Đầu tiên, xin bạn nghỉ tay nghe chút nhạc của Lôi ca cho thư thái.


Nhạc của anh lúc nào cũng vậy, mộc mạc, nhẹ nhàng, mà có cái gì đó day dứt khó tả. Bài này mới nghe thì như 1 tiếng than thở với cuộc đời, lại đôi phần trách móc hờn giận cái lý tưởng của bản thân, nhưng nghe nhiều thành ngấm rồi thì lại thấy sau lời than thở ấy cũng chính là 1 lần khẳng định mạnh mẽ nữa của niềm tin "hoa rồi sẽ nở rộ 1 lần nữa" và ảnh sẽ vẫn cứ sống mãi với lý tưởng ấy mà thôi.
Nhưng, nếu bạn cũng như tôi, 2 chữ "Lý tưởng" sao nghe nặng nề và thậm chí có phần cổ hủ của các cụ, hay ít nhất là bậc cha chú thời cách mệnh. Thời ấy, lý tưởng nó là thứ rõ ràng - sự độc lập tự do cho dân tộc, rồi thì gây dựng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh". Những lý tưởng ấy được mọi người chia sẻ, đồng lòng đồng sức tạo nên 1 tinh thần vừa thiêng liêng vừa hào hùng biết bao. Và có 1 điểm đặc biệt, dù rất nhiều thế hệ không thể với tới được mục đích cuối cùng ấy, thì việc sống vì lý tưởng cao cả cũng khiến cho cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa và đẹp hơn rất nhiều.




Còn bây giờ thì sao? Bao nhiêu lần trong tháng, hay thậm chí năm vừa rồi, bạn nghe thấy 2 chữ "lý tưởng" trong cuộc sống của mình? Có thằng nào nhắc đến “lý tưởng sống” trong những câu chuyện trà đá trà chanh trà sữa của bạn không?
Và nếu không, phải chăng ta nên thừa nhận lý tưởng đâu có cần cho cuộc sống ngày nay?

Phải chăng "Lý tưởng sống" chỉ còn tồn tại trong đề văn nghị luận lớp 9?



Vậy mà, trong cuốn "Thuật tư tưởng", cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần cụ phán xanh rờn: "Những kẻ sở dĩ hay phân vân lưỡng lự trong những ý kiến hay tín ngưỡng của mình mà không biết phương hướng nào đi cả, chỉ theo những kích thích nhất thời rất trái nghịch nhau, là tại họ không có lý tưởng nào ở trong đời hoặc có chăng, chỉ là một lý tưởng rất mơ màng yếu ớt mặc dầu có khi họ là một người thông minh và học giỏi. Người sống không lý tưởng không khác con thuyền không lái, mặc tình cho sóng dập gió dồi, bấp bênh đến đâu hay đến đó".
Đọc xong, gật đầu cười ruồi: "Phải thôi, tên sách đã thấy kinh, bảo sao cụ chả căng thế". Nhưng, gượm đã bạn, hình như những thứ cụ nhắc đến, như sự phân vân lưỡng lự trong những ý kiến của mình, mất phương hướng, chẳng phải vẫn là những vấn đề cơ bản đối với các bạn trẻ hay sao? Và có phải chính sự mất phương hướng ấy là nguyên nhân chính dẫn đến việc các bạn nhiều khi lao vào những kích thích nhất thời (nhậu nhẹt, đua xe, cần cỏ) đến bỏ cả mạng sống của mình đấy không?




Nếu như 1 lần nữa bạn lại đồng ý với tôi, thì đáng buồn là tất cả những điều trên đều đúng, tức là lý tưởng đã không còn là yếu tố tiên quyết, mang lại sức mạnh cho từng cá nhân, và cao hơn nữa là cả tập thể, cả dân tộc để vượt lên trên hiểm nguy của chiến tranh hay những đói khổ vật chất. Lý tưởng giờ đây mất đi cái rõ ràng, tính hào hùng và tiếp nối của nó, vì vậy mà nó cứ vô tình bị lãng quên, và càng ngày càng ít người nhắc đến. Nhưng, lý tưởng sống vẫn luôn là thứ cực kỳ quan trọng trên đường đời của mỗi người.



