Mấy ngày trước, tôi và những người bạn BKE đi Cà Mau theo đoàn Phật tử về học thiền và nghe giảng pháp theo sự tài trợ và tổ chức của chị Mã Mỹ Anh.
Chúng tôi đa số không tiến bộ gì nhiều về thiền học nhưng lại hiểu biết thêm về xứ Cà Mau, đất và người.
Chị Mã Mỹ Anh là một nữ doanh nhân thành đạt hiếm hoi ở Cà Mau. Hiếm hoi hơn cả là tấm lòng phụng sự cho công cuộc hoằng pháp và xả thân phục vụ cộng đồng.
Mã Mỹ Anh, ngoài cái tên ấy ra và đôi ba câu nói chuyện ngắn ngủi, tôi quả thật không biết gì về đời tư, con cái và việc làm ăn của chị.
Nhưng có làm gì những thứ ấy khi mà qua trực giác, chúng tôi đã cảm nhận được sự an bình và tình thương yêu lớn lao của chị dành cho mọi người xung quanh.
Ban đầu, tôi chỉ lờ mờ hiểu chuyến đi của chúng tôi đã có ai đó (hoặc những ai đó) tài trợ. Và cũng chỉ để biết mà thôi, theo như cách nói của thầy Ashin Ottamasara.
Chuyện một đại gia nào đó phát tâm làm Mạnh Thường Quân thì ở đâu cũng có. Thọ ân thì tri ân, tôi luôn có sự tôn trọng và kính mến đúng mực với những tấm lòng thiện nguyện như thế. Nhưng từ kính trọng đến ngưỡng mộ và xúc động thì lại là một chuyện khác.
Mã Mỹ Anh là một trường hợp đặc biệt như thế.
Suốt chuyến đi ba ngày, tôi thấy một phụ nữ nhỏ bé tươi cười, chân trần chạy thoăn thoắt như con sóc. Chị lo cơm, lo nước, lo tọa cụ, lo bàn ghế, lo xe...Tóm lại là lo tất cả. Tuyệt nhiên không thấy chị to tiếng hay phàn nàn câu nào cho dù bất cứ điều gì xảy ra. Tôi không hiểu người phụ nữ này lấy năng lượng từ đâu mà kỳ diệu vậy.
Ngày đầu, tôi nghĩ người phụ nữ kia là một cô gái nào đó trong ban tổ chức nên không để tâm lắm. Mãi sau có người rỉ tai rằng đó là chị Mỹ Anh, doanh nhân, người thiết kế và tài trợ chính cho chuyến đi của hơn 200 người Phật tử. Tôi bắt đầu chú tâm suy nghĩ.
Hãy tưởng tượng về việc bố trí chuyến đi ba ngày cho hơn 200 người từ Việt Nam, Campuchia, Miến Điện. Bao cả ăn ngủ, tắm rửa, đi lại từ Sài Gòn đi Cà Mau. Thăm thú Cà Mau. Rồi lại từ Cà Mau đi Sài Gòn và Hội An.
Cái sự tổ chức đó mới thật rắc rối và hại não biết bao khi người ta khác biệt nhiều về ngôn ngữ và văn hóa. Thêm vào đó, các Phật tử cũng thuộc nhiều tầng lớp, căn tính và tâm thức tiến hóa không đồng đều. Bởi vậy, tạm bỏ qua chuyện tiền bạc, làm vừa lòng được bấy nhiêu con người, không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn.
Nói về chuyện hoằng pháp cũng lắm thứ nhiêu khê. Không phải pháp cũng là chính pháp. Và đương nhiên không phải pháp nào cũng nên “hoằng dương”. Nếu không có sự tỉnh thức và tuệ nhãn đủ lớn, bơm tiền cho chùa chiền và các buổi giảng đạo đôi khi tạo ác nghiệp nhiều hơn là thiện nghiệp. Thật hoan hỉ làm sao, chị Mỹ Anh đã nhận rõ đâu là giáo pháp chính tông, nguyên thủy, khoa học và đâu là thứ pháp ma mị “giục giã cúng dường” không có lợi cho quần chúng.
Tôi đoán rằng chị đã góp công quả không ít cho sự phát triển chùa chiền ở Cà Mau. Bởi vì đoàn của chúng tôi (do chị dẫn đầu) đến đâu cũng được các trụ trì và Phật tử đón tiếp trọng thị ngoài sức tưởng tượng. Vậy mà chị không hề nói một câu nào về những công quả ấy.
Dinh cơ của chị ở Cà Mau rất rộng, sạch đẹp và mát mẻ. Nhưng có vẻ từ lâu nó đã thành ngôi nhà công, đón tiếp khách thập phương về thăm quan và học đạo. Có lẽ chị đã nhận ra từ lâu tính vô thường của sự sống và của cải. Thậm chí ngay cái danh, có vẻ chị cũng đã thờ ơ và không còn dính mắc. Ý thức về ngã và ngã sở của chị đang dần dần được gỡ bỏ.
Lành thay, Cà Mau, mảnh đất cuối cùng ở cực Nam tổ quốc đã có một người con như thế.
NGƯỜI TỐT HAY NGƯỜI BÌNH THƯỜNG?
Nếu chúng ta được hỏi: “Anh có phải người tốt không?” Chúng ta đều trả lời: “Có chứ, đương nhiên”. Nhưng tại sao bạn nghĩ mình là người tốt thì phần đa số sẽ nói là vì tôi không ăn cắp, không vi phạm pháp luật, không lừa gạt ai.
Tuy nhiên đó là một nhầm lẫn. Người tốt không phải chỉ như vậy. Anh không làm điều xấu cũng chưa chắc đảm bảo anh là người tốt.
Người tốt phải có dũng khí đứng lên bảo vệ công lý, bằng sức mạnh (lớn hoặc nhỏ) của mình để làm cho người bên cạnh hoặc cho cộng đồng tốt đẹp lên. Anh ta phải có lòng nhân ái, giàu tình thương, khiêm tốn nhã nhặn để chia sẻ khổ đau, biết chấp nhận hy sinh vì người khác (không thuộc máu mủ và gia tộc mình).
Hãy nghiên cứu những tình huống sau:
Khi bạn mua đồ, người thu ngân tính tiền cho bạn bị nhầm xuống. Nghĩa là bạn phải bỏ tiền ít hơn thực tế. Bạn có nhắc nhở tên thu ngân là bị nhầm không?
Em trai bạn là sếp lớn, tham nhũng của công, gây hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, rút ruột công trình, gây thảm họa vỡ đập nước, đẩy hàng vạn dân vào cảnh mất nhà cửa. Bạn có đủ bằng chứng trong tay thì bạn có tố giác không?
Đó là những câu hỏi trắc nghiệm để bạn tự thấy mình có phải là người tốt hay không.
Thế mới biết làm người tốt không hề dễ. Chúng ta phần đa chỉ là người bình thường và chưa vi phạm pháp luật mà thôi.
Mấy ai dám chịu thiệt thòi và dám quên thân mình vì người khác như chị Mã Mỹ Anh???