Những nhà hoạt động kêu gọi quyền bảo vệ công nhân. Biểu ngữ của họ kêu gọi sự trừng phạt các lãnh đạo tham nhũng và yêu cầu thả các công nhân bị bắt.
Huệ Châu - Trung Quốc
Những người này chính là những sản phẩm mà các trường đại học danh giá nhất của Trung Quốc đặt mục tiêu phải đào tạo ra được: những nam thanh nữ tú trẻ thấm nhuần lý tưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Họ đọc sách về Marx, Lenin và Mao và lập các hội nhóm sinh viên để bàn luận về những bước phát triển của chủ nghĩa xã hội. Họ tìm hiểu về đời sống của giai cấp lao động bao gồm những người quét rác, đầu bếp và công nhân xây dựng. Họ là thanh niên tình nguyện đi giúp đỡ các gia đình khó khăn ở vùng sâu vùng xa và làm tròn nghĩa vụ học thuộc các khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Rồi khi họ tốt nghiệp, họ muốn áp dụng các lý tưởng của Đảng vào thực tiễn, và thế là họ từ khắp mọi miền Trung Quốc tập trung lại ở Huệ Châu, một tỉnh ở miền Nam, để tập hợp công đoàn công nhân ở các nhà máy trong địa phương và tổ chức biểu tình để yêu cầu những cải thiện tốt hơn cho người công nhân, bảo vệ đời sống của họ tốt hơn.
Đó là lúc mà Đảng nhận thấy rằng đây là một vấn đề cần giải quyết.
Chính quyền nhanh chóng dẹp ngay nỗ lực biểu tình của các nhà hoạt động trẻ tuổi, bắt giam nhiều người trong số họ và loại bỏ tiếng gọi công lý của họ ra khỏi mạng Internet. Tuy nhiên những hành động đó đã trễ, thông tin về hoạt động của nhóm thanh niên này đã lan truyền ra nhiều vùng trong cả nước, những nơi đang bất mãn với sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo, sự tham nhũng và chủ nghĩa vật chất ở xã hội Trung Quốc.
Các nhà hoạt động Cộng Sản trẻ và công nhân nhà máy đang chia sẻ bữa cơm trong một căn hộ 
"Các anh chị là xương sống của giai cấp công nhân!" một người biểu tình hô to khi nói chuyện với công nhân ở một nhà máy. "Chúng em sẽ đồng cam cộng khổ với các anh chị!"
Các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên ở Trung Quốc, đặt biệt là các cuộc biểu tình của công nhân, những người không có ai chống lưng khi mà trong nước họ không được phép lập công đoàn độc lập, không có tòa án độc lập và không có báo chí độc lập. Nhưng cuộc biểu tình ở Huệ Châu là bất thường bởi nó được tổ chức bởi những học sinh và sinh viên ở một trong những trường đại học hàng đầu cả nước, trong khi sinh viên kể từ cuộc bạo loạn đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989 hầu như không còn dám biểu tình.
Trong những thập kỷ vừa qua, sau cuộc bạo loạn, sinh viên đại học đã giúp tuyên truyền các chính sách kinh tế và chính trị của Đảng, với các chủ đề tập trung về công việc, gia đình và những mặt khác của cuộc sống trong khi vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ chính trị độc đảng, hoặc ít nhất là không động chạm gì đến vấn đề đó. Khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãnh đạo Đảng bắt đầu lo lắng nhiều hơn về ảnh hưởng của phương Tây lên thế hệ trẻ, một thế hệ hiểu biết nhiều hơn về thế giới và được kết nối kỹ thuật số nhiều nhất từ trước đến giờ.
Nhưng các nhà hoạt động ở Huệ Châu lại là một mối đe dọa mà chính quyền không lường trước được.
