1.

Trong Ratatouille có phân cảnh vào hôm trọng đại của nhà hàng Gusteau, Anton Ego cắm nĩa vào miếng đầu tiên của món Ratatouille và thưởng thức, ông ngồi sững lại. Không khí sang trọng ở nhà hàng Gusteau trước mắt Anton phút chốc biến mất. Mọi thứ lùi về buổi chiều nọ, cậu bé Ego mắt sưng húp và đói bụng đứng trước cửa căn nhà bình dị. Người mẹ hiền hậu nhìn đứa con đang đói, bà múc món Ratatouille vào bát, lấy bàn tay nâng cằm của cậu bé lên. Trong lúc đói, Ego cảm nhận được sự ấm áp. Màu sắc của phim từ đỏ tối lạnh lùng chuyển sang tông vàng ấm áp. Những cảm giác về sự hạnh phúc khiến gương mặt của Ego, cằn cỗi và nghiêm nghị trở nên hồng hào, ông ngấu nghiến ăn như một đứa trẻ. 
 Khi thưởng thức miếng đầu tiên của Ratatouille, chiếc bút phê bình, vốn có sức nặng đủ để gây ra cái chết của một con người và một nhà hàng, rơi mạnh xuống đất. Ngay lần đầu tiên, tôi ấn tượng bởi cái tên Ego của ông. Mãi sau này, tôi mới biết ý nghĩa của nó, đó là “cái tôi”. Như trong phút động viên những người trong căn bếp của Gusteau, chàng khờ Linguini đã nói: “And which means he has a big ego”. Vẻ lạnh lùng, khô khốc và khó gần thể hiện rõ cái tôi của Anton Ego.
Ego nổi danh có hạng nhờ cái ego của mình - thứ khiến ông không bị chi phối bởi quyền lực, tiền bạc trong ngành công nghiệp ẩm thực. Cái tôi dẫn dắt Ego tìm kiếm một thứ - sự nguyên vẹn của ẩm thực, một cái gì đó tươi mới mà ông luôn thèm khát. Ego là thứ khiến ông khác biệt với bất kể ai khác - nó khiến ông là con người. Nhưng cái giá của việc làm một con người đó, trả lại bằng sự cô độc. Ego sống trong căn nhà nguy nga rộng rãi, nhưng có điều nó lại tối như bộ đồ ông mặc. Ông sống cùng với người hầu, nhưng kể cả khi họ sống chung với nhau, đó cũng là khoảng cách lớn. Người ấy cũng phải đứng cách ông cả một đoạn đường xa. Ego tự tạo cho mình cái vỏ bọc khó gần để ngăn cách ông với những người khác, để hoàn hảo cái “tôi” của mình. Ông gần như chẳng nở nụ cười nào cho đến bữa ăn quyết định sự sụp đổ sự nghiệp của ông.
“You know what I’m craving? A little perspective[….] I’d like some fresh, clear, well-seasoned perspective[…] Perspective. Fresh out, I take it[..] Since you’re all out of perspective and no one else seems to have it in this bloody town, I’ll make you a deal: you provide the food, I’ll provide the perspective”.
Nhắc đến từ “perspective”, tôi lại nhớ đến cuộc trò chuyện nhỏ với người bạn hai năm trước. Bữa ấy chỉ dăm ba câu chuyện linh tinh, tự dưng bạn kể câu chuyện mài rìu để chặt cây. Sau đó nhắc đến “perspective”. Bạn bảo rằng, perspective rất quan trọng. Lần hai bạn nhắc đến từ ấy là khi cái tôi của tôi khiến tôi khó chịu không muốn làm việc với bạn, bạn lại nói đó đại khái là cùng một thứ, thái độ, góc nhìn khác đi, nó quyết định nên cách mình nhìn nhận và giải quyết vấn đề ra sao. Đến giờ tôi vẫn luôn mang chữ perspective bên mình, thay đổi xíu thôi, nhìn nhận khác xíu thôi, mọi thứ sẽ khác hẳn.
Khi tôi nhìn thấy Ratatouille, tôi chẳng ngạc nhiên lắm. Câu chuyện tìm thấy niềm vui và sự ngon miệng qua một món ăn giản dị tôi đã từng đọc nhiều. Ratatouille chỉ là rau hỗn hợp hầm lên. Nó chẳng có công thức chính xác nào để trở nên tuyệt hảo, không như những món hảo hạng khác. Nó đã từng xuất hiện trong lời đùa bất chợt của Linguini trong lúc say: “If you’re gonna name a food you should give it a name that sounds delicious. It sounds like rat. And patooty! Rat patooty! Which does not sound delicious”. Ratatouille tầm thường cả trong mắt những kẻ yếu thế như Linguini, nhưng tại sao lại thỏa mãn tiêu chí của Ego: A little perspective-  một góc nhìn nho nhỏ? Người nổi tiếng với biệt danh The Grim Eater (kẻ ăn uống tàn nhẫn ) cuối cùng cũng có nụ cười và tìm kiếm hạnh phúc. Ông thanh thản mất đi danh dự, trở thành nhà đầu tư của nhà hàng, nơi mà chuột và người cùng có cơ hội thưởng thức món ăn như nhau. Và chí ít, ông cũng đã có da có thịt lên rồi.

