MIỄN HỌC PHÍ CHO CON NHÀ GIÁO - Một mũi tên trúng nhiều đích
Bộ Giáo dục vừa có đề xuất trình lên Quốc hội ý kiến miễn học phí cho con nhà giáo. Dự tính ngân sách chi thêm khoảng 9.200 tỷ đồng....
Bộ Giáo dục vừa có đề xuất trình lên Quốc hội ý kiến miễn học phí cho con nhà giáo. Dự tính ngân sách chi thêm khoảng 9.200 tỷ đồng. Trên các trang mạng xã hội có khá nhiều ý kiến trái chiều, ngay cả trong cộng đồng các chuyên gia về giáo dục cũng ko thống nhất...
Có ý kiến cho rằng nên miễn phí cho con nông dân, một số ý kiến cho rằng nên miễn phí tất cả không phân biệt ngành nghề của phụ huynh. Có ý kiến lại cho rằng nên xét miễn phí theo dạng học bổng vượt khó, hay thay vì miễn phí thì tăng lương cho giáo viên... Các ý kiến trên xét trên góc độ của từng đối tượng không phải là ko có lý do, tuy nhiên xét tổng thể thì những đề xuất này chưa phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội...
Vậy tại sao tôi lại cho rằng đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo như trên là bước đi phù hợp trong lộ trình miễn phí cho tất cả hệ thống giáo dục công?
Có thể nêu ra một vài lý do như sau:
Xét về tài chính, trên thực tế chi phí dành cho giáo dục hiện vẫn chưa đạt mức mà ngân sách Quốc hội duyệt chi tối thiểu 20% (ngân sách theo thống kê của bộ giáo dục giảm từ năm 2019, năm 2023 dự tính còn khoảng 16.8% tổng chi ngân sách, năm 2024 dự tính khoảng 19.6%). Như vậy, với mức ngân sách dự trù khoảng 9.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 0.8% ngân sách dự trù 2024 thì tổng chi ngân sách cho giáo dục khoảng hơn 20%, nằm trong mức ngân sách nhà nước mong muốn chi cho giáo dục. Với mức dự chi như vậy trong điều kiện ngân sách tài chính hiện nay, lựa chọn miễn học phí cho tất cả học sinh các cấp là khó khả thi.
Vậy còn tại sao lại là miễn phí cho con em giáo viên mà ko phải đối tượng khác, hay ko phải là tăng lương?
Với trường hợp tăng lương, ngày 1.7.2024 lương công chức trong đó có giáo viên được tăng lên. Mức lương thấp nhất từ hơn 6.6tr cho giáo viên mầm non mới ra trường, khoảng 7.4tr với giáo viên tiểu học... mức tăng này chưa tương xứng so với bình quân thu nhập của người lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 8.4tr. Thực tế khi tăng lương thì hệ quả kéo theo là chi phí sinh hoạt cũng tăng theo, dẫn đến hiệu quả của việc tăng lương cho giáo viên ko được như kỳ vọng. Trong khi đó việc miễn học phí cho con giáo viên lại mang nhiều tác động tích cực cả về giá trị trực tiếp cũng như gián tiếp cho lực lượng giáo viên và xã hội:
- Giảm chi đồng nghĩa với tăng tổng thu nhập cho giáo viên (đồng nghĩa với tăng lương).
- Vị thế của đội ngũ giáo viên trong ngành giáo dục cũng được trọng vọng hơn, giáo dục đúng nghĩa với mục tiêu là quốc sách hàng đầu của đất nước như trong hiến pháp 2013 của Quốc Hội (chế độ đãi ngộ như người tham gia trong lĩnh vực Quốc phòng và An ninh). Giáo viên sẽ có động lực cống hiến hơn do được xã hội trọng vọng, khía cạnh tâm lý này có tác dụng tốt hơn việc tăng lương thuần tuý.
- Khi giáo viên có mức thu nhập đủ để không phải lo cơm áo gạo tiền, giáo viên có đủ tâm huyết và thời gian để quan tâm, chăm lo đến sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như năng lực học tập của mỗi em... Họ sẽ tập trung cho hoạt động giảng dạy trên trường, tất cả các học sinh trong đó có con em công nhân, nông dân đều được hưởng lợi… Khi giáo dục công đủ tốt, công nhân, nông dân hay các lao động trong các ngành nghề khác nhau sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đầu tư học thêm giáo dục ngoài công lập.
Cuối cùng, khi thu nhập và các chế độ đủ hấp dẫn, Giáo dục sẽ là môi trường tốt để tuyển chọn và sàng lọc những giáo viên giỏi, những nhà giáo dục có chuyên môn cao và tâm huyết với nghề giáo. Xin nhắc lại, trong bất kỳ môi trường nào mức đãi ngộ thấp sẽ khó hấp dẫn người giỏi, nhiệt thành với công việc.
Bước tiếp theo của lộ trình miễn học phí này là cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường để giáo viên tập trung giảng dạy trên lớp. Một vài học sinh yếu kém có thể cần đc phụ đạo. Đối với học sinh muốn tìm hiểu sâu hơn có thể nhờ giáo viên định hướng để nghiên cứu. Giáo viên yên tâm về mức sống để tập trung cho chuyên môn đào tạo. Những giáo viên muốn dạy thêm kiếm nhiều tiền hơn bị cấm dạy thêm sẽ tách ra khỏi khối giáo dục công. Khối dạy tư này cần phải được cấp phép và chịu sự quản lý nhà nước như các ngành kinh doanh khác. Như vậy ngành giáo dục sẽ tách được những người muốn xem nghề đào tạo như một nghề kiếm tiền và những người muốn cống hiến cho sự nghiệp đào tạo con người.
Vì những lý do trên, tôi cho rằng lộ trình miễn học phí giáo dục cho con nhà giáo là bước đi phù hợp với thực tiễn, hướng tới miễn hoàn toàn học phí cho tất cả học sinh các cấp từ mầm non đến đại học. Đúng như hiến pháp 2013 ghi nhận: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu!
QUANG HÒA
Quản trị viên CỘNG ĐỒNG CHA MẸ TÍCH CỰC Gỡ rối & chia sẻ
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất