Các anh chị em của tui vẫn khỏe chứ? Hôm nay mình đổi không khí chuyển sang chinh phục kỹ năng mới khi nghiên cứu mảng bánh trang trí cùng Loan nha. 
Viết chữ là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng và nâng cao trong làm bánh, nhất là đối với người chuyên nghiệp. Mình cũng chỉ dám nhận là viết chữ ở dạng cơ bản, chưa được đẹp và cần luyện tập thật nhiều.

Mình muốn nhắc đến kỹ thuật khó này ngay với [beginner] vì thật lòng mà nói ai cũng muốn viết vài dòng chữ yêu thương lên trên bánh không đơn thuần là “Chúc mừng sinh nhật, happy birthday” mà còn có thể sáng tạo nhiều câu chữ hay. Nó cũng giống như sự truyền tải thông điệp lên tấm thiệp sinh nhật, mang đậm dấu ấn cá nhân. Thêm nữa mình cũng muốn khuyến khích các bạn có nghiêm túc với Bánh hay theo nghề tập luyện nghiêm túc kỹ thuật này từ sớm, vì cần đầu tư nhiều thời gian để học, không thể một sớm chiều mà tự nhiên làm ngay được. Mua nguyên liệu để tập không hề quá đắt đỏ, ứng dụng rất nhiều, chúng ta cùng thử chứ nhỉ ^^
1. Phải làm gì khi tạm thời không thể viết chữ đẹp lên bánh?
-Mua que cắm có chữ Happy birthday, dễ mà <3
-Dùng khuôn silicon có tạo hình chữ rồi đổ socola vào và gỡ ra, gắn lên bánh
- Dùng Fondant cắt chữ (chế phẩm làm từ đường nên bạn có thể tưởng tượng nó như đất nặn vậy, có thể dễ dàng cắt ra tạo hình, có bán tại các tiệm bán đồ làm bánh)
2. Chất liệu để viết chữ
Chữ trên bánh rất quan trọng, khi bạn viết là không thể sửa được trừ khi viết lên phần đế bánh. Việc tập luyện rất quan trọng. Mình sẽ điểm qua một vài nguyên liệu có thể dùng để viết chữ tại Việt Nam phổ biến nhé:
a. Bơ
Bơ thường dùng để viết lên bánh vì có độ sắc nét và đẹp, bóng.
Ở Việt Nam thường thì mọi người mua bơ Tường An hay Meizan, dùng dòng bơ rẻ, bơ thực vật được bán ở tiệm bán đồ làm bánh, vì phần chữ không tốn quá nhiều chi tiết trong bánh nên không cần tốn nhiều chi phí.
Có một số loại bơ thực vật giá rẻ (bơ thơm) mình thấy mùi hơi nồng nên mình không dùng.( Theo mình có thể mua bơ Meizan Tường An cũng được, có ở tất cả tiệm tạp hóa, giá thành chấp nhận được, không phải đi tới những nơi bán đồ chuyên dùng trong làm bánh, dùng đi dùng lại khá ổn)
Bơ dùng máy đánh trứng đánh bông lên=>trộn màu thực phẩm (có thể thêm 1-2 thìa dầu ăn nhỏ nếu quá cứng, làm mềm một chút viết sẽ có độ mềm mịn dẻo, lên chữ đẹp)
b. Dùng socola sệt/ ganache/ socola đun chảy (melted chocolate)
- Socola sệt là sao? Ở các nơi bán đồ làm bánh họ có bán sản phẩm socola đặc thù dùng trong làm bánh ở dạng sệt sánh, hơi đặc, nên cứ vậy mua về là dùng để viết chữ nhé. Cách này ở tiệm bánh họ dùng nhiều.
- Nếu không thể mua được socola sệt thì ta có thể tự pha. Mình gọi là Ganache. Thỉnh thoảng cũng nên làm quen với chất liệu này.
Ganache chính là socola và kem tươi đun cách thủy chảy ra dạng sệt. Đợi nguội rồi viết.
-  Socola đun chảy cách thủy hoặc quay ở lò vi sóng 30s/lần rồi khuấy đến khi tan hết. Chocolate rất dễ cháy nên canh nhiệt đến khi choco chảy mềm ra là vừa.
