ĐÔI LỜI VỀ TÍNH KHẢ THI CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
Khi lần đầu nghe tới xã hội cộng sản – xã hội mà ở đó tồn tại cái gọi là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, hầu hết mọi người đều...
Khi lần đầu nghe tới xã hội cộng sản – xã hội mà ở đó tồn tại cái gọi là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, hầu hết mọi người đều hoài nghi về tính khả thi của nó. Vì trên thực tế, lòng tham con người là không đáy, ai cũng muốn làm ít hưởng nhiều, không làm nhưng vẫn được hưởng. Như vậy, liệu có khả thi hay không việc duy trì một xã hội mà việc lao động là không bắt buộc, đồng thời không tồn tại một hình phạt nào cho những người không lao động?
Tất nhiên nếu áp đặt tư duy của xã hội hiện tại vào một xã hội cộng sản, điều đó là hoàn toàn không thể, mà để duy trì được, con người trong xã hội cộng sản phải tồn tại loại tư duy khác với tư duy hiện hành. Có bao giờ bạn nghĩ đến việc thất nghiệp như là một điều tích cực hay chưa? Có bao giờ con người ở xã hội phong kiến nghĩ đến việc sống không có vua chưa? Hay có bao giờ người nguyên thủy nghĩ đến một xã hội mà buổi sáng họ phải dậy đi làm lúc 7h và về nhà vào lúc 5h chiều để cuối tháng nhận về một vật tương đương thành quả lao động của mình chưa? Để có thể hình dung một xã hội tồn tại dưới hình thái xã hội cộng sản, chúng ta hãy nhìn vào hình thái xã hội đầu tiên mà loài người trải qua: xã hội công xã nguyên thủy.
Bản thân tôi nhận thấy nếu chủ nghĩa cộng sản có thành công trong việc dẫn dắt loài người đến xã hội cộng sản, thì xã hội đó phải là một xã hội công xã nguyên thủy kết hợp với cơ sở vật chất và trình độ nhận thức tương đương trình độ của một nền văn minh cấp độ I. Cụ thể hơn, ở xã hội nguyên thủy, các khu rừng thuộc sở hữu chung, động thực vật, nguồn nước, tất cả đều thuộc sở hữu chung, khi muốn ăn thì sử dụng sức lao động của mình để đi săn, đi hái, dù tài nguyên lúc đó thuộc sở hữu chung nhưng không một ai có suy nghĩ sẽ hái về nhiều hơn để đem về nhà, hay bắt “trộm” những con thú rừng đem về cả (việc bắt những động vật hoang dã ở thời đại này đều nhằm mục đích thuần hóa, phục vụ con người chứ không phải nhằm mục đích giấu làm của riêng). Như vậy ta có thể thấy một xã hội không tư hữu và có sự lao động tự nguyện là hoàn toàn khả thi, nhưng đó là do của cải ở thời đại này đã đạt mức dư thừa (động thực vật, nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên khác đều gần như vô tận đối với con người nơi đây), con người không cần quá cố gắng để sở hữu những của cải đó, đối chiếu với xã hội ngày nay, liệu của cải có thể trở nên dư thừa đến mức độ đó hay không?
Ở thời điểm hiện tại, ta biết rằng cùng với sự phát triển của xã hội loài người, hoạt động sản xuất ra của cải ngày càng trở nên dễ dàng hơn, sức lao động mà con người phải trực tiếp bỏ ra cho hoạt động sản xuất ngày càng ít và tiến về gần với con số 0 (nhưng với việc không thể tồn tại động cơ vĩnh cửu, con số đó liệu có bằng 0 được hay không lại là một câu chuyện khác). Nếu như trước đây con người phải mất hàng chục ngày hay hàng tháng trời để dệt được một tấm vải, thì giờ đây những trang thiết bị hiện đại, những dây chuyền sản xuất tự động có thể làm việc đó chỉ trong vài giây, và tất cả những gì con người cần làm là khởi động nó, bảo dưỡng và thực hiện một số thao tác chưa được tự động hóa. Chính vì thế, trong tương lai, những dây chuyền tự sản xuất tự động, những con robot được lập trình để thực hiện các công việc mà trước đây con người phải trực tiếp làm chắc chắn sẽ chiếm gần hết việc làm của con người, của cải gần như được sản xuất mà không cần quá nhiều sức lao động trực tiếp và mang tính cơ học của con người, đến một thời điểm nào đó, tất cả những việc con người cần phải làm để sở hữu của cải sẽ chỉ là những cái bấm nút khởi động, hay những buổi kiểm tra định kỳ xem một con robot nào đó còn đủ khả năng hoạt động hay không trước khi cho nó vào bãi phế liệu – nơi mà những dây chuyền xử lý và tái chế rác thải tự động đang chờ sẵn, hay tuyệt vời hơn, sẽ có những con robot khác thực hiện việc này thay con người. Một xã hội như vậy chắc hẳn sẽ chẳng ai rỗi hơi mà mang về nhà một bọc bánh bì để giấu làm của riêng khi mà tất cả những gì họ cần làm là ra tiệm bánh mì tự động và bấm 1 cái nút, và cũng chẳng ai lười biếng đến mức không bấm cái nút đó mà chờ người khác đến bấm giùm mình, đó chính là lúc tư duy về tư hữu gần như không tồn tại, mà nếu có thì cũng là do họ quá lười phải bước ra khỏi nhà để đến tiệm bánh mì cách đó vài trăm mét vào mỗi bữa ăn.
Như vậy, hình ảnh một xã hội cộng sản hiện lên không phải là nơi mà một ông A nào đó thức dậy vào lúc 9h mỗi sáng, nhẹ nhàng ăn một bữa sáng thịnh soạn bằng một trong những con gà quay mà ông đã lấy dư về hôm đi nhận lương thực của tháng, rồi đến nơi làm việc lúc 11h trưa và xách cặp đi về lúc 3h chiều sau khi ngồi lướt reddit suốt 4 tiếng đồng hồ, mà xã hội này phải là nơi mà ông A đó thức dậy đi lấy đồ ăn ở một máy phát bữa sáng tự động phía bên kia đường, sau đó bấm nút khởi động một nhà máy sản xuất xe hơi tự động ở cạnh đó trước khi một người khác tắt nó đi vào buổi chiều khi đi dạo về. Với tốc độ phát triển của xã hội loài người như hiện nay, những hình ảnh đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong tương lai, tư hữu lúc này không còn tồn tại trong xã hội, làm việc để trang trải cho cuộc sống không còn là thứ bắt buộc nữa, khi đó loài người thay vì chiến tranh để tranh giành tài nguyên, sẽ tập trung vào hưởng thụ và phát triển bản thân.
Tuy nhiên, một xã hội quá hoàn mỹ như vậy liệu có còn tồn tại động lực để phát triển hay không? Khi không còn phải lo về cái ăn, cái mặc, liệu con người có còn muốn dành thời gian để học những cái mới, để nghiên cứu về những bí ẩn trong vũ trụ nữa hay không? Hay liệu đây chính là nguyên nhân mà cho đến giờ chưa có một nền văn minh nào khác tìm đến chúng ta: đạt được đến xã hội cộng sản và chọn cách hưởng thụ những gì mình có trong hành tinh của chính mình thay vì tìm cách đi đến những hành tinh có nền văn minh khác. Những câu hỏi đó bản thân tôi vẫn chưa thể tự giải đáp, bên cạnh đó, bài viết trên hoàn toàn dựa theo suy luận cá nhân, vì kiến thức còn hạn hẹp, rất mong nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất