Dưới đây là một vài trích đoạn ngắn trong 2 cuốn “Kế hoạch của linh hồn” và “Món quả của linh hồn”, tác giả Robert Schwartz. Trải qua hàng ngàn buổi thỉnh hồn với những nhà ngoại cảm, Rob khám phá ra ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của các sự kiện, khó khăn, thách thức mà phàm ngã của các nhân vật (được phỏng vấn trong hai cuốn sách) đã lên kế hoạch trước khi được sinh ra nhằm phục vụ cho công cuộc tiến hoá của linh hồn và của sự sáng tạo vĩ đại này. Cũng giống như tác giả, mình không có ý định thuyết phục bất kỳ ai tin vào những điều này. Chỉ có lưu ý một điều, nếu bạn đọc được một vài ý hay có thêm động lực đọc cả 02 cuốn sách, hoặc đơn giản hơn chỉ là qua việc tương tác với một tình huống, người nào khác, đừng vội phản ứng. Hãy tự cảm nhận xem điều gì đang được kích hoạt lên bên trong bạn. Cảm nhận nó. Đi sâu vào nó. Thành thật với nó. Xem xem bạn khám phá ra được thứ gì?
[…]Khi tiến vào Trái Đất, chúng ta quên đi nguồn gốc của mình ở dạng linh hồn. Chúng ta biết từ trước khi giáng sinh là sẽ gặp hiện tượng mất trí nhớ tự thân này. Cụm từ phía sau bức màn đề cập tới trạng thái quên lãng này. Là những linh hồn thiêng liêng, chúng ta tìm kiếm sự lãng quên danh tính thực sự của mình bởi việc nhớ lại sẽ trao cho ta khả năng tự hiểu mình sâu sắc hơn. Để đạt được nhận thức sâu này, ta rời khỏi cõi phi vật chất, một nơi của niềm vui, sự yên bình và tình yêu - bởi ở nơi đó ta không có được cho mình trải nghiệm về sự tương phản. Khi thiếu đi sự tương phản, ta không thể thấu hiểu bản thân mình. Hãy tưởng tượng, nếu bạn muốn, một thế giới mà ở đấy chỉ có ánh sáng. Nếu bạn không bao giờ trải nghiệm bóng tối, thì liệu bạn có thể hiểu và trân trọng ánh sáng tới đâu? Có một sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối dẫn tới một mức độ thấu hiểu phong phú hơn và cuối cùng là một sự hồi tưởng. Cõi vật chất cung cấp cho chúng ta sự tương phản này bởi nó chính là tính nhị nguyên.
[…]Sóng rung động của ta tác động tới vũ trụ nhiều hơn rất nhiều so với hành động của ta, rằng ta là ai quan trọng hơn thân thể ta làm gì. Một vị ẩn sĩ ngồi một mình trên đỉnh núi tạo ra rung động an bình mang tới nhiều hoà bình cho thế giới hơn là những kẻ tuần hành vì hoàn bình đầy giận dữ, tần số của họ chỉ phục vụ cho việc tạo ra nhiều hơn thứ mà họ tưởng mình đang phản đối kịch liệt.
[…]Shadow work (làm việc với phần tối bên trong bạn): Là một thực hành giúp chúng ta trở nên toàn vẹn hơn. Nó dựa trên tiền đề rằng bạn phải sở hữu phần tối (bốc đồng, tổn thương, buồn bã, bị cô lập… mà chúng ta thường cố gắng phớt lờ đi) của mình thay vì né tránh hoặc kìm nén nó. […]Đằng sau cơn giận luôn là nỗi sợ. Sợ hãi nghĩa là bạn không tin vào dòng chảy của Sự sống và vì thế sẽ cảm thấy dễ bị tổn thương. Khi bạn nổi giận, bạn thật ra đang đánh vào sự nhạy cảm của mình, chính là cái bạn không muốn đối diện.
[…]Những thử thách lớn nhất của các bạn không bao giờ nằm ở những điều người khác làm mà là ở cách bạn đáp trả. Chúng cho thấy bạn có thể chấp nhận, hiểu và vì thế vượt qua được những cảm xúc được gợi lên từ hành vi của người khác. Phát triển tâm linh không có nghĩa là bạn cần phải thay đổi thế giới mà là hướng vào bên trong và thay đổi bản thân.[…]Nhìn chung, các thử thách của đời sống thường đối lập với mong muốn và kỳ vọng của các bạn. Mặc dù được lên kế hoạch sẵn, sự xuất hiện của chúng thường gây cảm giác bất ngờ và hoang mang, chẳng có vẻ gì là tương đồng với điều mà chúng được kỳ vọng sẽ mang đến, không công bằng và quá khó để vượt qua. Tất cả những gì chúng mang lại là thái độ đối kháng, sợ hãi, bối rối và bất lực.