Mang theo chân dung của Chủ tịch mao và hát Quốc Tế Ca, những sinh viên này là hình mẫu lý tưởng mà chính quyền đã cố gắng tạo ra trong suốt nhiều năm bắt sinh viên phải học chính trị, họ lên tiếng về những vấn đề như nghèo đói, quyền của công nhân và bình đẳng giới - đều là một trong những chủ đề cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản.
"Những gì chúng tôi đang làm là hợp pháp và hợp lý", Chen Kexin, một sinh viên ở Đại học Renmin ở Bắc Kinh tham gia biểu tình chia sẻ. "Chúng tôi là những người Marxist. Chúng tôi ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đứng chung với những người công nhân. Chính quyền không thể bắt chúng tôi."
Nhưng mà chính quyền đã làm vậy. Vào sáng ngày 24 tháng 08, cảnh sát cơ động mang theo dụng cụ trấn áp biểu tình đã tấn công vào căn hộ bốn phòng ngủ mà các nhà hoạt động đang thuê để bắt giữ 50 người trong đó. Khi cảnh sát phá cửa lao vào, các nhà hoạt động đang nắm chặt tay nhau và hát Quốc Tế Ca.
Mặc dù một vài người đã được thả, 14 nhà hoạt động và công nhân vẫn đang bị tạm giam hoặc quản thúc tại gia, theo tin từ các tổ chức bảo vệ quyền công nhân. Cảnh sát địa phương buộc tội những người này hoạt động cho các tổ chức vô chính phủ ở nước ngoài.
Kể từ khi Chủ tịch Tập nắm quyền vào năm 2012, Đảng đã tìm biện pháp hạn chế lưu thông sách giáo khoa của phương Tây và ngăn chặn sự lan truyền của các "giá trị phương Tây" trong trường học, bao gồm các ý tưởng về nhà nước pháp quyền và dân chủ, vốn đi ngược với cách Đảng cai trị.
Và đồng thời Chủ tịch Tập yêu cầu các trường đại học phải tăng cường mở rộng việc dạy lý tưởng của Mao và Marx. Vào tháng 05 vừa qua, ông đã thăm Đại học Bắc Kinh và khuyến khích học sinh theo đuổi Chủ nghĩa Marx, nói rằng trường phải nhớ đưa "chủ nghĩa Marx vào trong giá trị giáo dục cốt lõi".
Nhưng một vài người trong Đảng dường như không cảm thấy an tâm khi có quá nhiều nhóm học sinh say đắm chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Mao như thế, bởi vì những yêu cầu đòi hỏi giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội và bảo vệ quyền công nhân của các nhóm này đi ngược lại với các chính sách xây dựng thị trường tư bản mà chính phủ Trung Quốc áp dụng hàng chục năm nay.
Măc dù hiện nay chỉ có vài nhóm nhỏ học sinh hoạt động, họ là đại diện cho các nhà hoạt động chính trị cánh tả ở Trung Quốc và xu hướng này đang dần lan rộng ở trong khuôn viên các trường đại học, một phần là vì chính quyền do dự khi quyết định có nên trấn áp các nhóm chính trị này hay không.
Ở trên mạng Internet Trung Quốc, hàng ngàn người trẻ tham gia vào các diễn đàn, phòng trò chuyện về Mao và chủ nghĩa Marx, một vài còn thành lập các webstie cánh tả, đăng các tài liệu về các vấn đề như là ô nhiễm môi trường, toàn cầu hóa và các lý thuyết kinh tế học mà không gặp phải bất kỳ vấn đề về kiểm duyệt nào, cho đến thời gian gần đây.
Trong tuần vừa rồi, các nhân viên trong trường đại học đã làm khó cho những người Marxist trẻ và ngăn không cho họ gặp mặt, một nhà hoạt động nói. Và năm ngoái, cảnh sát ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Châu, đã bắt anh Zhang Yunfan, một lãnh đạo trẻ của một nhóm tư tưởng Mao, với tội danh "tụ tập gây rối trật tự xã hội."
