được chứng kiến thời kỳ đổi mới từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường đã mang đến những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội, đẩy những con người thuần phác, chân chất từ nông thôn đến thành thị vào sự sụp đổ của các giá trị sống truyền thống như thế nào. Đạo diễn Đặng Nhật Minh kết lại chặng đường làm phim của mình với một nốt trầm nhẹ đầy suy tư về con người Việt Nam sinh sống và lớn lên trong thời bình với bộ phim Hoa nhài (2022), chứa đựng những lát cắt cuộc sống của một Hà Nội pha trộn giữa xưa và nay; giữa thế hệ người thủ đô điềm đạm, thanh lịch với người trẻ năng động và sốc nổi.
Phim của ông có một cái nhìn đầy tân tiến và cách mạng về Việt Nam đương thời, ông xét lại những giá trị được nghiễm nhiên xem là đúng đắn, tìm hướng làm phim mới đi ngược lại với lối món của thể loại phim cách mạng đầy hào hùng và tuyên truyền, hay đưa vào phim của mình những yếu tố lạ chưa được xem trọng trong phim ảnh thời đó như đời sống tâm linh Việt Nam. Thứ cách mạng nói đến ở đây không chỉ đơn thuần là những cuộc đấu tranh vũ trang, mà còn là một cuộc cách mạng về tư tưởng, về nhận thức, về cách nhìn cuộc sống còn mới mẻ đối với khán giả đại chúng thời đó. Điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một thứ nghệ thuật tự do, gai góc và dám thách thức lẽ thường tình trong xã hội và bộ máy chính trị thời bấy giờ.
 Phim Thị xã trong tầm tay lấy bối cảnh chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 vửa mới giày xéo vùng đất Lạng Sơn, quang cảnh đổ nát nơi đây ép nhà báo Vũ đối diện với bóng ma của người tình cũ là cô giáo Thanh và những con người từng sống tại đây, với sự hèn nhát khiến anh chối bỏ mối quan hệ tình cảm giữa hai người vì sợ lý lịch của cha cô sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình. Bộ phim không chỉ phản ánh suy tư về số phận của nhân dân và tổ quốc tại một thời điểm nhạy cảm mà còn soi chiếu vào sự phản bội và niềm tin của con người trong thời chiến, và sự khủng hoảng trong niềm tin của hai nhân vật này dường như ẩn dụ cho mối quan hệ gay gắt của hai “người hàng xóm” Việt Nam và Trung Quốc ở thời điểm đó.
Qua đến phim Cô gái trên sông, sự phản bội này được phát triển đi vào bên trong, từ giữa mối quan hệ của người với người đi sâu vào giữa người và niềm tin vào một lý tưởng cao đẹp được hứa hẹn bởi sự độc lập mới được giành lấy được của quê hương. Cô gái ăn sương Nguyệt là một thân phận được sinh ra từ chế độ cũ và đã hoàn toàn mất niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho đến khi cô cứu sống người chiến sĩ cách mạng Thu. Anh chàng này đã thắp sáng trong lòng cô một ngọn lửa niềm tin của một cuộc đời đáng sống sau khi đất nước được giải phóng, và trong tâm cô một ngọn lửa của tình yêu. Ngày giải phóng rồi cũng tới, song lời hứa kia cũng tan đi theo bầu không khí chiến tranh khi Thu, giờ đây đã trở thành một cán bộ cấp cao trong bộ máy chính quyền, từ chối gặp mặt Nguyệt – ân nhân cứu mạng đồng thời cũng là người tình chớp nhoáng của anh. Cuối phim, khi được vợ của Thu là nhà báo Liên nói dối rằng người đồng chí đó đã hi sinh trên chiến trường, Nguyệt đã gục ngã và tưởng tượng ra một cái chết đầy vinh quang của người chiến sĩ năm xưa. Một lời nói dối đầy nhân văn vì chỉ khi Thu ngã xuống như một người hùng thì giá trị anh từng đại diện năm xưa mới được sống mãi. Nếu xét rộng hơn, lời hứa của Thu dành cho Nguyệt đại diện cho lời hứa của một số bộ phận “con sâu làm rầu nồi canh” khi phản bội lại sự giúp đỡ và niềm tin của nhân dân trong thời chiến.