[…]Ý thức nạn nhân có xu hướng kéo dài. Nếu bạn tin bản thân là nạn nhân, bạn rung động ở tần số của nạn nhân và thu hút mạnh mẽ về bản thân những trải nghiệm sẽ khẳng định trong tâm trí của bạn rằng bạn là nạn nhân. Chìa khoá để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này là thôi đổ lỗi, vì việc đổ lỗi đặt bạn vào trường năng lượng có tần số của ý thức nạn nhân. Chúng ta có thể buông bỏ việc đổ lỗi dễ dàng hơn nhiều khi chúng ta nhận trách nhiệm cho việc đồng ý với các kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời của chúng ta.
[…]Bởi vì những gì chúng ta trải nghiệm bên ngoài luôn là sự phóng chiếu của đời sống nội tâm, chúng ta không thể ngừng phán xét người khác nếu như chúng ta chưa hoàn toàn ngừng phán xét bản thân. Việc nói những lời không phán xét và tham gia vào những hành động không phán xét không đồng nghĩa với việc không phán xét. Dấu hiệu chân thực nhất của thái độ không phán xét là cách chúng ta trải nghiệm bản thân, vì đó là cách chúng ta thực sự trải nghiệm những người khác.
[…]Cảm giác đau khổ xảy ra khi bạn kháng cự với các cảm xúc như sợ hãi hay giận dữ. Đó là những cảm xúc có thể dâng lên phản ứng với các sự kiện trong đời bạn. Câu châm ngôn “Bạn càng chống, nó càng sống dai” là có thật: Khi bạn chú tâm vào điều gì đó, bạn đang rút năng lượng của mình ra để tiếp vào cho nó, và chống cự là một dạng tập trung quyết liệt. Thế thì làm sao bạn có thể buông bỏ sự chống cự với những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi và tức giận để cho phép dòng suối chữa lành chảy vào thế chỗ?
[…]Khi đang ở giữa quá trình này, bạn không còn phù hợp với các cấu trúc cũ trong cuộc sống của bạn. Công việc và các mối quan hệ có thể rời bỏ bạn. Bạn có thể thấy đơn độc, không còn hoà hợp nữa trong khi không biết mình sẽ đi về đâu. Nếu bạn nhận ra điều này (đang xảy ra), xin hãy hiểu rằng bạn đang trên con đường của mình, rằng bạn không điên khùng, rằng bạn đã hết sức can đảm khi cất bước trên con đường hướng vào trong.
[…]Đa số những người có bài học nghiệp về sự độc lập trong cảm xúc dành rất nhiều thời gian cho những mối quan hệ mà trong đó hạnh phúc của họ thực sự phụ thuộc vào người khác. Độc lập trong cảm xúc là học được rằng bạn là nguồn hạnh phúc duy nhất của bản thân.
[…]Một linh hồn có lòng trắc ẩn sâu sắc muốn biết về chính mình ở dạng lòng trắc ẩn có thể chọn giáng sinh vào một gia đình có rất nhiều vấn đề. Khi bị đối xử một cách thiếu nhân ái, cô sẽ trân trọng lằng trắc ẩn một cách sâu sắc hơn. Chính sự thiếu vắng một điều gì đó sẽ dạy ta tốt nhất về giá trị và ý nghĩa của nó. Một sự thiếu vắng lòng trắc ẩn từ thế giới bên ngoài sẽ buộc cô hướng vào bên trong, nơi cô nhớ ra lòng trắc ẩn của chính mình. Sự tương phản giữa việc thiếu đi lòng trắc ẩn ở thế giới vật lý và lòng trắc ẩn nội tại của cô trao cho cô một sự thấu hiểu về lòng trắc ẩn và do đó, về bản thân cô.
[…]Một sự cân bằng có được bằng cách trải nghiệm cả ánh sáng và bóng tối… Tất cả các cá nhân đầu thai vào cõi của các bạn đều trải nghiệm cả ánh sáng và bóng tối trong một vài kiếp sống. Một người có thể chọn cách trở thành một cá nhân tiêu diệt cả một bộ tộc con người. Người khác có thể chọn cách lạm dụng trẻ em. Tất cả những điều đó tạo ra một mức độ của việc học tập và hiểu biết. Đây thực sự là một cõi tồn tại hai cực tốt và xấu. Việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối, cái tốt và cái xấu, sẽ mang bạn ra khỏi cảnh giới này, đưa bạn ra khỏi cảm tính nhị nguyên.