Vậy, phải xác định lý tưởng của mình như thế nào?



Đây lại là 1 câu hỏi rất rất khó, mà tôi không thể có câu trả lời hoàn hảo dành cho bạn. Thứ duy nhất tôi có là 1 gợi ý nho nhỏ, mong có thể khiến bạn làm rõ được lý tưởng của mình. Đối với tôi, lý tưởng là đích cuối cùng của thứ mà tôi có thể làm được và muốn làm cho chính mình, cho gia đình, và cao hơn nữa là cho cả cộng đồng.

Ví dụ, tôi tin mình có thể dạy học, nhưng không phải kiểu dạy áp kiến thức, mà tôi muốn được truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên, để chính các bạn tự nhận thấy sự cuốn hút và cần thiết của tri thức. Và đó, theo tôi là cái đích cuối cùng của người làm thầy mà tôi muốn hướng tới. Lý tưởng sống này đặt ra cho tôi 1 loạt những mục tiêu cụ thể: 

        - phải nắm kiến thức 1 cách chắc chắn, liên hệ nó với những vấn đề các bạn gặp hàng ngày (để các bạn thấy kiến thức không rỗng tuếch, mà chính khả năng suy nghĩ và áp dụng kiến thức như thế nào mới là quan trọng) 
        - nghĩ đến những điểm nhấn có thể khiến cho bài giảng của mình trở nên cuốn hút 
        - làm thế nào để nâng cao kỹ năng nói 
        - rồi thì làm thế nào để học sinh cảm thấy chính họ là người tìm ra kiến thức, và tôi chỉ là người dẫn đường mà thôi. 

Những mục tiêu cụ thể này, nếu tách ra từng thứ thậm chí cũng có thể là 1 chuyên ngành riêng biệt, và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể trui rèn và tiến bộ. Tuy nhiên, cái lý tưởng về 1 người thầy truyền lửa, tự nó khiến cho tất cả những mục tiêu ấy liên kết lại với nhau, và dẫn lối cho mỗi bước đi trên con đường tôi lựa chọn cho mình. Tất nhiên, tất cả đều không hề dễ dàng, và có nhiều lúc tôi chỉ muốn say ngoắc cần câu để quên đi tất cả những deadline, áp lực, thất bại và cả những cô đơn trong cuộc sống. Nhưng, điều quan trọng là, ngọn đèn lý tưởng vẫn ở đó, và nó sẽ luôn kéo tôi trở lại con đường sau một vài bước rẽ buông thả của bản thân.
 



Vậy, còn bạn thì sao? Tôi biết, sẽ rất mông lung, nhưng cứ thử hỏi đi, 2 câu hỏi nhỏ, và có thể chỉ 5 phút trong lần đầu thôi, hãy tự hỏi mình: 

        - điều gì là điều bạn có thể làm và muốn làm, 

        - và đâu là cái đích cao nhất mà bạn muốn hướng tới nếu bạn có thể gắn bó với điều ấy. 


Tin tôi đi, rất có thể sẽ có 1 tia sáng mong manh nhưng thu hút và tràn đầy cảm hứng bất chợt xuất hiện trong suy nghĩ của bạn đấy.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim




Kết: Tôi chỉ muốn nhắc lại 1 điều: Lý tưởng có thể không cần thiết cho cuộc sống ngày nay, tức là không có nó bạn vẫn có thể sống 1 cuộc đời bình thường, thậm chí là ăn sung mặc sướng như bạn vẫn sống. Nhưng có lẽ không sai khi nói rằng không 1 cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn nào mà không có lý tưởng cả.

Và, để thay lời kết, tôi muốn tặng các bạn 1 ví dụ. Nếu nâng tầm quan điểm lên 1 chút, có lẽ "Xây dựng 1 cộng đồng chia sẻ tri thức" cũng là 1 lý tưởng rất đẹp đó, phải không bạn? Và, bạn thấy không, 1 lý tưởng đẹp, những cố gắng tâm huyết, chắc chắn sẽ vẫn luôn tự nó tỏa sáng mà thôi ;)

A Dreamer

Nguồn:

Thuật tư tưởng - Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Thơ: Từ ấy - Tố Hữu



Các bài viết khác của tác giả: