Mình nhận thấy phong trào bài trừ Self-help dạo gần đây nổi lên không kém gì phong trào đọc sách Self-help, khi mà rất nhiều bạn trẻ chỉ cần nghe đến sách Self-help là sẽ phản ứng không khác gì mẹ mình khi mình bảo là sẽ cưới vợ sau 30 tuổi: những cái lắc đầu đầy ngao ngán.
Mình không bàn đến tính đúng sai, nhưng mình nhận ra có những bạn trẻ theo phong trào bài Self-help thậm chí còn chưa hoàn thành bất kì cuốn Self-help nào trong đời. Mình không có vấn đề gì với chuyện này nhưng mình mong mọi người hiểu rõ bản chất trước khi bỏ qua; bởi vì nói gì thì nói, sách Self-help vẫn là đúc rút kinh nghiệm và công sức hàng tháng trời của tác giả, nếu bỏ qua thì sẽ rất đáng tiếc.
Sau một thời gian dài đọc Self-help và cũng trầy lên trật xuống để thực hiện lời khuyên của nó, mình nhận ra vấn đề không nằm ở sách Self-help, mà nằm ở cách ta tiếp nhận nó.
Có một số điều chúng ta cần làm rõ với nhau như sau:
1. Bạn không thể nào tìm thấy động lực thay đổi bản thân trong sách Self-help
Bản chất của nhiều cuốn sách Self-help là viết về những vấn đề không khó để nghĩ ra giải pháp, nhưng lại khó thực hiện chúng. Ai cũng nghe rằng sống là phải buông bỏ, nhưng buông là buông thế nào, bỏ là bỏ cái gì? Ai cũng biết để bớt cô đơn thì phải bắt đầu mở lời với người khác, nhưng biết là một chuyện, có can đảm để làm nó là một chuyện khác.
Không sách self-help nào giúp bạn có động lực bền vững
Không sách self-help nào giúp bạn có động lực bền vững
Thử ví sách Self-help như một người bạn, thì nó sẽ là dạng bạn “đừng buồn nữa vui lên đi”. Những lúc chúng ta gặp khó khăn, chúng ta hiếm khi cần người đưa lời khuyên, mà chúng ta cần người đồng hành, lắng nghe để ta không cảm thấy cô đơn. Còn động lực đứng lên và thoát ra vũng lầy thì chỉ có thể đến từ ta mà thôi. Động lực này không thể đến từ một con người, đừng nói là một cuốn sách.
Vậy nên nếu bạn tìm đến sách Self-help với hy vọng nó sẽ cho bạn động lực cần có để thay đổi, thì chắc chắn bạn sẽ gặp sự thất vọng.
2. Ta không thể thay đổi 180 độ trong 1 tuần, 1 tháng, thậm chí là 1 năm
Good things take time.
Vấn đề bạn gặp trong chục năm cuộc đời sẽ không thể nào biến mất sau 1 tuần đọc sách được. Nếu có cuốn sách nào đảm bảo sẽ giải quyết triệt để vấn đề của bạn chỉ sau một lần đọc… thì bạn nên cẩn thận trước khi mua.
3. Sách self-help không thể nào thay đổi niềm tin của bạn về chính bản thân bạn
Mình khá đồng tình với một luận điểm của tác giả Mark Manson về sách Self-help (một cách trớ trêu, ông là một trong những tác giả self-help nổi tiếng nhất). Sách Self-help chỉ có thể giúp những người có tư duy rằng “bản thân họ đã ổn rồi” và đọc sách self-help sẽ giúp họ trở nên tuyệt vời hơn. Còn nếu bạn tìm đến Self-help với một cái tôi vụn vỡ, và hy vọng nó sẽ “sửa chữa” bạn, thì rất nhanh thôi bạn sẽ quay trở về trạng thái trước đây của mình. Nó giống như việc bạn không thể nào hy vọng soi được hình ảnh đẹp nhất của bản thân trước một cái gương vỡ được.
Đọc Self-help với một cái tôi vụn vỡ sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn khi không làm theo được những viễn cảnh mà cuốn sách nêu ra.
Đọc Self-help với một cái tôi vụn vỡ sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn khi không làm theo được những viễn cảnh mà cuốn sách nêu ra.
Thế những điều trên liên quan gì đến phong trào bài Self-help?
Đọc đến đây chắc mọi người đã mường tượng ra cách mà phần lớn chúng ta tiếp thu self-help. Ta tìm đến chúng với kỳ vọng nó sẽ mang cho ta động lực bền vững để thay đổi bản thân. Ta cũng mong rằng nó sẽ giúp ta thay đổi chỉ sau một đêm, và vĩnh viễn thay đổi cái nhìn của ta về chính bản thân mình. Kỳ vọng lớn không được đáp ứng sẽ trở thành nỗi thất vọng ê chề, thậm chí là căm ghét. Đây hẳn là lý do phong trào bài self-help dần trở nên lớn mạnh đến vậy.
Vậy thì đọc Self-help như thế nào mới đúng?
Đầu tiên, bạn không cần áp lực bản thân là đọc sách xong thì bạn sẽ phải thay đổi ngay. Để tạo ra được một sự thay đổi bền vững, theo tác giả James Clear trong cuốn sách Atomic Habit, bạn cần phải thay đổi niềm tin vào bản thân mình.
Nếu bạn đọc một cuốn sách bảo bạn phải thiền ít nhất 30 phút mỗi ngày, và bạn cố ép mình phải làm theo đúng như thế; thì khả năng cao bạn sẽ trụ được cùng lắm là 1 tuần. Bởi vì bạn chưa tin mình là người có thể ngồi thiên lâu được, mà bạn chỉ đang cố gắng vì động lực nhất thời từ cuốn sách thôi. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào những thay đổi nhỏ mình có thể làm được. Trong ví dụ về ngồi thiền thì bạn có thể bắt đầu với việc ngồi 1 phút mỗi ngày, đến khi thấy thoải mái với nó rồi thì hãy nâng dần thời gian lên.
Cũng như việc xây dựng niềm tin với người khác, xây dựng niềm tin với bản thân cần cả một quá trình dài, đắp xây từ những điều nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, với bất kỳ bài học nào từ các cuốn sách, bạn hãy cứ chia nhỏ nó ra thành một mức mà bạn có thể làm được, và thoải mái để làm, rồi đặt mục tiêu làm nó liên tục trong một khoảng thời gian dài. Đó là phương thuốc khắc phục vấn đề động lực chống tàn của sách Self-help.
Hãy cho bản thân thời gian để xây dựng niềm tin với chính mình, một bước nhỏ mỗi ngày là đủ.
Hãy cho bản thân thời gian để xây dựng niềm tin với chính mình, một bước nhỏ mỗi ngày là đủ.
Hơn nữa, hãy tập trung giải quyết một vấn đề trong một thời điểm. Nếu bạn đọc nào là sách về giao tiếp, sách về tình yêu, sách về sức khỏe trong cùng một thời điểm thì khả năng cao là bạn sẽ không thực sự giải quyết đươc gì.
Trong một giai đoạn cụ thể (mình xem trong tập podcast về “goal setting” của Andrew Huberman thì 3 tháng là khoảng thời gian hợp lý để đặt mục tiêu), bạn chỉ nên chọn một vấn đề mà bạn gặp phải, rồi đặt những hành động cụ thể để giải quyết nó, đọc self-help chỉ là một phần nhỏ trong đó. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn trong 3 tháng tới là muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp, bạn hãy đặt ra các hành động cụ thể như là:
- Tôi sẽ đọc hai cuốn sách về chủ đề phát triển kỹ năng giao tiếp
- Mỗi ngày tôi sẽ bắt chuyện với một người mới
- Tôi sẽ đi học một khóa học về giao tiếp
Bạn có thể tham khảo chi tiết cách đặt mục tiêu qua template mà mình ăn cắp được từ khóa học “The Science of Success: What Researchers Know that You Should Know” của đại học Michigan trên Coursera.
Template từ khóa học của đại học Michigan
Template từ khóa học của đại học Michigan
Tập trung vào một mục tiêu tại một thời điểm sẽ giúp bạn tăng khả năng hoàn thành mục tiêu của mình hơn, bởi toàn bộ sức chú ý của bạn sẽ dồn vào mục tiêu này chứ không bị phân mảnh bởi rất nhiều dự định khác.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất không chỉ khi đọc sách mà khi hấp thụ bất kỳ dạng thông tin nào, đó là nên học cách phản tư. Bạn không nên tin vào bất kỳ điều gì bạn đọc được, mà cần phải suy xét xem nó có phù hợp với mình hay không. Những cuốn sách đểu được viết bởi các tác giả vô danh thì không nói làm gì, nhưng kể cả những sách nổi tiếng thì (trừ phi là được xuất bản bởi tạp chí khoa học) vẫn mang đậm quan điểm cá nhân của tác giả. Nó có thể phù hợp với cuộc đời họ, văn hóa nơi họ sống nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Nếu bạn đọc những cuốn sách về nghệ thuật tán tỉnh được viết ở nước ngoài, rồi cứ vô tư lự đem hết các cách giao tiếp rồi đụng chạm để về áp dụng tại Việt Nam thì kết cục sẽ rất cay đắng.

Kết

Giống như bất kỳ loại dinh dưỡng nào, nếu hấp thụ sách Self-help với liều lượng lớn, và sai quy cách thì ta sẽ có khả năng cao bị ngộ độc. Mình tin rằng bản chất sách Self-help không có gì phải bài trừ, mà cái chính nằm ở cách chúng ta đọc nó.
Mình phải công nhận là cách mà thị trường hiện nay Marketing các sách Self-help khiến không ít bạn nhầm tưởng chúng có thể giải quyết mọi vấn đề cho mình. Nhưng trên thực tế, sách cũng chỉ là công cụ thôi, còn người giải quyết vấn đề cho bạn chỉ có thể là chính bạn.