[…]Tự tha thứ là một cột mốc của sự chữa lành mà Jon đạt được trong kiếp sống này. Ông cần phải tha thứ cho sự thiếu khoan dung của người khác, nhưng thử thách lớn hơn là tha thứ cho chính ông vì đã tin vào những gì người khác nói về mình. Khi Jon biết rằng ông có kết quả dương tính với HIV, ông cảm thấy mình đáng bị mắc căn bệnh ấy. Nỗi nhục của ông đã sâu tới thế. Chỉ có qua trải nghiệm cận tử ông mới nhận ra là mình muốn và xứng đáng sống. Trước khi trải nghiệm ấy xảy ra, Jon đã đi rất xa khỏi mọi nhận thức về giá trị vốn có của mình. Sự tương phản giữa bóng tối và cuộc sống mà ông đã quay trở lại kích thích một sự hồi tưởng. Ông không còn được định nghĩa bởi những lời khác nghiệt của cha mình, sự phán xét của một thầy giáo hay những người bạn học, hoặc sự hạ nhục từ những người tình cũ. Ông không còn được định nghĩa bởi AIDS.
[…]Tất cả đều là lựa chọn. Tất cả đều là do góc nhìn. Nói vậy không có ý rằng phàm ngã không có quyền được sợ hãi hay than khóc, nhưng tất cả những gì các bạn được trao, ngay cả điều khó khăn nhất, đều chứa đựng trong nó những hạt mầm sâu sắc của hiểu biết và cái đẹp. Kinh nghiệm của chứng bệnh ung thư vú có thể gia tăng những giác quan, có thể đưa người ta vào một cuộc sống mà sẽ không thể tồn tại nếu họ vẫn khoẻ mạnh, có thể đánh thức tài năng và sức mạnh mà họ không biết rằng mình có.
[…]Bệnh tật là biểu hiện cuối cùng của những khó khăn hay tâm lý. Đó chỉ là một lớp khác của quá trình học tập. Không có lỗi lầm nào hết. Không có sự trừng phạt. Đó không phải là dấu hiệu thiếu thốn tình yêu từ Chúa, vị hướng dẫn tâm linh của bạn, hay thiên thần của bạn. Đó là một phần trong sự tồn tại của con người, cũng như sự cần thiết của giấc ngủ, cái nóng và cái lạnh. Khi nhân loại học được cách biểu hiện bản thân ở một tầng rung động cao hơn, bệnh tật không còn phục vụ cho mục đích nào nữa và do đó sẽ biến mất.
[…]Ban đầu Bob dàn dựng một cuộc sống nơi ông phải nhận ra và chấp nhận rằng mình đồng tính khi đã có vợ. Hãy tưởng tượng mức độ tự yêu thương mà ông cần để hoàn thành kế hoạch này. Ông trước hết phải tự nhận biết được rằng mình đồng tính. Rồi ông phải có đủ can đảm để nói với vợ mình. Cuối cùng, ông phải yêu mình và vị hôn thê của mình đủ để rời bỏ cuộc hôn nhân không còn phản ánh con người mà ông mới công nhận.
[…]Trong rất nhiều trường hợp, sự phán xét từ những người xung quanh giúp những người đang nghiện chất kích thích trải nghiệm tất cả các cảm xúc mà rồi họ sẽ nhận ra là một phần của trải nghiệm này, một phần của con đường họ đi. Bởi vậy mọi thứ đều hữu ích. Không có gì được tạo ra ở cõi các bạn là vô giá trị. Mọi thứ cần phải được tôn trọng. … Một người nghiện chất kích thích sẽ trưởng thành từ việc bị người khác phán xét như thế nào? … Việc đó tạo ra những giới hạn, rào cản mà họ phải vượt qua bằng cách quyết định xem họ có xứng đáng với tình yêu từ chính mình và người khác hay không, dù những hành vi của họ đang bị phán xét
[…]Nếu ta đánh giá một người nghiện ma tuý là yếu đuối, thì hẳn trong ta có một phần mà ta tự đánh giá mình là yếu đuối. Nếu ta không nhìn nhận mình là yếu đuối dù ở bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào, thì ta không thể có một sự phán xét như vậy về người khác. Thay vào đó, hoặc ta sẽ không để ý những hành vi hoặc đặc điểm mà ta nhìn nhận là điểm yếu, hoặc ta sẽ không nhìn nhận chúng là điểm yếu. Tất cả các phán xét dành cho người khác đều là nhằm che đậy sự phán xét chính mình…. sự trưởng thành sâu sắc về tâm linh xảy ra khi ta mạnh dạn gỡ bở sự che đậy đó và thừa nhận những gì ta cảm nhận về chính mình. Quá trình đó không đơn giản, nó đòi hỏi sự cởi mở và thành thật không nao núng với bản thân, nhưng phần thưởng có thể đạt được là rất lớn.