Những người trẻ ở Trung Quốc thường bị chỉ trích là vô tâm, ích kỷ và chỉ nghĩ đến tiền bạc. Nhưng Eric Fish, một nhà báo nghiên cứu về thế hệ trẻ ở Trung Quốc, nói rằng những thế hệ sinh sau sự kiện thảm sát ở Thiên An Môn không có bản năng lo sợ về chính quyền như thế hệ trước.
"Họ sẵn sàng đi ra ngoài đường và cho mọi người biết họ đang nghĩ gì", anh ta nói. "Hầu như mọi người không ý thức được hậu quả sẽ là gì".
Cuộc biểu tình ở Huệ Châu bắt đầu vào tháng 07, ở nhà máy Jasic Technology nơi sản xuất ra các thiết bị hàn. Ông chủ nhà máy đã ngăn chặn công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Ở Trung Quốc, công đoàn chỉ được lập khi được sự cho phép của chính quyền, cụ thể là tổ chức Liên Đoàn Lao Động Toàn Quốc trực thuộc Đảng.
Những người công nhân nói rằng các quản lý nhà máy đã kiểm soát toàn bộ các hoạt động của công đoàn. Họ phàn nàn về việc được trả lương thấp và bị đối xử như nô lệ, khi họ bắt đầu làm đơn kiến nghị thì cảnh sát tới can thiệp và bắt giữ nhiều người trong số họ.
Những nhà hoạt động trẻ nghe được tin về sự khốn khổ của những người công nhân qua các mạng xã hội và quyết theo đuổi công lý, 40 sinh viên đang học và mới tốt nghiệp đã đến Huệ Châu, một khu sản xuất khổng lồ với 4.8 triệu dân của tỉnh Quảng Đông. Hàng trăm người đã lên tiếng ủng hộ cho hoạt động này trên mạng - nhiều đến mức nhiều trường đại học đã cảnh báo sinh viên không được đến Huệ Châu.
"Tôi không thể ngồi yên," Yue Xin, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh chuyên ngành ngoại ngữ, nói trong buổi phỏng vấn sau khi được thả. "Tôi không thể chấp nhận việc mình chỉ là một anh hùng bàn phím trên mạng. Tôi phải đứng lên."

Zhang Shengye, 21 tuổi, một sinh viên mới tốt nghiệp hồi tháng 06 ở Đại học Bắc Kinh với chuyên ngành Dược lý, nói rằng anh ấy được truyền lửa để tham gia vào cuộc biểu tình do hoàn cảnh gia đình khó khăn của mình. Cha anh ấy, một thủy thủ, đã bị mất việc khi một doanh nghiệp nhà nước bị cổ phần hóa vào năm 1990, một trải nghiệm mà Zhang kể là "sụp đổ về mặt tài chính và tâm lý."
Nhưng chỉ khi học đại học, Zhang mới quyết định trả lời tiếng gọi của Marx để "lao động vì nhân loại", anh nói. Tức giận về tình trạng lương thấp cũng như đời sống nghèo nàn của các công nhân làm trong trường đại học, anh cùng 60 bạn đồng môn đã tự lập ra nhóm Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Marx, và đã xuất bản một báo cáo về các vụ vi phạm luật lao động.
"Chúng tôi cùng có tình thương mến với các công nhân và niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho chủ nghĩa cộng sản," anh nói.
Ở Huệ Châu, các nhà hoạt động trẻ gọi nhau là "đồng chí" và mặc áo thun có in hình nắm đấm với khẩu hiệu "Đoàn kết là sức mạnh." Họ tuần hành bên cạnh những người công nhân, giữ băng rôn ghi rõ chữ "Thành lập công đoàn không phải là một tội ác". Họ làm vở kịch nhỏ diễn tả lại sự khốn khổ mà người công nhân chịu đựng ở nhà máy.