2. 

Nhìn lại Ego, tôi mới nhớ đến trường phái nhân văn, tháp nhu cầu Maslow. 
Nguồn ảnh: Reddit 
Thức ăn thực chất chỉ là mốc đầu tiên – tức nhu cầu cơ bản mà con người cần có để mình sống. Nhưng tầng cuối cùng của tháp: self-actualization, hiện thực hóa bản thân, khi người ta đạt được trọn vẹn tiềm năng liên quan đến việc sáng tạo, cởi mở với những trải nghiệm và đặc biệt là sống một cuộc sống trọn vẹn. Không phải ai cũng làm được, vì người ta không bao giờ thỏa mãn với những thứ mình đang có, nên phải chạy đuổi. Anton Ego cũng vậy, ông có cái tôi cao, và việc phê bình của ông cũng đã làm tan nát bao con người trong ngành ẩm thực, nhưng ông chỉ mới đạt được ở ngưỡng dưới của tầng cuối – đó là nhu cầu tâm lý, về sự tự tôn, danh dự và cảm giác được công nhận. Anton Ego cũng chẳng lại được Gusteau, vì chí ít, Gusteau cũng đã làm nên quyển sách “Anyone Can Cook” để kết lại cuộc đời của mình rồi.
Nhưng tôi vẫn cảm thấy tội nghiệp cho Anton Ego. Ông trông chờ và thèm khát điều gì đó, chạy mỏi mệt  trên cái tôi đánh mất đi sự tò mò khám phá như trẻ thơ. Ông trở nên ốm yếu, tôi cũng chẳng biết những giây phút một mình ông đã ăn như thế nào. “A little perspective” – góc nhìn nho nhỏ, có thể nói là bước cuối cùng trong bậc thang Maslow. Nhưng suy cho cùng, những gì trên đỉnh tháp Maslow, tôi lại nghĩ, nó dễ có, nhưng người ta bị đánh mất nên việc với đến trở nên xa xỉ. Vì sự tò mò và nghịch ngợm của đứa trẻ trở thành thứ xa xỉ mà nhiều người thèm khát. Người ta đâm ra hy vọng, và chờ đợi cho điều ấy xảy đến. 
Nhắc đến những vị phê bình ẩm thực, tôi lại nhớ đến những phiên bản Masterchef của Mỹ và Úc. Điểm chung rằng mỗi mùa đều có hai vị đầu bếp và trùm khó hơn là chuyên gia phê bình ẩm thực. Hồi ấy bên Masterchef bản Úc có một vị phê bình ẩm thực mập mạp mà vui tính lắm, có một tập là mấy ông đầu bếp giám khảo khi ấy ghẹo bọn trẻ rằng thách ông này nấu ăn. Lúc ấy tôi thấy bất ngờ, vì nghĩ ai ngồi ở vị trí đều có thể tự tạo món ngon, để có thể hướng dẫn bọn trẻ. Hóa ra không. Tôi vẫn băn khoăn tại sao họ lại có thể làm công việc ấy, khi chính bản thân không thể nấu món ngon chuẩn nhà hàng cho mình. Giống như Joe Bastianisch, ông ta khó tính hơn cả Gordon và Graham, luôn đưa đôi mắt sắc lạnh vào những thí sinh và chỉ nói “Chúc may mắn” với thí sinh đang làm món ăn. Tôi cảm giác những vị này cứ phải trông mỏi vào thứ gì ngon. Mãi sau này, tôi mới hiểu rằng, có những người sinh ra có mỹ cảm tốt, nhưng họ không biết sáng tạo, và những người này lại cần thiết, vì chính người sáng tạo ra sản phẩm thường có cái tôi thỏa mãn tức thì, nếu không có họ sẽ khó thức tỉnh. Và dĩ nhiên, luôn cần ý kiến trái chiều. 