Phương pháp dùng chocolate mình xin chỉ điểm qua và sẽ hẹn viết chi tiết trong những bài tới. Với những bạn lần đầu tiếp xúc chất liệu này thì chưa nên làm vội nè, cần nắm vững lý thuyết cơ bản về chocolate và cách đun chảy (melt)
chữ mình tập với Ganache chocolate và Kem topping. Cố lắm rồi :))
c. Mứt viết chữ :  cái này mình thấy các anh chị ở tiệm có dùng nhưng hầu như mình chưa dùng bao giờ. Mua lọ mứt trong và dùng.
d. Dùng kem Topping viết chữ (đánh bông lên rồi viết)
Mình mới chỉ viết được chữ thường, còn chữ nghệ thuật thì chịu thua
e. Shortening (là mỡ trừu, sản xuất từ dầu thực vật)=>đánh bông+ màu thực phẩm +dầu ăn (Cũng tương tự như bơ)
- Loại này chỉ bán ở các tiệm chuyên đồ làm bánh vì sử dụng riêng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Giá thành rẻ.
Thường sử dụng để tập luyện, bắt hoa viết chữ. Màu trắng. Shortening thêm dầu ăn cho mềm viết cho dễ, dẻo.
-Shortening bảo quản nơi thoáng mát, có thể để ngoài với nhiệt độ không quá nóng nhé.
Lâu lắm mình không mua shortening vì nó rất mỡ, rửa đồ phải nói là kinh khủng, lấm lem khó rửa, phải tráng qua nước sôi, còn mỡ hơn bơ ấy nên hồi tập mình hơi lười dùng. Chắc khỏi cần rửa cũng được J)
3. Lưu ý khi viết chữ
- Cho một lượng kem vừa đủ trong lòng bàn tay, không để lượng kem quá nhiều khó bóp kem và không kiểm soát được chữ viết.
- Viết chữ tay nào thì tay còn lại sẽ đỡ tay đó để viết chữ, tránh tình trạng run tay, viết không đều.
- cắt túi kem với ngòi nhỏ xíu.
-Đặt túi bắt kem gần sát bánh nhưng không được chạm vào bánh, tì tay lên bánh, không đặt tay quá xa viết chữ bị mất kiểm soát hay quá gần chữ viết cào lên bánh.
- Cầm túi bắt kem ở tình trạng căng túi. ( Túi căng phồng cầm chắc tay hơn, tips của các tiền bối làm bánh, mình đã check và đúng là viết ổn hơn)
- Ban đầu nên tập viết chữ phông thường (happy) hoặc chữ in hoa (HAPPY) sẽ dễ hơn, nâng cao có thể viết chữ nét thanh nét đậm hay bay bướm nghệ thuật tùy vào khả năng của bạn.
- Kiểm soát lực bóp kem ở tay, cố gắng không viết chữ ngả nghiêng (mình viết chữ toàn lên lên xuống xuống chẳng theo hàng haha)
- Tips hài hước của mình : Lúc tập viết chữ hít thở nhẹ nhàng, thậm chí nín thở nhẹ vì sợ rung rinh =))
***
Mình nghĩ không hẳn là cần chữ quá cầu kỳ bay bướm, miễn là dòng chữ trông dễ nhìn là đã hoàn thành mục tiêu. Bạn có thể tham khảo dòng bánh Hàn #letteringcake, sử dụng chính những con chữ làm nổi bật lên bánh, nên chúng mình học ổn kỹ thuật này cực kỳ ích lợi.


Mong các bạn và các em cùng gắng học tập với mình nhé. Mình tin rằng có chăm chỉ sẽ có thành quả. Mình thấy chặng đường chinh phục còn khá là dài, học mãi vẫn thấy còn non kém, hy vọng mình sẽ chạy đua tới đích và đưa các bạn, các em có cùng đam mê nghiêm túc đi cùng với mình. <3
Trân trọng cám ơn độc giả đã ủng hộ mình trong những bài viết vừa rồi. 
Hà Nội lập đông 27/11/2020, lại sắp qua một năm mới.