Nói Đặng Nhật Minh là một nhà làm phim đầy nhân văn vì ông trao cơ hội kể chuyện cho những thân phận có quá khứ khó được xã hội chấp nhận thời bấy giờ, thậm chí trong cả thời đại ngày nay. Ông đã liều lĩnh đưa một nhân vật gái bán dâm – một trong những hình ảnh thường được sử dụng để chỉ trích sự mục ruỗng và suy đồi của chế độ miền Nam Cộng Hòa, lên làm người hùng thầm lặng của bộ phim. Sự gai góc của phim tiếp tục được đẩy lên cao khi nhân vật chiến sĩ cách mạng Thu được đặt đối lập với người lính Cộng Hòa Sơn. Anh là một trong bao người lính bị giằng xé bởi chiến tranh, anh tham chiến không phải vì anh khao khát cống hiến cho chính quyền miền Nam mà chỉ đơn giản là anh không thấy một tia hi vọng nào khác, giống như Nguyệt. Vì thế, anh thấu hiểu mọi tâm tư, nỗi đau, và nỗi hổ thẹn của cô – những điều mà Thu không thể đồng cảm. Hình ảnh người lính ngụy hiện lên đầy chiều sâu và nhân tính, khắc hẳn với lối khắc họa một chiều và man rợ trong hầu hết những phim cùng thời. Cuối phim, sau khoảng thời gian cải tạo, cả hai số phận từng lạc lối này đã có một kết thúc đẹp khi họ có được cuộc sống yên bình như mong ước hậu chiến tranh, còn người cán bộ Thu thì phải đối mặt với tội lỗi của chính mình. Vậy nên Cô gái trên sông là một phim đầy cách mạng của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nó cấp tiến tới mức gây ra cho ông bao điều tiếng và những lời buộc tội trong khoảng thời gian dài.
Những bộ phim lấy đề tài chiến tranh của ông đều mang nặng tính phản chiến hơn những tác phẩm cùng thời. Làm phim về chiến tranh như Thị xã trong tầm tay và Bao giờ cho đến tháng Mười nhưng hình ảnh bộ đội Việt Nam chỉ làm nền cho những con người ở sau chiến tuyến như nhà báo Vũ hay cô góa phụ Duyên. Họ chỉ là hai trong vô vàn những con người không, tên không chiến tích nhưng vẫn âm thầm tham chiến bằng mọi thứ họ có, và vẫn đối mặt với sự hoang tàn không thể tránh khỏi của chiến tranh. Bao giờ cho đến tháng Mười kể về nỗi đau tột cùng khi mất chồng của Duyên đến mức cô sốc mà ngất lăn ra sông, suýt chết đuối nếu không được thầy giáo Khang nhảy xuống để vớt cô lên. Nhờ vậy, anh cũng tình cờ biết được hung tin này và cả hai cùng nhau dựng lên một lời nói dối để bảo vệ người bố già cả của chiến sĩ Nam (chồng Duyên) khỏi nỗi đau mất con một lần nữa. Bao giờ cho đến tháng Mười đã phê phán kịch liệt chiến tranh và hậu quả nó để lại cho cả xã hội lẫn từng cá nhân. Bộ phim được dựa trên những trải nghiệm cá nhân nhất của gia đình ông đến từ nỗi đau khi người thân ngã xuống trên chiến trường của hàng vạn, hàng triệu gia đình khác trên đất nước Việt Nam trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó là một lời gợi nhắc rằng không chỉ những người lính mới tham gia chiến tranh mà cả những người thân đang chờ đợi họ ở quê cũng phải gánh chịu nỗi tang thương không kém.
Tiếng nói của Đặng Nhật Minh trong các tác phẩm của ông như một bản giao hưởng đa thanh, đồng điệu với nhịp đập của lịch sử dân tộc. Qua ống kính máy quay, ông đã ghi lại những biến động lớn lao của đất nước, từ thời khắc hào hùng chiến thắng đến những ngày tháng đổi mới đầy thử thách. Chiến tranh rồi cũng kết thúc và người dân Việt Nam cũng đi vào một thời kỳ mới của hòa bình với nhiều thay đổi trong kinh tế và xã hội, vậy nên Đặng Nhật Minh cũng chuyển sự quan tâm của mình về thời kỳ đổi mới này qua các bộ phim Trở về, Thương nhớ đồng quê, và Mùa ổi. Đặng Nhật Minh đã khắc họa chân thực những nỗi đau, mất mát và cả những hy vọng của con người Việt Nam trong bối cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh, đang từng bước đứng lên xây dựng lại. Một đồng quê buồn bã vắng bóng người trẻ vì họ đổ xô lên chốn thành thị để tìm kiếm một cuộc sống hiện đại trong Thương nhớ đồng quê, cho đến một ông chú hiền lành bị mắc kẹt trong dòng sông hoài niệm của tuổi thơ đã trôi xa trong phim Mùa ổi. Cô giáo Loan trong Trở về dù có một cuộc sống đáng mơ ước với người chồng “đẹp trai, có học thức, lại đi Toyota nữa… Đúng là người hùng của thời đại!” nhưng cô lại chán ghét đời sống giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn tình cảm này. Những nhân vật trong cả ba phim này đều bị tách biệt khỏi hiện tại và ám ảnh với hồn ma của những điều đã mất. Hình ảnh những ngôi làng quê yên bình giờ đây bị xáo trộn bởi những đổi thay kinh tế - xã hội, những con người lạc lõng giữa dòng đời cuốn trôi... tất cả đều được tái hiện một cách sinh động và cảm động. Đằng sau vẻ đẹp bình dị của làng quê, là những câu hỏi lớn về cuộc sống, về số phận con người. Những câu hỏi ấy không chỉ đặt ra cho nhân vật trong phim mà còn đặt ra cho cả người xem. Đặng Nhật Minh đã khéo léo lồng ghép vào tác phẩm của mình những trăn trở, những suy tư về bản sắc văn hóa dân tộc, về những giá trị truyền thống đang dần bị mai một bởi sự xâm lấn của lối sống Tây hóa trong thời kỳ hội nhập.
Có thể nói điện ảnh của vị đạo diễn tác giả/NSND Đặng Nhật Minh từng là một làn sóng mới của điện ảnh Việt trong thời kỳ cũ. Phim của ông đã bị kiểm duyệt nặng nề, bị chỉ trích là bôi nhọ đời sống con người và hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam chỉ vì kịch bản mang tính cách mạng mạnh mẽ trong giới làm phim, dám kể về những điều chưa từng được đưa lên màn ảnh bạc. Dù chưa có nhà làm phim nào có thể soán ngôi vị đạo diễn “cây đa cây đề” này với tư cách là một nhà làm phim có sự nghiệp lâu đời gắn liền với sự chuyển mình của đất nước qua hàng thập kỷ. Tuy nhiên tinh thần làm phim cách mạng trong tư duy điện ảnh và thấu cảm đối với trải nghiệm sống đầy đời thường của những thân phận bé nhỏ vẫn luôn được kế thừa bởi các nhà làm phim trẻ - những người đang lướt trên một làn sóng điện ảnh mới thuần Việt. Tương tự Đặng Nhật Minh, một số bộ phim của các nhà làm phim trẻ cũng trải qua kiểm duyệt gắt gao và có vài trường hợp thậm chí buộc phải từ bỏ quốc tịch Việt để có cơ hội “được sống.” Nhưng tôi vẫn giữ niềm tin vào điện ảnh Việt, về một sân chơi nghệ thuật thứ 7 thoáng đãng hơn và trẻ trung hơn dành cho nhà làm phim Việt Nam. “Những cố gắng của họ rồi sẽ được thế giới nhìn nhận. Chỉ trừ khi anh không có gì sáng tạo, không mang được đến cái gì mới lạ thì người ta mới không quan tâm. Còn nếu có thì thế nào cũng được nhìn nhận. Tôi luôn tin vào lẽ công bằng. Những tác phẩm có giá trị đích thực sẽ không bao giờ bị lãng quên.” – Đặng Nhật Minh.