3.


 Anton Ego và Remy, một bên con người và một bên con chuột, nhưng cả hai đều gặp chung một lý tưởng. Đó là cách họ thụ hưởng sự hạnh phúc của mình. Cả hai đều nhìn nhận ăn uống là chuyện nghiêm túc, không phải điều cợt nhả. Chính vì vậy, họ đều chạy ngược bầy đàn của họ trong việc đeo đuổi hạnh phúc. Họ trở nên ốm yếu vì mong mỏi việc ăn uống đích thực, một bữa tiệc như trong chính lời bài hát chủ đạo cho bộ phim – Le Festin
L’espoir est un plat bien trop vite consommé
A sauter les repas je suis habitué
Un voleur solitaire est triste à nourrir
A un jeu si amer je n’peux réussir
Car rien n’est gratuit dans… La vie
 
Niềm hy vọng như một đĩa súp trong sánh, vậy mà nó vơi quá nhanh
Thế nên tôi đã quen, với việc bỏ bữa
Một tên trộm cô đơn, quá buồn để đi kiếm ăn (*)
Tôi không thể nào thắng,trong trò chơi cay đắng này
Bởi trên đời này, chẳng gì là miễn phí
(Dịch: CoulantBot)


4. 


“Remy, you are better than that. You are a cook! A cook makes! A thief takes. You are not a thief.” (hình bóng của Gusteau nói khi Remy nhìn nhà hàng Gusteau từ cửa sổ)

Nghĩ về việc ăn cắp, người ta thường ăn cắp những thứ mình không có. Ăn cắp xuất phát từ niềm hy vọng. Tôi nghĩ trong Ratatouille, và cả ngoài đời, khi ai đó ăn cắp, người đó mong chờ vào một hạnh phúc mà họ không bao giờ có được. Ăn cắp tiền với niềm tin rằng có tiền sẽ giúp người ta giàu có chẳng hạn. Ăn cắp tài sản nhằm mong có thể thỏa mãn điều gì đó. Tuy nhiên, ăn cắp lại có mặt hạn chế. Là kẻ ăn cắp sẽ cảm nhận hạnh phúc mình đang có chỉ là thứ nhất thời, luôn day dứt và mệt mỏi với những gì mình từng phạm. Họ không bao giờ thỏa mãn với hiện tại, và thèm khát thêm một điều gì đó, là những “bữa ngon” đến. Trong xã hội ngày nay, niềm vui thành thứ xa xỉ, người ta phải dựa vào nhau để cố kiếm tìm cho mình.
Remy cũng như Anton Ego, hy vọng vào một thứ lớn lao hơn khi ăn, đó là những thứ tinh nguyên, trọn vẹn nhất và do chính bản thân mình làm nên. Chú chán ghét cách ăn của đồng loại mình, lối ăn vô tội vạ không cảm nhận được món ngon. Câu hỏi mà một con chuột ở độ tuổi đang định hình bản thân ta là ai đặt ra không phải là lấy ai, đẻ mấy lứa, mà là làm sao để trở thành một con người. Chú được giao nhiệm vụ hết sức thiêng liêng là dùng mũi để xem có món nào tha về bị bỏ độc hay không. Chán ngấy với việc cứ phải chui nhủi, cậu mâu thuẫn với bố mình, tìm kiếm sự đồng cảm phần nào ấy từ con chuột béo khác – vốn dĩ coi việc bỏ cái gì vào miệng cũng được. Remy vì muốn ăn ngon, muốn tận hưởng thứ mỹ vị một cách trọn vẹn, nhai chậm nuốt kỹ, nên cậu có vẻ ốm yếu hơn những con chuột khác. Cái đích của Remy là lý tưởng tạo nên thứ mới, là sự thoát ly khỏi hình tượng chuột, vốn mang mác những kẻ đi ăn cắp. Điều ấy khiến cậu bất lực để những con chuột khác hiểu mình, mâu thuẫn với người cha của mình, rời khỏi gia đình để tìm kiếm niềm hạnh phúc – bản ngã thực sự và khát vọng trở thành người sáng tạo đích thực.
Nhưng Remy khác Ego ở một chỗ, chú là chuột nhắt bé con. Một con chuột đang ở sự lưng chừng, tuổi nổi loạn, khi bản thân sở hữu khả năng khác với những con cùng bầy – khứu giác và vị giác tốt. Dù sợ hãi con người, nhưng Remy mong mỏi ở con người, về sự sáng tạo với thức ăn. Vì vậy, Remy cứ đau đáu đấu tranh suốt với phần “con” (id), bản năng ăn tạp của con thú mà tạo hóa ban tặng và phần Gusteau lớn lao (super ego), phần luôn xuất hiện mỗi khi cậu gặp gian nan thử thách, nản lòng hay sắp lao vào làm kẻ cắp. Điều đó không khiến Remy không thể tự do với chính mình. Cậu luôn phải chiến đấu với cái bản ngã - phân vân về thứ gì tạo nên bản sắc cá nhân của mình. Cho đến khi cậu thực sự mệt mỏi, bị nhốt trong lồng, chỉ còn mình Remy và phần Gusteau trong cậu, Remy mới bực tức, cảm thấy chán ngấy vì luôn cứ phải giả vờ từ chuột, người và Gusteau. Gusteau biến mất, để lại chỉ mình Remy. Và Remy bắt đầu bừng tỉnh, không thành kẻ cắp nữa.  
Remy mong mỏi điều gì? Remy dù gì vẫn là một kẻ cắp, kẻ cắp tinh thần. Cậu sém đánh cắp niềm tin của Linguini, khi ban đầu bắt nhốt nhưng nhất quyết không giết cậu. Cậu đánh cắp niềm hi vọng của gia đình cậu, những con chuột dù ăn cắp vật chất nhưng vẫn hằng mong mỏi đứa con quay về. Cậu âm thầm trú ngụ trên chiếc nón của Linguini, hằng thỏa mãn niềm mơ ước của mình. 
Anton Ego cũng chẳng khác gì Remy, trước khi chú ta trở thành một đầu bếp thực thụ, không phải dựa bóng của Linguini. Họ đều là NHỮNG KẺ CẮP, cắp đi niềm hạnh phúc và cảm giác về bản thân, trước khi tự tìm hạnh phúc cho riêng mình. Bởi vì hy vọng cũng như bữa ăn chuẩn vị nhà hàng, chúng được dọn ra với phần ăn rất nhỏ ở giữa đĩa, chứ không ê hề như những bữa ăn bình thường, hay món đồ hộp vô vị.
Và Linguini, cũng là một kẻ ăn cắp, khi cắp đi sự tự chủ của Remy. Remy cứ ở mãi trong bóng tối, và Linguini cứ phải đấu tranh nội tâm của mình để có công việc đường hoàng sau thú nhận của chàng khờ - bị đuổi quá nhiều công việc và không ai kỳ vọng. Linguini cũng đã lấy đi niềm hi vọng của Remy để chờ người khác hy vọng lại mình. Nhưng chàng không muốn lấy nữa. Bằng cách nào hay cách khác, tất cả những người nhân vật trong Ratatouille đều là những kẻ phạm tội, giống như Colette đã nói, bằng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
“So you see, we are artists. Pirates. More than cooks are we”
Và tiếc thay chỉ có một người nhìn có vẻ trong sạch, là Gusteau, mang tiếng là người ban phát với lý tưởng “Anyone Can Cook”, tiếc thay, ông đã bị Ego đánh cắp hy vọng và đột quỵ chết rồi. Tuy nhiên cũng phải hẳn như thế. Giống như Remy đã từng nói với hình bóng Gusteau mà nói “Anyone can cook. But that doesn’t mean everyone should”. Gusteau đại diện cho chủ nghĩa self-help, khi bằng cách lấy đi niềm tin để người ta mua quyển sách, và gieo cho người ta niềm tin ai cũng làm được đó thôi.

5. 


Lúc xem Ratatouille, tôi cảm nhận có một sự liên tưởng thú vị về tiến hóa giữa người và chuột, khi nhìn thấy khả năng thiên phú của Remy và cách cậu điều khiển Linguini. Liệu rằng giữa người và chuột có những điểm tương quan nào đó chăng? Rõ rằng tôi đã cố tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình ở hai bài viết trước về khía cạnh tiến hóa. Con người thực sự đã thuần hóa chúng, có lẽ đã làm vậy cách đây cả hàng vạn năm. Con người cũng chẳng khác loài chuột bao xa, chúng ta cũng hung hăng, ăn tạp, thích nghi tốt, di cư, sinh đàn cháu đống để tạo nên cuộc chiến tiêu diệt lẫn nhau thôi. Chúng ta và lũ chuột đều là những kẻ phá hoại đều định đoạt tất cả những sinh vật khác cho mục đích của chúng. Con người cũng hướng đến chủ nghia hưởng thụ, tham lam mà thôi. 

Trong bộ phim ngắn “Happiness” của Steve Cutts, con chuột làm hình ảnh ẩn dụ cho con người, chạy đua vô cùng tận để tìm kiếm hạnh phúc và thỏa mãn, lao vào đoàn tàu lúc nhúc và tàn sát tận nhau ở cửa hàng sale để tìm kiếm hạnh phúc. Trong đám đông ấy, cả đoàn chuột đều chạy đua tìm kiếm mọi thứ mang lại tính hạnh phúc, cho đến khi con chuột ấy rớt xuống ảo vọng, chạy theo tờ tiền và bị mắc kẹt ở cái bẫy kẹp kiếm tiền.
Thật ra chúng ta cũng giống loài chuột, cũng gặm nhấm tạp nham đủ thứ để tìm kiếm sự thỏa mãn cho riêng mình. Và vì gặm nhấm quá nhiều, ta chỉ còn có ý thức, là làm sao ních được nhiều để ăn, giống như Emile chuột anh của Remy vậy. 
Bạn có thắc mắc tại sao Gusteau lại mập đến thế không? Rằng ông ăn quá nhiều? Nếu chỉ thưởng thức món ăn chuẩn nhà hàng thì ông không thể béo ịch như thế. Sự mập ấy đến từ rất những kỳ vọng bị biến mất, của miếng ngon mà ông ăn vội để làm việc, của những hy vọng mà ông muốn gieo đến đầu bếp nhưng trên hết là sự phiền não. Nếu không, ông không thể chết ngay vì một lời bình của Anton. Và quyển sách “Anyone Can Cook” đại diện cho một tư duy self – help, khi người ta đua nhau tìm kiếm niềm tin và hạnh phúc, dù biết rằng họ không làm được. Những người đầu bếp của Gusteau, chính họ sau một thời gian làm việc cũng vào cái guồng áp lực, họ chạy theo sự an toàn – theo đuổi những công thức để đổi lấy hạnh phúc qua ngày của họ. Họ e sợ việc sáng tạo sau việc nhà hàng mất sao, vì rằng nó có thể đe dọa sự an yên của họ? Từ khi nào hạnh phúc của những con người vốn tạo món ăn, thứ có thể mang lại hạnh phúc và mộng mơ lại bị đe dọa đến thế? Vì sao hạnh phúc trở nên khó tìm thấy đến thế?

6.


Tôi nghĩ điều ấy cũng chẳng có gì lạ, khi mọi nhân vật trong Ratatouille gặp khủng hoảng trong việc tìm kiếm hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc dài lâu. Cái chết của Gusteau ở đoạn mở đầu của phim, có vẻ chưng hửng, nhưng đó là mở đầu để nói về những khủng hoảng. Đầu tiên là khủng hoảng tuổi trung niên – cô đơn, trầm cảm, thất thế trong công việc. Anton Ego cũng gần thất thế khi thị trường món đông lạnh, thứ mà Skinner lăm le làm khi Gusteau không còn. Những món ăn vội vàng qua ngày và giá trị ẩm thực đích thực đe dọa đấy thôi. Linguini cũng chẳng kém khi trải qua quarter life crisis. Mất hết mọi công việc, không biết mình đang ở đâu, không muốn người khác kỳ vọng vào mình, Linguini không biết tìm kiếm món ngon của mình. Phân cảnh lúc đầu cho thấy cậu là người nấu ăn rất vụng. Những con người này đều mông lung trong việc tìm chính mình, cũng là tìm hạnh phúc, niềm tin và hy vọng từ người khác.  Remy cũng khủng hoảng khi phải đấu tranh giữa phần “chuột” và phần “người” của mình. Cả nền ẩm thực Pháp cũng gặp khủng hoảng, khi những thứ vẹn nguyên không còn nữa. Thế nên con người mới chạy theo những thứ nhất thời, những món tưởng ngon nhưng thực chất là cách chúng ta dần tàn sát lẫn nhau.

Skinner thì khác. Ban đầu tôi chẳng có ấn tượng mấy về nhân vật phản diện này. Nhưng tôi nghĩ lại, ông ta chẳng qua cũng mệt mỏi, đau đáu với việc tìm kiếm món ngon của chính mình. Nhưng món ngon ấy lại đi kèm với lòng tham. Việc Skinner tìm kiếm đến việc hưởng lợi từ chuỗi đồ ăn đông lạnh – thứ đi ngược lại với mọi nguyên tắc của ẩm thực Pháp. Và đồ ăn đông lạnh – những thứ dầu mỡ, giả tạo là cách con người âm thầm làm hại nhau bằng lối sống vội, sống tạp nham – chỉ cần bỏ vô miệng là ăn được, nó phản ảnh sự tiêu diệt của loài người lẫn nhau, cũng chẳng khác gì loài chuột ở ngoài thực tế. Con người gặp con chuột ở điểm đó, chúng ta sinh sôi nảy nở, tồn tại trong đời chèn ép từ người này qua người khác. Anton tiêu diệt Gusteau, Gusteau chèn ép những đầu bếp trẻ, Skinner chèn ép Linguini, và loài người tận diệt loài chuột. Há chẳng phải rằng cốt cuối cùng của việc thấy được sự ngon miệng và tạo nên sự ngon miệng là tận diệt nhau hay chăng? Ngày nay, số người mắc đủ thứ bệnh, tất cả đều bị chi phối bởi những thứ qua ngày đấy thôi. Những thứ bỏ vào miệng, vốn được xem là để chính mình tồn tại và hạnh phúc, lại khiến con người khổ sở và hoang mang đến thế ư? Mở rộng ra, từ khi nào, chúng ta bắt đầu phải nghi ngờ về tất cả những thứ xung quanh mang lại niềm vui và sự thỏa mãn đến thế?

7. 