Dù họ tự nhận là những người Maoist, họ quyết định không dùng vũ lực, khác biệt với các nhóm Maoist ở những quốc gia như Nepal hay Ấn Độ vốn đã quyết đấu tranh bằng bạo lực. Những nhóm Maoist trẻ này cũng khác các nhóm Maoist già, vốn trước đây chỉ tập trung vào việc bài trừ ảnh hưởng của phương Tây lên xã hội Trung Quốc và không chống lại chính sách của Đảng.
Những người biểu tình trẻ nhấn mạnh rằng họ là những người cộng sản tốt và ủng hộ Chủ tịch Tập.
Trước khi bị bắt, Yue đã viết một bức thư gửi cho Chủ tịch Tập nói rằng cô đã học và làm theo tấm gương của Người trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng như trong thời gian Người làm việc ở một ngôi làng nghèo khổ ở vùng thôn quê khi còn trẻ.
Cô còn nói thêm rằng chiếc dịch biểu tình ở Huệ Châu có nguồn gốc không phải từ bên nước ngoài mà là lấy cảm hứng từ Cuộc Diễu Hành Tháng Năm năm 1919, một cuộc nổi dậy ở Trung Quốc mà Đảng nói rằng đó là tiền đề cho cuộc Cách Mạng Cộng Sản.
Cô Yue cũng là một lãnh đạo phong trào #MeToo, một người đã lên tiếng về vấn đề quấy rối và tấn công tình dục trong trường đại học. Người ta đã không còn nghe đến cô sau khi cô bị cảnh sát bắt vào hôm 24 tháng 08.
Những người bạn đồng môn cũng đang lo lắng về Shen Mengyu, một trong những học sinh đi tiên phong trong việc kêu gọi sự chú ý đến chiến dịch ủng hộ công nhân. Cô bị bắt bởi các nhân viên an ninh ở một khách sạn và giờ đang bị quản thúc ở nhà ba mẹ, các nhà hoạt động nói.
Có rất nhiều công nhân ở nhà máy đã bị bắt và kết án với tội danh làm rốt trật tự công cộng. Huang Lanfeng là một trong số những người bị bắt, cô nói rằng chính phủ đã rất bất công khi trừng phạt các công nhân mà bỏ qua các sai phạm của chủ nhà máy.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc," cô nói. "Chúng tôi thề sẽ đấu tranh chống lại những thế lực độc ác đến cùng."
Khi năm học mới bắt đầu, những nhà hoạt động nói họ sẽ làm các chiến dịch mạnh hơn. Anh Zhang và các học sinh khác đã biểu tình ở quê nhà Chủ tịch Mao, làng Thiều Sơn, trong dịp tưởng niệm 42 năm ngày mất của vị chủ tịch trong tháng này, và họ cũng đã kêu gọi chính quyền phải thả bạn họ ra. Cảnh sát nhanh chóng can thiệp và nhanh chóng bắt Zhang, trước đó anh đã từng bị bắt và thả ra sau đợt bắt giữ hồi 24 tháng 08.

Anh Zhang đã từng làm kiến nghị lên chính quyền để trừng phạt những lãnh đạo ở địa phương. Anh viết:
"Chúng tôi ở đây vì chúng tôi nhận thức được rằng những gì mình đang làm là hợp phát và công bằng.
Chúng tôi ở đây vì chúng tôi muốn đền đáp lại công sức của những người công nhân, thứ mà chúng tôi nhận ra sau nhiều năm học ở trường.
Chúng tôi ở đây vì chúng tôi không muốn tin rằng các thế lực đen tối có thể cười khinh bỉ trong thế giới chúng tôi đang sống."
Bài viết đăng trên Thời Báo New York ngày 28 tháng 09 năm 2018. 
Tác giả: Javier C. Hernández.
Zoe Mou và Echo Hui cũng đóng góp các nghiên cứu cho bài viết.
Bài gốc

Một số bài khác trong cùng chủ đề về Trung Quốc