Nguồn: Pinterest
Khi chiếc bút của Anton Ego rơi xuống, ông đã tự kết lại những tháng ngày khủng hoảng của mình. Khi cả họ nhà chuột đến giúp Remy làm nên những món ăn, tôi hiểu rằng chuột cha Django đã thực sự hiểu con mình, và luôn muốn hạnh phúc. Linguini cũng trở thành người phụ bàn vui vẻ trên chiếc patin và cô người yêu. Hạnh phúc muốn lấy được không hề dễ dàng, cốt cùng là sự mạo hiểm. Tất cả họ đều đã cố gắng để có nó. 
Khi chúng ta mua một cái gì tươi mới, hẳn đều hy vọng mình sẽ làm được cái gì đó tuyệt diệu khiến chúng ta vui. Nhưng từ nguyên liệu biến thành một thứ hoàn chỉnh là cả một quá trình, và thường gian nan. Kết lại trong Ratatouille là mỗi người tự tạo niềm vui và bữa ngon của chính mình. Tôi nghĩ rằng họ trở lại bản chất của đứa trẻ, sự mạo hiểm, tự tin. Con nít, vui vẻ là điều dễ dàng, vì chúng chẳng cần phải hoài chờ đến niềm vui. Chúng tự tạo và tìm kiếm niềm vui của mình qua cái lạ, cái mới, cái ngon. Nhưng người lớn, chúng ta cứ mải chạy đua kén chọn rồi chẳng biết cái gì ngon cho mình, thế thôi. Thức ăn xuất hiện là để mang lại niềm hy vọng. Nó có thể khiến người ta vui có khi chỉ mới là liếc qua, nhưng cũng khiến người ta mệt mỏi và đói mèm cả ngày. Nấc thang đầu trong việc hiện thực hóa bản thân là như vậy.
Tôi không biết rằng sau này Ego có về gặp mẹ và háo hức chờ mẹ nấu món ăn, không theo quy củ đó không, kiểu trong Pixar đã có giả thiết rằng bà già bắn súng chính là mẹ Ego. Nghĩ về Ratatouille và ký ức với người mẹ của Ego, tôi lại thấy buồn cười, khi Colette lúc đầu dạy Linguini về quy chuẩn của nấu ăn, cô bảo rằng nấu ăn trong nhà bếp không có dễ dàng đâu, đừng có tưởng là dễ như mẹ nấu ở nhà nhá. Và giờ cuối cùng mọi thứ lại quay về những gì sơ khởi nhất. Chắc những đầu bếp khác, khi rời khỏi nhà hàng Gusteau khi thấy một con chuột, họ đã có người mẹ, với món ăn họ yêu thích, đang chờ.
Và hi vọng rằng sau tất cả, chúng ta cũng như Ego, cũng đã có một điều gì đó, à “a little perspective”, trên con đường tạo nên niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. 
Vĩnh Anh

Vài lời nhắn nhủ:
Để đi được đến đích đến là bài viết này, mình đã mất gần hai năm. Mọi thứ nhen nhóm khi mình bắt đầu có công việc part-time đầu tiên, cũng là cơ duyên đưa mình đến việc viết những bài có sự liên tưởng thú vị về phim hoạt hình. Mình nghĩ đầu tiên về Linguini, và sau đó dần ngẫm về "ego". Anton Ego luôn là nhân vật để lại ấn tượng cho mình, và mình nghĩ đến sự chồng chất về ego - như trò chơi domino vậy, ego của một người ngã xuống sẽ dần làm đổ những ego của người kia. Nhưng khi ấy chưa biết viết như thế nào. Cuộc gặp gỡ và làm việc với một người bạn chung trường, chính là người đã dịch lời bài hát Le Festin và có cuộc trò chuyện ngắn về "perspective" đã cho mình một lối thoát, suy nghĩ về mọi thứ, theo nhiều góc nhìn khác đi. Vì vậy, bài viết này cũng là lời cảm ơn đến người bạn ấy, đã luôn nói những điều tưởng chừng là chuyện phiếm, nhưng luôn khiến mình suy nghĩ và trăn trở khi gặp chuyện đến ngày hôm nay.
Người thứ hai mà mình muốn cảm ơn, là anh Black Meow đã kiên nhẫn đọc không trượt phát nào với từng bài viết, và bài này đặc biệt đã khích lệ mình khi đăng. 
Người thứ ba là người bạn thân học hồi cấp 2 của mình, vì vốn lười đọc nhưng đã kiên nhẫn feedback và giúp mình tập trung về core value của bài viết.

Cảm ơn các bạn đã đọc <3

Những bài viết trước về Ratatouille